21/02/2018, 09:14

Nghị luận về ô nhiễm môi trường

– Bài số 1 Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, rất nhiều các nhà máy xí nghiệp mọc lên ở khắp mọi nơi đã kéo theo môi trường sống của con người ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vấn để ô nghiễm gây ra những hiện tượng biến đổi khí ...

– Bài số 1

Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, rất nhiều các nhà máy xí nghiệp mọc lên ở khắp mọi nơi đã kéo theo môi trường sống của con người ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vấn để ô nghiễm gây ra những hiện tượng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính dẫn đến những thảm hoạ thiên tai khủng khiếp. Ở Việt Nam là nước đang phát triển nên ô nhiễm môi trường là vấn đề đáng báo động. Đây là một hiện tượng xấu, nhiều tác hại, cần nhanh chóng khắc phục.

Các nhà máy, xí nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nghiễm môi trường hiện nay

Trước hết, ta cần hiểu môi trường là gì? Môi trường sống của con người là một khái niệm rộng. Nó bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và mọi sinh vật trên trái đất. Môi trường có hai loại chính: đó là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên bao gồm các thành phần tự nhiên như địa hình, địa chất, đất trồng, khí hậu, nước, sinh vật,… Môi trường xã hội là tổng thể các mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ cá nhân với cộng đồng thể hiện bằng luật pháp, thể chế, cam kết, quy định,…

Thực trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra rất nghiêm trọng. Ô nhiễm nguồn không khí: các nhà máy đã và đang thải ra môi trường không khí một nguồn cacbonnic khổng lồ, các loại axit, các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, khói bụi xe hơi và các loại động cơ khác. Ô nhiễm nguồn nước: hiện nay thế giới và đặc biệt là Việt Nam đã bị ô nhiễm nguồn nước, nhu cầu về nước uống và nước sinh hoạt ở nhiều vùng miền đang bị thiếu nghiêm trọng, số lượng người được sử dụng nước sạch chiếm tỉ lệ không lớn. Các nguồn nước: ao, hồ, sông, suối, biển cả đại dương, nguồn nước ngầm, nước mưa,… Ô nhiễm nguồn đất: đất đai ngày càng bị thoái hoá, bị rửa trôi, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, rác thải bệnh viện.

Từ cách hiểu trên ta thấy ô nhiễm môi trường có nhiều tác hại. Có rất nhiều ví dụ về ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây. Theo ước tính của những nhà khí tượng thủy văn, hằng năm trên Biển Đông có tới 9 đến 10 cơn bão hoạt động và 3 đến 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, hiện tượng sa mạc hóa ở ven biển miền Trung đang diễn ra ngày càng nhanh chóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Nghiêm trọng nhất chính là việc khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long của nước ta sẽ có thể chìm ngập dưới mực nước biển trong thời gian sắp tới, một vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ, một vựa lúa lớn nhất của nước ta có thể mất đi nếu như ngay từ bây giờ chúng ta không có biện pháp kịp thời để khắc phục. Và còn biết bao những ảnh hưởng khôn lường mà biến đổi khí hậu gây ra đối với người dân Việt Nam.

Qua các ví dụ trên ta thấy, ô nhiễm môi trường gây ra những tác hại lớn về con người.

