26/08/2018, 17:30

Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ Nhặt

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân (Bài phân tích tác phẩm văn học của bạn Trần Thị Hợp lớp 12A1 trường THPT Ngô Gia Tự). BÀI LÀM Từ truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã xuất ...

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân (Bài phân tích tác phẩm văn học của bạn Trần Thị Hợp lớp 12A1 trường THPT Ngô Gia Tự).

BÀI LÀM

Từ truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã xuất sắc xây dựng lên một tác phẩm giàu giá trị hiện thực bởi những số phận, mảnh đời khắc khổ, cùng quẫn hiện lên trên phông nền nạn “chết đói” vô cùng chân thực. Thế nhưng, sẽ càng khâm phục tài năng Kim Lân hơn nữa khi người đã tinh tế miêu tả tài tình từng chi tiết nhỏ nhất trong diễn biến tâm lí của các nhân vật. Trong đó, diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ có vẻ như được thể hiện sâu sắc và dụng tâm sức nhất. 

Kim Lân được coi là nhà văn của nông dân Việt Nam luôn “một lòng đi về với đất, với người và thuần hậu nguyên thủy thôn quê”. Có lẽ vì thế mà không riêng gì “Vợ nhặt”, mọi tác phẩm của nhà văn đều rất thành công khi thể hiện chân dung, số phận và tâm hồn người nông dân Việt Nam. Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” không chỉ cho thấy chân dung người mẹ nông thôn Việt Nam mà còn thể hiện phong cách, tâm hồn chính tác giả. 

>>>Xem thêm:

  • Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ Nhặt
  • Soạn bài Vợ nhặt của Kim Lân
  • Phân tích tình huống truyện độc đáo trong truyện Vợ Nhặt

Trước hết, bà cụ Tứ hiện lên là một bà mẹ nông dân nghèo dưới đáy cùng của xóm ngụ cư. Bà cụ Tứ hiện lên trong không gian trời sẩm tối, bên cạnh ngôi nhà xiêu vẹo, phên nứa rách, lổn nhổn cỏ dại. Bà Tú đi ra từ bóng tối với cái dáng “lọng khọng”, miệng “lẩm nhẩm” tính toán. Bằng ấy chi tiết đã thể hiện hoàn cảnh sống nhọc nhằn, gian truân, bất hạnh và chân dung con người từng trải, tâm tư sâu sắc. 

Từ khi gặp người vợ nhặt, tâm trạng bà cụ Tứ liên tục thay đổi. Ban đầu bà cụ cũng như mọi người thấy “ngạc nhiên” tự nhủ: “Quái”, “sao lại”, “thế nhỉ”… Đó là những câu hỏi hết sức logic theo diễn biến tâm lí thông thường của nhân vật khi thấy con trai ngờ nghệch về cùng người đàn bà rách rưới giữa những ngày sắp chết đói.

Dần dần, bà cụ bắt đầu ngờ ngợ ra sự tình. Bà cụ “cúi đầu nín lặng, băn khoăn, suy tư mãi”. Thế rồi “lòng người mẹ nghèo khổ còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự”. Bà cụ Tứ ý thức được khao khát hạnh phúc gia đình của đứa con. Nhưng bà cũng hiểu được “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Giữa thời ấy, khi con người ta còn đang đứng trước vực thẳm, níu sợi dây sinh mạng cuối cùng thì lại thêm sức nặng của một con người khác. Sợi dây ấy sẽ càng tiến đến thời khắc đứt đoạn nhanh hơn. Trong thâm tâm của người mẹ, bà đang trách móc bản thân. “Chao ôi người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”.

Với tình thương và lòng bao dung, bà cụ Tứ vẫn chấp nhận người con dâu mới. Bà cụ thấy “mừng lòng”, vừa vui mừng vừa bằng lòng. Thế ra, trong thẳm sâu người mẹ già ấy cũng có khát vọng hạnh phúc gia đình lớn lao và lòng bao dung vĩ đại.

phan-tich-dien-bien-tam-trang-ba-cu-tu-trong-tac-pham-vo-nhatphan-tich-dien-bien-tam-trang-ba-cu-tu-trong-tac-pham-vo-nhat

Trong buổi sáng hôm sau khi gia đình có con dâu mới, bà cụ Tứ đã mang lại ánh sáng hi vọng cho tất thảy bức tranh xám xịt màu sắc chết, âm thanh chết, hình ảnh chết và mùi vị cái chết trước đó. “Cái mặt bủng beo hằng ngày bỗng rạng rỡ hẳn lên”. Bà cụ Tứ cũng trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Từ dáng vẻ thay đổi đến tâm thế cũng thay đổi. Bà cụ tính chuyện tương lai. “khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà rồi chẳng mấy chốc sẽ có cả một đàn gà cho mà xem…”, những lời nói đầy khích lệ xua tan đi mọi muộn phiền trong lòng người. Bữa cháo cám nhờ đó bớt đắng chát hơn. Tài sản lớn nhất mà bà cụ Tứ để lại chính là tình thương lớn lao cho những đứa con.

Tóm lại, ta có thể khái quát về vị trí của nhân vật bà cụ Tứ. Bà cụ Tứ là một trong ba nhân vật chính của tác phẩm. Mặt khác, trong phông nền u tối nạn đói năm 1945, chính nhân vật tưởng như đã vào cái tuổi “gần đất xa trời” lại là điểm sáng, làm nên sức sống cho tác phẩm. Bà cụ Tứ chính là hiện thân cho người lao động nghèo với bản chất cần cù, giàu tình thương và tinh thần lạc quan. Nhân vật bà cụ Tứ mang thông điệp của Kim Lân: dù rơi vào hoàn cảnh khốn cùng đến mức nào thì con người vẫn cố gắng vươn tới tương lai tốt đẹp hơn. 

>>>Xem thêm:

  • Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ Nhặt
  • Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ Nhặt
  • Phân tích tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân
  • Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ Nhặt

 

0