26/10/2018, 17:55

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương tuyệt hay

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương Bài làm: “Cha có nghĩa là chỗ dựa Suốt đời con trọn vẹn yêu thương Mẹ có nghĩa là mãi mãi Là cho đi không đòi lại bao giờ” Từ xưa đến nay, đề tài ...

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương

Bài làm:

“Cha có nghĩa là chỗ dựa

Suốt đời con trọn vẹn yêu thương

Mẹ có nghĩa là mãi mãi

Là cho đi không đòi lại bao giờ”

Từ xưa đến nay, đề tài về tình cảm gia đình, tình cha, tình mẹ đã không còn quá xa lạ với văn chương. Cha mẹ luôn là mạch nguồn cao quý, thiêng liêng nhất đối với mỗi con người. Họ là những người dám hy sinh mình và luôn muốn con mình hưởng trọn những điều tốt nhất. Họ dạy cho con lẽ sống ở đời, lẽ làm người cao cả. Trước đây, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã từng viết bài thơ “Dặn con” để dạy con về những điều thường tình trong cuộc sống. Thì sau này, khi bắt gặp nhà thơ Y Phương, ta lại được khơi nguồn cảm xúc qua bài thơ “Nói với con” chứa đựng bao tình cảm và tâm tư của người cha cùng những ý nghĩa  chân thành, sâu sắc, tạo nên nét nổi bật riêng, thấm đẫm tâm hồn người đọc .

        Tình yêu vốn là học thuyết cấp thiết đối với con người. Đặc biệt, tình yêu thương con cái, ước mơ thế hệ sau tiếp nối xứng đáng và phát huy truyền thống của tổ tiên, quê hương vốn là tình cảm cao đẹp của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Y Phương là một nhà thơ dân tộc Tày, thơ ông mang một hồn thơ mãnh liệt, thể hiện tâm hồn chân thật, trong sáng và đậm hình ảnh của người miền núi. Bài thơ “Nói với con” như một lời tâm sự gần gũi, thân mật của người cha muốn gửi gắm đến con mình để nuôi dưỡng tương lai mai sau cho con và dạy con những lẽ sống ở đời, những điều cao cả, tốt đẹp của dân tộc mình.

         Mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ chính là tình yêu thương, sẻ chia, gắn bó và giáo dục con cái theo những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với thể thơ tự do phóng khoáng, cảm xúc chân thành, bài thơ đã gieo vào lòng người đọc những tình cảm vô cùng ấm áp và rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống đời thường.

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

         Nhà thơ nói với đứa con vừa lọt lòng của mình về tình cảm cội nguồn, là tình cảm gia đình, là tình quê hương, dân tộc sâu sắc. Những câu thơ đầu bài diễn tả một cách sinh động không khí của gia đình nhỏ ấm cúng, quấn quýt nhau. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, trân quý nhất trong cuộc đời mỗi con người. Một gia đình đầm ấm, vui vầy, hạnh phúc được xuất hiện ngay đầu bài thơ như gợi nên một mạch cảm xúc của những dòng tình cảm tuôn trào, sâu lắng. Đứa con lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự nâng niu, đỡ đần, mong chờ của người cha, người, “chân phải bước tới cha/chân trái bước tới mẹ”. Những bước đi chập chững đầu đời của con cũng chính là niềm hạnh phúc lớn lao của người sinh thành. Các hình ảnh thơ được tác giả thể hiện rất cụ thể, đối xứng nhau:”chân trái”–“ chân phải”, “cha” –“mẹ” đã gợi nên một cách đầy đủ về sự cao đẹp của tình cảm gia đình. Từng bước đi, từng tiếng nói, từng nụ cười của con đều được vòng tay ấm êm của  người cha, người mẹ chăm chút, vui mừng đón lấy “một bước chạm tiếng nói/ hai bước tới tiếng cười”. Nhịp thơ 2/3 ngắt quãng rõ ràng để tạo nên một giọng điệu tương đồng, theo nhịp. Các số đếm “một”, “hai” cùng điệp từ “bước” xuất hiện trong cả bốn câu thơ không phải là lỗi lặp mà nó đang biểu hiện sự nhịp nhàng trong những bước đi của con chập chững, đáng yêu. Hình ảnh bình dị, đời thường nhưng đối với nhà thơ, đó là giây phút thiêng liêng , hạnh phúc bao trùm lấy nhịp thơ. Cuộc sống của con đã có cha mẹ cạnh bên để nuôi con khôn lớn, và dù đời có xoay, đất có chuyển, thì tình yêu của Y Phương dành cho đứa con thơ của mình vẫn luôn chân thành, thiết tha như tiếng thơ vậy.

