18/06/2018, 16:10

Việt gian bán nước trong lịch sử (bài 3)

Luận tội ông Ngô Nhật Khánh Nguyễn Ngọc Lanh Nhân cách, ý chí: Đáng khâm phục Về phẩm cách, ông là con người có niềm tin sắt đá và thực hiện chủ định của mình với ý chí không gì lay chuyển nổi. Với loại người này, đối thủ khi bắt được ông nếu không thể lung lạc, mua ...

 Luận tội ông Ngô Nhật Khánh

12_Su_quan

Nguyễn Ngọc Lanh

Nhân cách, ý chí: Đáng khâm phục

Về phẩm cách, ông là con người có niềm tin sắt đá và thực hiện chủ định của mình với ý chí không gì lay chuyển nổi. Với loại người này, đối thủ khi bắt được ông nếu không thể lung lạc, mua chuộc, sẽ không thể tha mạng sống cho ông. Và càng không thể không kính phục và sợ hãi. Bà mẹ ông được vua Đinh chọn làm hoàng hậu đã sinh thái tử Đinh Hạng Lang, như vậy có lẽ ông trẻ nhất trong số 12 sứ quân, và trẻ nhất trong số những người được vua Đinh ưu ái để mua chuộc. Cuộc sống vàng son 10 năm ở cung điện không làm mòn quyết tâm và làm nhụt chí hướng của ông. 

Có được nhưng phẩm cách nói trên, hẳn do bản tính con người. Nhưng chưa đủ. Còn phải do những gì đã thấy, đã từng trải, có tác dụng củng cố bản tính.

Những gì ông thấy tận mắt

Sử của ta viết về thời loạn 12 sứ quân đã ca ngợi quá mức (tâng bốc) người chiến thắng (Đinh Bộ Lĩnh) – và theo thói quen khó bỏ – một cách rất quen được sử dụng là chê bai, lên án những người chiến bại. Không có bằng chứng nào để nói rằng các sứ quân đánh nhau “liên miên”, đến mức gây “loạn” cả nước. Lịch sử kê ra 12 sứ quân, nhưng riêng Đinh Bộ Lĩnh – xứng đáng nhất – lại được đặt ra ngoài danh sách. Thực tế, như sử đã viết, ông này công khai cát cứ (chiếm giữ Hoa Lư) và bất phục triều đình ít nhất 24 năm. Cứng đầu đến thế mà không gọi là cát cứ? Ban đầu, ông bất phục Dương Tam Kha (tiếm ngôi 6 năm) và sau đó bất phục cả Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập (lấy lại được ngôi, làm vua 15 năm). Vừa lấy lại ngôi, hai vua đã đi đánh Hoa Lư – nói lên hai vị đã sớm nhìn ra đây chính là mầm mống gây loạn. Nhưng họ Đinh đã chống trả quyết liệt, bất chấp tính mạng con trai (Đinh Liễn) bị đe dọa. Đến thế mà sử học nước nhà vẫn không coi họ Đinh là sứ quân. Thì ra, ngay từ đầu, sử sách đã dành sẵn cho người chiến thắng vai trò “dẹp loạn”, cứu đời. Cũng chính là sử nước ta cho biết, trong ba năm loạn lạc, chỉ toàn thấy Đinh Bộ Lĩnh đi đánh khắp nơi và các nơi bị đánh chỉ lo tự giữ.

Chú thích. Đinh Công Trứ được phong chức Thứ sử là nhờ có công lớn giúp Ngô Quyền. Ông mất sớm, con ông là Đinh Bộ Lĩnh phải theo mẹ về quê ngoại. Chăng hiểu được dạy dỗ ra sao, lớn lên ông rất… ngỗ nghịch. Ở với chú, chăn trâu cho chú thì… mổ trâu khao bạn. Nhiều chuyện thời niên thiếu của ông được sử sách nói lại với mục đích báo trước chí hướng ngang dọc, tung hoành của ông. Nay đối chiếu lại, ông quá đủ tiêu chuẩn để “trở thành” học sinh cá biệt. Sử cũng mô tả những chiến công, để thể hiện tài năng, đảm lược “đánh đâu thắng đấy”, nhưng rốt cuộc lại tố cáo ông là tác nhân gây gổ khắp nơi.

