26/10/2018, 17:55

Phân tích bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh tuyệt hay

Phân tích bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh Bài làm: “Bài thơ anh anh làm một nửa Còn một nửa cho mùa thu làm lấy Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá Nó không là anh nhưng nó là ...

Phân tích bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh

Bài làm:

        “Bài thơ anh anh làm một nửa

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy

Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh nhưng nó là mùa”

(Sổ tay thơ, Chế Lan Viên).

      Thu là thơ của đất trời, là cái dịu mát, bình dị đi vào thơ Nguyễn Khuyến trong “Câu cá mùa thu”, gần gũi cùng thơ “Nguyễn Đình Thi với tiếng vọng “Đất Nước” ngàn đời, là “bình minh mát” của lòng người Xuân Diệu… Viết về mùa thu, đã có không ít tuyệt tác đặc sắc, nhưng chỉ đến khi bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh xuất hiện, ta mới thấy được vị nồng của vẻ chớm thu với vẻ đẹp trong mọi phương diện sâu xa. Bài thơ đã phác họa thành công sự chuyển mùa kì diệu thật đẹp, nên thơ, trữ tình của đất trời và lòng người.

        “Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phủ dệt lá vàng”

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

       Dấu hiệu cảnh sắc sẽ là điềm báo chính xác để nhận ra sự chuyển mùa tinh tế. Trời đất sang thu có chút gì đó bối rối nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng. Cái “chớm” thu nhè nhẹ trong không gian và thời gian được diễn tả trong sự ngỡ ngàng và có chút gì đó ngập ngừng, bồi hồi của nhà thơ Hữu Thỉnh khi nhận ra sự trở mình của trời đất.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

     “Sang thu” là một bài thơ tái hiện lại sự chuyển giao của mùa trong năm, từ thời khắc cuối hạ và bước sang trời thu ngọt ngào, êm dịu. Mùa thu về, dường như cảnh sắc của sự vật cũng có phần chuyển biến rõ nét. Dấu hiệu đầu tiên chính là “hương ổi”quen thuộc mang sự giản dị và bình yên, gần gũi. Tùy vào hoàn cảnh và tùy vào cảm nhận theo nhiều cách khác nhau. Không phải hương cốm mới đặc trưng của mùa thu mà ở đây, Hữu Thỉnh lại dùng hương bưởi để gợi tả thời khắc thu về. Mùi hương của ổi nhẹ nhàng, phản phất khiến nhà thơ “bỗng nhận ra” để phát hiện được dấu hiệu của thời khắc sang thu. Một sự bất ngờ, đột ngột với từ “bỗng”, mùi hương của quả ổi đang vào độ chín dần, tác giả phải dùng thính giác để đánh thức và cảm nhận mùi hương dịu ngọt ấy. Có thể thấy, Hữu Thỉnh là một người tinh tế trong cách nhìn nhận.  Khí trời đang chuyển mình từ hạ sang thu, khoảnh khắc giao thời ấy là một thời khắc khó phân biệt được mùa, nhưng ở đây, nhà thơ đã phát hiện ra những đặc trưng của tiết trời sắp sang thu,đó là làn “gió se” có “hương ổi” “phả” vào.  Ngọn gió nhẹ có chút se lạnh của tiết thời chớm thu đã mang theo hương vị của mùa đến với con người. Động từ “phả” đã có tác động lớn, khẳng định được sự xuất hiện của hơi thu trong không gian. Không phải là mùi hương nồng nàn, ngào ngạt, thế nhưng với sự xuất hiện của “hương ổi” thôi nhà thơ cũng có thể cảm nhận được mùa thu đang về. Không chỉ cảm nhận bằng khứu giác, xúc giác, mà trong khung cảnh ấy, Hữu Thỉnh còn cảm nhận được cả màn sương thu và muốn tận hưởng màn sương ấy trong khoảnh khắc giao mùa.  Từ láy tượng hình “chùng chình” đã gợi cảm giác của sự lưu luyến, ngập ngừng, gợi cảnh động trong cái tĩnh của mùa thu êm ái, yên bình.  Cái “chùng chình” nhẹ nhàng, thong thả được nhân hóa thành một sự vật sống động cứ chuyển động chầm chậm để nhà thơ có thể phỏng đoán được rằng:”hình như thu đã về”. Một chút ngỡ ngàng, bất ngờ trong sự rung động của nhà thơ với tâm hồn nhạy cảm. “Hình như” là một hình thái diễn tả sự bâng khuâng của tác giả khi phát hiện tín hiệu của mùa thu đang sắp sửa sang.

