18/06/2018, 11:30

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 (1448)

Nhân Tông Tuyên hoàng đế nước Đại Việt kế thừa nghiệp lớn đã 17 năm, ba lần đặt khoa thi chiêu mời kẻ sĩ. Đương thời, việc chọn được người hiền tài để sử dụng, nối giữ trị bình, có tác dụng không phải nhỏ. Năm Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa thứ 11 (1452), năm Mậu Dần niên hiệu Diên Ninh thứ 5 ...

Nhân Tông Tuyên hoàng đế nước Đại Việt kế thừa nghiệp lớn đã 17 năm, ba lần đặt khoa thi chiêu mời kẻ sĩ. Đương thời, việc chọn được người hiền tài để sử dụng, nối giữ trị bình, có tác dụng không phải nhỏ. Năm Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa thứ 11 (1452), năm Mậu Dần niên hiệu Diên Ninh thứ 5 (1458) cả hai khoa đều không Điện thí, chỉ có khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 là có Điện thí. Khoa ấy, kẻ sĩ trong nước đỗ Hương tiến đến dự thi Hội ở Bộ Lễ hơn 750 người, quan Hữu ti chọn hạng xuất sắc được 27 người.

Mùa thu, ngày 23 tháng 8, Hoàng thượng ngự điện Tập Hiền, đích thân ra đề văn sách. Sai Đặc tiến Nhập nội Tư khấu Đồng Bình chương sự Trịnh Khắc Phục làm Đề điệu, Ngự sử trung Thừa Ngự sử đài Hà Lật làm Giám thí, Môn hạ sảnh Tả ty Tả nạp ngôn Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch Nguyễn Mộng Tuân, Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ Trình Thuấn Du, Quốc tử giám Tế tửu Nguyễn Tử Tấn1 làm Độc quyển. Lấy những bài thi có văn phong khí cốt đáng khen, chọn bọn Nguyễn Nghiêu Tư trở xuống, ban cho đỗ Tiến sĩ cập đệ và xuất thân có thứ bậc khác nhau. Mọi nghi thức ban cấp áo mũ, yến tiệc đều tuân theo lệ cũ. Duy có việc dựng đá đề danh thì lúc đó chưa kịp tiến hành.

Hoàng thượng2 ở ngôi báu năm thứ 15, chấn hưng sĩ khí, sứ mệnh của văn học càng được đề cao, tô điểm cho nền trị bình, tuyên bố rõ ràng đầy đủ. Bèn xuống chiếu cho quan Bộ Công khắc đá để truyền đến muôn đời. Lại sai kẻ bề tôi là (Đỗ) Nhuận soạn văn bia. Thần kính vâng lời ngọc, cũng mừng cho nền tư văn và hàng sĩ tử nước nhà, há dám viện cớ vụng về chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu mà dâng lời rằng:

Sự lớn lao của nền chính trị của bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài. Sự đầy đủ về các chế độ của quốc gia, ắt phải chờ ở bậc vua thánh đời sau. Việc cai trị mà không lấy nhân tài làm gốc, lập quy mô mà không nghĩ tính cho các vua sau, thì đều phải coi là cẩu thả. Làm sao có thể từ nền trí trị mà làm cho phong tục lên cao, điển chương văn vật được đầy đủ?

Kính nghĩ Thái Tổ Cao hoàng đế nối trời mở vận, thánh đức công thần, văn hay võ giỏi, trí dũng khoan nhân, sáng suốt đại hiếu, đem vũ công dẹp yên loạn lạc, lấy văn đức dựng nền trị bình. Từ khi đặt niên hiệu Thuận Thiên đã cho mở mang việc học, giáo hóa thấm nhuần, vận hội văn chương thịnh sáng, nền thái bình muôn thuở chính nhờ đó mà bắt đầu.

Thái Tông Chiêu Huệ hoàng đế thay trời hành đạo, làm hiển rạng công đức của Cao hoàng, kính cẩn sáng suốt văn võ, tinh anh mẫn tiệp, nhân ái hiền triết, giỏi võ giỏi văn, giữ khuôn phép cũ. Niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), bắt đầu mở rộng Nho khoa, anh tài được chọn tuyển vinh thăng, kỷ cương được chấn chỉnh, làm rạng rỡ đời trước, để lại khuôn mẫu cho đời sau, chính từ đó mà cơ đồ được khôi phục mở mang.