Nay đọc lại sử, điều vô lý thấy ngay. Không những ngay cả các vị trung thần thời Ngô Quyền cũng bị sử Việt nhét vào cái rọ “mười hai sứ quân” – ví dụ, tướng quân Đỗ Cảnh Thạc, trước đây có công lớn thời Ngô Quyền, nay lại có công to giúp Xương Văn giành lại ngôi vua từ Tam Kha; rồi lão tướng Phạm Chuyên (và con cháu ông), rất thân với Ngô Quyền, sau này che dấu con vua (Xương Ngập) khỏi sự ám hại của Tam Kha; nay cũng thành sứ quân (!)… Mà ngay cả thái tử Ngô Xương Xí, một người đủ chính danh để lên ngôi vua, sao cũng (vô lý) bỏ kinh đô đi làm sứ quân?.

Sử sách viết gì là chuyện sau này. Sự thiên lệch là từ những người viết sử của hậu thế. Chúng ta đọc sử, thấy tin hoặc chưa tin, chứ Ngô Nhật Khánh không biết những gì mà sử đã viết về mình và thời của mình. Nhưng ông thấy tận mắt chính Đinh Bộ Lĩnh gây “loạn”, đi đánh khắp nơi, còn bản thân ông và những người khác chỉ lo cố giữ lấy cơ nghiệp đang có; kể cả cách thấp nhất là xưng danh tước vua ban để tỏ ra mình chính nghĩa. Ngày nay, đọc sử, ai cũng thấy Ngô Nhật Khánh bị coi là cát cứ (chống triều đình) thật là lạ. Ông là tôn thất (họ vua), ngay khi còn rất trẻ ông đã được vua phong tước “công” và tín nhiệm về lòng trung thành, được cử trấn nhậm Đường Lâm – quê vua. Là tôn thất, nếu chống triều đình khác gì tự sát? Nơi ông trấn nhậm này rất gần Cổ Loa, rất thuận tiện bảo vệ kinh đô trong mọi tình huống khẩn cấp. Đường Lâm chỉ là tên một xã, chỉ là nơi ông đặt nhiệm sở, nhưng vùng mà ông cai trị (xứng với danh tước) phải lớn hơn nhiều. Số thuế thu được trong vùng phải đủ để duy trì cả một đạo quân đã từng theo ông về cứu kinh đô khi Lã Xử Bình muốn chiếm ngôi. Công và tội cứ lẫn lộn trong khi viết sử (để chúng ta đọc); chứ Ngô Nhật Khánh thấy rõ: chính họ Đinh cướp ngôi.

Sai lầm do thiên kiến. Và do chỉ dựa vào sử Tàu

Chuyện này không liên quan tới hành vi của Ngô Nhật Khánh. Xem lại, để biết vì sao sử sách kết luận quá sai ngược với thực tế. Thiên kiến và ưa ca ngợi kẻ thắng chỉ là một nguyên nhân, dù là nguyên nhân xuyên suốt chiều dài ngàn năm. Còn nguyên nhân của nguyên nhân là chủ nghĩa dân tộc. Tâm thức dân ta là tự ty (nhược tiểu) nên cần phải viết sử sao cho đẹp, cho oai. Nhưng nói thêm sẽ lạc đề. Còn chuyện coi các công thần, tướng ta của triều Ngô là “sứ quân” (đánh lẫn nhau và muốn cướp ngôi), té ra, là dựa vào sử liệu của Tàu. Quả thật, phía ta chẳng có tư liệu gì ghi lại về những sự kiện thời đó. Các nhà viết sử hậu thế đành phải tham khảo sử Tàu. Sử Tàu lại chép lẫn của nhau, dù có tham khảo nhiều tư liệu, chung quy vẫn chỉ là một. Nhưng dựa vào đâu mà sử Tàu viết sai (thực tế, thời đó chẳng có người Tàu nào sang ta để trực tiếp chứng kiến sự việc). Ví dụ, sử Tàu viết (được bệ nguyên vào sử ta): Khi Ngô Xương Văn tử trận, một tướng có công, họ Lã, nên được ban họ vua, gọi là Lã Xử Bình đang theo vua đi chinh phạt, liền nắm lấy đại quân, muốn xưng vương. Các tướng khác như Kiều Tri Hữu ở châu Phong, Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động, Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm… cũng kéo về tranh chấp ngôi vua. Tất cả đều bị Đinh Liễn dẹp tan

