18/06/2018, 16:10

Việt gian bán nước trong lịch sử – vua Gia Long làm việt gian để tôn vinh vua Quang Trung

Nguyễn Ngọc Lanh Quan điểm mới nghiên cứu Lịch Sử – Tôn vinh chưa đủ. Lịch sử nước ta dưới triều Nguyễn vẫn tôn vinh anh hùng Nguyễn Huệ – người làm nên chiến công lừng lẫy Ngọc Hồi – Đống Đa. Nội dung này được dạy ngay từ bậc tiểu học; kể cả dưới thời nước ta thuộc Pháp. ...

gia-long-nguyen-hue

Nguyễn Ngọc Lanh

Quan điểm mới nghiên cứu Lịch Sử

– Tôn vinh chưa đủ. Lịch sử nước ta dưới triều Nguyễn vẫn tôn vinh anh hùng Nguyễn Huệ – người làm nên chiến công lừng lẫy Ngọc Hồi – Đống Đa. Nội dung này được dạy ngay từ bậc tiểu học; kể cả dưới thời nước ta thuộc Pháp.

Nhưng lịch sử do triều Nguyễn viết về ông rất thiên lệch, do vậy phải sửa chữa, bổ sung. Ý kiến này tuyệt đối đúng. Nhưng sửa chữa, bổ sung cách nào?

– Chỉ có một cách: Vận dụng chủ thuyết “đấu tranh giai cấp” và quan điểm “quần chúng làm nên lịch sử”. Đó là năm 1954. Đến thập niên 1960 chúng ta tiếp thu thêm quan điểm của bác Mao: “Chính trị là thống soái”, “Tất cả phục vụ chính trị”. Nghiên cứu sử học cũng phải như vậy. Đó cũng là thời điểm miền Bắc đang tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH, được dẫn đường bằng chủ nghĩa Mac-Lenin.

Chúng ta hiểu vì sao, hai vị tranh nhau ngôi báu – có thành, có bại – bỗng nhiên một vị trở thành lãnh tụ anh minh của giai cấp bị trị; vị kia thành kẻ đại diện ngoan cố của giai cấp thống trị.

Xây dựng nhân vật điển hình: Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh

Cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu có 2 mục tiêu: Đánh đuổi thực dân Pháp và xóa bỏ chế độ phong kiến (vua quan, địa chủ). Hai mực tiêu trên được cô đọng thành 4 chữ, trong khẩu hiệu Đả thực – Bài phong (các từ Hán-Việt này ngày nay rất lạ tai với những người trẻ). Làm xong “đả thực, bài phong”, miền Bắc sẽ bước vào thời kỳ xây dựng CNXH. Học sinh cấp II (nay dưới 70 tuổi) nếu không nói được như trên, không thể đủ điểm khi thi môn Chính Trị.

Tới năm 1954, “đả thực” đã xong ở miền Bắc. Cũng năm 1954, đảng CSVN thừa nhận những sai lầm (quá tả) trong Cải Cách Ruộng Đất (bài phong). Dẫu vậy, đây vẫn là thời điểm cần công khai hóa và đề cao tuyệt đối chủ nghĩa Mác-Lenin để phục vụ chủ trương đưa miền Bắc tiến lên CNXH. Điều kỳ vọng là miền Bắc sẽ ấm no, hạnh phúc; trở thành hình mẫu để đồng bào miền Nam ngưỡng vọng mà tự mình đứng lên đấu tranh đánh đổ chế độ tay sai Mỹ ở đó.

Một số nhà sử học miền Bắc cũng tìm cách phục vụ nhiệm vụ cách mạng, nhưng họ chỉ có quyền nghiên cứu quá khứ, do vậy họ đóng góp bằng cách mô tả cuộc nổi dậy ở ấp Tây Sơn (gần 200 năm trước) như một phong trào cách mạng rộng lớn, điển hình, trong đó bần-cố nông vùng dậy đấu tranh quyết liệt và đẫm máu với giai cấp địa chủ – phong kiến cực kỳ lạc hậu và phản động. Hỏi: Còn gì điển hình hơn để minh họa thuyết đấu tranh giai cấp?. Có quyển sách nhan đề Cách Mạng Tây Sơn. Hai lãnh tụ đối lập cần được xây dựng thành hai “con người mới” – chính diện và phản diện ­- với mọi đặc trưng đối nghịch nhau. Vua Quang Trung được tô hồng. Muốn cho màu hông thêm thắm, ta đặt cạnh vua Gia Long bị bôi đen kịt. Cách làm mới hay cũ?

