25/05/2017, 10:59

Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy

Đánh giá bài viết Nhắc đến Nguyễn Khuyến có người sẽ nhớ ngay tới 3 bài thơ “Thu Vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm” nằm trong chùm thơ thu nổi tiếng của ông. Nhiều người chỉ nhớ đến Nguyễn Khuyến như một thi sĩ với hồn thơ trong trẻo, yêu thiên nhiên, mộc mạc với cảnh ...

Đánh giá bài viết Nhắc đến Nguyễn Khuyến có người sẽ nhớ ngay tới 3 bài thơ “Thu Vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm” nằm trong chùm thơ thu nổi tiếng của ông. Nhiều người chỉ nhớ đến Nguyễn Khuyến như một thi sĩ với hồn thơ trong trẻo, yêu thiên nhiên, mộc mạc với cảnh quê giản dị mà quên mất đi một Nguyễn Khuyến học rộng hiểu nhiều, bất bình với những thói hư tật xấu ...

Nhắc đến Nguyễn Khuyến có người sẽ nhớ ngay tới 3 bài thơ “Thu Vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm” nằm trong chùm thơ thu nổi tiếng của ông. Nhiều người chỉ nhớ đến Nguyễn Khuyến như một thi sĩ với hồn thơ trong trẻo, yêu thiên nhiên, mộc mạc với cảnh quê giản dị mà quên mất đi một Nguyễn Khuyến học rộng hiểu nhiều, bất bình với những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Một trong số đó là bài thơ “Tiến sĩ giấy”- áng thơ mang tiếng cười mỉa mai, châm biếm, trào phúng với hiện thực tha hóa khoa cử cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Bài thơ “Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến lấy cảm hứng từ lối chơi đèn kéo quân trong dịp tết trung thu. Hoạt cảnh ông nghè vinh quy mô tả người đỗ tiến sĩ, trên người có đủ áo mũ, cân đai, được ngồi kiệu rước về làng. Tứ thơ được xây dựng với ý tưởng châm biếm ông tiến sĩ được làm bằng giấy, bề ngoài oai phong, bảnh chọe nhưng trước sau cũng chỉ là “tiến sĩ giấy”!

Ngay từ nhan đề bài thơ: “Tiến sĩ giấy”đã thể hiện rõ nét sắc thái trào phúng, giễu nhại của tác giả. Phong cách giễu nhại mà Nguyễn Khuyến sử dụng có nguồn gốc từ dân gian, chủ yếu tạo tạo nên tiếng cười bình đẳng, dân chủ, hòa đồng nhưng ngẫm lại cũng đầy sâu cay và chua chát. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu đề Nguyễn Khuyến viết:  

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai,

Cùng gọi ông nghè có kém ai.

 Ở hai câu đề, hình ảnh con người vẫn chưa xuất hiện, mới chỉ có sự phô trương hào nhoáng bề ngoài với đủ cờ biến, cân đai. Chính cái vẻ hào nhoáng , bóng bẩy về hình thức bên ngoài ấy lại tạo ra cảm giác như thể đang chiêm ngưỡng một diễn viên tuồng chèo trong vai tiến sĩ đang sắp bước lên sân khấu để biểu diễn.  Từ “cũng” lặp đi lặp lại 4 lần càng làm tăng lên giá trị mỉa mai, giễu cợt. Cũng đủ đấy, cũng có đấy, cũng chẳng kém ai nhưng sao ta lại cứ thấy không phải, không giống; cứ như là đang đi học đòi, bắt chước người ta, như thể đang diễn tuồng!. Vâng, ông nào có kém ai về phần hình thức bề ngoài, nhưng còn nội dung bản chất bên trong thì sao đây? Có phải cũng đủ, cũng chẳng kém ai không?

“Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,

Nét son điểm rõ mặt văn khôi”

Hai câu ở phần thực hướng đến xác định bản chất nhân vật, vừa có tả thực theo nghĩa đen vừa có ý tứ theo nghĩa bóng. Dù là “thân giáp bảng” đỗ đầu hay “mặt văn khôi”  tức nhất làng văn thì vẻ ngoài ấy cũng chỉ là đặc điểm để nhận diện, xác định uy danh con người tiến sĩ. Xét về bản chất, bậc tiến sĩ kia được cấu tạo chỉ bằng những thứ tầm thường:. Cụ thể chỉ là do “mảnh giấy làm nên”, “nét son điểm mặt”.  Theo nghĩa đen, hình dạng ông tiến sĩ này thực chất được cắt dán bằng giấy, được tô điểm bằng nét mực son. Còn nếu theo nghĩa bóng, nhà thơ ngụ ý nêu lên một thảm trạng không thống nhất nguồn gốc với kết quả, giữa hình thức với nội dung, giữa hiện tượng với bản chất. Cái hay của thơ Nguyễn Khuyến trong hai câu này ở chỗ ông sử dụng rất đắt, rất đúng và trúng những từ “mảnh giấy”, “nét son”, “thân giáp bảng”, “mặt văn khôi”. Đây đều là những thứ liên quan đến khoa cử, cũng chính là những thứ dùng để tạo lập nên chân dung ông tiến sĩ kia theo nghĩa đen.

