06/11/2018, 00:19

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của nhà thơ Phan Bội Châu tuyệt hay

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của nhà thơ Phan Bội Châu Bài làm: Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, người làng Đan Nhiệm, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là một người yêu nước và cách ...

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của nhà thơ Phan Bội Châu

Bài làm:

Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, người làng Đan Nhiệm, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là một người yêu nước và cách mạng, là “vị anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập. Đồng thời là một nhà văn, nhà thơi, là người khơi nguồn cho loại văn chương trữ tình. Nhà thơ sinh ra vào thời loạn lạc, nước mất nhà tan, chứng kiến sự thất bại của phong trào Cần Vương chống giặc Pháp. Sinh thời, Phan Bội Châu không coi văn chương là mục đích của cuộc đời mình nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, văn chương thơ ca lại là vũ khí sắc bén để khơi lên bầu sục sôi, nhiệt huyết và khí thế cho nhân dân. Năm 1905, khi phong trào Đông Du xuất hiện, đưa thanh niên ưu tú qua Nhật học tập để bồi dưỡng lực lượng phục vụ cách mạng. Vào thời điểm đó là lúc ông viết bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” để chia tay, từ giã bạn bè, đồng chí trước khi lên đường sang Nhật Bản.

Với hoàn cảnh lịch sử nhiều biến đổi, xã hội phong kiến mục ruỗng, trì trệ, tình hình chính trị trong nước đen tối, các phong trào yêu nước liên tục thất bại và bị ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản từ nước ngoài truyền vào đã làm thay đổi cục diện xã hội. Bài thơ “lưu biệt khi xuất dương” được viết bằng chữ Hán và theo thể thất ngôn bát cú Đường thi rất sáng tạo, độc đáo. Với nhan đề mang đề tài “lưu biệt” – một đề tài vốn đã khá quen thuộc với nền thơ ca cổ trung đại, nhưng đối với Phan Bội Châu, thơ ông lại có nét mới mẻ, tinh tế. Trong hoàn cảnh ấy, những dòng thơ đã bộc lộ được tâm trạng và nỗi niềm của người ra đi gửi người ở lại chứ không phải là người ở lại nhắn nhủ với người đi. Đó là ý chí, là sự rắn rỏi của một con người tài cao, học rộng

Làm trai phải lạ ở trên đời,

Há để càn khôn tự chuyển dời.

Hai câu đề như là một lời tuyên ngôn của chí làm trai, đã là một đấng nam nhi quân tử thì phải luôn rắn rỏi, mực thước, tung hoành muôn phương, “lạ ở trên đời”. Đó chính là sức sống, chí hướng người làm trai, “lạ” tức là phải biết sống phi thường, mạnh mẽ, dám mưu đồ sự nghiệp lớn, xoay chuyển càn khôn chứ không phải là mặc cho “càn khôn tự chuyển dời”. Sống và cống hiến cho cuộc đời bằng nghĩa cử cao lớn chứ không phải sống tầm thường, tẻ nhạt, trôi theo số phận, và mặc cho sự xoay vần của thời thế. Chắc hẳn, đây là một lẽ sống đẹp mà nhà thơ muốn gửi gắm đến chí làm trai, gửi gắm đến con người trong xã hội. Một lẽ sống cao đẹp, gần gũi với lý tưởng nhân sinh nhưng đầy mạnh mẽ, táo bạo.

Đồng quan điểm với Phan Bội Châu khi nói về chí làm trai, nhiều nhà thơ đã viết, đã khẳng định về những tư tưởng cao đẹp đó. Như nhà thơ Nguyễn Gia Thiều tường ngự bút:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa long mao”

Hay Nguyễn Công Trứ lại có cách nói khác:

“Chí làm trai nam, bắc, đông, tây

Cho phỉ sức vùng vẩy trong bốn bể”

Nhưng khác hẳn với những nhà thơ đó, ở Phan Bội Châu lại có một điểm mới mẻ, một cách nhìn khác lạ. Thơ ông luôn xuất hiện lý tưởng nhân dân, xã hội rộng lớn cao cả bởi đây chính là cuộc đời, là xã hội.  Con người hiện ra mang một tầm vóc lớn, dám dối mặt với cả đất trườ, vũ trụ để khẳng định mình, xoay chuyển càn khôn. Với nhịp thơ rắn rỏi cùng ý tưởng đầy táo bạo đã gợi ra một quyết tâm cao và niềm tự hào của đấng nam nhi. Là một người sống trong thời thế đất nước mất độc lập, những trang nam tử phải tự mình xoay chuyển trời đất. Đó chính là khát vọng to lớn, không chịu khuất phục trước hiện thực đầy nghiệt ngã, muốn quyết định thời cuộc, quyết định vận mệnh trong sự ngang tàng, khỏe khoắn, ngạo nghễ, thách thức cả “càn khôn”

Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở, há không ai?