Chú thích. – Một bên là biểu trưng của sự tiến bộ, phù hợp với xu thế thời đại (dù mới là thế kỷ 18, Mác vẫn chưa sinh ra). Thuận lợi là Nguyễn Huệ trước đó đã là anh hùng dân tộc, nay chỉ cần giao thêm cho ông nhiệm vụ làm lãnh tụ cách mạng “bài phong” là xong. Chính do vậy, dẫu thế kỷ 18 có rất nhiều cuộc nổi dậy của nông dân, nhưng chỉ phong trào Tây Sơn xứng đáng được chọn để một số nhà sử học phóng bút.

– Bên kia là điển hình của thế lực phản động, lạc hậu, tha hóa, mục ruỗng, thối nát (không đủ từ để tả) thể hiện bằng nhân vật Nguyễn Ánh – thế lực đương đầu với Nguyễn Huệ. Nhưng vẫn phải lôi cả cha-ông của Nguyễn Ánh ra bêu, vì khi nổ ra phong trào Tây Sơn thì Nguyễn Ánh còn nhỏ; chỉ biết chạy cho thoát chết. Oái oăm là rốt cuộc Nguyễn Ánh lại thắng; do vậy cần giao cho Nguyễn Ánh nhiệm vụ làm Việt Gian, đặng nói lên phong kiến và thực dân câu kết nhau (bán nước và cướp nước), cùng áp bức bóc lột dân ta. Một thuận lợi nữa, rất tốt để phục vụ nhiệm vụ chính trị trước mắt, là lúc này, chế độ ở miền Nam đứng đầu là Ngô Đình Diệm vốn là thượng thư của triều Bảo Đại (tay sai của thực dân Pháp). Chỉ cần vạch thêm: Diệm từng “thay thầy, đổi chủ”: từng tay sai phát xít Nhật, nay đang là tay sai của đế quốc Mỹ. 

Nội chiến: không thể tránh được

Hầu hết các dân tộc phải trải qua các cuộc nội chiến trên con đường phát triển, lớn mạnh. Do vậy, nhiều khi rất khó quy kết công-tội cho mỗi bên. Tuy nhiên, nếu vì nội chiến kéo dài (đã đánh là dân điêu đứng) dẫn đến nguy cơ bị ngoại bang xâm chiến, thì ai thống nhất được đất nước vẫn là có công. Thời Loạn 12 sứ quân là vậy. Đó là nội chiến, mà người khởi đầu gây loạn chính là Đinh Bộ Lĩnh, nhưng trước sự dòm ngó của nhà Tống, ông là vị vua có công thống nhất đất nước. Ông mất, lập tức nhà Tống kéo quân sang.

Xin nhớ rằng công thống nhất đất nước với công (và tội) sau khi thống nhất đất nước là hai điều khác nhau. Sau khi có cả nước, mà vua Đinh vẫn phải dùng những hình phạt rất tàn bạo (nấu vạc dầu bày ngoài sân, nuôi hổ báo ở trong vườn: để đe dọa ai chống đối) là rất bất thường. Nó có liên quan gì tới chuyện mất ngôi của ông?

Nội chiến Trịnh-Nguyễn rất khó tránh. Khi đại công thần nhà Lê (Nguyễn Kim) vừa mới mất, con rể ông (Trịnh Kiểm) đã giết con trai trưởng công thần để giành độc quyền… khiến người em (Nguyễn Hoàng) phải bỏ chạy, thì tránh sao được nội chiến? Thời nay, chúng ta không thể dùng đạo đức để khuyên Nguyễn Hoàng “nên tự mình chấp nhận cái chết cá nhân để dân tộc tránh được nội chiến”. Nhưng trong hai phe, hoặc có thêm phe thứ ba nhảy vào, nếu ai thu được giang sơn về một mối vẫn là người có công.

