25/05/2017, 00:26

Phân tích tâm trạng và tình cảm của Hoàng Cầm trong bài Bên kia sông Đuống.

Đề bài: Em hãy phân tích bức tranh tâm trạng và tình cảm của Hoàng Cầm thể hiện trong bài thơ Bên kia sông Đuống. Hoàng Cầm là một nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, nhà thơ cũng là một người con của mảnh đất Kinh Bắc xưa. Nếu đọc thơ Hoàng Cầm ta sẽ thấy hình ảnh quê hương luôn được tái ...

Đề bài: Em hãy phân tích bức tranh tâm trạng và tình cảm của Hoàng Cầm thể hiện trong bài thơ Bên kia sông Đuống. Hoàng Cầm là một nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, nhà thơ cũng là một người con của mảnh đất Kinh Bắc xưa. Nếu đọc thơ Hoàng Cầm ta sẽ thấy hình ảnh quê hương luôn được tái hiện sắc nét, sinh động, tình yêu da diết, mãnh liệt của nhà thơ dành cho vùng đất Kinh Bắc thấm đượm qua từng câu văn, đó không chỉ là tình yêu, mà đó còn là niềm tự hào của một ...

Đề bài: Em hãy phân tích bức tranh tâm trạng và tình cảm của Hoàng Cầm thể hiện trong bài thơ Bên kia sông Đuống.

Hoàng Cầm là một nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, nhà thơ cũng là một người con của mảnh đất Kinh Bắc xưa. Nếu đọc thơ Hoàng Cầm ta sẽ thấy hình ảnh quê hương luôn được tái hiện sắc nét, sinh động, tình yêu da diết, mãnh liệt của nhà thơ dành cho vùng đất Kinh Bắc thấm đượm qua từng câu văn, đó không chỉ là tình yêu, mà đó còn là niềm tự hào của một người con đối với nơi mình sinh ra và lớn lên. Một trong những bài thơ thể hiện rõ cảm hứng này của nhà thơ mà ta không thể không kể đến, đó chính là bài “Bên kia sông Đuống”, con sông hiền hòa, thân thương bước vào trang thơ của Hoàng Cầm đầy chân thực, chứa chan tình cảm của nhà thơ dành cho quê nhà, viết về dòng sông Đuống nhưng cũng là viết về những truyền thống tốt đẹp, lâu đời của người Kinh Bắc xưa.

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Bên kia sông Đuống” khá đặc biệt, đó là vào một đêm giữa tháng tư năm 1948, khi nhà thơ Hoàng Cầm đang tham gia hoạt động ở chiến khu Việt Bắc, đây cũng là giai đoạn thực dân Pháp tập trung tiến công, nhằm mục đích buộc quân ta đầu hàng. Vì vậy mà không từ thủ đoạn, chúng mở rộng phạm vi chiếm đóng ở các địa phương miền Bắc, trong đó có quê hương tác giả, vùng đất Kinh Bắc xưa và vùng Bắc Ninh ngày nay. Trong đêm, khi nghe tin dữ về quê nhà, nhà thơ đã vô xùng xúc động, xót xa và cũng ngay trong đêm ấy, Hoàng Cầm đã viết bài thơ “Bên kia sông Đuống”, vừa thể hiện tình yêu, niềm tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng thời cũng thể hiện sự xót xa, đau đớn trước thực trạng đau lòng trước mặt.

Vì vậy mà có thể nói, bài thơ “Bên kia sông Đuống” là chuỗi cảm xúc vô cùng chân thật của nhà thơ, vì vậy đọc những dòng thơ, độc giả không chỉ cảm thấy tự hào về những truyền thống tốt đẹp mà dân ta bao đời gây dựng, đồng thời cũng cảm thấy bồi hồi, xúc động trước những cảm xúc dạt dào, da diết của nhà thơ. Trong bài thơ này, cảm xúc tự hào, yêu thương và xót xa, mất mát đan xen vào nhau, mang đến cho người đọc cảm nhận được nhiều cung bậc của cảm xúc. Trước hết, đó chính là sự tự hào về vẻ đẹp dân dã, mộc mạc nhưng hết sức tươi đẹp, thanh bình của quê hương:

“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai xanh biếc”

Đầu tiên, nhà thơ Hoàng Cầm đã gợi ra cho người đọc những ấn tượng đầu tiên về dòng sông quê hương của nhà thơ, dòng sông Đuống trong dòng cảm nhận của nhà thơ, đó là một dòng sông hiền hòa, nhịp chảy bình yên, lặng lẽ “Sông Đuống trôi đi”, những dòng nước dưới sự khúc xạ của ánh nắng mặt trời thì chợt trở nên lấp lánh đến lạ kì “Một dòng lấp lánh”. Như vậy, chỉ một con sông, như bao dòng sông khác, nhưng trong tình yêu mãnh liệt, trong sự cảm nhận tinh tế thì sông Đuống hiện lên với vẻ đẹp lạ kì, đẹp trong chính cái vẻ tự nhiên, bình dị của nó. Và dòng sông Đuống thân thương ấy lặng lẽ nhưng lại vô cùng kiên cường, trong cuộc sống sinh hoạt, nó như một người bạn hiền, một bà mẹ phù sa. Còn trong chiến đấu, nó lại trở thành một người đồng đội, cùng con người chống lại vó ngựa của quân xâm lăng “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”.

Quá trình đấu tranh lâu dài, gian khó nhưng dòng sông Đuống luôn đồng cam, cộng khổ với con người, nó cũng chính là một nhân chứng lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm, biến động của lịch sử dân tộc. Ở đây, dòng sông Đuống còn được nhà thơ gợi ra với biết bao vẻ đẹp, đó chính là vẻ đẹp của sự vun bồi, kiến tạo. Hai bên bờ sông được phù sa của dòng sông bồi đắp nên những mảnh đất màu mỡ, trù phú. Nhờ đó mà cảnh sắc cũng tươi đẹp hơn bởi sự xanh tốt của cỏ cây, hoa lá, đó chính là sự xanh tốt của bãi mía, hay sắc xanh ngắt của bờ dâu, ngô khoai cũng mọc lên vô cùng xanh tốt “Xanh xanh bãi mía bờ dâu/ Ngô khoai xanh biếc”.

“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”

Quê hương Hoàng Cầm vốn tươi đẹp là vậy, yên bình là vậy nhưng giờ đây đứng trước sự phá hủy tàn bạo của kẻ thù, liệu có bị tổn thương, mất mát? Nhà thơ đau đáu trong lòng những trăn trở, càng yêu quê hương bao nhiêu thì nghe tin giặc đánh phá quê hương sẽ càng đau xót bấy nhiêu. Càng đau xót hơn nữa khi nhà thơ không ở nhà, không cùng bà con chiến đấu, bảo vệ quê hương mà lại ở chiến trường xa xôi. “Đứng bên này sông sao nhớ tiếc” chính là hình ảnh nhà thơ mường tượng ra để thể hiện nỗi xót thương cùng cực, đó là sự tiếc nuối, thậm chí đau đớn. Và sự đau đớn này được nhà thơ thể hiện qua một hình ảnh đầy sức ám ảnh “Sao xót xa như rụng bàn tay”, câu thơ này muốn nhấn mạnh cảm giác mất mát, xót xa của nhà thơ.

“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

“Bên kia sông Đuống” cũng là bờ Bắc của vùng đất Kinh Bắc xưa, đối diện với nơi nhà thơ sinh sống. Tuy bờ Nam và bờ Bắc cách nhau bởi dòng sông Đuống nhưng không vì thế mà dân chúng hai bên bị cách chia, ngược lại họ vẫn coi nhau là những người đồng hương, những người cùng một nơi “chôn nhau cắt rốn”. Trên mảnh đất đầy tươi đẹp ấy, những hương lúa nếp thơm nồng, vấn vít lòng người, theo dòng hồi tưởng của nhà thơ mà đi vào những trang văn như những kỉ vật vô giá của quê hương “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng”, câu thơ cũng gợi cho chúng ta nhớ về truyền thống lâu đời của dân tộc, đó là truyền thông canh tác nông nghiệp lúa nước. Vì vậy mà gợi nhắc đến hương lúa thì không chỉ nhà thơ mà ngay cả những độc giả cũng sẽ cảm thấy xao xuyến bởi sự thân thuộc, gắn bó.