Bản chất người anh hùng luôn tồn tại những ý nghĩ cao đẹp và lớn lao, cần gánh vác những trọng trách lớn. Thơ Phan Bội Châu quả là những dòng thơ mang nhiều ý nghĩa. Cái tối của nhà thơ xuất hiện được biểu hiện qua từ “ngã” trong bản phiên âm nhưng khi dịch thơ lại dịch ra từ “tớ”, tuy dịch không sát với bản gốc và làm thay đổi âm điệu của câu thơ nhưng qua đó lại mang đến một sự trẻ trung, mới lạ, thể hiện thái độ hăm hở, nồng nhiệt, dám đứng ra gánh vác trách nhiệm của nhân vật khi ra đi tìm đường cứu nước. Ở hai câu thực, quả là có cái tôi xuất hiện nhưng ở đây không phải là cái tôi riêng nhỏ bé mà là cái tôi lớn lao của một con người có trách nhiệm với cuôc đời, cuộc đời “cần có tớ”, phải biết nhìn đời và cống hiến để đáng mặt là đấng nam nhi vì nhân vì nghĩa, là một vị trượng phu tung hoành thiên hạ. Ở câu sau, nhà thơ dùng một câu hỏi tu từ “sau này muôn thưở, há không ai?” như đang mang ý phủ định nhưng thực chất đó là một lời khẳng định có giá trị, vừa dứt khoát, vừa khẳng định cho khát vọng sống cao cả, ý chí hiển hách, phi thường để dốc lòng cống hiến cho cuộc đời, con người, đất nước. Cụ Phan như muốn nói rằng lịch sử là một dòng chảy liên tục, trần thế nào đời nào, năm nào cũng có những đấng nam tử có ý chí là tư tưởng vì nghĩa lớn, dám gánh vác cơ sự của dân tộc. Đó cũng chính là niềm tin sắt đá vào bản thân và cả thế hệ sau này.

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của nhà thơ Phan Bội Châu tuyệt hay

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

Phan Bội Châu là một người học rộng, tài cao, hiểu nhiều về định nghĩa của cuộc đời. Đặt trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, phong trào Cần Vương chống Pháp đang trong tâm lý buông xuôi, chán nản thì thơ của Phan Bội Châu như là một hồi chuông thức tỉnh ý thức dân tộc. Quả thực:

“Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ

Những dòng thơ bom đạn phá cường quyền”

Giọng thơ đĩnh đạc, khí thế, đầy nội uy đã thúc đẩy được tinh thần con người và thể hiện được cái tôi đầy trách nhiệm và quyết tâ, cao trong buổi đầu tìm đường cứu nước.

Non sông đã chết, sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!

“Non sông đã chết” ý nói rằng đất nước đã mất chủ quyền, mất đị độc lập, tự do thì cuộc sống con người cũng sẽ không bề yên ổn. Đó chính là nỗi “nhục” lớn của cả dân tộc, nó bắt nguồn từ việc con người trở thành nô lệ, tay sai cho bọn thực dân, quả là một lẽ nhục, nhưng nhục-vinh gắn bó chặt chẽ cùng đồng hành với ý thức về sự tồn vong, suy thịnh của đất nước và con người sẽ làm nên nghiệp lớn. Với những dòng thơ đầy khí khái, Phan Bội Châu đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân và cổ vũ tinh thần đứng lên đấu tranh cho họ. “Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài”, đó là sự việc trong nỗi niềm mất nước, nước mất, nhà tan, sách vở thánh hiền bị đốt sạch nhưng chẳng có ích gì, không phải là điều cấp bách lúc bấy giờ. Mà đó chính là sự kêu gọi con người gác lại bút nghiên, cầm lấy gươm đao mà đứng lên chiến đấu, dành lại độc lập cho nước, từ bỏ lối học cũ, chuyển qua những bước cải tiến mới để tránh lạc hậu, trì trệ. Đây là tư tưởng hết sức mới mẻ của nhà thơ, có phần táo bạo và liều lĩnh. Đó là nhận thức sáng suốt mà cụ Phan muốn gửi gắm, tấm lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng của ông quyết đổi mới tư duy của con người để tìm ra con đường cứu nước mới, đưa đất nước thoát khỏi cảnh nô lệ và những tháng ngày tối tăm, mù quáng.

Muốn vượt bể Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”

Không gian bỗng trở nên rộng lớn, “bể Đông” chính là con đường đi sang Nhật Bản để du nhập tư tưởng mới.  Biển Đông rộng lớn, không gian mênh mong như thể hiện ý chí cách mạng của nhà thơ thật lớn lao, cao cả. Câu thơ như là sự hứng khởi của người ra di mang theo khát vọng muốn “theo cánh gió” vượt dài trên biển rộng để thực hiện lý tưởng và mục đích cách mạng. Thơ Phan Bội Châu vừa lãng mạn, vừa thơ mộng, chất sử thi cuộn trào trong từng câu chữ. Với lối nói nhân hóa “muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” tuy không đủ sự mãnh mẽ, bay bổng nhưng cho thấy được khi thế hào hứng và niềm háo hức của nhân vật trữ tình khi nhìn ra “muôn trùng song”. Đó không phải là những trở ngại đáng sợ, mà trái lại đó là những người bạn đồng hành trong chuyến ra đi của nhà thơ. Câu thơ kết mang điệu thơ vừa rắn rỏi như thể hiện một lời nguyện thề dứt khoát, thiêng liêng nhưng cũng rất nhịp nhàng, bay bổng để làm cho lời thề nguyền biến thành hành động, dạt dào niềm lạc quan, phơi phới niềm tin tưởng.

Bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” là một tác phẩm có giá trị giáo dục đối với thế hệ thanh niên, là nỗi niềm được nhà thơ gửi gắm sâu sắc. Với cách truyền đạt trọn vẹn hoài bão, khát vọng của con người có chí lớn, nhà thơ Phan Bội Châu đã thể hiện được tư tưởng lớn lao, có ý chí làm trai, có khát vọng xoay chuyển càn khôn và trách nhiệm cao cả đối với dân tộc. Bằng chất thơ với giọng điệu rất riêng, đầy nhiệt huyết, ngôn ngữ bình dị mà lay động mạnh mẽ đến lòng người, bài thơ đã thật sự thành công khi được tác giả đề cập đến chí hướng của đấng nam tử và nghĩa lớn ở đời.

Bùi Phương Thảo

0