31/05/2017, 13:14

Tri thức là sức mạnh Hãy bình luận ý kiến trên

Đề bài: Tri thức là sức mạnh. Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên. Bài viết của bạn Phạm Tường Vi Thuở nhỏ, ta từng nghe câu chuyện ”Trí khôn của ta đây” với hai nhân vật chính là con hổ và con người. Con hổ thực sự muốn xem tài sản kì diệu“ trí khôn” mà con người đã ...

Đề bài: Tri thức là sức mạnh. Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên. Bài viết của bạn Phạm Tường Vi

Thuở nhỏ, ta từng nghe câu chuyện ”Trí khôn của ta đây” với hai nhân vật chính là con hổ và con người. Con hổ thực sự muốn xem tài sản kì diệu“ trí khôn” mà con người đã ấp ủ và duy trì bao lâu nay trong khi nó không hề có. Cuối cùng, nó cũng ngộ ra được rằng “ trí khôn” không phải là một hiện vật có thể nhìn, sờ, nắn. “Trí khôn” vô hình nhưng khiến con hổ khiếp sợ và chỉ có con người mới có thể có được thứ quý giá đó. Vậy trí khôn ấy từ đâu xuất hiện mà có sức mạnh ghê gớm như vậy? Trí khôn ấy chính là từ tri thức mà ra. Vì vậy, “Tri thức là sức mạnh” là điều ai cũng phải công nhận.

Câu nói trên sở dĩ được đưa ra bàn luận bởi vì chắc chắn một điều rằng, trong  xã hội loài người từ xưa đến nay, thiếu đi tri thức như thiếu mất một tính năng quan trọng nhất của con người. Trước tiên, tri thức được định nghĩa theo từ điển tiếng việt là những hiểu biết có tính chất hệ thống về sự việc nói chung. Nhưng khi hiểu theo nghĩa rộng hơn thì tri thức là vốn hiểu biết về sự việc hiện tượng tự nhiên, xã hội nói chung. Đó còn là vốn đời, vốn kinh nghiệm được tích lũy của bản thân trong quá trình học tập, rèn luyện, trau dồi từ đường đời. Như vậy, cả câu” Tri thức là sức mạnh” ý muốn nói khi con người ta có tri thức thì nó sẽ tạo ra sức mạnh giúp sức, thúc đẩy ta trong mọi lĩnh vực.

Giữa tri thức và sức mạnh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bởi tri thức là nền móng để con người tạo ra những sáng kiến, phát mình không ngờ tới, nó hình thành va nung đúc qua thời gian để gây nên một năng lực có sức công phá dữ dội. Điều này được thể hiện qua những phát minh sáng gia có sức ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Nhà bác học Edison đã tạo ra bóng đèn điện làm khai hóa  cuộc sống cả thể giới,  hay những công thức Toán của Thales và Pythagore, tất cả đều được sử dụng rộng rãi cả ngàn năm nay…. Có nguồn tri thức quý báu được bao bọc trong khối óc tài ba, không chỉ những nhà khoa học, phát minh mà cả những con người dân dã, chân chất như dân tộc Việt Nam cũng làm nên điểu không tưởng. Chúng ta không sao không nhắc đến trận đánh chiến thắng vang dội khắp mọi miền châu lục : Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông- Nguyên. Đội quân lớn mạnh, man rợ “Giặc Mông Nguyên ác liệt, Ngựa dẫm nát Á-Âu”  ấy khiến cả thế giới gần như sụp đổ vậy mà với mưu lược nhà binh xuất thần của quân- dân Đại Việt đã khiến chúng dập tan suy nghĩ thống trị thế giới.Cả thế giới khi ấy như được sống lại. Như vậy, sức mạnh của tri thức có thể đánh đuổi mọi thứ, kể cả những âm mưu quỷ quyệt nhất.

“ Không có tài sản nào quý bằng trí thông minh, không vinh quang nào lớn hơn học vấn và hiểu biết” – E.Zola. Một khi con người ta làm chủ được tri thức thì họ có thể làm chủ được cả cuộc sống của mình. Tri thức- sư còn là cách để con người tồn tại lâu dài và lợi ích mà nó mang lại cho chúng ta là vĩnh cửu. Xét ở khía cạnh là những công dân bình đẳng, văn minh như chúng ta thì tri thức không phải là một điều gì quá to tát và hiếm gặp đến mức chỉ  những người nổi tiếng như trên mới có. Con người chúng ta ai cũng mang trong mình một “ túi kho báu” đó là tri thức nhưng túy mỗi người mà kích thước của chúng khác nhau. Nếu như con người có vốn tri thức uyên  thâm, hiểu biết rộng rãi thì càng thuận lợi để tạo nên những động lực sức mạnh to lớn. Giống như cơn bão có cấp độ càng lớn thì những đợt gió của nó sẽ càng dày, càng mạnh và càng hủy diệt nhiều hơn. Hãy tưởng tượng, trong học tập, nếu sức mạnh được tạo ra từ nguồn tri thức dồi dào thì những sáng tạo sẽ được phát huy hữu hiệu và những khó khăn trong việc giải quyết bài tập, bài kiểm tra sẽ dễ dàng hơn. Trong công việc cũng vậy, tri thức sẽ tạo ra sức mạnh với tên gọi là động lực , quyết tâm để hoàn thành công việc thật nhanh chóng nhưng không kém phần chất lượng bởi vốn tri thức đều được dồn toàn tâm vào một mục đích chính. Tri thức còn giúp chúng ta luồng lách qua những cạm bẫy, những ham say thái quá bởi tri thức còn là sức mạnh giúp con người trở nên tỉnh táo và lí trí hơn.

