18/06/2018, 17:01

Vũ Hộ- Khai quốc công thần nhà Mạc

Mạc Đăng Dung- Tranh của Phan Thanh Nam Vũ Ngọc Phương Vũ Hộ ( 1480 – 1534 ), sau vì có công lớn với Nhà Mạc được đổi sang quốc tính là Mạc Bang Hộ , là Công thần khai quốc nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Sự nghiệp của ông được ghi trong cả sử sách Việt Nam và thư ...

mac-dang-dung

Mạc Đăng Dung- Tranh của Phan Thanh Nam

Vũ Ngọc Phương

Vũ Hộ (1480– 1534), sau vì có công lớn với Nhà Mạc được đổi sang quốc tính là Mạc Bang Hộ, là Công thần khai quốc nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Sự nghiệp của ông được ghi trong cả sử sách Việt Nam và thư tịch Trung Quốc. Ông là nhân vật lịch sử được đánh giá cao cả về tài võ nghệ, mưu lược quân sự và tài kinh bang tế thế. Khi ông làm Đại thần đứng đầu triều Mạc thì kinh tế xã hội dưới Triều Nhà Mạc phát triển ổn định, sau khi ông từ trần, nhà Mạc cũng suy vong rồi bị diệt. 

Vũ Hộ có tên tự là Trung Phụ, người trang Du Lễ, xã Cung Hiệp, huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Họ Vũ của ông cùng Chi Họ Vũ đã sinh ra Bát Hải Đại Vương Vũ Hải đời Nhà Trần. Từ thời trẻ ông là người có tài mưu lược tinh thông binh pháp,có sức khoẻ và giỏi võ nghệ. dưới triều vua Lê Uy Mục ( người đương thời gọi là Quỷ Vương) vốn tàn ác ham điều bạo người, thích giết người làm vui, nên giặc giã nổi lên khắp nơi. Lê Uy Mục sợ nguy cho tuyển người vũ dũng làm võ sỹ bảo vệ cung cấm ( Quân túc vệ). Năm Đinh Mão (1507), Vũ Hải  lúc đó 29 tuổi được thí tuyển võ vào làm túc vệ, sau đó nhờ tài thao lược, vũ dũng hơn người, ông được thăng lên Đô Hiệu uý.                                                  

Cuối thời Lê Sơ, việc triều chính ngày càng thối nát, nhất là từ thời vua Lê Uy Mục

( 1505 – 1509). Lê Uy Mục giết cả Tổ Mẫu là Bà Thái Hoàng Thái Hậu và các Đại thần Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật, hàng đêm vui chới với các cung nữ, say rồi giết đi, không biết gì chính sự. Nhiều người bỏ quan trốn đi, tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (1509) Giản Tu Công là Oanh cháu vua Lê Thánh Tông cầm quân giết Uy Mục và Hoàng Hậu Trần thị tự lên ngôi là Lê Tương Dực. Tương Dực cũng tàn ác, ăn chơi không kém gì Uy Mục, sai Vũ Như Tô làm điện 100 nóc,… người đương thời gọi Tương Dực là Vua Lợn. Nhà Lê suy tàn vì triều đình rối loạn, quan lại tham ác, lại thêm mất mùa liên tiếp dân nổi lên khởi nghĩa khắp nơi. 

Trong thời loạn vẫn còn mấy Đại thần là Binh bộ Thượng thư Vũ Quỳnh viết xong bộ Đại Việt Thông giám 26 quyển. Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản có công đánh giặc, vì bị gièm phải tội, tức giận cùng với các Đại thần Lê Quảng Độ và Trình Chí Sâm đem quân đánh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực. Sau khi vào cung, các quan bàn lập vua trái ý Trịnh Duy Sản đều bị chém ngay tại Nghị sự đường. Sản lập vua Quang Trị mới 8 tuổi, được 3 ngày bị Trịnh Duy Đại là anh Sản bắt vua giết đi, Trịnh Duy Sản lập con Cẩm Giang Vương là Ỷ làm vua Lê Chiêu Tông. Trịnh Duy Sản lại bị Trần Cao giết. 

Vũ Hộ cầm quân đánh Trần Cao thua chạy về Lạng Nguyên, Trần Cao phải cắt tóc đi tu để trốn nạn. Vũ Hộ dẹp yên được các cuộc loạn nên được Lê Chiêu Tông phong chức Quỳnh Khê Bá. Năm Tân Tỵ (1521), ông được phong làm Quỳnh Khê Hầu. 

