31/05/2017, 13:12

Phân tích khổ thơ sau trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Đề bài: Phân tích khổ thơ sau trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy. Cảm ơn bạn Nguyễn Thanh Tùng Trường THCS Lý Tự Trọng TP HCM đã gửi bài viết về địa chỉ email nhungbaivanhayvn@gmail.com Ngửa mặt lên nhìn mặt có cái gì rưng rưng như là đồng là bể ...

Đề bài: Phân tích khổ thơ sau trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy. Cảm ơn bạn Nguyễn Thanh Tùng Trường THCS Lý Tự Trọng TP HCM đã gửi bài viết về địa chỉ email nhungbaivanhayvn@gmail.com

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

                        (Ngữ văn 9, tập một)

Bài làm

Trăng là đề tài muôn thuở của thi ca từ xưa đến nay. Trăng là tri kỉ, là bạn tâm tình, chia sẻ xúc cảm của thi nhân. Trăng là biểu tượng cho không gian thanh bình, hiền hoà. Và trăng trong bài thơ ánh trăng của Nguyễn Duy, là quê hương, là tuổi thơ, là kí ức chiến trường để thương để nhớ.

Bây giờ chiến tranh lùi xa, cuộc sống nơi thị thành nhộn nhịp, tràn ngập trong ánh điện đã làm cho con người lãng quên ánh trăng, quên đi vẻ đẹp giản dị, thanh bình của quê nhà rơm rạ. Quên những nơi, những người từng gắn bó với cuộc đời ta - lao động và chiến đấu. Chỉ đến lúc "thình lình đèn điện tắt", "vội bật tung cửa sổ/đột ngột vầng trăng tròn", con người mới bất chợt nhớ lại cuộc sống ngày xưa, trở về kí ức để tìm lại kỉ niệm, để trách mình đã hờ hững với trăng - biểu tượng của Tình nghĩa.

Đoạn thơ là cảm xúc của tác giả khi bất chợt gặp lại ánh trăng ở thành phố "vội bật tung cửa sổ, đột ngột vầng trăng tròn", mang theo bao nhiêu là kỉ niệm về cuộc đời đã qua. Với Nguyễn Duy trăng "là đồng", "là bệ", "là sông", "là rừng", là tất cả những gì thân thuộc nhất. Trăng hiện lên trong mắt nhà thơ là sự trở về của "tri kỉ”, của "hồn nhiên", "ngỡ không bao giờ quên ”khiến cho ông "rưng rưng" cảm động. Đã có một cuộc đối mặt tình cờ giữa tình nghĩa với người vô tình và cuộc đối diện lương tâm trong người vô tình. Có cái gì nghẹn ngào, sâu lắng làm nhà thơ không thốt nên lời. Có lẽ với bất kì ai, trăng luôn gợi nên kỉ niệm đẹp. Đã có lúc bất chợt ngước lên nhìn trăng tôi lại nhớ ngày xưa mỗi độ trăng tròn, bè bạn hò nhau trốn tìm, mùi rơm nếp thơm lừng cả không gian. Bởi thế, xúc cảm của nhà thơ cũng là điều dễ hiểu, nhất là với ông, trong quá khứ trăng là tri kỉ, trở thành thân thuộc không bao giờ quên suốt một quãng đời dài. Sau cảm xúc nghẹn ngào rưng rưng vì bất chợt được về với trăng của những kỉ niệm xưa, con người mới "giật mình" nhận ra rằng: Dường như cuộc sống mới đầy đủ hơn khiến cho ta lãng quên ánh trăng, quên những gì thân yêu nhất một thời: Trăng cứ tròn vành vạnh kể chi người vô tình ánh trăng im phăng phắc đủ cho ta giật mình.

"Trăng cứ tròn vành vạnh" - Không phải chỉ là cái "vành vạnh" của vầng trăng thiên tạo mà là sự vẹn tròn tình nghĩa. Và ánh trăng im phăng phắc là một thái độ - Thái độ nghiêm khắc. Nếu trăng giận dữ, kể tội con người đã quên tình nghĩa thì trăng đã thành nhỏ mọn. Nhưng bằng phẩm chất cao thượng Trăng - người bị bội bạc đã khiến kẻ vô tình kia tỉnh ngộ.

Kể chuyện vầng trăng với cái hồn là ánh trăng, biểu tượng cho sự cao thượng của Đất và Người đầy ân tình với ta và sự vô tình của ta, nhà thơ không chỉ dùng để trách sự hờ hững với quá khứ, với những điều thiêng liêng nhất ta đã có trong cuộc đời mà còn nhắc nhở chúng ta hãy sống có tình nghĩa, sống thuỷ chung để không phải hối hận vì có lúc đã vô tình lãng quên, bội bạc với Ân nghĩa. Có thế, ta mới có thể trọn vẹn cuộc sống hạnh phúc làm người.

Nguồn: Những Bài Văn Hay
0