04/06/2017, 00:35

Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng.

Số đỏ là một kiệt tác vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam, một trong những cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho một nền văn học (Nguyễn Khải, Tham luận tại đại hội lần III, Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 9 năm 1983). Qua Số đỏ, xã hội tư sản đang bước vào cuộc cải cách văn minh rởm hiện lên nhố nhăng ...

Số đỏ là một kiệt tác vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam, một trong những cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho một nền văn học (Nguyễn Khải, Tham luận tại đại hội lần III, Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 9 năm 1983). Qua Số đỏ, xã hội tư sản đang bước vào cuộc cải cách văn minh rởm hiện lên nhố nhăng như một tấn đại hài kịch. Những thói xấu xa, giả dối, lại được coi là đạo đức, là chân thực: những kẻ vô học, vô văn hóa lại được coi là đại trí thức, đại anh hùng. Phải, trái, trắng, đen, thật, ...

Hạnh phúc của một tang gia là tiêu đề của chương XV, là một màn trong vở đại hài kịch ấy, đã đạt tới cao trào đầy kịch tính. Cái chết của cụ Tổ là biến động đặc biệt tạo ra tình huống có ý nghĩa làm nảy sinh những nghịch lý của tấn trò đời. Để thâu tóm cho được những cái éo le chứa chất những mâu thuẫn, tác giả đã dùng hình thức đối lập là chủ yếu.
 
Hình thức đối lập được biểu hiện trước hết qua hai vế của tiêu đề: Hạnh phúc của một tang gia. Hai vế đối lập đã tập trung thể hiện mâu thuẫn trào phúng đến gay gắt của màn hài kịch. Nói đến tang gia là nghĩ đến nỗi thương đau bao trùm lên tất cả, không còn nỗi đau nào hơn khi mất mát những người thân thiết. Ấy thế mà lũ con cháu lại coi sự tổn thất lớn lao như một niềm hạnh phúc - vui sướng, mãn nguyện nhất: Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm. Đây quả là một gia đạo bất lương. Không biết đau trước nỗi đau lớn nhất của người thân ruột thịt, đã là tàn nhẫn rồi, nhưng chúng còn coi đó là niềm vui thì là lũ bất nhân, bất nghĩa.
 
Nhà văn đã đi sâu khai thác để làm nổi bật lên cái phi nhân tính từ thái độ của các thành viên trong gia tộc ấy. Đứa con quý tử thì nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cự mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu máo, đế cho thiên hạ phải chỉ trỏ.
 
-Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!
 
Đây đâu phải là tâm lý của đứa con có bố chết mà là niềm mong đợi của một diễn viên sắp lên sân khấu chờ đợi những lời khen. Cái lời khen mà hắn mong đợi thật là quái gở. Người ta mong được khen trẻ thì hắn lại mong được khen già.
 
Còn Văn Minh, đứa cháu đích tôn, thì mừng thầm vì từ nay trở đi, cái chúc kia sẽ đi vào thời kỳ thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa. Vợ Văn Minh, Tú Tân, Phán mọc sừng, rồi Tuyết, mỗi nhân vật đều tìm thấy niềm vui sướng của riêng mình. Niềm vui ấy cũng được ban phát cho tất cả mọi người như Min Đơ, Min Toa, TYPN, Sư Tăng Phú... Cái chết đã là một hạt nhân làm nảy nở những niềm vui, hạnh phúc, muôn hình, muôn vẻ. Đây chính là tính chất tương phản của đám tang. Những con người này thực chất chẳng có tình nghĩa gì với nhau. Sợi dây gắn bó chúng với nhau chỉ là đồng tiền, là lòng ích kỉ. Người chết thì mặc người chết, chỉ có lợi cho con cháu.
 
Trong đám tang này không phải không có sự bối rối, nhưng sự bối rối lại không từ tang gia mà từ chuyện hôn nhân của Tuyết. Họ định tiến hành một đám cưới trong đám tang nhưng không thành. Nỗi lo buồn về hôn nhân lỡ dở đã để lại trên gương mặt khổ chủ. Văn Minh vò đầu rứt tóc, lúc nào mặt cũng đăm đăm chiêu chiêu thành thử lại thành ra hợp thời trang. Gương mặt buồn ấy lại có tác dụng đánh lừa mọi người cứ như họ đau đớn vì cái chết của ông già kia lắm. Thật giả, thực hư cứ lẫn lộn.
 
