11/05/2018, 14:45

Trách nhiệm tài sản trong quan hệ hợp đồng kinh tế

6.6.1- Khái niệm trách nhiệm tài sản (trách nhiệm vật chất) Là biện pháp pháp lý áp dụng cho các hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế đã được quy định sẵn trong pháp lệnh hợp đồng kinh tế và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh. Trách nhiệm vật chất được hiểu là sự gánh chịu những hậu quả vật ...

6.6.1- Khái niệm trách nhiệm tài sản (trách nhiệm vật chất)
Là biện pháp pháp lý áp dụng cho các hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế đã được quy định sẵn trong pháp lệnh hợp đồng kinh tế và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh.

Trách nhiệm vật chất được hiểu là sự gánh chịu những hậu quả vật chất bất lợi của bên vi phạm hợp đồng kinh tế mà đã được pháp luật quy định thể hiện dưới 2 hình thức phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại.
Quy định chế độ trách nhiệm vật chất trong quan hệ hợp đồng kinh tế có tác dụng rất lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ hợp đồng kinh tế nhằm đảm bảo ổn định các quan hệ hợp đồng kinh tế đảm bảo trật tự trong quản lý kinh tế, khôi phục lợi ích của bên bị vi phạm, giáo dục ý thức pháp luật và phòng ngừa các vi phạm pháp luật vê hợp đồng kinh tế

6.6.2- Căn cứ phát sinh trách nhiệm vật chất

1- Có hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế
Hành vi vi phạm là hành vi của một bên đã xử sự trái với những quy định của pháp luật hoặc trái với nội dung đã cam kết. Đó là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng
2- Có thiệt hại thực tế xảy ra
Để đòi bồi thường thiệt hại bên bị vi phạm phải chứng minh được bên vi phạm đã gây ra thiệt hại cho mình. Những thiệt hại đó phải là thiệt hại vật chất và thực tế, tính toán được. Mọi thiệt hại phi vật chất và không tính toán được đều không là cơ sở đòi bồi thường.
3- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế được hiểu là mối quan hệ biện chứng, mối quan hệ nội tại, tất yếu giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế xảy ra. Thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm này và hành vi vi phạm này tất yếu làm phát sinh thiệt hại đó. Muốn đòi bên vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình, bên bị vi phạm phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra.
4- Có lỗi
Bên vi phạm phải có lỗi  trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng. Lỗi để áp dụng chế độ trách nhiệm vật chất khi vi phạm hợp đồng kinh tế là lỗi suy đoán, nghĩa là khi một bên không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ hợp đồng  trong khi có điều kiện để thực hiện được thì đương nhiên bị coi là có lỗi. Như vậy phía bên kia không cần phải chứng minh lỗi mà chỉ cần chứng minh là bên đương sự đã không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ hợp đồng.
Khi có đầy đủ những căn cứ trên, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm vật chất. Bên vi phạm hợp đồng được xét giảm hoặc miễn hoàn toàn trách nhiệm tài sản trong các trường hợp sau đây:
+ Gặp thiên tai địch hoạ và các trở lực khách quan khác không thể lường trước được và đã thi hành mọi biện pháp để khắc phục
+ Phải thi hành lệnh khẩn cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do thủ tướng chính phủ, trưởng ban chống lụt bão Trung ương, chủ tịch UBND Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  và cấp tương đương ký.
+ Do bên thứ 3 vi phạm hợp đồng kinh tế với bên vi phạm, nhưng bên thứ 3 không phải chịu trách nhiệm tài sản trong 2 trường hợp trên.
+ Do vi phạm hợp đồng kinh tế của 1 bên là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng kinh tế của bên kia

6.6.3- Các hình thức trách nhiệm vật chất

1- Phạt vi phạm hợp đồng
Là một chế tài tiền tệ mà bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm. Chế tài phạt hợp đồng có thể được áp dụng đối với tất cả các hành vi vi phạm hợp đồng mà không cần tính đến việc vi phạm đó đã gây ra thiệt hại hay chưa.
Hình thức chế tài này chỉ cần 2 điều kiện là có hành vi vi phạm và có lỗi.
Tiền phạt hợp đồng do 2 bên thoả thuận trong khung hình phạt  đối với từng loại vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo điều 29 pháp lệnh hợp đồng kinh tế, mức phạt chung đối với các loại vi phạm hợp đồng kinh tế là từ 2%- 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
Theo pháp lệnh hợp đồng kinh tế và nghị định số 17 -HĐBT ngày 16/1/1990  việc thoả thuận về mức phạt trong hợp đồng phải phù hợp với khung phạt của từng loại hợp đồng kinh tế và từng loại vi phạm hợp đồng kinh tế. Riêng vi phạm nghĩa vụ thanh toán không áp dụng các khung phạt trên mà áp dụng mức lãi suất tín dụng quá hạn của ngân hàng và không hạn chế mức tối đa.
Cụ thể :
-Nếu vi phạm về chất lượng phạt từ 3% đến 12% giá trị hợp đồng kinh tế bị vi phạm về chất lượng.
-Vi phạm về thời gian thực hiện hợp đồng phạt 2% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm thời hạn thực hiện cho 10 ngày lịch đầu tiên; phạt thêm từ 0,5% đến 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 8% giá trị hợp đồng kinh tế bị vi phạm ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên.  Trong trường hợp hoàn toàn không thực hiện hợp đồng đã ký thì bị phạt đến mức 12% giá trị hợp đồng.
-Vi phạm nghĩa vụ tiếp nhận sản phẩm hàng hoá, công việc đã hoàn thành theo hợp đồng phạt 4% giá trị hợp đồng đã hoàn thành mà không được tiếp nhận cho 10 ngày lịch đầu tiên và phạt thêm 1 % cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo, cho đến khi tổng số các lần phạt không quá 12% giá trị phần hợp đồng đã hoàn thành và không được tiếp nhận ở thời điể 10 ngày lịch đầu tiên,
– Vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì áp dụng mức phạt bằng lãi suất tín dụng quá hạn của ngân hàng nhà nước Việt Nam, tính từ ngày hết thời hạn thanh toán.
Trong trường hợp pháp luật chưa có quy điịnh mức phạt, các bên có quyền thoả thuận về mức phạt bằng tỷ lệ % giá trị hợp đồng bị vi phạm hoặc bằng 1 số tiền tuyệt đối.
Trong trường hợp hợp đồng không ghi mức phạt thì áp dụng theo khung phạt mà pháp luật quy định.
2- Bồi thường thiệt hại
Là chế tài tài sản dùng để bù đắp những thiệt hại thực tế về tài sản cho bên bị thiệt hại.
Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại đòi hỏi phải đầy đủ 4 yếu tố :
– Có hành vi vi phạm hợp đồng
– Có thiệt hại thực tế xảy ra
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng  kinh tế và thiệt hại thực tế
– Có lỗi của bên vi phạm.
Trong đó thiệt hại thực tế xảy ra không thể thiếu được.
Mức bồi thường thiệt hại không được quy định sẵn mà theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu.
Những thiệt hại thực tế mà bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường  cho bên bị thiệt hại gồm:
– Giá trị tài sản bị mất mát, hư hỏng bao gồm cả tiền lãi phải trả cho ngân hàng; Các khoản thu nhập mà lẽ ra trong điều kiện bình thường bên bị vi phạm cũng sẽ thu được.
– Các chi phí để hạn chế thiệt hại, do vi phạm hợp đồng gây ra mà bên vi phạm phải chịu.
– Tiền phạt và bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm phải trả  cho người khác do lỗi của bên vi phạm hợp đồng gây ra.

0