Những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, của người dân Kinh Bắc nói riêng được Hoàng Cầm gợi ra trong niềm tự hào. Đó chính là những bức tranh Đông Hồ, một sản phẩm độc đáo của nền văn hóa, là một trong những sản phẩm mà khi nhắc đến thì người ta sẽ liên tưởng ngay đến vùng đất Kinh Bắc xưa. Và dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng bởi chính những chất liệu dân dã, sự sáng tạo không ngừng của người dân nơi đây, những bứ tranh gà lợn, gợi cho ta liên tưởng ngay đến những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng “Tranh Đông Hồ gà lợn những nét tươi trong”. Chất liệu của những bức tranh nổi tiếng ấy cũng không gì xa lạ, đó chính là giấy điệp, một loại giấy đặc biệt do những người nghệ nhân của dòng tranh này sáng tạo ra, và cũng chỉ có tranh Đông Hồ mới có loại giấy đặc biệt này.

“Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, đây là một câu thơ đầy ý nghĩa, bởi nó gợi nhắc đến những truyền thống của một dân tộc anh hùng, những gì được khắc họa trên những bức tranh dân gian Đông Hồ cũng chính là những dấu tích văn hóa qua các thời kì phát triển, phản ánh được phong tục tập quán, nối sống của con người. Gợi nhắc đến những truyền thống với bao tự hào thì khi nói về thực tiễn tàn phá của thực dân Pháp, Hoàng Cầm càng xót xa, đau đớn bấy nhiêu:

“Giặc kéo lên ngùn ngụt như lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu

Khi quân xâm lược kéo vào, khung cảnh yên bình vốn có bị chúng hủy diệt, làm cho mọi thứ trở nên điêu tàn, hoang vắng đầy tang thương. Sự hùng hậu của quân Pháp được nhà thơ đặc tả qua câu thơ “Giặc kéo lên ngùn ngụt như lửa hung tàn”, quân giặc vì lòng tham, vì những mưu lợi phi nghĩa mà đẩy dân ta vào “ngọn lửa hung tàn”, và trước sự hung tàn đó, những khu ruộng vốn màu mỡ, tươi tốt bị cháy khô “Ruộng ta khô”. Không chỉ phá hủy đi những thứ vật chất nuôi sống con người, mà ngay cả với dân ta chúng cũng không từ một thủ đoạn đê hèn nào “nhà ta cháy”, những loài vật cũng bị khói lửa chiến tranh, thủ đoạn bạo tàn mà trở nên điên dại “Chó ngộ một đàn”, và hình ảnh “Lưỡi dài lê sắc máu” thật ám ảnh, bởi nó gợi nhắc đến sự chết chóc đau thương, đó chính là máu của những người dân lương thiện, hiền lành đã đổ xuống dưới mũi súng của kẻ thù.

Như vậy, bài thơ “Bên kia sông Đuống” là mạch cảm xúc đầy tự nhiên, chân thành của nhà thơ Hoàng Cầm, đó là một tình yêu da diết, mãnh liệt dành cho quê hương. Tình yêu ấy của nhà thơ lại được khắc họa trong một biến cố lớn, đó là việc quân Pháp bắn phá, đóng chiếm, nhưng những mất mát, đau thương chỉ để lại những sự xót xa, đau đớn chứ tuyệt nhiên không làm sứt mẻ đi tình cảm thiêng liêng mà nhà thơ dành cho quê hương của mình.Hay nói cách khác, qua những biến cố, thử thách thì tình yêu dành cho quê hương, cho dân tộc của nhà thơ Hoàng Cầm càng được thổi bừng lên mạnh mẽ.

0