Số phận không dành cho Nguyễn Huệ – là điều hiện nay một số người cứ tiếc hùi hụi – mà dành cho Nguyễn Ánh. Càng đáng tiếc, khi năm 1789 Nguyễn Huệ đã xưng hoàng đế, đã được nhà Thanh chính thức phong An Nam Quốc Vương, trong khi Nguyễn Ánh vẫn chỉ là một vị chúa ở Gia Định.

Ai tiếc cứ tiếc. Đó là quyền. Nhưng viết lách thế quái nào khiến mọi người (tốn thời gian) tiếc những thứ chỉ là “lẽ ra phải thế” thì phỏng ích gì?   

Bôi bác và Tán tụng

Mãi mãi, nếu nước ta chưa gia nhập “thế giới đại đồng”, Việt Nam vẫn còn là Việt Nam, vua Quang Trung vẫn được đặt ở vị tri cao cả trong Lịch Sử nước nhà.

Vậy những gì là công lao thật sự của đức vua, nhưng bị các nhà sử học triều Nguyễn bôi bác, bịa đặt, để giảm bớt ý nghĩa và tầm vóc? Và những gì bị một số nhà sử học macxit khuếch đại thêm để biến ông thành “nhà cách mạng”?.

Đó là điều cần làm rõ. Trong xã hội phong kiến, chỉ có các triều đại tiến bộ, chứ không có triều đại cách mạng.  

– Ví dụ bôi bác. Khi vua Quang Trung viết thư cầu phong gửi vua Càn Long tất nhiên phải tự coi mình là bề tôi đang quỳ phục, dâng thư, thì trong thư phải dùng văn phong thích hợp. Dù ở An Nam ông xưng đế (cứ xưng) nhưng trong thư, ông vẫn phải dùng niên hiệu Càn Long. Thậm chí, ông tâu rằng những người dưới quyền ông đã (lỡ) giết Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống là do không nghe lệnh ông, đã bị ông… chém hết (!). Rất được lòng vua Thanh. Khi ông sang Yên Kinh, được vua Thanh đón tiếp nồng hậu, trọng thể “như tình cha con”. Chênh nhau 40 tuổi, chuyện đó có thể hiểu được. Nhưng hẳn là chuyện bịa – do sử nhà Nguyễn viết – là cái lễ “ôm gối”. Đó là vua ta quỳ xuống (tất nhiên) lê đến ngai vàng, ôm lấy đầu gối vua Thanh và nói lời chúc tụng.

Thời gian xin cầu phong, Quang Trung không thể nấn ná ở Thăng Long (vua giả đi thay) mà miền Trung, miền Nam đang rối ren, rất cần ông xử trí. Không thể có chuyện ông “đòi” lại Lưỡng Quảng. Làm sao dám có thái độ ấy. Nhiều giả định, nhưng một trong những cái có lý là Quang Trung “xin” cầu hôn, và “xin” vua Thanh nhường Lưỡng Quảng như của hồi môn. Chưa có bất cứ trả lời chính thức nào từ phái vua Thanh. Chẳng hiểu chúng ta viết lách thế nào mà người ta có cảm giác Quang Trung “quật cường” (rất gần với ngỗ ngược) bỗng dưng thay đổi thái độ – rất khác với thái độ trong thư cầu phong). Tự sướng kiểu này rất không cần thiết.

Ví dụ khác. Vua ở ngôi có hơn 3 năm, trong đó năm đầu lo chinh chiến, ngoại giao, dẹp các thế lực chống đối ngầm… Vậy hai năm sau phỏng làm được mấy việc? Lệnh ban ra, có khi nửa năm hay cả năm mới tới cấp cơ sở (cứ xem thời nay thông tin hiện đại, đủ rõ). Không thể căn cứ vào số sắc lệnh đã ban ra mà dùng cách viết để mọi người tưởng rằng nó đã phát huy hiệu lực trong cuộc sống. Ngay thời nay cũng còn lâu!.