Nhân Tông hoàng đế nối chí kế nghiệp, trọng võ tôn văn, dùng kẻ sĩ chọn hiền tài, kính theo điển chương chế độ thành pháp, nhưng riêng việc dựng bia ở nhà Thái học thì vẫn còn chưa kịp làm. Muốn ghi chép văn vật thật đầy đủ, dường như còn phải đợi thời.

Nay Thượng hoàng đế thay trời mở vận trung hưng, gánh vác đạo lớn, đề cao Nho học, suy nghĩ canh cánh bên lòng. Huống chi đã được liệt thánh hàm dưỡng sâu sắc, lại thêm mười năm ra sức chấn hưng tác thành. Trước đây 6 năm mới mở một khoa thi lớn, nay theo qui chế nhà Chu, chỉ 3 năm mở một khoa cũng không ngần ngại. Trước chọn kẻ sĩ chỉ lấy đỗ không quá hai ba chục người. Nay thì rộng chọn thực tài, không ngại số người trúng tuyển tăng lên gấp bội. Cho đến việc ban khen cất nhắc, đức ý nồng hậu, ơn vinh ban phong có thứ bậc khác nhau, tiết mục rành rẽ tự nhiên rực rỡ, vượt cả xưa nay. Cho soạn bài ký khắc vào đá tốt đặt tại cửa hiền để khuyến khích kẻ sĩ. Chế độ của Thánh thượng thật tốt đẹp thay!

Như vậy thì trong sự đầy đủ của nền văn minh triều ta, chế độ khoa cử khởi đầu từ năm Thuận Thiên mà chính thức bắt đầu từ năm Đại Bảo, tiếp tục thi hành vào đời Thái Hòa, mà thịnh nhất là đời Hồng Đức vậy. Nếu chẳng phải Thánh thượng làm hết trách nhiệm của người làm vua làm thầy, đích thân nắm quyền hành, thì làm sao có thể làm xong những việc mà tiên đế chưa làm xong, hoàn thiện những điều mà tiên thánh chưa làm đủ.

Con thánh cháu thần, ngước nối chí lớn, qui mô xa rộng, trăm đời sau vẫn còn biết được.

Nay những người được đề tên vào tấm đá này, cho dù nay đã có nửa phần tuổi tác đã cao, nhưng con người trung chính hay tà ngụy thế nào, việc làm được mất nên hư thế nào, công luận nghiêm xét, ngàn đời khó trốn.

Còn những người hiện đương tại chức, hãy nên nhớ lại ơn lựa chọn của tiên triều, ngẫm tới sự hiển đạt của mình ngày nay, tiết muộn đường dài, hãy thận trọng để khỏi hổ thẹn. Còn những người hậu tiến sờ vào tấm đá này, liếc nhìn bài văn này cũng nên biết cách thức khích lệ của thánh triều, kiếm tìm dấu tích danh thực của tiền bối, lựa lấy điều hay để theo mà bắt chước; đừng để cho đời sau phải chê trách đời nay, cũng như đời nay phải chê trách đời trước, thế là việc rất tốt trong việc tốt vậy.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Trung trinh đại phu Hàn lâm viện Thị độc kiêm Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuậnvâng sắc soạn.

Cẩn sự lang Trung thư giám Chính tự Nguyễn Tủng vâng sắc viết chữ (chân).

Mậu lâm lang Kim quang môn Đãi chiếu Tô Ngại vâng viết chữ triện.

Bia dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484).

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

NGUYỄN NGHIÊU TƯ 阮堯咨3người huyện Vũ Ninhphủ Từ Sơn.

TRỊNH THIẾT TRƯỜNG 鄭鐵長4người huyện Yên Định phủ Thiệu Thiên.

CHU THIÊM UY 朱添威5người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 12 người:

NGUYỄN MẬU 阮茂6 người huyện Thụy Anh phủ Thái Bình.

DƯƠNG CHẤP TRUNG 楊執中7 người huyện Kỳ Hoa phủ Hà Hoa.