Nghệ thuật đối lập còn được tác giả sử dụng vào việc miêu tả hình thức của đám tang. Đây là tang lễ mà lũ con cháu bất hiếu đứng lên tổ chức, nhưng lại muốn được khen là chí hiếu. Vì vậy, chúng muốn làm cho thật linh đình. Song càng linh đình bao nhiêu thì càng bộc lộ sự dốt nát và thói hợm hĩnh bấy nhiêu... Đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến cả bốc xoảng, bu dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa... Lọng và dù để che cho bậc quyền quý, ở đây lại che cho con lợn chết thì thật là mỉa mai.
 
 Câu đối phúng viếng còn nhiều hơn cả người đi đưa. Đám tang mà như đám rước hội hè. Còn những nhà tài tử chụp ảnh thi nhau như ở hội chợ... Niềm sung sướng vì đắc ý không chỉ ở kẻ sống mà còn cả người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu...
 
Sau cái hình thức cố ý phô trương sự giàu mà không sang ấy, tưởng là một tang lễ trang nghiêm, thành kính chứ ai ngờ lại là cả những rác rưởi, cặn bã. Cái chết, lẽ thường tình phải tập hợp những người đến làm cái nghĩa tử là nghĩa tận. Nhưng cái chết của cụ Tổ lại không có sức mạnh như vậy. Nó chỉ có khả năng tập hợp những kẻ không kính trọng mình để chiêm nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma. Sau cái tiếng khóc giả là những lời bàn tán thật, lẽ ra không thể có ở tang lễ:
 
- Con bé nhà ai kháu thế? - Con bé bên cạnh đẹp hơn nữa! - ừ, ừ. - Gớm cái ngực đầm quá đi mất! Làm mối cho tớ nhé? - Mỏ vàng hay mỏ chì? - Vợ béo thế, chồng mọc sừng mất!
 
Còn các quan tai to mặt lớn ngực đầy những huy chương: Bắc đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao miên bội tinh thì sán vào cạnh quan tài, tưởng như tình nghĩa với người chết lắm. Nhưng thực ra là họ có cái tình với người sống, là muốn nhòm cho được làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết. Cái ấy còn cảm động hơn cả khi nghe tiếng kèn xuân nữ ai oán, não nùng.
 
Những chi tiết đối lập được xếp đặt bên nhau nhờ đó đã làm bật ra mâu thuẫn đến gay gắt giữa nội dung thực chất và hình thức giả tạo của tang lễ.
 
Đám cứ đi...
 
Kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu lần lượt được thay nhau mà rộn lên... duy chỉ có những thói quen xấu không đi, không chịu theo cái xác kia mà rơi xuống huyệt chôn người.
 
Trong màn kịch trào phúng này thì cảnh hạ huyệt lại là cao trào tập trung những mâu thuẫn đáng cười nhất. Tú Tân xuất hiện như nhà đạo diễn cuốn phim hài kiêm quay phim nhiếp ảnh, cùng bạn bè rầm rộ nhảy lên những ngôi mả như muốn đánh thức những linh hồn chết kia trở dậy để chứng kiến đám tang linh đình về người ông của hắn. Hắn bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy hoặc gục đầu hoặc cong lưng... cho đúng mốt hoặc lau mắt như thế này, như thế nọ... cho hợp thời trang để làm nên những tấm ảnh giả về cái chết thật và những tấm ảnh thật về cái chết của nhân tính.
Trong đỉnh cao của mâu thuẫn kịch, Phán mọc sừng là diễn viên xuất sắc nhất về diễn xuất. Hắn khóc ông vợ đến đứt gan đứt ruột. Nhưng thực ra đó là tiếng khóc nhằm che giấu nụ cười nên không ra khóc mà cũng chẳng ra cười. Cuối cùng chỉ là những âm thanh méo mó:
 
Hứt!. Hứt!. Hứt!.
 
Hắn vặn người ra mà khóc đến mức có thể ngất theo ông bố vợ, nhưng thực ra là hắn làm động tác giả đế dúi vào tay Xuân Tóc Đỏ cái giấy bạc năm đồng trả công người đã giết người ông vợ đáng kính.
 
Ngoài hình thức đối lập, Vũ Trọng Phụng còn dùng lối hình thức cường điệu như Tuyết mặc bộ Ngây thơ để cho thiên hạ biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh...
 
Với ngôn ngữ sắc sảo, tung ra đúng lúc, đúng chỗ như hợp thời trang, làn da trắng thập thò, đám cứ đi, cái chết bình tĩnh... Vũ Trọng Phụng cũng đã làm một cuộc đưa tang cái xã hội tư sản đầy rẫy ung nhọt xuống mồ của nó.

WeagmaZoorm

0 chủ đề

23911 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0