06/11/2018, 00:19

Phân tích bài thơ Thu điếu của nhà thơ Nguyễn Khuyến tuyệt hay

Phân tích bài thơ Thu điếu của nhà thơ Nguyễn Khuyến Bài làm: Viết về mùa thu, Nguyễn Đình Thi phơi phới, vui tươi trong “Đây mùa thu tới”, Hữu Thỉnh tinh tế, nhẹ nhàng qua dư vị “Sang thu”… Nhưng ...

Phân tích bài thơ Thu điếu của nhà thơ Nguyễn Khuyến

Bài làm:

Viết về mùa thu, Nguyễn Đình Thi phơi phới, vui tươi trong “Đây mùa thu tới”, Hữu Thỉnh tinh tế, nhẹ nhàng qua dư vị “Sang thu”… Nhưng chắc hẳn Nguyễn Khuyến là một nhà thơ để lại nhiều ấn tượng nhất cho người đọc với chum thơ thu đặc sắc, độc đáo. Bài thơ “Thu điếu” là bài thơ có sự gần gũi, bình dị nhất, mang màu sắc và cảm hứng thôn quê yên bình được Nguyễn Khuyến gợi tả qua vẻ đẹp của mùa thu vùng quê Bắc Bộ.

 Nguyễn Khuyến lúc nhỏ tên là Thắng, hiệu là Quế Sơn, quê ở Hà Nam. Ông là người học rộng tài cao,thông minh, học giỏi và từng làm quan 14 năm. Là người có tấm lòng yêu nước thương dân, cốt cách thanh cao, giàu tình đồng cảm, kiên quyết không hợp tác với giặc Pháp nên ông từ quan về quê để tránh xa chốn quan trường tư lợi, vinh hoa. Thơ Nguyễn Khuyến luôn thể hiện tình yêu về quê hương, đất nước, phản ánh cuộc sống thuần hậu, nghèo khổ, chất phác của nhân dân và đồng thời tỏ thái độ châm biếm, đả kích tầng lớp thống trị thực dân Pháp và tay sai phong kiến. “Thu điếu” là một bài thơ nằm trong chum ba bài thơ thu mang đậm phong cách làng quê với điệu thơ trào phúng, bình dị.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo tẻo.

Cảnh thu hiện lên trong không gian yên tĩnh, thoáng đãng. Điểm nhìn của tác giả từ gần đến xa, từ trên xuống dưới đã bao quát được bức tranh thu bình dị, đẹp đẽ. Từ không gian ao làng, nhà thơ mở ra được một bức tranh thu hết sức tinh tế, cảnh thu sống động, uyển chuyển từng nét gợi. Nguyễn Khuyễn đã xây dưng một khung cảnh tuyệt đẹp của vùng quê Bắc Bộ đơn sơ, mộc mạc với những hình ảnh gợi thu rất linh động, sáng tạo. “Ao thu”, nước thu, “thuyền câu”… đều được tạo dựng thành cảnh thu thanh sơ, dịu dành, thoáng mát mà tĩnh lặng, yên bình. Nét thu của làng quê Việt nam được thể hiện rõ qua hình ảnh ao làng và những sự vật rất sống động, chân thực. “Ao thu lạnh” có dáng vẻ của sắc thu với làn “nước trong veo” của mặt ao tĩnh lặng, trong vắt đã gợi nên một cái vẻ thanh thoát, bình dị nơi làng quê. Số đếm “một” để chỉ “chiếc thuyền câu bé tẻo teo” như thể hiện một sự ít ỏi, đơn chiếc của con người giữa cảnh vật trời thu bát ngát. Đó là những hình ảnh quen thuộc ở làng quê Việt mang sự tĩnh tâm, yên ắng của cảnh vật. Cách gieo vần “eo” và sử dụng từ láy “lạnh lẽo”, “tẻo teo” đã gợi được hình ảnh tượng trưng trong thơ, tượng trưng cho hình ảnh đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ lắm ao, nước trong, không khí mùa thu se lạnh. Và đặc biệt trong cách dùng từ của nhà thơ cũng rất tinh tế ở câu thơ thứ hai khi sử dụng từ tăng tiếng theo hướng nhỏ dần để gợi nên cảnh vật đang dần thu nhỏ, co hẹp lại. Đó là lối viết vô cùng độc đáo của nhà thơ.