Hai câu thơ ở phần luận phảng phất cảm xúc chủ quan của tác giả. Về mặt kết cấu thơ, hai câu thơ tạo nên sự đăng đối tài tình, đối cả về ngữ nghĩa, âm điệu cũng như sắc thái trữ tình. Nếu như hai câu thực nói lên bản chất thật của “ngài tiến sĩ giấy” thì hai câu luận này chính là cảm thán của tác giả, độc giả về nội dung không ăn nhập gì với hình thức ấy:

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,

Cái giá khoa danh ấy mới hời.

Nó “nhẹ” bởi được làm bằng “mảnh giấy”, “nét son”.  Ấy vậy mà lại được người đời coi trọng gọi bằng danh tiến sĩ, bởi thế mới “hời”. Sự tăng tiến, chuyển đổi từ “thân giáp bảng” đến “thân xiêm áo” cho thấy rõ hơn cái vỏ hình thức bề ngoài ngày càng bị vạch trần, lộ rõ thêm. Trong tâm thế đối nghịch trở lại, Nguyễn Khuyên tiếp tục chỉ ra sự lệch pha giữa chất và lượng, giữa thực chất “giá khoa danh” và món “hời” của một thứ hàng không cùng giá trị, không cùng thước đo, thang bậc.Việc sử dụng các từ ngay ở đầu mỗi câu thơ nhằm định vị tính chủ thể “tấm thân”, “cái giá” càng tô đậm thêm cảm sắc của tác giả. Sự mỉa mai, châm biếm nghe hài hước nhưng mới chua cay làm sao. Đặc biệt ở 2 câu kết, chất châm biếm mới càng rõ rệt:

Ghế trẻo lọng xanh ngồi bảnh chọe,

Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

Quay lại với 2 câu đề ở đầu bài, nếu vẻ ngoài của ông tiến sĩ giấy thật oai phong, bảnh bao với “cờ biển”, “cân đai” thì đến đây, cái vẻ ngoài oai phong ấy càng thêm bảnh chọe với “ghế trẻo”, “lọng xanh” . Đây đều là những thứ quý giá, cao sang, càng góp phần tô điểm cho cái danh “ông nghè chẳng kém ai” của ông tiến sĩ. Đặc biệt, ở hai câu cuối này, bản chất con người ông tiến sĩ được bộc lộ một cách rõ ràng, đó là con người bảnh chọe, ra dáng “ta đây” uy nghi, sang trọng, vênh vang.

Câu thơ cuối cùng, Nguyễn Khuyến đi tới khái quát, tung hê tất cả, bày tỏ thái độ vừa coi thường vừa tiếc nuối một giá trị đã không còn được như xưa nữa. Sâu xa trong tâm tưởng, Nguyễn Khuyến vẫn hoài vọng về một loại “đồ thật”, “nghĩ rằng đồ thật” nhưng bây giờ đã vỡ lẽ, tỉnh ngộ, đành thừa nhận, chấp nhận thực tại cay đắng, trớ trêu, “đồ thật hóa đồ chơi”! Ôi! Mới chua chát, cay đắng đến cười ra nước mắt!

Phải đặt nhân vật, đặt cảm xúc của Nguyễn Khuyến vào đương thời mới hiểu hết cái chua cay ấy. Chủ đề giễu nhại của Nguyễn Khuyến gắn liền với thời kì suy vong của chế độ khoa cử phong kiến giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX. Ở thời ấy, biết bao nhiêu là tiến sĩ làm bằng giấy, nhân vật những tưởng chỉ có trong thơ Nguyễn Khuyến hay Trần Tế Xương lại xuất hiện nhan nhản ngoài đường, ngoài chợ. Đó là kiểu nhân vật phân thân, không đồng nhất giữa cái mã bề ngoài và bản chất, giữa vẻ diêm dúa hình thức và cốt lõi nội dung, giữa những giá trị đang qua đi và sự vô vị, vô nghĩa, hỗn tạp đang ngự trị đời sống thực tại.

Chủ đề trào phúng về “tiến sĩ giấy” tuy đã xưa nhưng không hề cũ. Đặc biệt là trong xã hội đầy rẫy những bất cập trong thi cử, vấn nạn học đường và bệnh thành tích trong giáo dục ở nước ta hiện nay. Ngành giáo dục nước nhà không thiếu những “tiến sĩ giấy”, tuy không có “cờ”, “biển”, “cân đai”; không được vẽ lên bằng “mảnh giấy”, “nét son”; không ngồi “ghế trẻo”, “lọng xanh” nhưng vẫn không thiếu cái khí chất “bảnh chọe”. Đã qua nhiều năm, nhưng cái chất trào phúng và đề tài trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến vẫn còn nguyên giá trị! 

0