Phân tích bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh tuyệt hay

Phân tích bài thơ Sang thu

       Cái giao thời từ hạ sang thu là một khoảng không gian không thể xác định rõ ràng, thời điểm ấy hạ chưa dứt hẳn mà thu cũng chưa thực sự sang. Trong không gian rộng lớn, sự vật cũng bất đầu có nhiều biến đổi để thay khí trời thu lấp chỗ cho trời hạ

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

     Mùa thu đang đến với sự đoán định đầy bỡ ngỡ của Hữu Thỉnh, ở khổ thơ thứ hai, dường như hình ảnh trời thu và cảnh sắc đã được ước định khá rõ ràng. Dòng sông không cuộn dữ dội như ngày lũ mùa hạ mà khi sang thu nó lại trôi “dềnh dàng”, chậm lại trong sự thanh thản, êm đềm. Không  điềm tính như “sống”, khi trời trở thu, “chim bắt đầu vội vã để tìm nơi trú ẩn. ”Từ láy “dềnh dàng”  và “vội và” là hai cặp từ hoàn toàn đối ngược nhau, được nhân hóa để gợi nên sự thay đổi của tất thảy sự vật khi mùa thu về. Dường như, không chỉ có con người mới có tâm hồn mà cả những sự vật trong thơ cũng tràn đầy sinh động, trở nên duyên dàng và gần gũi với đời. Thời gian đang dịch chuyển, không gian cũng đang trở mình theo năm tháng. Hình ảnh “có đám mây mùa hạ/ vắt nửa mình sang thu” là một hình ảnh nhân hóa. Mùa hạ và mùa thu giống như hai đầu cầu và “đám mây” chính là cây cầu “vắt” qua. Nhà thơ đã dùng không gian để tái hiện thời gian, làm rõ hơn ranh giới của hạ sang thu, đó là một khoảng cách thật sự mong manh như màng sương dăng ngang, mơ hồ, vô hình nay đã trở nên hữu hình, rõ nét. Câu thơ tả cảnh trời thu của Hữu Thỉnh quả thực rất sinh động và giàu sức gợi, như là một bức tranh của sự vật và hiện tượng được khái quát qua những dòng thơ năm chữ ngắn ngủi.

  Đề tài về mùa thu quả là một đề mở để bao nghệ sĩ khám phá và viết nên thơ:

Từ ngày ấy sầu đằng đẵng nghìn thu

Bóng chiều loang in sương khói mịt mù

Ta ngơ ngác một hồn thu xơ xác

Tình liêu xiêu mỏi rũ sợi yêu rung

( Chờ cánh thiên di – Huỳnh Minh Nhật)

Hay đối với Xuân Quỳnh, tiếng thu lại nao lòng, êm dịu

Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

Phải chăng lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

Mùa thu vào hoa cúc

Chỉ còn anh và em

(Thơ tình cuối mùa thu)

      Trở lại hồn thơ Hữu Thỉnh, bài thơ “Sang thu” cũng đã gợi tả được nhiều nét gợi mang sức sống mới và sự bồi hồi trong lòng người trước ngưỡng cửa thu sang. Nàng thu bước vào mùa như một làn gió dịu thổi đắm say lòng người, mang tiết trời se lạnh và sự êm ái của khí hậu mùa thu.