Viết như trên, té ra, Đinh Liễn rất trung thành với triều Ngô, rất có công. Còn mấy người “bị dẹp tan” là phản bội, bị Đinh Liễn trừng trị. Thế là bọn này thành sứ quân (!). Một giả thuyết có cơ sở cho rằng tình hình mà sử Tàu ghi lại là nội dung do chính Đinh Liễn… sắp xếp có chủ ý để trình bày với vua Tàu, kèm theo lễ vật rất hậu hĩnh và thái độ cực kỳ cung kính. Chả là, năm 972 Đinh Liễn được vua ta cử sang thuyết phục vua Tàu, mà mục tiêu phải đạt là: 1) vua Tàu thừa nhận triều Ngô đã hết, 2) nay cần công nhận triều Đinh và phong chức – tước. Quả nhiên, sau đó, vua nhà Tống sai người sang phong cho vua ta làm Giao Chỉ quận vương và cho Đinh Liễn làm Tiết Độ Sứ. Như vậy, Đinh Liễn đã hoàn thành vượt mức sứ mệnh được giao. Chỉ có điều, ở trong nước vua Đinh muốn xưng hoàng đế: xin cứ việc; muốn đặt tên nước là Đại Cồ Việt: xin cứ đặt; nhưng tuyệt không dám nói như vậy khi vị sứ giả Đinh Liễn quỳ trước vua Tống. Trong sắc phong chính thức (quỳ lạy để nhận) nước ta vẫn là quận Giao Chỉ của Tàu, chức vẫn là Tiết Độ Sứ như xưa…

Nếu chúng ta là sứ thần, có lẽ chúng ta cũng trình bày như sử ta đã viết, nghĩa là trái với sự thật mà Ngô Nhật Khánh đã thấy tận mắt, thậm chí bản thân ông đã trải qua. 

Bả vinh hoa, bùa phú quý

Ngô Nhật Khánh thấy rằng ngôi vua phải thuộc về họ Ngô, với chiến công mở ra nền độc lập cho nước nhà. Hậu sinh chúng ta bị các nhà viết sử thuyết phục, chứ Ngô Nhật Khánh tận mắt thấy họ Ngô chống xâm lược, còn họ Đinh gây nội chiến. Công và tội khác nhau như trắng và đen. Do vậy, ông coi việc họ Đinh thôn tính cơ nghiệp họ Ngô là phi nghĩa, bất chính; là kẻ thù không thể chung sống. Ai khuất phục, chứ ông thì không!

Nếu chúng ta có thói quen chê cười những người ăn phải “bả vinh hoa”, hay “bùa phú quý” mà quên lý tưởng, chí hướng, ắt  chúng ta phải khâm phục Ngô Nhật Khánh. Nhà Đinh mua chuộc ông tưởng đã ở mức tột đỉnh: Mẹ ông trở thành hoàng hậu, bản thân ông trở thành phò mã (em rể Đinh Liễn), em gái ông trở thành vợ hoàng tử Đinh Liễn. Cả nhà hưởng vinh hoa, phú quý; nhất là khi bà mẹ ông sinh ra thái tử Đinh Hạng Lang – rất được vua yêu quý. Nhưng, tất cả, ông vẫn chỉ coi là “bả” và “bùa” mà không quên mối thù dòng họ Ngô bị tước đoạt cơ nghiệp.

Dã man?

Có người viết: Ngô Nhật Khánh “xẻo má” vợ. Đó là sự dễ dãi, nông cạn, do lòng yêu ghét hoặc do chưa hiểu vấn đề. Xẻo má và rạch mặt là hai việc khác nhau. Lệ xưa thế này: dùng mũi nhọn của dao (hoặc kiếm) rạch nông lên mặt (thường là trán; đủ để thành sẹo vĩnh viễn) để cảnh báo, để nói lên quyết tâm, ý chí… Sứ thần nhiều nước cũng bị triều đình đối thủ làm như vậy, rồi đuổi về – như một thông điệp cự tuyệt mọi thương thuyết. Ngô Nhật Khánh đã làm như vậy với mục đích gửi một thông điệp sắt đá tới họ Đinh. Hiểu vậy, vấn đề sẽ đơn giản hơn là tán rộng về… sự dã man (!).

Hiểu tâm lý Ngô Nhật Khánh, sẽ cắt nghĩa được hành động của ông. Người xử sự cần tự đặt mình vào hoàn cảnh khi xưa, để xem… nếu chính mình là Ngô Nhật Khánh, mình sẽ hành động ra sao

Luận tội

Phẩm cách một người là chuyện cá nhân, có thể đáng khâm phục. Mà khâm phục một cá nhân cũng là chuyện cá nhân nốt. Lợi ích dân tộc mới là cao nhất, nhưng thời đó khái niệm dân tộc còn rất sơ sài. Dẫu vậy, hậu thế lên án Ngô Nhật Khánh, là đúng. Đời sau khen Mạc Ngọc Liễn (đặt lợi ích dòng họ thấp hơn lợi ích dân tộc, rất đúng. Và hậu thế ca ngợi đức thánh Trần (quên thù riêng) càng đúng.