Đối với sức khỏe con người: không khí ô nhiễm có thể giết chết nhiều cơ thể sống trong đó có con người. Ô nhiễm ozone có thể gây bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, viêm họng, đau ngực, tức thở. Ô nhiễm nước gây ra xấp xỉ 14.000 cái chết mỗi ngày, chủ yếu do ăn uống bằng nước bẩn chưa được xử lý. Các chất hóa học và kim loại nặng nhiễm trong thức ăn nước uống có thể gây ung thư không thể chữa trị. Đối với hệ sinh thái: lưu huỳnh điôxít và các ôxít của nitơ có thể gây mưa axít làm giảm độ pH của đất. Đất bị ô nhiễm có thể trở nên cằn cỗi, không thích hợp cho cây trồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác trong lưới thức ăn. Khói lẫn sương làm giảm ánh sáng mặt trời mà thực vật nhận được để thực hiện quá trình quang hợp. Các loài động vật có thể xâm lấn,cạnh tranh chiếm môi trường sống và làm nguy hại cho các loài địa phương, từ đó làm giảm đa dạng sinh học. Khí CO2 sinh ra từ các nhà máy và các phương tiện qua lại còn làm tăng hiệu ứng nhà kính, làm Trái Đất ngày một nóng dần lên, các khu sinh thái sẵn có dần bị phá hủy…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính là do ý thức của con người không tôn trọng luật pháp bảo vệ môi trường. Tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, diện tích bao phủ bị giảm nghiêm trọng. Vì lợi nhuận kinh tế trước mắt mà các công ti, nhà máy xí nghiệp đã bất chấp luật pháp thải ra môi trường, nước thải công nghiệp chưa qua xử lí, rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt không phân huỷ được,… Nhận thức của con người về ô nhiễm môi trường còn rất hạn chế… Luật pháp chưa thực sự nghiêm minh, chưa đủ mạnh để ngăn chặn mọi sự vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường… Việc giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tổ chức thường xuyên. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có những chương trình kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của con người nhưng chúng quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và học hỏi của người dân. Do đó mà trình độ hiểu biết của người dân còn thấp dẫn đến thái độ tuân thủ nội quy nơi công cộng chưa đi vào nề nếp. Một phần là do sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, kém hiệu quả,… chưa có hình thức xử lý nghiêm khắc những cá nhân, đơn vị, công ty vi phạm, hay nói cách khác là biết mà làm ngơ.

Ô nhiễm môi trường gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng nên cần có những biện pháp để ngăn chặn. Bản thân con người phải ý thức được những tác hại to lớn khi môi trường ô nhiễm. Hệ thống pháp lí, chế tài nghiêm minh để xử phạt thích đáng cho các cá nhân và tổ chức vi phạm. Nhà trường phối hợp với các ban ngành thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, kiểm tra ý thức tự giác của mọi người về việc giữ gìn vệ sinh. Nên có những hình thức khiển trách đúng mức đối với những học sinh có thói quen vứt rác bừa bãi. Giáo dục ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Trong thời gian gần đây, chúng ta thường được nghe nói đến phong trào “Giờ Trái Đất”. Đó cũng là một trong những hoạt động thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường. Và chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp trên một cách đồng bộ, thường xuyên để khắc phục những hậu quả của sự ô nhiễm môi trường, tạo ra môi trường sống trong lành cho con người.

Ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay là một vấn nạn gây hậu quả nghiêm trọng cần lên án và loại bỏ. Hãy bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của mọi người, vì vậy mỗi người chúng ta cần có ý thức, góp phần chung tay xây dựng một môi trường xanh – sạch – đẹp.

– Bài số 2

Tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại các giống loài, ảnh hưởng xấu sức khoẻ con người là cái giá phải trả cho quá trình tự do hóa thương mại mới được tiến hành chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây ở nước ta.

​Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, với 59 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường, Việt Nam đứng ở vị trí 85/163 các nước được xếp hạng. Các nước khác trong khu vực như Philippines đạt 66 điểm, Thái Lan 62 điểm, Lào 60 điểm, Trung Quốc 49 điểm, Indonesia 45 điểm,… Còn theo kết quả nghiên cứu khác vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp và ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe.

Mới đây, hai trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc Đại học Yale và Columbia của Mỹ thực hiện báo cáo thường niên khảo sát ở 132 quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123/132 quốc gia khảo sát; về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe đứng vị trí 77; về chất lượng nước Việt Nam được xếp hạng 80. Tính theo chỉ số chung EPI, Việt Nam xếp thứ 79. Đó là những đánh giá chung, còn nếu xem xét cụ thể trên từng khía cạnh thì sẽ càng thấy rõ hơn bức tranh chung của môi trường Việt Nam hiện nay.

Rừng tiếp tục bị thu hẹp

Trước năm 1945, nước ta có 14 triệu ha rừng, chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước, năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha (chiếm 29%), đến nay chỉ còn khoảng 6,5 triệu ha (tương đương 19,7%). Độ che phủ của rừng nước ta đã giảm sút đến mức báo động. Chất lượng rừng ở các vùng còn rừng bị hạ xuống mức quá thấp. Trên thực tế chỉ còn khoảng 10% là rừng nguyên sinh.