Bấy giờ nước loạn, Mạc Đăng Dung vốn làm nghề đánh cá, tài võ lược, thi được Đô Lực sỹ, sau làm đến Đô Chỉ Huy sứ tước Vũ Xuyên Hầu. Mạc Đăng Dung cầm quân dẹp hết loạn đảng rồi đưa vua về Thăng long, tự minh cầm quyền chính trong triều đình. Vua Lê Chiêu Tông thấy vậy mưu ngầm cùng bọn nội thần là Phạm Hiến, Phạm Thư đánh Mạc Đăng Dung, lại cho người vào Tây Kinh ( Thanh Hóa) gọi Trịnh Tuy mang quân làm ngoại ứng. Lê Chiêu Tông đang đêm trốn chạy ra Sơn Tây. Mạc Đăng Dung cùng các quan lập Hoàng đệ Xuân làm vua, hiệu là Lê Cung Hoàng. Thành ra một nước có hai vua Lê, các quan Đại thần lấy danh nghĩa để đánh nhau khốc liệt. 

Mùa Hạ, tháng 7 năm Nhâm Ngọ  (1522), Lê Chiêu Tông trốn ra Mộng Sơn kêu gọi Cần Vương, các nơi theo về rất nhiều. Mạc Đăng Dung không địch nổi mang vua Cung Hoàng chạy về Gia Phúc (nay là Gia Lộc) tỉnh Hải Dương. Lê Chiêu Tông làm mật chiếu gọi Vũ Hộ đang trấn thủ Sơn Tây về cứu giá. Vũ Hộ thấy nội bộ vua Lê Chiêu Tông bất hòa, lừa giết lẫn nhau, lại vốn Vũ Hộ có con trai là Vũ Huấn lấy em gái Mạc Đăng Dung nên còn tình thông gia nên đã cầm toàn quân về giúp Mạc Đăng Dung đánh lại quân cần vương của Lê Chiêu Tông thua chạy. Được Trịnh Tuy và Trịnh Duy Tuấn đem hơn vạn quân ra cứu, Chiêu Tông lại nghe lời gièm của Phạm Điền bắt giết  Nguyễn Bá Kỷ. Trịnh Tuy tức giận bắt Lê Chiêu Tông mang về Thanh Hóa. 

Nhờ dũng cảm, tài thao lược, nhiều lần lập công, Vũ Hộ được thăng làm Đô đốc đồng tri, Chỉ huy sứ vệ thiên võ. Ít lâu sau ông chuyển về làm Đô đốc thự vệ sự, được ban hiệu Đồng Đức Công thần.Vũ Hộ đi chiêu mộ thêm binh sĩ, mang quân đón đánh quân cần vương của Chiêu Tông ở bến sông Nhị Hà (sông Hồng). Quân cần vương ra chống cự đều bị Vũ Hộ đánh bại. Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1522), Trịnh Tuy ép xa giá vua Chiêu Tông vào Thanh Hoá. Vũ Hộ theo Mạc Đăng Dung đánh dẹp lực lượng cần vương còn lại ở Bắc bộ. Đến năm Giáp Thân ( 1524) , Mạc Đăng Dung đem quân vào Thanh Hoá, đánh bại Trịnh Tuy thua trận rồi chết, bắt được vua Lê Chiêu Tông mang về giam ở Đông Hà (huyện thọ Xương) rồi giết đi. Năm Ất Dậu (1525), Vũ Hộ được thăng chức Tả Đô đốc Tây quân, sau đó đổi làm Thượng thư Bộ Binh Chưởng Bộ sự, gia phong là Đồng Đức tán trị Công Thần Thiếu bảo, tước Từ quận Công ( Thái sư ). 

Sau khi đã đánh dẹp hết các lực lượng chống đối và giết Lê Chiêu Tông (1526), năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung phế Cung Hoàng tự lập làm vua, tức là Mạc Thái Tổ. Vũ Hộ là Đại thần đứng đầu triều đình đã đưa ra các chính sách đối nội cải cách tiến bộ miễn giảm thuế cho dân, thu thập dân lưu tán, khai khẩn ruộng đất hoang phế, miễn tô thuế cho dân, tổ chức hệ thống quân đội, quan chế từ Triều đình kinh đô Thăng Long xuống đến tỉnh, huyện, xã, nghiêm cấm quan lại sách nhiễu dân,… khiến cho chỉ sau có mấy năm kinh tế phát triển, dân chúng no đủ, không còn nạn trộm cướp. Đêm nhà không phải đóng cửa, của rơi được trả cho người mất,…. Đây là một cuộc Cách mạng về kinh tế, chính trị rất lớn trong thời Phong kiến Việt Nam, Đại Việt Thông sử đã ghi rõ việc này. Đồng thời, Vũ Hộ còn định kế sách cho việc giữ nước, yên dân. Mặt ngoài thì thực hiện chính sách đối ngoại nhún nhường với Nhà Minh để không xâm lấn bờ cõi Đại Việt. 