Khái niệm “văn học thời Tây Sơn” cũng cần thể hiện chính xác, chừng mực. Vua Quang Trung có một số chủ trương (3 năm) nhưng sau đó vua Cảnh Thịnh chỉ lo tồn tại là chính. Thời Quang Trung, vua tổ chức được 01 kỳ thi Hương, Thời Cảnh Thịnh (12 năm) thì… hết thi cử. Nếu nói rằng mọi sáng tác trong 15 năm dưới triều Tây Sơn đều bắt nguồn từ chủ trương (trên giấy) của hai vua mà có, liệu có phải là nói “vơ vào”?

Phải thừa nhận, Quang Trung quyết định dùng chữ Nôm là thể hiện ý thức dân tộc rất cao. Nhưng sẽ lưỡng nan, vì chữ Nôm chính là chữ Hán bị phúc tạp hóa, học rất khó, khi đọc lại phải… . Nếu không giỏi chữ Hán thì không thể thạo được chữ nôm. Xin hãy tìm hiểu kỹ chữ Nôm để hiểu rằng chúng ta quá nan giải về chữ viết.

Chú thích. Chúng ta lưu giữ kho tàng văn học dân gian bằng truyền khẩu. Sẽ rơi rụng rất nhiều. Phải có chữ để ghi lại trên giấy. Ví dụ, câu ca dao (dưới) không thể ghi lại bằng chữ Hán; mà phải là chữ Nôm.

Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai

Có quá nhiều nguyên tắc viết chữ Nôm. Thật rắc rối. Xin đưa ra một nguyên tắc để thấy sự rắc rối. Chữ nôm thường gồm hai chữ Hán ghép lại (viết cạnh nhau), trong đó một chữ để nêu “nghĩa”, còn một chữ để nêu “âm” (cách đọc). Câu ca dao trên có chữ “nhện”. Nó sẽ thể hiện bằng chữ “nhạn” (loài chim), đọc lên lơ lớ âm “nhện”. Bên cạnh nó là chữ “trùng” (sâu bọ). Người đọc phải giỏi chữ Hán (để đọc được và hiểu được cả hai chữ). Sau đó phải… đoán: Loài sâu bọ gì mà khi đọc tên thì gần giống âm “nhạn”. À! hẳn là “nhện” rồi. 

Cần làm rõ mọi công trạng của vua Quang Trung

Vua có công đến đâu phải làm rõ đến đó. Nhiều khi lập trường giai cấp (giai kiếc) hay chính trị (chính triệc) không cần thiết bằng công bằng và công minh lịch sử.

Chỉ vì muốn đôn một vị vua ở thế kỷ 18 thành lãnh tụ cách mạng (tự thấy khó thành công) mà phải đôn cả Gia Long lên đại Việt Gian?

Cách này không mới. Đã có từ thời xa xưa khi tổ tiên ta viết về 12 sứ quân rồi.

Tham khảo :Thư cầu phong của vua Quang Trung 

Ttrích công trình khảo cứu của Nguyễn Duy Chính

(Nguyễn Ngọc Lanh chú thích thêm)

Ngày 22 tháng 2, sau khi nhà Thanh đã đánh tiếng là họ bằng lòng phong vương cho vua Quang Trung, phái bộ Đại Việt tất cả hơn 20 người, do Nguyễn Hữu Chu cầm đầu, từ Thăng Long đi lên, mang tờ biểu cầu phong đồng thời chuẩn bị lễ lạc và dự bị tiệc mừng, đánh dấu một thắng lợi vẻ vang trong bang giao giữa hai nước. 

Chú thích. Trong thư, vua tự xưng “thần” (bề tôi) và chỉ giữ chức “tiểu mục”. Vua tự kể công “phò Lê” nhưng nói xấu Chiêu Thống là “dâm bạo”… Viết gì về Quang Trung thì cứ viết, nhưng phải giữ thái độ nhất quan (như trong thư), mỗi khi Quang Trung giao tiếp với nhà Thanh. Ví dụ, thái độ khi cầu hôn, khi “xin” lại Lưỡng Quảng…
Lá thư chính thức đó nguyên văn như sau:

Nguyên văn chữ Hán

安南國小目臣阮光平堇奏為冒瀝微誠仰干天聽事,欽惟大皇帝陛下,受天明命,為萬國君,臨御五十餘年,洪恩溥洽,華夷內外,同風共貫,臣安南界居炎徼,久沐教聲。 
乃因二百年來,國王黎氏失柄,權臣鄭氏專有其國,暨前王黎維端年老,輔政前鄭氏懦,兵驕民怨,國內乖離。臣以西山布衣乘時舉事,丙午夏,興兵滅鄭,還國于黎。
其年前王謝世,又擁立其嗣孫維祁襲位。維祁為人淫暴,不恤國政,朝綱弛於內,邊釁生於外,方宜陷害忠良,誅鋤族姓,國內之臣若民,奔愬於臣,請為出兵除亂。 
臣自惟國者天朝所封之國,臣何敢自行廢置。丁未冬,遣一小將以兵問其左右之助桀者,而維祁望風宵遁,自詒伊戚。戊申夏,臣至黎城,復委前黎王之子維瑾監國承祀,經遣行价叩關,備以國情題奏。 
日者邊臣反書卻使,不即遞達。去年冬,調動大兵,出關征剿,臣遠道聞信,自念從來一片畏天事大真衷壅於上聞,令前黎王子維瑾及臣民稟文三道偕行价叩稟轅門,不料大兵真趨黎城,殺守兵甚眾。 
臣自揣進退無據,且其事總由黎維祁不道所致,於今年正月初五日進抵城下,並不敢與官兵抗拒也。乃官兵殺戮太多,勢難束手就縛,迹似抗衡,臣不勝惶懼現在已將對壘之人查出正法。 
伏惟大皇帝體天行化,栽培傾覆,一順自然,恕蠻無知之禍,諒款關籲奏之誠,樹牧立屏,用祈籠命,俾臣得以保障一方,恪共侯服,則事有統攝,民獲乂安,皆出大皇帝陛下幬覆之仁。 
臣謹當奉藩脩貢,以表至誠,臣拱北馳神,不勝激切屏營膽仰候命之至,謹奉表奏以聞。 
一恭遞上進儀物,金子拾鎰,銀子貳拾鎰。 
一謹遣行价貳名,阮有晭,武輝璞。 
乾隆伍拾肆年貳月日。[14]
Dịch âm

An Nam quốc tiểu mục thần Nguyễn Quang Bình cẩn tấu vi mạo lịch vi thành ngưỡng can thiên thính sự, khâm duy đại hoàng đế bệ hạ, thụ thiên minh mệnh, vi vạn quốc quân, lâm ngự ngũ thập dư niên, hồng ân phổ hiệp, hoa di nội ngoại, đồng phong cộng quán, thần An Nam giới cư viêm kiếu, cửu mộc giáo thanh. 

Nãi nhân nhị bách niên lai, quốc vương Lê thị thất bính, quyền thần Trịnh thị chuyên hữu kỳ quốc, ký tiền vương Lê Duy Đoan niên lão, phụ chính tiền Trịnh thị noạ, binh kiêu dân oán, quốc nội quai ly. Thần dĩ Tây Sơn bố y thừa thời cử sự, Bính Ngọ hạ, hưng binh diệt Trịnh, hoàn quốc vu Lê. 

Kỳ niên tiền vương tạ thế, hựu ủng lập kỳ tự tôn Duy Kỳ tập vị. Duy Kỳ vi nhân dâm bạo, bất tuất quốc chính, triều cương trì ư nội, biên hấn sinh ư ngoại, phương nghi hãm hại trung lương, tru sừ tộc tính, quốc nội chi thần nhược dân, bôn sách ư thần, thỉnh vi xuất binh trừ loạn. 

Thần tự duy quốc giả thiên triều sở phong chi quốc, thần hà cảm tự hành phế trí. Đinh Mùi đông, khiến nhất tiểu tướng dĩ binh vấn kỳ tả hữu chi trợ Kiệt giả, nhi Duy Kỳ vọng phong tiêu độn, tự di y thích. Mậu Thân hạ, thần chí Lê thành, phục uỷ tiền vương chi tử Duy Cẩn giám quốc thừa tự, kinh khiển hành giới khấu quan, bị dĩ quốc tình đề tấu. 

