04/06/2017, 00:35

Tình cảm quê hương trong khổ thơ cuối của bài thơ Tràng giang của Huy Cận.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạcChim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều saLòng quê dợn dợn vời con nướcKhông khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Tràng giang là một kiệt tác của nhà thơ Huy Cận nói riêng và của phong trào Thơ mới nói chung. Đây là một bài thơ với xúc cảm của vũ trụ không những chan chứa một nỗi buồn ...

Lớp lớp mây cao đùn núi bạcChim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều saLòng quê dợn dợn vời con nướcKhông khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Tràng giang là một kiệt tác của nhà thơ Huy Cận nói riêng và của phong trào Thơ mới nói chung. Đây là một bài thơ với xúc cảm của vũ trụ không những chan chứa một nỗi buồn mênh mông xa vắng mà còn thấm đượm tình yêu quê hương đất nước sâu lắng. Nhận xét về bài thơ này, nhà thơ Xuân Diệu viết: Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc. Tuy là khổ thơ cuối cùng của bốn khố thơ trong bài thơ nhưng bốn dòng thơ sau đây đã thể hiện được một cách khái quát tâm trạng cũng như bút pháp nghệ thuật của nhà thơ.
 
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
 Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
 Lòng quê dợn dợn vời con nước
 Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
 
 In trong tập Lửa thiêng, Tràng giang là bài thơ đặc sắc nhất và cũng là tiêu biểu nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Huy Cận.
 
Theo nhà thơ vào một buổi chiều mùa thu 1939, khi đứng trên bờ nam bến Chèm, nhìn cảnh Hồng Hà mênh mang sông nước, nghĩ về kiếp người nổi trôi, ông đã hình thành tứ thơ trong bài thơ Tràng giang. Từ bài thơ toát lên một nỗi buồn lạc lõng và cô đơn trước cảnh trời nước bao la hiu quạnh thật đẹp mà cũng thật buồn. Không gian nghệ thuật ấy thấm đượm một vẻ hoang vắng, trống trải, xa lạ vô định và hờ hững. Toàn cảnh Sông dài trời rộng bến cô liêu tuyệt nhiên không có bóng con người. Không một chuyến đò ngang. Không cầu gợi chút niềm thân mật. Cái khung cảnh ở đây dường như không có dấu vết nào của một sự sống. Ngay cả tiếng chợ chiều xa xôi dường như cũng chỉ dội lên trong tâm tưởng. Cảnh tượng hoàn toàn vắng lặng. Nỗi buồn lan tỏa thấm sâu vào tạo vật không gian ba chiều: Nắng xuống trời lên sâu chót vót khiến cho người đọc tưởng chừng như rợn ngợp trước một không gian mênh mông cao rộng đến khôn cùng.
 
Khổ thơ cuối bài thơ được trích trên đây khắc họa lại cảnh vật trên tràng giang. Lúc bấy giờ mặt trời xuống thấp hắt ánh sáng lên các lớp mây cao cuồn cuộn đùn ra những núi bạc.
 
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
 
Một cảnh tượng rực rỡ và hùng vĩ chợt hiện ra. Trong câu thơ trên, chữ đùn có sức mạnh gợi tả mạnh mẽ, tả mây mà như có lực đẩy ở bên trong cứ trồi ra hết lớp này lại đến lớp khác. Đến đây người đọc không thể không nhớ đến trong bài Thu hứng Đỗ Phủ viết:
 
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm
 
Nguyễn Công Trứ dịch là:
 
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm
 Mặt đất mây mù cửa ải xa
 
Trước cảnh sông nước trời mây mênh mang vô tận ấy bỗng hiện lên một cánh chim bé bỏng:
 
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
 
 Con chim ấy chỉ cần nghiêng cánh là cả bóng chiều sa xuống. Hình ảnh cánh chim trong buổi chiều xưa nay vốn dễ gợi buồn chúng ta đã từng bắt gặp nhiều lần trong thơ Bà Huyện Thanh Quan:
 
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
(Chiều hôm nhớ nhà)
 
Hay cả Truyện Kiều của Nguyễn Du
 
Chim hôm thoi thóp về rừng
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành
(Truyện Kiều)
 
Ba chữ bóng chiều sa trong câu thơ là chiều liên hệ với những núi bạc do lớp lớp mây trắng đùn lên ở phía chân trời phản chiếu lấp lánh ở câu thơ trên. Tương phản với hình ảnh lớp lớp núi bạc ấy là hình ảnh chim nghiêng cánh nhỏ. Sự tương phản này càng làm cho dáng chim thêm nhỏ nhoi cô độc hơn và cũng làm cho cảnh vật rộng hơn, thoáng hơn, xa vắng hơn nhưng cũng buồn hơn.
 