Vũ Hộ vì có công đầu giúp khai sáng Nhà Mạc, phù giúp vua Mạc trong lúc gian nan nên được đổi sang Quốc tính họ vua Mạc và tên là Bang Hộ, thăng lên chức Thái Bảo, Tĩnh quốc Công, những phẩm hàm trước vẫn như cũ. Con trai ông là Vũ Huấn (chồng công chúa Tú Hoa) cũng được ban Quốc tính đổi họ là Mạc Bang Huấn

Đầu năm Mậu Tý (1528), ông lại được gia phong làm Thiếu Bảo phụng Triều thỉnh.

Năm Tân Mão, tháng Giêng (1531), do Trịnh Duy Liêu sang tâu vua nhà Minh việc nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Minh đe doạ sang đánh Đại Việt. Phía nam, các lực lượng ủng hộ nhà Lê bắt đầu nổi dậy. Nhà Mạc phải đối phó với nguy cơ từ thù trong, giặc ngoài rất nguy cấp. Vũ Hộ được cử làm Tả Đô đốc Tây quân Chưởng Phủ sự lo việc phòng giữ đất nước và biên ải phía Bắc để phòng Nhà Minh xâm lấn. Vũ Hộ được gia phong Khai Phủ Nghi đồng Tam ty, Bình Chương Quân quốc Trọng sự, Thừa tướng Thượng tể coi quản tất cả công việc triều đình Nhà Mạc. 

Mạc Đăng Doanh là con trưởng Đăng Dung, buổi đầu thời Quang Thiệu, được phong tước Dục mỹ hầu, giữ điện Kim Quang. Khi Mạc Đăng Dung lập Nhà Mạc, làm Mạc Thái Tổ phong cho Đăng Doanh là con trưởng làm Thái Tử. Sau khi Đăng Dung lên ngôi được 3 năm, vì sợ nhân tâm chưa ổn định, Năm Canh Dần (1580) mồng một tháng giêng, ngày Đinh Hợi,bèn truyền ngôi cho Đăng Doanh. Đăng Doanh đổi niên hiệu là Đại Chánh, tôn bà nội Đặng Thị làm Thái hoàng Thái, Đăng Dung làm Thái Thượng hoàng. 

Năm Giáp Ngọ (1534), niên hiệu Nguyên hòa thứ 2 nhà Minh sai Hàm Ninh Hầu Bí Loan, và Binh Bộ Thượng thư Mao Bá Ôn, dẫn quân đến cảnh thổ nước ta, lấy danh là đến đánh họ Mạc, khôi phục Nhà Lê, nhưng kỳ thực là xâm lược nước ta. Đăng Doanh bèn lo tu sửa chính trị, quân lương, luyện tập tướng sỹ,… Lại làm hịch trưng cầu hết thẩy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước. Lúc này Vũ Hộ đã về trí sỹ, vua Mạc bèn phục chức cho Thái Bảo Vũ Hộ làm Tây quân Tả Đô đốc Chưởng phủ sự, để vào triều đình bàn việc chính sự. 

Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1534) , Vũ Hộ bị bệnh và mất, thọ 54 tuổi. Lúc đó Mạc Thái Tông Đăng Doanh đang đi đánh lực lượng phù Lê ở Thanh Hoá, hoàng thái tử Mạc Phúc Hải làm giám quốc, thấy ông có nhiều công lao, ban cho 500 quan tiền tuất.

Tháng 11 năm Giáp Ngọ (1934), Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung truy phong cho ông thuỵ là Đảng Lượng, cho xây đền thờ ông ở quê nhà và ở Thăng Long. Năm Tân Sửu (1541) Mạc Thái tổ Đăng Dung chết. Sau khi Nhà Lê được Chúa Trịnh chấn hưng cơ nghiệp chiếm lại Thăng Long “ Bình An Vương giúp vua Lê Thế Tông khôi phục nhà Lê giết hết ngụy đảng, đem quân về Cổ Trai phá hết cung điện, hủy bia đá, chặt hết cây trồng trong lăng ( Mạc) – Đại Việt Thông sử, Lê Quý Đôn). Các đền thờ, di tích của Triều Mạc bị đốt phá hết, trong đó có các đền thờ Vũ Hộ. Con cháu nhà Mạc phải đổi họ, tản mát khắp nơi để tránh sự trả thù của triều đại mới.