Nhật giả biên thần phản thư khước sứ, bất tức đệ đạt. Khứ niên đông, điều động đại binh, xuất quan chinh tiễu, thần viễn đạo văn tín, tự niệm tòng lai nhất phiến úy thiên sự đại chân trung ủng ư thượng văn, lệnh tiền Lê vương tử Duy Cẩn cập thần dân bẩm văn tam đạo giai hành giới khấu bẩm viên môn, bất liệu đại binh chân xu Lê thành, sát thủ binh thậm chúng. 

Thần tự sủy tiến thoái vô cứ, thả kỳ sự tổng do Lê Duy Kỳ bất đạo sở chí, ư kim niên chính nguyệt sơ ngũ nhật tiến để thành hạ, tịnh bất cảm dữ quan binh kháng cự dã. Nãi quan binh sát lục thái đa, thế nan thúc thủ tựu phọc, tích tự kháng hành, thần bất thắng hoảng cụ, hiện tại dĩ tương đối luỹ chi nhân tra xuất chính pháp. 

Phục duy đại hoàng đế thể thiên hành hoá, tài bồi khuynh phúc, nhất thuận tự nhiên, thứ man mạch vô tri chi hoạ, lượng khoản quan dụ tấu chi thành, thụ mục lập bính, dụng kỳ lung mệnh, tỉ thần đắc dĩ bảo chướng nhất phương, khác cộng hầu phục, tắc sự hữu thống nhiếp, dân hoạch nghệ an, giai xuất đại hoàng đế bệ hạ trù phúc chi nhân. 

Thần cẩn đương phụng phiên tu cống, dĩ biểu chí thành, thần củng bắc trì thần, bất thắng kích thiết bình doanh đảm ngưỡng hầu mệnh chi chí, cẩn phụng biểu tấu dĩ văn. 

Nhất cung đệ thượng tiến nghi vật, kim tử thập dật, ngân tử nhị thập dật. 
Nhất cẩn khiến hành giới nhị danh, Nguyễn Hữu Chu, Vũ Huy Phác. 
Càn Long ngũ thập tứ niên nhị nguyệt nhật. 
Dịch nghĩa

Thần là tiểu mục nước An Nam Nguyễn Quang Bình mạo muội kính cẩn đem tấm lòng thành tâu lên mong đại hoàng đế bệ hạ (là bậc) thụ mệnh sáng như trời, vua của vạn quốc, ở trên ngôi báu đã trên năm mươi năm, hồng ân rải khắp mọi nơi Hoa cũng như Di đều được thấm nhuần, (cả đến) nước An Nam của thần tuy ở chỗ viêm nhiệt xa xôi cũng từng được tắm gội, (xin) lấy đức lớn mà nghe cho.

Hai trăm năm qua, quốc vương họ Lê (nước tôi) mất quyền khiến cho quyền thần họ Trịnh coi giữ việc nước, đến vua trước là Lê Duy Đoan tuổi già, phụ chính họ Trịnh hèn yếu, binh kiêu dân oán, khiến người trong nước chia rẽ ngả nghiêng. Thần là kẻ áo vải đất Tây Sơn (vì thế) phải tùy thời mà dấy lên, mùa hạ năm Bính Ngọ, hưng binh diệt họ Trịnh, trả lại nước cho họ Lê.
Trong năm đó tiền vương tạ thế, thần lại đưa tự tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi. Duy Kỳ là người dâm bạo[15], không lo quốc chính, mối giềng lỏng lẻo bên trong, lân bang gây hấn ở bên ngoài, chỉ lo hãm hại trung lương, giết người trong họ, người trong nước cũng như bầy tôi đều chạy về với thần, xin xuất binh trừ loạn.

Thần vẫn biết rằng nước đây đã được thiên triều sách phong, đâu dám tự ý phế lập. Mùa đông năm Đinh Mùi mới sai một tiểu tướng đem binh ra hỏi tội bọn tả hữu dám giúp cho kẻ Kiệt kia, hay đâu Duy Kỳ mới nghe tiếng đã bỏ chạy, tự mình làm khổ mình. Đến mùa hạ năm Mậu Thân thần đến Lê thành, đưa con của vua trước là Duy Cẩn trông coi việc thờ tự và giám quốc, rồi sai người sang gõ cửa quan trình bày mọi việc trong nước.