Lên án Ngô Nhật Khánh mức nào?

Ông có phải là Việt gian không?

Đến lúc ấy, họ Đinh làm vua đã hàng chục năm. Nhà Tống đã thôi nhòm ngó nước ta. Trong nước đã hết chống đối. Những bậc cao tăng uy tín nhất đã ủng hộ triều đình, kể cả vị tôn thất với Ngô Nhật Khánh là Ngô Chân Lưu. Lòng người đã quy tụ. Muốn đảo ngược tình hình, hãy tự làm ở trong nước. Nếu có chính nghĩa, được nhiều người theo sẽ thu phục được nhân tâm (lòng người), sẽ lấy lại ngôi. Tóm lại, Ngô Nhật Khánh có thể mộ quân, chống triều đình dưới lá cờ “diệt Đinh, phục Ngô”. Nhưng, thời thế đã khác. Ông tự thấy không làm nổi. Còn việc sang Chiêm Thành nhờ nước khác phục thù cho mình là sai. Nhấn mạnh là, khi đó, nước này không phải thù địch của nước ta. Tội của ông là khéo léo xui bẩy – hoàn toàn vì thù riêng – khiến vua nước này cất quân sang đánh ta. Như vậy, ông đã chủ ý tạo thêm kẻ thù cho đất nước, để ông có đối tượng mà cộng tác. Theo định nghĩa, Việt gian là người nước ta, vì quyền lợi riêng mà cộng tác với ngoại bang thù địch… Như vậy, ông đủ tiêu chuẩn để gọi là Việt gian – mặc dù khái niệm này ra đời sau đó tới ngàn năm.

Ông có “bán nước” không? Trong tay ông chưa có nước. Địa vị chỉ là phò mã, không quyền lực, làm sao “bán” nổi nước? Nhưng hẳn là ông đã thuyết phục rất giỏi và hứa hẹn “như thật” với vua Chiêm về những quyền lợi nếu vua Chiêm giúp ông lấy lại được nước. Chúng ta không biết ông đã hứa hẹn trả công cho vua Chiêm ra sao. Cứ cho là hợp đồng đã được ký kết. Vua Chiêm đã đồng ý đánh bạc với người chưa có tiền. Quân Chiêm đã được huy động trên thực tế, đã chuẩn bị đổ bộ lên đất ta. Nhưng hợp đồng đã bị Trời phá (bão). Chưa gây hậu quả cụ thể.

Nếu Nhật Khánh không chết trong cơn bão, nếu ông không chạy thoát theo vua Chiêm, nếu ông bị vua Đinh bắt… (3 cái nếu) thì tử hình vẫn xứng với tội. Càng xứng tội, vì nước ta nhỏ, ngày đêm ngay ngáy lo bị xâm lược. Cảnh cáo nghiêm khắc mọi trường hợp rắp tâm làm Việt gian – nhất là Việt gian bán nước – là cần thiết. Thực tình, cỡ Việt gian như Ngô Nhật Khánh không lớn. Chính do vậy, dường như ông bị quên lãng khi có những cỡ Việt gian lớn hơn.

Nói thêm về Chiêm Thành

Gạ gẫm bán nước cho Chiêm Thành có lẽ duy nhất là Ngô Nhật Khánh. Đến lúc ấy, ta và Chiêm Thành chưa có cuộc thử sức nào đáng kể. Cuộc thư sức đủ lớn là sau khi Lê Hoàn lên ngôi, đem quân đánh Chiêm Thành với cái cớ “bị quấy nhiễu”. Kết quả, ta thắng to; Chiêm khiếp vía. Từ đó trở đi (trừ thời gian ngắn dưới triều nhà Trần) Chiêm Thành luôn luôn ở thế yếu, cuối cùng bị thôn tính.

Sau Ngô Nhật Khánh, hầu như không còn ai muốn làm Việt Gian bằng cách mời mọc Chiêm Thành nữa. Chuyện này đơn giản, giống như muốn bán cái gì phải xem ai là người đủ lực để mua. Thời xưa, lực như Chiêm Thành, Miên, Lào – và kể cả Xiêm… làm sao dám “mua” nước ta?. Ngu mới tìm các đối tượng này để gạ bán nước. Nói sưng sưng Nguyễn Ánh bán nước cho… Xiêm là chưa uốn lưỡi đủ 7 lần. Nghe ai nói như vậy, đã tin ngay là chưa ổn, trừ ở tuổi học sinh và phải là cháu ngoan…

(còn tiếp)

0