Ngoài ra, bóng chiều và cánh chim ở đây còn gợi về tổ ấm, về quê nhà. Từ đó mở ra ý tiếp theo của hai câu thơ cuối:
 
 
Lòng quê dợn dợn vời con nước
 Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
 
 Cả bốn câu kết này đều mang ý vị cổ điển rất đậm đà, đặc biệt là hai câu này. Đây đúng là một tứ thơ Đường. Hơn nữa hai thế kỷ trước trong bài thơ Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu đã viết:
 
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
 Yên ba giang thượng sử nhân sầu
 
 Tản Đà dịch là:
 
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
 Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
 
Thôi Hiệu nhìn khói sóng nhớ quê hương. Ở đây Huy Cận không cần có khói sương mà lòng quê vẫn cứ dợn dợn. Lòng quê có người hiểu là lòng riêng kiêu nhả ngữ nghĩa là tấm lòng mộc mạc nhưng đúng hơn cả có lẽ là cách hiểu của nhiều người lâu nay đó là lòng nhớ quê hương. Còn dợn dợn theo chính nhà thơ cho biết ông rất thích chữ dợn dợn nên rất phiền lòng khi nghe đọc nhầm, hay in nhầm thành dờn dờn hay rợn rợn. Rợn là từ để chỉ mặt nước chuyển động uốn lên, uốn xuống khi bị xao động. Ta thường thấy mặt sông, mặt hồ dợn sóng là như vậy. ở câu thơ này, lòng nhớ quê hương bất chợt dợn lên như sóng trong tâm hồn nhà thơ khi đưa mắt vời trông ra con nước mênh mông bất tận.
 
Nhưng không phải chỉ dợn lên một lần mà ở đây dợn dợn nghĩa là dợn liên tục không ngưng nghĩ tỏa lan ra tít tắp.
 
Tiếp đó, ông đã kết thúc bài thơ:
 
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
 
Câu kết này cho thấy Huy Cận biết trước mình đã cộ câu thơ của Thôi Hiệu. Nay nhà thơ phát triển ý thơ xưa nói khác hơn Thôi Hiệu. Ai buồn hơn ai? Điều ấy khó trả lời xác đáng. Có điều hai nỗi buồn của hai nhà thơ có nhiều điểm khác nhau. Thời điểm Thôi Hiệu buồn là vì cõi tiên mù mịt, quê nhà mù xa. Khói sóng trên sông càng làm cho lòng ông buồn thêm. Thời nay Huy Cận trước một không gian mênh mông cao rộng đến vô cùng Không một chút ấm áp của sự sống (Huy Cận) ông đã nhớ đến quê nhà dù không khói hoàng hôn. Chính nhà thơ đã có lần phát biểu rằng mình nhớ không phải chỉ nhớ quê hương Hà Tĩnh, nhớ vùng đất Hương Sơn tươi đẹp của mình mà nhớ nhà trong bài thơ này phải hiểu là nhớ quê hương đất nước Việt Nam. Ông cũng kể lại rằng khi phát xít Đức xâm lược nước Pháp chiếm đóng thủ đô Paris nhà thơ Aragon cảm thấy mình thiếu quê hương, lạc loài ngay chính trên quê hương của mình. Tâm sự lạc loài đó cũng là tâm sự của ông trong cuộc sống nô lệ dưới ách thống trị của bọn thực dân Pháp lúc bấy giờ.
 
Như vậy cái buồn trong bốn câu thơ của bài thơ này nói riêng và của phần nhiều các nhà thơ mới nói chung là cái buồn của cả thế hệ, của cả dân tộc trong những năm của cuộc sống đen tối dưới ách của thực dân Pháp.
 
Như thế, khổ thơ kết trong bài thơ Tràng giang là một khổ thơ đặc sắc thể hiện cảnh tượng thiên nhiên tạo vật tuy buồn nhưng đôi lúc cũng bộc lộ một vẻ đẹp kỳ vĩ lạ lùng. Âm điệu khổ thơ trầm buồn sâu lắng, có sức lay động tận nơi sâu thẳm của tâm hồn người thưởng ngoạn.
 
Có người cho rằng nếu Xuân Diệu cách tân thơ mới theo hướng phương Tây thì Huy Cận cách tân theo hướng dân tộc và cổ điển. Nhà thơ đã tiếp thu và phát huy một cách sáng tạo thể thơ thất ngôn kết hợp với việc sử dụng khéo léo những từ ngữ cô đọng hàm súc và tinh tế để thể hiện ý tưởng sâu sắc của mình, của một tấm lòng đang hoài vọng quê hương.  

0