Mở rộng hơn, tri thức làm con người sống có trái tim toàn vẹn hơn bởi sức mạnh của tri thức làm thắt chặt tình người bởi” Trái tim yêu thương là điểm bắt đầu của tri thức”. Không những thế, nó còn hàn gắn vết thương chiến tranh và khiến lòng người xao xuyến, biết yêu chuộng cái đẹp, căm hờn cái xấu. Đó là khi ta vận dụng sức mạnh tri thức mà phân biệt đâu là tốt đâu là xấu để yêu, để hờn.Do đó, có thể nói khi ta có tri thức nhiều bao nhiêu thì ta càng thấy “yêu” nó bấy nhiêu và không ngừng tạo ra sức mạnh phong phú.

Tuy nhiên, không hẳn ” Tri thưc là sức mạnh” luôn mang đến điều tốt đẹp cho cả con người lẫn vạn vật. Những phát minh đáng nể nhưng cũng đáng trách ngày càng xuất hiện nhiều dưới bàn tay của “ sức mạnh tri thức”. Bom nguyên tử, vũ khí hạt nhân, chất hóa học…. với khởi đầu là để tạo nên một thế giới tươi đẹp nhưng chính sức công phá quá mãnh liệt của chúng đã gây nên những hậu quả cùng những cái kết hết sức đáng thương và đầy phẫn nộ. Cũng vì tri thức sâu rộng mà khiến cho rất nhiều thủ lĩnh khét tiếng các băng đảng khủng bố lập quá nhiều âm mưu hiểm độc để độc chiếm quốc gia, thế giới…. Chiến tranh nổ ra từ những sức mạnh tri thức không mang lại cho loài người sự an toàn mà thay thế vào đó là sự mất mác khôn nguôi cả người lẫn của, sự tàn phá của muôn loài từ động vật cho đến thiên nhiên, kể cả con người. Phải chăng, tri thức tạo ra sức mạnh mà chính con người đã tự hại con người.

 Vì vậy, mọi vật đều có hai mặt của nó. Một mặt sẽ ngấm ngầm và bùng nổ khi đến thời điểm và tri thức cũng vậy. Việc hết sức tỉnh táo và vận dụng tri thức vào thực tiễn một cách nhân văn là việc cần thiết vô cùng. Điều chúng ta cần phải nói đến đây không quá dài nhưng hết sức cẩn trọng đó là làm thế nào để tạo ra “Tri thức là sức mạnh” một cách hợp lí? ”Có ba nguyên tắc để đạt được tri thức... quan sát tự nhiên, suy ngẫm và thử nghiệm. Quan sát thu thập thực tế; suy ngẫm kết hợp chúng; thử nghiệm xác minh kết quả kết hợp đó”.- Denis  Diderot. Ba nguyên tắc vàng này vẫn chưa bao hàm hết được câu hỏi trên nhưng nó đáng để bạn đọc và suy ngẫm .Và hãy nhớ rằng, tuy tri thức là vô hạn nhưng nếu ta khai thác quá nhiều về nó cùng với việc áp dụng sai sẽ tạo ra sức mạnh  gây hậu quả lớn.

Riêng bản thân em, được tiếp cận với nền văn hóa hiện đại với nguồn tri thức đồ sộ là một cơ hội lớn cho em được học hỏi và nâng cao trình độ con người. Em cảm thấy rất tự tin khi được khi được tham gia vào lĩnh vực mà mình am hiểu, nghiên cứu nhiều. Và nó giúp em nhận thấy giá trị của ngạn ngử người Ý: “ Hiểu biết nhiều làm con người rộng lượng hơn”. Cuộc sống thật thoải mái và ý nghĩa đối với em khi được tận dụng vốn tri thức do chính mình tìm tòi để làm nhiều điều hay , việc tốt cho nhân loại. Để vốn tri thức chẳng những không bị mai một  mà còn phát triển, em sẽ không ngừng học hỏi, tìm hiểu về thế giới rộng lớn, cuộc sống muôn màu này. Em luôn tâm đắc trong thân tâm rằng Dù mình không gom góp, lượm nhặt được hết nguồn tri thức, nhưng với quyết tâm bản thân, em mong muốn sẽ tạo ra sức mạnh tri thức thật có ích cho xã hội, đặc biệt là đất nước mình.

Tóm lại, Ý kiến “ Tri thức là sức mạnh” là một vấn đề cần bàn luận không những từ lúc xa xưa mà còn cả ngày nay. Qua hàng ngàn đời, tri thức vẫn mãi mãi là một sức mạnh vô hình giúp xã hội văn minh loài người ngày một phát triển. Và là những phần tử của thế giới,  con người chúng ta cần có trách nhiệm để bảo vệ và phát huy những ưu điểm trong tri thức nhân loại để giúp tương lai nhân loại mãi mãi bền vững.

Nguồn: Phạm Tường Vi
0