01/03/2018, 16:55

Tản mạn về ƯỚC MƠ hay, những bài viết nói về ước mơ của mỗi người

(iini.net) Những tản mạn hay nói về ƯỚC MƠ của mỗi con người. Ai cũng có quyền mơ ước và cố gắng thực hiện ước mơ đó. Chủ đề này iini.net sẽ cập nhật thường xuyên bạn nhé!.. tản mạn hay về Ước Mơ (ảnh: internet) ➥ xem thêm : ƯỚC MƠ VÀ TIẾNG THỞ DÀI (Nguyễn Văn Trung) Có lần ...

(iini.net) Những tản mạn hay nói về ƯỚC MƠ của mỗi con người. Ai cũng có quyền mơ ước và cố gắng thực hiện ước mơ đó. Chủ đề này iini.net sẽ cập nhật thường xuyên bạn nhé!..

tản mạn hay về Ước Mơ
tản mạn hay về Ước Mơ (ảnh: internet)

xem thêm:

ƯỚC MƠ VÀ TIẾNG THỞ DÀI

(Nguyễn Văn Trung)

Có lần tôi cho học sinh làm đọc hiểu và viết đoạn văn nghị luận với chủ đề Ước mơ của bạn, khi chấm tập của em Minh Nguyên, phần trả lời cho câu hỏi Ước mơ của bạn là gì, em đã trả lời : Ước mơ của em là được ngồi trên chiếc mô tô phân khối lớn và chạy trên những cung đường của đất nước. Tôi định viết vài dòng : "ước mơ của em rất giống của thầy. Chúc em thành công. Và nhớ hãy thực hiện nó khi em chưa lập gia đình nhé". Lời văn đã có. Vậy mà mải chấm bài và rồi hết giờ không kịp phê.

Ai cũng từng trăn trở về lẽ sống ở đời. Phải sống sao cho có ý nghĩa nhất? Nếu luôn có những dự phóng, những cuộc chạy đua, ta sẽ quên đi bến bờ bình lặng. Biết đủ, an nhàn lại cho là an phận. Sống hài hòa lại sợ kiểu trung bình chủ nghĩa... Ta băn khoăn không phải để vừa lòng ai, không phải sợ ai mà cái chính là cái thằng tôi đầy khó chịu. Nó cứ ở đó, bên bạn, kiên trì một cách lì lợm và ngày đêm, mọi nơi để chất vấn ta "mày phải", mày phải. Còn ta thì chống cự trong đau đớn "tôi còn phải" , "còn phải"..

Tôi phục những nhà nghiên cứu nhưng tôi cũng thương họ. Một cuốn tản văn làng nhàng có thể được tái bản, lãi mấy chục đến hàng trăm triệu. Một công trình tâm huyết của đời người viết ra có khi phải trông cậy vào sức mua của một số ít sinh viên mà phần đông trong những người mua chưa chắc đã đọc. Năm 2002, thời học Đại học được đi dã ngoại tận Mũi Né. Tôi nhớ tôi đã nhìn giáo sư Bùi Mạnh Hùng với ánh mắt kính cẩn thế nào. Thầy đánh rơi cặp kính cận khi bơi và tôi cố lặn tìm cho thầy. Rồi tôi hỏi thầy: thời trẻ chắc thầy không được nhiều những phút thảnh thơi này thầy ha? "Đúng rồi em! Cái gì cũng có giá em ạ". Vâng. Sự kính trọng của sinh viên là vô giá cũng như đã có những cái giá phải trả. Nhưng tôi tin nhưng người như thầy chắc chắn đã tìm ra ý nghĩa đời sống cũng như tin có nhiều lần thầy mong được bay nhảy như kiểu rong ruổi trên một chiếc xe.

Ước mơ của bạn là gì? Bạn lên cung trăng, có một căn nhà, có những đứa con hay thậm chí là có thời gian để toàn nấu một món ăn cho người thân trong gia đình? Tôi cho rằng tất cả đều vĩ đại bởi lẽ ta không thể ngạo mạn và dại dột cho rằng ước mơ của tôi là đẹp, còn bạn thật là tẹp nhẹp, nhỏ nhoi. Mỗi người có một mỗi quan tâm riêng cũng như có những giá trị riêng mà chỉ riêng họ mới hiểu và nhận ra.

Có một mẫu chung ước mơ dành cho mọi người: làm người vĩ đại. Rồi con người đã vĩ đại theo cách mà họ không nhận ra. Tôi có ông dượng được bà dì luôn miệng nhắc "anh Vinh nhà em". Tôi có thằng bạn được vợ tung hô "anh Nghĩa nhà em". Lúc đầu tôi khó chịu nhưng dần dà tôi nghiệm ra: dượng và bạn mình đã rất vĩ đại trong mắt những người vợ. Và tôi mừng cho họ và phục các bà vợ biết bao.

Tôi đã unfriend lập tức một người bạn trên facebook vì thấy cô ta luôn phàn nàn vì sự nghèo khổ của chồng mình. Hành động đó không những thiếu khôn ngoan mà còn thiếu phản xạ văn hóa. Phải biết rằng chồng bạn dĩ nhiên là một thằng đàn ông và thường hay sĩ diện. Họ cũng băn khoăn, trăn trở về vai trò, trách nhiệm với gia đình. Họ có thể đắc chí hoặc còn bất đắc chí thì bạn cũng cần cảm thông và trân trọng. Bởi họ cũng từng mơ làm người vĩ đại nhưng có thể vì bạn vì con cái bạn và nhiều điều kiện khác chưa cho phép.

Ước mơ cũng thể hiện chí hướng. Tôi ấn tượng với câu chuyện Khổng Tử hỏi về chí hướng của học trò. Tử Lộ muốn trị nước nghìn cỗ xe, Nhiễm Cầu mong làm cho một nước vuông độ sáu bảy mươi dặm, Công Tây Hoa mong làm tiểu tướng. Riêng Tăng Điểm điềm tĩnh nói: vào cuối mùa xuân tiết tháng ba, áo mùa xuân đã may xong, cùng năm sáu bạn thanh niên rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió ở Đàn Vũ Vu, rồi ca vịnh với nhau mà về". Khổng Tử nghe rồi thở dài: Ta cũng thích như Tăng Điểm. Tôi hiểu rõ cái thở dài của Khổng Tử, con người với chí cao là "bình thiên hạ". Điều Tăng Điểm nói đụng chạm đến ước mơ còn dang dở của ông. Khi con ngưòi bình tâm mà tắm sông, hóng gió, hát vịnh nghĩa là khi con người đã đắc chí, đã đạt được ước mơ. Nhưng đạt được nó đâu dễ gì.

Thế nên nếu một ngày bạn thấy tôi vào bếp nấu ăn hay rong ruổi trên chiếc xe phân khối lớn với nụ cười rạng rỡ thì hãy mừng cho tôi nhé, vì tôi đã " bình" được.... mình. Còn giờ thì, bạn thấy đó, một khuôn mặt người... bất đắc chí.
0