40 năm trước đây, 400.000 ha đất ven biển nước ta được bao phủ bởi rừng ngập mặn, nhưng chỉ trong 5 năm, 2006 – 2011, 124.000 ha rừng ngập mặn ven biển đã biến mất để nhường chỗ cho các ao tôm, ao cá – tương đương diện tích bị mất trong 63 năm trước đó. Rừng ngập mặn trưởng thành rộng lớn ở vùng châu thổ sông Hồng hầu như đã bị tàn phá. Hệ lụy kéo theo là sự giảm sút mạnh của năng suất nuôi trồng thủy sản ven biển và sự mất cân bằng môi trường sinh thái.

Số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy đến hết năm 2012 có hơn 20.000 ha rừng tự nhiên bị phá để sử dụng vào nhiều mục đích, nhiều nhất là để làm thủy điện, nhưng chỉ mới trồng bù được hơn 700 ha.

Đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Thế giới thừa nhận Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới. Với các điều tra đã công bố, Việt Nam có 21.000 loài động vật, 16.000 loài thực vật, bao gồm nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tổ chức vi sinh vật học châu Á thừa nhận Việt Nam có không ít loài vi sinh vật mới đối với thế giới.

Thế nhưng, trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong. Và, mặc dù có vẻ nghịch lý nhưng có một thực tế là các trang trại gây nuôi động vật hoang dã như nuôi những loài rắn, rùa, cá sấu, khỉ và các loài quý hiếm khác vì mục đích thương mại ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á lại không hề làm giảm bớt tình trạng săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên, mà thậm chí còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi những trang trại này đã liên quan tới các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Tiến sĩ Elizabeth L. Bennett, Giám đốc Chương trình Giám sát nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, cho biết: “Thay vì hoạt động nhằm mục đích bảo tồn, các trang trại gây nuôi động vật hoang dã lại vì mục đích thương mại nên trên thực tế trở thành mối đe dọa với các loài động vật hoang dã trong tự nhiên. Các phân tích từ những báo cáo cho thấy tác động tiêu cực của các trang trại này lớn hơn rất nhiều so với những ích lợi mà chúng có thể đem lại”. Thậm chí, những trang trại gây nuôi các loài sinh trưởng nhanh với tỷ lệ sinh sản cao cũng tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn vì những trang trại này liên tục nhập khẩu các loài động vật có nguồn gốc tự nhiên.

Hơn 100 loài sinh vật ngoại lai đang hiện diện tại nước ta cũng là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái, như: ốc bươu vàng, cây mai dương, bọ cánh cứng hại dừa, đặc biệt là việc nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ – một loài đã được quốc tế cảnh báo là một trong những loài xâm hại nguy hiểm.

Ô nhiễm sông ngòi

Với những dòng sông ở các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng bị ô nhiễm nặng nề là điều dễ dàng nhận thấy qua thực tế, cũng như qua sự phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, sông ở nhiều vùng nông thôn cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, rác thải nông nghiệp và rác thải từ các khu công nghiệp vẫn đang từng ngày, từng giờ đổ xuống.

Các dòng sông đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề nhất là: sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy, sông Đồng Nai và hệ thống sông Tiền và sông Hậu ở Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Những con sông này đã trở nên độc hại, làm hủy hoại nguồn thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống, sức khoẻ của cộng đồng.

Bãi rác công nghệ và chất thải

Hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam là chủ sở hữu của hơn một nghìn con tàu biển trọng tải lớn, cũ nát. Hầu hết các cảng biển trên thế giới đều không cho phép loại tàu này vào, vì nó quá cũ gây ô nhiễm môi trường lại không bảo đảm an toàn hàng hải. Thế nhưng, hơn một nghìn con tàu cũ nát đó vẫn đang được neo vật vờ ở các tuyến sông, cửa biển để chờ được “hóa kiếp” thành phế liệu mà việc phá dỡ loại tàu biển cũ này sẽ thải ra rác thải nguy hại làm ô nhiễm môi trường sống.

Nhiều dự án luyện, cán thép lớn đã, đang và sẽ xuất hiện, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thép lớn, song đồng thời cũng có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung “rác” công nghệ và chất thải. Bài học “xương máu” này đã từng xảy ra với ngành sản xuất xi măng, song vẫn có khả năng lặp lại nếu những dây chuyền luyện gang, thép bị loại bỏ ở Trung Quốc được đưa về lắp đặt ở Việt Nam.

Ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt và chăn nuôi đang có xu hướng gia tăng, trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao. Trong đó, lo ngại nhất là chất thải từ chăn nuôi. Hiện cả nước có 16.700 trang trại chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (45%) và Đông Nam Bộ (13%), với tổng đàn gia súc 37,8 triệu con và trên 214 triệu con gia cầm. Theo tính toán của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lượng phân thải của bò khoảng 10 – 15 kg/con/ngày, trâu là 15 – 20 kg/con/ngày, lợn là 2,5 – 3,5 kg/con/ngày và gia cầm là 90 gr/con/ngày. Như vậy, tính ra tổng khối lượng chất thải trong chăn nuôi của nước ta hiện khoảng hơn 73 triệu tấn/năm.

Nuôi trồng thủy sản cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Việc đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, tăng năng suất tại các vùng nuôi tôm tập trung, trong đó chủ yếu là tôm sú đã làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước. Cùng với đó, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt một cách tràn lan, không có kiểm soát đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng, quá hạn sử dụng còn tồn đọng cần tiêu hủy là hơn 700 kg (dạng rắn) và hơn 3.400 lít (dạng lỏng).

Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy, khu vực nông thôn thải ra khoảng 10 triệu tấn/năm chất thải rắn sinh hoạt, nhưng đến năm 2010 tăng lên tới 13,5 triệu tấn/năm. Số rác thải này cộng với lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày càng trở nên đáng lo ngại.

Ô nhiễm ở các làng nghề

Một khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều cho thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Riêng Hà Nội, khảo sát tại 40 xã cho kết quả khoảng 60% số xã bị ô nhiễm nặng từ các hoạt động sản xuất.

Ở các làng tái chế kim loại, khí độc không qua xử lý đã thải trực tiếp vào không khí như ở làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), nồng độ chì vượt quá 2.600 lần tiêu chuẩn cho phép. Nghề thuộc da, làm miến dong ở Hà Tây cũng thường xuyên thải ra các chất như bột, da, mỡ làm cho nước nhanh bị hôi thối, ô nhiễm nhiều dòng sông chảy qua làng nghề.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động gần đây cho biết, trong các làng nghề, những bệnh mắc nhiều nhất là bệnh liên quan đến hô hấp như viêm họng chiếm 30,56%, viêm phế quản 25% hay đau dây thần kinh chiếm 9,72%. Tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, tỷ lệ người dân mắc bệnh về thần kinh chiếm khoảng 71%, bệnh về đường hô hấp chiếm khoảng 65,6% và bị chứng hồng cầu giảm chiếm 19,4%. Còn tại làng nghề sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang) tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da là 68,5% và các bệnh về đường ruột là 58,8%.

Khai thác khoáng sản

Cùng với nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu, nguồn tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất của nước ta đã bị khai thác khá mạnh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2009 – 2011, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 2,1 – 2,6 triệu tấn khoáng sản các loại (không kể than, dầu thô) với điểm đến chủ yếu là Trung Quốc, nhưng chỉ mang lại giá trị 130 – 230 triệu USD. Riêng năm 2012, lượng khoáng sản xuất khẩu vẫn gần 800.000 tấn thông qua đường chính ngạch. Nếu cộng cả số xuất lậu, xuất qua đường biên mậu, số lượng xuất khẩu còn lớn hơn nữa (vào năm 2008, chỉ riêng xuất lậu quặng ti-tan ước tính đã lên đến 200.000 tấn).

Trong ba năm, hoạt động khai thác sắt, ti-tan khiến các khu vực, rừng ven biển từ Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận,… bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng mất đi và dân làng biển đang phải đối mặt bão, lũ, gió cát. Và, hậu quả của ô nhiễm môi trường từ những hoạt động khai thác khoáng sản đã quá rõ ràng. Qua điều tra, cứ 4.000 người dân Quảng Ninh có 2.500 người mắc bệnh, chủ yếu là mắc bệnh bụi phổi, hen phế quản, tai mũi họng (80%). Kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn cho thấy nồng độ bụi ở khu vực Cẩm Phả vượt từ 3 – 4 lần tiêu chuẩn cho phép, gần 0,3 mg/m3 trong 24 giờ (gồm bụi lơ lửng, bụi Pb, Hg, SiO2, khí thải CO, CO2, NO2). Mỏ Đèo Nai phải xử lý lượng đổ thải chất cao thành núi trong mấy chục năm qua. Mỏ Cọc Sáu với biển nước thải sâu 200m chứa 5 triệu m3có nồng độ a-xít cao và độ PH 4 – 4,5mgđl/l sẽ phải tìm công nghệ phù hợp để xử lý.