TRỊNH KIÊN 鄭堅8 người huyện Vĩnh Ninh phủ Thiệu Thiên.

PHẠM ĐỨC KHẢN 范德侃9 người huyện Vĩnh Lại phủ Hạ Hồng.

NGUYỄN ĐÌNH TÍCH 阮廷錫10người huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín.

NGUYỄN BÁ KÝ 阮伯驥11 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.

NGUYỄN DI QUYẾT 阮貽厥12 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.

ĐẶNG TUYÊN 鄧宣13 người huyện Thiên Thi phủ Khoái Châu.

BÙI PHÚC 裴福14 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.

NGUYỄN VĂN CHẤT 阮文質15 người huyện Bạch Hạc phủ Tam Đới.

PHAN HOAN 潘歡16 người huyện Ninh Sơn phủ Quốc Oai.

NGUYỄN THÚC THÔNG 阮叔通17 người huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 12 người:

ĐOÀN NHÂN CÔNG 段仁公18 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.

HOÀNG MÔNG 黃蒙19người huyện Thanh Liêm phủ Lị Nhân.

NGUYỄN NGUYÊN CHẨN 阮原稹20người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.

NGUYỄN TÔNG LỖI 阮宗磊21 người huyện Bạch Hạc phủ Tam Đới.

NGUYỄN THIỆN 阮善22 người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.

ĐÀO TUẤN 陶 寯23 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.

ĐINH MINH 丁明24 người huyện Vĩnh Ninh phủ Ngự Thiên25.

TẠ TỬ ĐIÊN 謝子顛26 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.

TRẦN DUY HINH 陳維馨27 người huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín.

PHẠM QUỐC TRINH 范國楨28 người huyện Thanh Đàm phủ Thường Tín.

VŨ ĐỨC LÂM 武德林29 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.

NGUYỄN NGỰ 阮馭30 người huyện Vĩnh Ninh phủ Ngự Thiên.

Chú thích:

1.Nguyễn Tử Tấn (?-?) ông hiệu là Chuyết Amvà tự là Tử Tấn, sau lấy tên tự làm tên gọi, người xã Triều Liệt huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông vốn là Lý Tử Tấn ,, vì đời Trần có lệ kiêng huý chữ Lý và họ Lý phải đổi làm họ Nguyễn; mặc dù đến đầu đời Lê có lệnh cho khôi phục họ cũ, nhưng do đương thời đã quen gọi, nên văn bia này vẫn ghi là Nguyễn Tử Tấn ,. Lý Tử Tấn thi đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên thứ 1 (1400) đời vua Hồ Quý Ly, nhưng không ra làm quan với nhà Hồ. Sau này, ông ra làm quan với nhà Lê, giữ chức Hàn lâm viện Học sĩ.

2. Nay Thượng hoàng đế: chỉ Lê Thánh Tông.

3. Nguyễn Nghiêu Tư (?-?) hiệu là Tùng Khê và tự là Quân Trù , người xã Phù Lương huyện Võ Giàng (nay thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm Trực Học sĩ, rồi làm Tân Hưng lộ An phủ sứ. Thời Lê Nghi Dân tiếm ngôi, triều đình cử ông làm Phó sứ (năm 1460) sang nhà Minh (Trung Quốc) cầu phong. Sau này, ông làm quan Thượng thư chưởng lục bộ.

4. Trịnh Thiết Trường: Xem chú thích 40, Bia số 1.

5. Chu Thiêm Uy (?-?) người làng Hương Quất huyện Tứ Kỳ (nay xã Kỳ Sơn huyện Tứ Kì tỉnh Hải Dương). Ông làm quan An phủ sứ Tân Hưng hạ lộ.

6. Nguyễn Mậu (?-?) người thôn Bích Du huyện Thuỵ Anh (nay thuộc xã Thái Thượng huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình kiêm Đô Ngự sử.

7. Dương Chấp Trung (1414-1469) người xã Sài Xuyên huyện Kỳ Hoa (nay thuộc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Tham chính Thừa tuyên sứ, Đại lý tự khanh, Hữu Thị lang Bộ Hình và sau thăng Tả Thị lang.

8. Trịnh Kiên (1406-?) người huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hàn lâm Trực học sĩ và được cử đi sứ Chiêm Thành (năm 1449).