Khi đó người biên thần (chỉ Tôn Sĩ Nghị) lại trả lại thư, đuổi sứ về, không chịu đề đạt lên. Mùa đông năm ngoái y lại điều động đại binh, xuất quan qua đánh, thần ở xa nghe tin, tự nghĩ xưa nay một lòng kính sợ thiên triều, định đem tấc lòng giãi bày lên trên, nên mới bảo vương tử Lê Duy Cẩn và thần dân gõ cửa trình ba bẩm văn, ngờ đâu đại binh tiến thẳng đến Lê thành, giết binh trấn giữ nhiều vô số kể.

Thần chẳng biết tiến thoái ra sao, việc đó chính là do Lê Duy Kỳ không biết tính toán, nên đến ngày mồng năm tháng giêng năm nay tiến đến Lê thành, đâu có dám chống cự lại quan binh. Thế nhưng quan binh tàn sát quá lắm, thế không thể thõng tay chịu trói nên đành chống trả. Việc đó cũng khiến cho thần sợ hãi nên đã đem những kẻ dám đối địch chính pháp cả rồi.
Cũng mong đại hoàng đế theo mệnh trời hành hoá, tài bồi cho kẻ ngả nghiêng, thuận theo tự nhiên, tha thứ cho kẻ man di không biết, thấu cho lòng thành của kẻ cầu xin được chăn dắt ở một cõi mà để cho thần được đứng chắn ở một phương, làm chư hầu tuân phục thì mọi sự được thống nhiếp, dân chúng được yên ổn làm ăn, cũng đều do đức nhân của đại hoàng đế ban cho cả.

Thần nguyện triều cống theo lệ phiên vương, dâng biểu chí thành, hướng về phương bắc, không khỏi cảm kích trông đợi mệnh lệnh kính cẩn dâng lên tờ biểu này.

Cung kính đệ lên tiến vật gồm mười dật vàng, hai mươi dật bạc.
Cung kính sai hai hành nhân là Nguyễn Hữu Chu, Vũ Huy Phác. 

Càn Long năm thứ 54, tháng hai. 

 

Chú thích. Chuyện Quang Trung giả.

Kỹ sư Phan Duy Kha có nhiều khảo cứu lịch sử. Liên quan tới phái đoàn Đại Việt sang Yên Kinh cầu phong, trong đó vua Quang Trung là “giả”, ông cố gắng lý giải những điều mà hiện nay còn khó hiểu.

Bạn đọc nào quan tâm, xin đọc bài của ông. Đó là bài Bí ẩn sự kiện Quang Trung giả thời Tây Sơn.

Còn có thể đưa ra những giả thuyết táo bạo về sự kiện này. Vua Quang Trung tự đem thân qua biên giới để bệ kiến vua Thanh không những là chuyện hi hữu, chưa từng có, mà còn là chuyện mạo hiểm. Không chỉ nguy cho sinh mệnh vua, mà khi vắng vua, biết bao bất trắc sẽ xảy ra trong nước?

Đời Trần, vua Nguyên “năm lần, bảy lượt” đòi vua Trần sang chầu, đều bị từ chối.

Bới vậy, có thể đề ra giả thuyết sau:

Phái đoàn sang Yên Kinh có mặt vua Quang Trung “thật”, nhưng bị phao tin là “giả” (mọi người hiểu là vua “thật” vẫn đang điều hành triều đình); nhờ vậy, các thế lực phản loạn, chống đối (nhiều vô thiên lủng) không dám ngo ngoe.

Đây có thể là cách góp phần làm sáng tỏ lịch sử, nếu may mắn chúng ta phát hiện được những sử liệu mới phù hợp với giả thuyết này.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, là nếu người học Lịch Sử được tham gia thảo luận các giả thuyết – kể cả tự đề xuất giả thuyết – thì môn Lịch Sử sẽ không bị chán ngán như hiện nay.

Tham khảo: Xem xét lại thời Tây Sơn

0