 

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

     Dư âm mùa hè còn đọng lại và cái vị của thu cũng chớm sang. Khoảnh khắc ấy quả là một thời điểm tuyệt vời để cảm nhận những điều mới mẻ trong thời khắc giao mùa. “Nắng” cuối hạ vẫn còn nồng, “vẫn còn bao nhiêu nắng”, nhưng khi sang thu, ánh nắng ấy đã nhạt dần, nhạt dần,”vơi dần cơn mưa”. Hình ảnh “nắng” như diễn tả cho những hương tự nhiên còn “mưa” và “sấm” có thể coi là đặc trưn của mùa hạ. Những hiện tượng ấy “vẫn còn” ở thời điểm cuối hạ đầ thu như đã “vơi dần”., “cũng bớt bất ngờ”. Đó là độ giảm dần của sắc cảnh được mùa thu cảm hóa qua những biến chuyển âm thầm, lặng lẽ để bước vào một độ trời trong lành, nhẹ nhàng hơn. Thiên nhiên, tự nhiên được tả thực trong sự tinh tế, chân thực, mang một vẻ đẹp rất đỗi đời thường của cuộc sống và đất trời. Khi sang thu, bầu trời đã vơi đi những cơn mưa ào ạt, giông bão, bớt đi cả những tiêng sấm đùng dùng khiến người ta giật mình để “trên nhưng hàng cây đứng tuổi” không còn bị lay động bởi “sấm”. Qua lời ta, ta phát hiện được rằng, hình ảnh “sấm” và “hàng cây” chính là hình ảnh ẩn dụ. “Sấm” có thể xem là những vang động, bão tố trong cuộc đời, là tác động ngoại cảnh đến với cuộc sống. Còn “hàng cây đứng tuổi” biểu tượng cho con người đã trưởng thành,từng trải mọi sự đời. Qua đó nhà thơ như muốn thốt nên một điều rằng, khi con người đã trải qua những sóng gió, bão bùng thì sẽ vững vàng và bình tĩnh trước mọi gian nguy và không phải giật mình trước tác động của ngoại cảnh. Điều đó cũng là một quan niệm đúng đắn mà Hữu Thỉnh nhận thức được và ông muốn gửi gắm vào thơ như một chiêm nghiệm từ cuộc đời và những hiện tượng xung quanh cuộc sống.  Hai câu thơ cuối bài không chỉ là để diễn tả khoảnh khắc sang thu mà nó còn biểu hiện cho sự tích cực của một con người, chứa chất những suy ngẫm về cuộc đời của tác giả.

         Năm 1977, khi đất nước vừa bước vào nền độc lập sau bao nhiêu năm mất tự do. Khoảng khắc “Sang Thu” phải chăng là thời kì mở đầu của hòa bình, của cuộc sống không còn chiến tranh trên mọi miền Tổ quốc.? Bài thơ gợi tả một mùa thu thanh bình, yên ả của làng quê sau những năm tháng chiến tranh kéo dài. Thiên nhiên và con người như chung một nhịp sang thu. Hồn người  vừa lưu luyến, lắng sâu trong cảm xúc nhưng cũng thật bâng khuâng, ngiệm lại những thời khắc đã qua mà tự hào, kiêu hãnh.

        Bài thơ “Sang thu” với dòng thơ năm chữ mộc mạc, tự nhiên đã gợi nên nhiều ý nghĩa sâu sắc và những điều thú vị ở đời. Khoảnh khắc giao mùa là một điều tinh tế trong không gian và sự vật bởi những hình ảnh đơn sơ, trữ tình. Hữu Thỉnh đã phác họa thành công bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của đất trời với cảm xúc nhạy cảm và chất liệu đời thường giàu sức gợi. Những dòng thơ nhẹ nhàng của nhà thơ đã tạo nên một vẻ đẹp thanh thoát trong thời khắc cuối hạ sang thu. Qua bài thơ, ta cũng cảm nhận được rằng, lời ngọt ngào trong thơ cũng chính là tình yêu quê hương, đất nước  và nhận thức được ra một suy nghĩ cao đẹp: ở mỗi con người, cần ra sức để dựng xây cuộc sống này thêm giàu đẹp, trù phú hơn.

Bùi Phương Thảo

0