9. Phạm Đức Khản (?-?) người xã Hội Am huyện Vĩnh Lại (nay thuộc xã Cao Minh huyện Vĩnh Bảo Tp.Hải Phòng). Ông làm quan Tả Thị lang. Có tài liệu ghi ông là Phạm Đức Trung.

10. Nguyễn Đình Tích (?-?) người huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Thừa chỉ, Tri Đông đạo quân dân, sau thăng đến Thượng thư Bộ Binh.

11. Nguyễn Bá Ký (?-1465) người xã Viên Nội huyện Chương Đức (nay thuộc xã Viên Nội huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư, tước Quận công, Quốc tử giám Tế tửu kiêm Văn minh điện Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên và được cử làm Phó sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).

12. Nguyễn Di Quyết (?-?) người xã Trung Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kiến Hưng thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thị lang.

13. Đặng Tuyên (?-?) người xã Bình Lãng huyện Thiên Thi (nay thuộc xã Tiền Phong huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm viện Thừa chỉ.

14. Bùi Phúc (?-?) người xã Lam Điền huyện Chương Đức (nay thuộc xã Lam Điền huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Quốc sử viện Đồng tu sử.

15. Nguyễn Văn Chất (1422-?) người xã Vũ Di huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Vũ Di huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Thượng thư và được cử đi sứ (năm 1480) sang nhà Minh (Trung Quốc).

16. Phan Hoan (1418-1472) người xã Lật Sài huyện Ninh Sơn (nay thuộc huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đồng Tu sử viện.

17. Nguyễn Thúc Thông (?-?) người xã Quế Dương huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Cát Quế huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông từng giữ chức Quốc sử Đồng tu sử viện, sau thăng đến chức Tham chính.

18. Đoàn Nhân Công (?-?) người xã Cao Mật huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Thanh Cao huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông từng được bổ chức Ngự tiền học sinh.

19. Hoàng Mông (?-?) người xã Bằng Khê huyện Thanh Liêm (nay thuộc xã Liêm Trung huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

20. Nguyễn Nguyên Chẩn: Xem chú thích 50, Bài số 1.

21. Nguyễn Tông Lỗi (1414-?) người xã Bồ Điền huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Thượng Trưng huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông giữ các chức quan, như Quản lĩnh, Đồng tri Trung Bắc giang vệ.

22. Nguyễn Thiện (?-?) người làng Hương Quất huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Kỳ Sơn huyện Tứ Kì tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại.

23. Đào Tuấn (1419-?) người xã Sùng Sơn huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Ngự sử đài Thiêm Đô Ngự sử, sau thăng đến chức Thượng thư Bộ Binh, tước Sùng Sơn bá và từng được cử đi sứ (năm 1465) sang nhà Minh (Trung Quốc).

24. Đinh Minh (1415-?) người huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

25. Ngự Thiên: Đời Lê không có tên phủ Ngự Thiên. Vĩnh Ninh là huyện đời Trần Hồ và thời thuộc Minh thuộc phủ Thanh Hóa. Đời Lê Thánh Tông đặt huyện Vĩnh Ninh thuộc phủ Thiệu Thiên. Ngay trong bia này, cách mấy dòng trên, quê của Trịnh Kiên cũng ở huyện Vĩnh Ninh ghi tên phủ là Thiệu Thiên. Như vậy, Ngự Thiên có thể là do Thiệu Thiên nhầm thành, khi khắc lại bia vào năm 1863.

26. Tạ Tử Điên (?-?) người xã Ỷ La huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Dương Nội huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây), sau di cư đến xã La Phù (nay thuộc xã La Phù huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tham chính và từng được cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc).

27. Trần Duy Hinh (?-?) người xã Vũ Lăng huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Thắng Lợi huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Tri phủ Tường Lân, Tham nghị Lạng Sơn.

28. Phạm Quốc Trinh (?-?) người Tiểu Lan Châu huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Duyên Hà huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thị lang.

29. Vũ Đức Lâm (?-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư.

30. Nguyễn Ngự (1413-?) người huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông từng làm quan Phó Đô Ngự sử.

0