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

           Người ta thường nói: “dạy con từ thuở còn thơ”, chính vì thế mà Y Phương đã truyền cho con mình những cảm hứng từ khi mới lọt lòng và những quan niệm về tình yêu, tình người, tình quê hương và dân tộc mình cao cả. Những con người dân tộc mộc mạc, giản dị mà nhà thơ gọi là “người đồng mình”- một tiếng gọi thân thương, gần gũi. Đó là những con người chịu khó làm ăn, khéo léo trong mọi công việc. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, gian nan, nhưng dường như trong họ vẫn luôn có những tình cảm khăng khít, bền chặt, nghĩa tình sâu nặng. “Người đồng mình” mà tác giả nói đến ở đây chính là những người cùng quê hương, cùng sống trên một miền đất, cùng một dân tộc. Họ là những người con của dân tộc Tày chân sơ, giàu tình cảm. Đó cũng là những người mà cha dạy con phải yêu thương, quý trọng để xứng đáng gọi nhau hai chữ “đồng bào”. Cuộc sống quả thực có nhiều vất vả, nhưng trong đời sống lao động, những con người ấy vẫn luôn vui tươi, cần cù làm ăn với một tinh thần lạc quan, yêu đời:”Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát”. Tưởng chừng thô sơ, nặng nhọc:”đan lờ”, “ken vách” nhưng ở họ vẫn luôn sống với một tâm hồn hết sức lãng mạn, thơ mộng ,với những hình ảnh “cài nan hoa”, “ken câu hát” thật đẹp, thật nên thơ.  Giọng thơ tha thiết và đầy niềm tự hào “người đồng mình yêu lắm con ơi”. Đó là những tình cảm sâu sắc mà nhà thơ muốn nói với những người xóm làng và cũng là lời ông muốn gửi đến đứa con thơ ngây của mình: phải biết quý trọng những con người nơi đây, họ có tâm hồn thật đẹp. Con thật hạnh phúc và may mắn khi được sống giữa những con người giàu tình thương, giàu lòng nhân hậu, vừa khéo léo, cần cù, chăm chỉ và luôn yêu thiết tha cuộc sống lao động của dân tộc mình. Những hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa súc tích, vừa biểu tượng cho vẻ đẹp và sức sống miền quê núi rừng với một vẻ đẹp thơ mộng, nghĩa tình “rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”. Điệp từ “cho” được lặp lại hai lần thể hiện một vẻ đẹp thiên nhiên miền núi vừa tự nhiên, bình dị, vừa hào phóng mà tràn đầy yêu thương của núi rừng đối với con người. Thiên nhiên tươi đẹp hữu tình sẽ nuôi dưỡng con cả tâm hồn và thể xác, dạy cho con lối sống và lẽ sống cao đẹp ở đời. Kết thúc đoạn thơ đầu, nhà thơ lại đưa ta trở về với cảm xúc ban đầu với hạnh phúc ngập tràn và vẻ đẹp vẹn nguyên của gia đình :”cha mẹ nhớ về ngày cưới/ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”. Tình cảm gia đình chính là sức mạnh tiếp bước cho mỗi người, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn để nâng niu cho đứa con lớn khôn và mai sau trưởng thành, nhớ những lời cha mẹ đã dạy. Những câu thơ của y Phươn vừa mang sức gợi, vừa truyền cảm , có sức ngân rung như một lời khẳng định sâu sắc về mạch nguồn của tình cảm gia đình cao quý đối với mỗi con người chúng ta. Gia đình ấm áp, quê hương đằm thắm, nghĩa tình và nhân hậu, còn gì đẹp hơn để nuôi con lớn lên, đó chính là cội nguồn của đứa con mà nó cần phải nhớ và khắc ghi. Qua đó, người cha như muốn nhắn nhủ với đứa con yêu của mình hãy sống theo lẽ sống cao cả và mong con mình sau này biết trân trọng, nâng niu gia đình, yêu mến quê hương và đồng cảm với dân tộc mình.

Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này…”

(Dặn con – Trần Nhuận Minh)

        Cuộc đời này ai biết trước được điều gì, có những sự đời ta không thể lường trước được. Nhưng chỉ cần sống đúng với bản thân, sống tốt với mọi người và yêu quý cuộc sống thì mọi giá nhận lại sẽ được trả bằng tình yêu thương.  Với đoạn thơ sau, nhà thơ như muốn gửi gắm đến con mình về lòng tự hào và sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương, ca ngợi người đồng mình dù sống vất vả, gian khổ nhưng vẫn luôn mạnh mẽ, kiên cường với tâm hồn khoáng đạt , bền bỉ, luôn gắn liền với quê hương cực nhọc, đói nghèo.


Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương tuyệt hay

Phân tích bài thơ Nói với con

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

           Y Phương đã sử dụng những hình ảnh vừa cụ thể, vừa giàu ý nghĩa biểu tượng để khái quát nên vẻ đẹp kiên cường của con người. Ở đầu đoạn sau, “người đồng mình” lại được nhắc lại nhưng ở đây không còn là “yêu” nữa mà đã trở thành “thương”. Tình cảm ấy ngày càng được nhân lên gấp bội và trở thành một thứ tình thương sâu sắc, mặn nồng. Những con người dân tộc thô sơ, mộc mạc nhưng giàu ý chí, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.  Sinh ra và lớn lên đã là một điều khó khăn và thử thách. Nhưng sống sao cho có ích, cho đúng lẽ sống mới là một điều khó khăn hơn. Điệp từ “sống” được lặp lại nhiều lần để diễn tả những cách sống, lối sống và nơi sống khác nhau. “Dẫu làm sao”, dẫu bất cứ ở hoàn cảnh nào, “mưa thuận gió hòa”, hay bão bùng mây gió thì “cha vẫn muốn” con hãy can đảm lên, vượt qua mọi thử thách, thích nghi hoàn cảnh:”Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Con phải vững bước, chấp nhận hiện tại của cuộc sống, yêu thương con người và đặc biệt hãy giữ cho  mình một tâm hồn cao đẹp, vô tư “như sông như suối”, thanh thản, bình yên giữa cuộc sống gian khó muôn trùng. Những câu thơ như thể hiện chân dung và tâm hồn của những con người miền núi mộc mạc, chân thật. Và qua đó, nhà thơ thể hiện mong muốn con mình sống nghĩa tình, chung thủy với quê hương, nguồn cội, biết chấp nhận khó khăn, vượt lên hoàn cảnh bằng chính sức mình, bằng nghị lực bản thân và niềm tin vào cuộc sống này.  Không chỉ có Y Phương, mà tình thương của cha dành cho con vốn là một đề tài quen thuộc và nguồn cảm hứng dồi dào của nhiều thi nhân, trong bài thơ “Những cánh buồm”, nhà thơ Nguyễn Trung Thông viết:

“Cha lại dắt con đi trên cát mịn,

Ánh nắng chảy đầy vai

Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời

Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:

“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,

Để con đi!”

      Có gì đẹp hơn tình cảm trong mối quan hệ những người thân yêu. Người cha đã dành cho con những tình cảm thân thương nhất, mong con mình đứng vững trên trường đời, không gục ngã trước mọi thử thách. Ông dặn con nhưng cũng là giáo huấn con để mai sau con có đủ hành trang và tự tin vào đời.

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

       Người dân tộc Tày tuy mộc mạc, sống trong đói nghèo  nhưng trong lòng họ luôn rực sôi, hừng hực ý chí đi lên. Những lời thơ cuối đang ca ngợi “người đồng mình” mộc mạc, hồn nhiên và giàu chí khí cùng niềm tin cao thượng.  Những con người ấy, nghèo về vật chất nhưng lại giàu tinh thần, họ có thể “thô sơ da thịt” nhưng “chẳng mấy ai nhỏ bé” về tâm hồn, ý chí và mong ước bảo tồn va xây dựng dân tộc, quê hương, Tổ quốc. Bằng sự lao động năng động, cần cù của những con người như thế đã làm nên quê hương nghèo với những truyền thống, phong tục tập quán cao đẹp:”người đồng mình tự đập đá kê cao quê hương, còn quê hương thì làm phong tục”. Tác giả đã dùng những hình ảnh cụ thể mà khái quát, giàu chất thơ để nói lên nỗi niềm của mình, mong con sẽ tự hào về truyền thống và quê hương, dân tộc mìn, dặn con phải luôn vững bước trên con đường dài mai sau “nghe con!”.

          Trải qua bao năm, “người đồng mình” vẫn luôn sống có nghị lực, có ý chí và niềm tin vào cuộc sống. Luôn gắn bó trung thành với quê hương xứ sở, biết làm giàu cho đất nước muôn đời, biết phát huy truyền thông anh hùng và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng miền thành những điều tốt đẹp, sáng chói. Thế nên, là một người con của quê hương, con phải sống thật có ích, hãy luôn tự hào về con người nơi đầy, tự hào về truyền thống, phong tục quê mình và kế thừa, phát huy những truyền thống ấy tốt đẹp hơn nữa.

“Quê hương ơi! Riêng gì “chùm khế ngọt”

Đâu riêng gì những “nón lá nghiêng che”

Quê hương là có cả những đông, hè

Có hôm quà ngọt, có ngày đòn roi”

(Ngô Hữu Đoàn)

         Quê hương, đất nước, tình thương vốn là những điều không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người. Bằng những cảm xúc chân thật, giọng thơ tha thiết, trìu mến, hình ảnh thơ giàu sức gợi, từ ngữ chân thực đã làm nổi bật nét phong cách riêng trong thơ Y Phương qua bài thơ “Nói với con” mang nhiều tâm tư sâu nặng. Nhà thơ mượn lời nói với con nhưng thực chất là đang nói với chính mình với những cảm xúc sâu sắc, thành thật nhất. Bài thơ là tiếng lòng người cha thốt lên tha thiết, là tình cảm gia đình vẹn nguyên, đủ đầy, là tình quê mặn nồng, thắm đượm mà làm nên thơ.

Bùi Phương Thảo

0