Phân tích bài thơ Thu điếu của nhà thơ Nguyễn Khuyến tuyệt hay

Phân tích bài thơ Thu điếu

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Nghệ thuật đối giữa “sóng biếc” và “lá vàng”, “hơi gợn tí” với khẽ đưa vèo” đã gợi nên được màu sắc và đường nét chuyển động rất tinh tế, rất đặc trưng của mùa thu. Màu sắc được tác giả tô điểm them như những nét chấm phá, sóng xanh, lá vàng và một làn gió thổi nhẹ cũng đủ làm cho làn nước gợn trên mặt ao yên ả, lá vàng rụng rất khẽ, rất êm nhưng với tốc độ rất nhanh, “đưa vèo” trong không gian. Phải nói rằng, Nguyễn Khuyến đã có cái nhìn rất tinh tế để gợi tả sự vật. Trong không gian tĩnh lặng, tâm hồn mới có thể nghe và cảm nhận được mọi động tĩnh của âm thanh. Tác giả đã lấy cái động để tả cái tĩnh, đó là một nét nghệ thuật quen thuộc và độc đáo được dùng trong thơ ca.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Nguyễn Khuyến được coi là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Bức tranh thu với không gian hẹp nơi thôn dã và sự chuyển động tinh tế, nhẹ nhàng đã làm xiêu lòng nhà thơ. Ở câu thơ luận, nhà thơ đã bắt đầu mở rộng không gian thu, tạo ra một không gian rộng lớn, mênh mang hơn. “Tầng mây” thì “lơ lửng”, “trời” thì “xanh ngắt”, “ngõ trúc” thì “quanh co, vắng teo”. Đó chính là nghệ thuật đối ý mà nhà thơ sử dụng để làm giàu thêm cho hình ảnh thơ. Cùng với đó là từ láy “lơ lửng” và các tính từ chỉ màu sắc:”xanh ngắt” đã gợi nên bức tranh thu có đủ âm điệu, đầy sắc sảo. Không gian càng mở rộng ra thì cái tĩnh lặng, vắng vẻ càng bao trùm. Mây thu, trời thu, ngõ trúc đều là những sự vật mang nét đặc trưng của mùa thu Bắc Bộ, vừa đơn sơ, vừa dịu nhẹ, yên tĩnh và có nét buồn, vắng vẻ. Với nghệ thuật gieo vần độc đáo, kết hợp với cách sử dụng từ tăng tiến, nghệ thuật đối thơ đầy gợi cảm đã tạo nên một bức tranh cảnh thu thơ mộng, đặc trưng của làng quê dân dã. Nơi mà không khí trong lành, thoáng đãng, yên vắng, đẹp mà buồn khác hẳn với thực tế hiện thực lúc bấy giờ.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Đến câu thơ cuối, hình ảnh con người mới xuất hiện. Mọi thứ đều tĩnh, mùa thu càng tĩnh lặng càng khiến nhà thơ thấy cô độc, lạc long. Hình ảnh người đi câu “tựa gối ôm cần” với tư thế trầm ngâm, suy tư, dường như đang muốn thu nhỏ mình lại trước khung cảnh đang được mở ra ngày càng rộng lớn. Trong khung cảnh ấy, âm thanh xuất hiện cũng rất nhẹ của cá “đớp động dưới chân bèo” rất khẽ, rất khẽ. Phải thực sự yên tĩnh, nhà thơ mới có thể cảm nhận được tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo, đó là một sức gợi rất sáng tạo của tác giả. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh, tả cảnh ngụ tình đã được Nguyễn Khuyến vận dụng một cách linh hoạt để tăng tính biểu cảm cho thơ. Tác giả đang đi câu nhưng dường như tâm hồn không tập trung vào việc câu  cá mà giống như một người nhàn rỗi, chọn việc câu cá để thư giãn hồn mình, thả tâm hồn hòa nhịp với thiên nhiên, đất trời. Phải chăng, không hẳn chỉ có thế, dường như nhà thơ đang có một tâm sự u uất, một nỗi buồn trong lòng bởi sự cô đơn, vắng vẻ lẫn vào cảnh vật hoang sơ. Nguyễn Khuyến không chỉ là người yêu thiên nhiên, muốn hòa mình vào thiên nhiên, mà có thể thấy, ông còn là một người yêu nước rất sâu sắc, nặng tình. Hai câu cuối chính là nỗi lòng của nhà thơ, thể hiện một tâm trạng buồn, buồn vì cô đơn và buồn trước sự thay đổi của thời cuộc, của đất nước.

Bài thơ “Thu điếu” là một bức tranh thu buồn, yên tĩnh, bình dị mang vẻ đẹp của mùa thu điển hình cho cảnh thu làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bằng những câu thơ giàu sức gợi, đa hình ảnh, ngôn ngữ tinh tế, đầy sáng tạo, Nguyễn Khuyến đã gợi tả được bức tranh thu thật đặc sắc, độc đáo, qua đó gợi nên được vẻ đẹp của tâm hồn thi nhân: tâm trạng thời thế và tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước sâu sắc, trữ tình.

Bùi Phương Thảo

0