Sử thần Lê Quý Đôn nhà Hậu Lê ghi trong Bộ Đại Việt Thông sử đã đánh giá rất cao vai trò của Vũ Hộ trong việc giúp Mạc Đăng Dung lập nên Vương triều Nhà Mạc:Trong khoảng những năm Quang Thiệu, Thống Nguyên (1516-1527), Vũ Hộ trấn giữ một trấn quan trọng, nắm giữ quân đội mạnh, chống lại chiếu mệnh của thiên tử, cùng với Mạc Đăng Dung liên quân chống đối triều đình. Cho nên việc giặc Mạc cướp ngôi thực là nhờ vào Vũ Hộ mà ra”.

Ngày nay, với cách nhìn khoa học, khách quan, công bằng về lịch sử Việt Nam thời kỳ này đã xếp Nhà Mạc vào một thời đại Vương Triều chính thống trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính yếu góp phần làm thất bại Vương triều Nhà Mạc chính từ tư tưởng Trung Quân ngu tín của giáo dục Nho giáo của gần hết người Việt dưới thời phong kiến.

Sau khi Thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Để đào tạo một hệ thống người bản xứ phục vụ cho lợi ích của Pháp trong chính sách bóc lột, khai thác thuộc địa tàn ác,Thực dân Pháp đã đưa vào Việt Nam hệ thống giáo dục Phương Tây và Văn minh công nghiệp, xóa bỏ các khoa thi và tư tưởng Nho giáo, đồng thời thi hành chính sách sử dụng chữ Quốc Ngữ đã được các Nhà truyền giáo phương Tây kết hợp chữ Việt cổ, chữ Bồ Đào Nha và La tinh. Chính hệ quả không mong muốn của Thực dân Pháp đã truyền bá Dân chủ Tư sản ở Việt Nam, chính sách này đã làm xuất hiện cả một thế hệ Trí thức kiệt xuất người Việt được tập hợp lại dưới ngọn cờ của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Đây chính là nguyên nhân sâu sắc nhất thắng lợi Cách Mạng Tháng 8/1945 và cũng giải thích tại sao hàng trăm cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Văn Thân yêu nước với tư tưởng Nho giáo thất bại. Quy luật lịch sử của tiến hóa chỉ ra rằng chiến thắng không thể hoàn toàn dựa vào nhiều tiền, nhiều quân lực, mà luôn thuộc về Bên nào có Trí thức phát triển cao hơn Trí thức đối kháng sẽ thắng thế.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta không khỏi thương cảm cho những Nhà Chính trị cải cách lỗi lạc như Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly, Vũ Hộ, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Thận Duật,… sinh không gặp thời, chết không đúng lúc!

Tại Hải phòng đã phục dựng lại đền thờ Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung tại thôn Đài Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng có rất nhiều di vật, cổ vật được con cháu họ Mạc cất giữ. Tại đây có một di vật đã trên 500 tuổi, gắn liền với cuộc đời của Thái tổ Nhân Minh Cao hoàng đế Mạc Đăng Dung, vị vua sáng lập Vương triều Mạc, đó là thanh Định Nam đao (còn gọi là Đại đao) được đặt thờ trong điện chính. Một nhánh của họ Mạc trốn nạn tru diệt của Chúa Trịnh đã đổi thành họ Phạm, về ẩn ở làng Ngọc Tỉnh (nay thuộc thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, Nam Định) đã lưu giữ được thanh long đao của Mạc Thái Tổ, mang thờ ở từ đường họ mình. Đến đời vua Minh Mệnh triều Nguyễn (1821-1840), khi Phan Bá Vành ở làng Minh Giám (nay thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình) nổi lên chống lại triều đình. Bá Vành nghe tin về thanh long đao linh thiêng này, muốn lấy làm vũ khí, nhưng con cháu họ Mạc (Phạm) ở Đồng Tỉnh đã kịp thời chôn giấu, để rồi 500 sau đưa về thờ tại Đền Nhà Mạc.

Nhắc đến cuộc cách mạng chống tham nhũng bạo tàn cuối Nhà Lê Uy Mục, Tương Dực 1505 – 1509 Thế kỷ thứ XVI của Vương Triều Nhà Mạc không thể không nhắc đến Nhà quân sự, chính trị, kinh tế lỗi lạc Vũ Hộ. Không có ông thì cuộc cách mạng của Mạc Đăng Dung chắc chắn thất bại. Ảnh hưởng của Vũ Hộ có tính quyết định cho sự tồn vong Nhà Mạc nên sau khi Vũ Hộ qua đời thì Nhà Mạc cũng bắt đầu suy tàn rồi diệt vong.

Sau nhiều biến động dữ dội của lịch sử Việt, ngày nay Vương triều Mạc đã được xác nhận đúng giá trị thực trong lịch sử cuối Lê trước Trung hưng của Nhà Hậu Lê, tại Hà nội – Việt Nam có đường mang tên Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông.

Hà nội, ngày 25 tháng 9 năm 2014

 

 

 

 

0