31/05/2017, 13:13

Điều gì phải thì cố làm cho kì được dù là điều phải nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ

Đề bài: Điều gì phải thì cố làm cho kì được dù là điều phải nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ. Suy nghĩ của anh/ chị về lời khuyên trên. Albert Einstein- nhà vật lý lý thuyết người Đức đã từng nói: “Cuộc sống giống như lái một chiếc xe đạp, để giữ thăng ...

Đề bài: Điều gì phải thì cố làm cho kì được dù là điều phải nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ. Suy nghĩ của anh/ chị về lời khuyên trên.

Albert Einstein- nhà vật lý lý thuyết người Đức đã từng nói: “Cuộc sống giống như lái một chiếc xe đạp,  để giữ thăng bằng ta phải liên tục tiến lên”. Con người ai cũng muốn cuộc sống mình sẽ trở nên tươi đẹp, ít nhất là cuộc sống của chính họ. Và cũng không ai có thể phủ nhận rằng cuộc sống này quá rộng lớn, quá nhiều thử thách. Để làm chủ được cuộc sống, để thành công, đạt được ước vọng quả là một việc không hề dễ dàng đối với bất kì ai . Thành công bắt đầu từ những việc nhỏ. Vậy nên, chính những điều nhỏ ấy là yếu tố quan trọng cho ta nếu muốn chạm đến đích vinh quang. Việc nhỏ ấy có thể mang đến  cho ta thành công, nhưng cũng có thể nó gây ra hậu quả “ sai một li đi một dặm”. Dù là điều phải hay điều trái thì việc nhỏ ấy thực sự quan trọng với cuộc đời của mỗi người. Bác Hồ có dặn: “ Điều gì phải thì cố làm cho kì được dù là điều  phải nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều  trái nhỏ”. Đây là một lời dạy thiết thực của Bác đối với nhân dân Việt Nam ta.

Lời khuyên trên của Bác là hết sức đúng đắn và luôn được khắc cốt ghi tâm trong lòng người bao lâu nay. Điều phải là điều tốt, đúng với lẽ phải, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Có những việc làm tốt mang tầm vóc lớn lao đối với xã hội, cộng đồng và lợi ích to lớn vô cùng, đây là điều phải lớn. Và cũng có những việc làm mang tầm vóc nhỏ, diễn ra hàng ngày, xung quanh ta, có thể ít ai để ý trong quan hệ cộng đồng, đây là điều phải nhỏ. Điều phải nhỏ diễn ra phổ biến xung quanh ta như thấy giấy rác thì nhặt bỏ thùng rác, thấy trẻ lạc thì giúp đỡ, bảo vệ động vật đáng thương, trồng cây nơi đất hoang hay trong thơ ca xa xưa,  Lục Vân Tiên cứu người  bị nạn trên đường.…  Ngược lại, điều trái là việc làm sai trái, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và bị đánh giá tiêu cực. Việc trái lớn được xem như những hành động gây tác hại xấu cho cả một cộng đồng, đất nước như phản bội tổ quốc, bán nước, tham nhũng của chung…. Còn việc trái nhỏ nhặt có thể là ăn cắp vặt, hỗn hào với người lớn, nói chuyện trong giờ học…Như vậy,  lời khuyên của Bác có ý nghĩa là: “Đối với điều phải, dù nhỏ, chúng ta phải cố sức làm cho kì được, tuyệt đối không được có thái độ coi thường những điều nhỏ. Bác cũng bảo chúng ta đối với điều trái nhỏ phải hết sức tránh, tuyệt đối không làm.

Vì sao Bác Hồ lại khuyên chúng ta như vậy?

Cuộc sống của chúng ta thực sự rất cần những hành động nhỏ tích cực dù cho sức ảnh hưởng của nó không là bao. Những việc làm đúng đắn tuy nhỏ bé nhưng nó không hề đơn giản thực hiện. Nếu mọi việc nhỏ đều đơn giản hoàn toàn thì con đường thành công cũng nhẹ nhàng biết bao. Nhưng sự thực không là thế! Với vấn đề quen thuộc là chấp hành luật an toàn giao thông, khi thấy đèn đỏ, những lúc dù cho có vội vã đến đâu thì ta cũng phải “ cố” chấp hành theo luật, đó là dừng lại. Hay khi thấy có người đi đường cần sự giúp đỡ, ta cũng “cố” đến để giúp đỡ chứ không phải là một cái  thoảng và bỏ đi. Trong Thời kì cách mạng, chiến tranh đã khiến cho cuộc sống nhân dân ta trở nên cơ cực hơn bao giờ hết, thậm chí một thời kì khủng hoảng 1945, nạn đói hoành hành khắp mọi nơi, hơn hai triệu đồng bào ta phải chết đói. Chính lúc ấy, những việc tuy nhỏ nhưng đã mang đến điều ý nghĩa hết sức lớn lao. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no” là khẩu hiệu  hưởng ứng nhân dân tham gia góp gạo cứu đói. Ai cũng thiếu thốn, ai cũng cơ cực nhưng mọi người ai cũng biết rằng “đó là điều phải nhỏ cần làm”. Vậy nên, kẻ khổ giúp đỡ kẻ cơ cực hơn, thắt lưng buộc bụng bớt đi từng nắm gạo để “góp gió thành bão”. Nhờ đó, biết bao mạng người được cứu và làm cho sức người, sức của tăng lên, giúp cho cuộc chiến đấu dành độc lập dân tộc ngày một thắng lợi. Tóm lại, nhiều việc nhỏ tốt sẽ tạo nên việc lớn tốt và điều đó còn phản ánh đạo đức của con người đối với cộng đồng.

Còn đối với điều trái nhỏ, hậu quả mà nó gây ra có thể không đáng kể hoặc không ảnh hưởng đến người khác trong phạm vi nhỏ. Nhưng điều trái nhỏ ấy gây hậu quả vô cùng lớn nếu nó trở thành một thói quen khó bỏ hay lây lan nhau sang mọi phần tử trong cộng đồng người. Điều đó có thể gây nên những tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Ma túy được xem là một trong những tệ nạn nguy hiểm nhất và được tuyên truyền tránh xa rộng rãi. Sẽ là một việc nhỏ nếu như chỉ có một người “thử” dùng nó nhưng đó là việc nhỏ rất trái mà tuyệt đối không ai nên làm theo, phải” tránh” xa nó ra. Thói ăn cắp vặt trong nhà, trong xóm, trong phạm vi nhỏ sẽ không gây mất mác, hậu quả lớn nhưng nếu thói xấu đó vẫn diễn ra nhiều lần và trở thành thói quen không thể gỡ bỏ thì từ ăn cắp những thứ giá trị ít, ta có thể trộm những thứ có giá trị đáng quý hơn, thậm chí là giết người cướp của. Những vụ án thảm sát, giết người cướp của liên tiếp xảy ra hàng năm với các hung thủ dã tâm gần đây nhất Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương… gây chấn động xã hội là lời cảnh báo hết sức hệ trọng đối với chúng ta khi xem nhẹ cái việc trái nhỏ.

Có thể thấy, điều trái nhỏ gây hậu quả lớn theo thời gian là vấn đề gây nhức nhối đối với cả dộng đồng. Rất nhiều người biết được kết cục xấu đối với những hành động sai trái đó nhưng nhiều người vẫn không nhận ra được điều trái nhỏ gây thiệt hại to tát thế nào. Kết quả không chỉ tổn hại đến chính người làm theo điều sai mà còn ảnh hưởng đến những người vô tội, cả cộng đồng, cả một tương lai đất nước. Do đó, rất cần sự chung tay của công đồng để giúp cho những nguoichưa nhận ra cái sai trái trong hành động nhỏ sẽ sớm ngộ nhận và đi theo con đượng đúng đắn- những việc tốt nhỏ. Đây cũng sẽ là một việc nhỏ tốt nếu như chúng ta cùng nhau tuyên truyền lời khuyên của Bác, đồng thời mỗi cá nhân có ý thức thực hiện đúng lời bác dặn, góp phần rạng rỡ cho tương lai tổ quốc.    

Nói chung,  “ ”là lời khuyên đúng đắn mà Bác muốn thế hệ trẻ chúng ta và mai sau sẽ luôn thực hiện theo. Tuy đất nước chúng ta chưa là một quốc gia cường mạnh về kinh tế lẫn xã hội nhưng với niềm tin và lòng quyết tâm, những việc tốt nhỏ sẽ luôn được xây dựng và một ngày không xa, đất nước chúng ta sẽ có thể sánh vai cũng các nước bạn trong khu vực và thế giới. 

Nguồn: Phạm Tường Vi
0