Ô nhiễm không khí

Việt Nam cũng đang bị coi là nước có ô nhiễm không khí cao tới mức báo động.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ chất ô nhiễm trong không khí khu vực ven đường giao thông, trong đó chủ yếu là CO tăng 1,44 lần và bụi PM10 (tức bụi có kích thước bé hơn 10μ) tăng 1,07 lần. Kênh rạch ở khu vực nội thành bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh ở mức độ cao. Phần lớn nước thải sinh hoạt chỉ mới được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại gia đình. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc nếu có trang bị thì không vận hành thường xuyên.

– Bài số 3

Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến ta phải suy nghĩ…

Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động.

Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường… Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân ở xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của nền văn hoá dân tộc.

Vậy nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu?

Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ. Họ nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Hoặc cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Một số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều… Vậy nhưng không phải vậy! Phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Dù trách nhiệm bảo vệ môi trường tuy cũng có một phần là của nhà nước nhưng đa phần lại là của người dân. Những việc chúng ta làm đối với môi trường, tuy hiện giờ ta chưa thấy được, nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng tới ta ít nhiều.

Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và do đang thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào “cạm bẫy”: trở thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp “bẩn”. Ví như, ngành cán thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cô lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí.

Điều này đã để lại hậu quả gì?

Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường. Điển hình như “làng ung thư” Thạch Sơn ở Phú Thọ, hàng trăm người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm thải ra Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Hàng năm có khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong những năm tới, con số này còn có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa sông cũng như các vùng nước lợ biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều…

Lẽ nào ta lại nhắm mắt làm ngơ?

Không! Chúng ta cần phải tiếp tục công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt hơn, thiết thực hơn nữa! Thứ nhất, phải có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã… Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công cộng, làm sạch bãi biển…

Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vậy nên, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau! Hãy bảo về môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

– Bài số 4

Yuri Gagarin người đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất đã có lần tâm sự: “Sau khi bay vòng quanh Trái Đất trên tàu vũ trụ, tôi thấy hành tinh của chúng ta đẹp biết bao. Các bạn ơi, hãy cùng bảo vệ và làm cho vẻ đẹp này thêm tươi sắc, chứ đừng hủy hoại nó nhé!”. Thế nhưng Trái Đất tươi đẹp với ¾ là biển và đại dương đang bị xâm hại nghiêm trọng. Thay vì cố gắng tìm một hành tinh khác có sự sống trong dải ngân hà tại sao chúng ta không cứu lấy trái đất và việc đầu tiên cần làm là lắng nghe tiếng gọi của biển xanh.

Biển như người mẹ cung cấp cho con người rất nhiều thứ từ nguồn lợi du lịch, khoáng sản, hải sản, giao thông… nhưng biển chưa bao giờ đòi hỏi loài người phải trả lại cho biển điều gì cả. Ngược lại con người đối xử bất công và thực sự vô ơn. Phải mất hàng trăm năm con người mới nhận ra trái đất nóng lên, băng từ hai cực tan ra, mực nước biển ngày càng dâng lên. Phải mất hàng trăm năm con người mới nhận ra nguồn hải sản đang cạn kiệt, nhiều loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Và khi cá chết ở nhiều nơi thì người ta mới giật mình tự hỏi hình như nước biển đang ô nhiễm.
Đại dương mênh mông cũng đáp trả lại con người bằng những hành động giận dữ. Không gì khác đó chính là sự biến đổi khí hậu. Khi chiến thắng trong một hạng mục của giải thưởng Osca, diễn viên Leonardo vẫn không quên truyền đi một thông điệp tới cả thế giới: “Chiến thắng này cũng là một cơ hội quan trọng để mọi người chú ý nhiều hơn đến tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy hành động của chính chúng ta”. Những mùa đông băng giá hơn, mùa hè nắng nóng hơn khắc nghiệt hơn. Mực nước biển dâng lên làm xâm nhập mặn đất nhiễm phèn ảnh hưởng đến cả một nền nông nghiệp. Những cơn bão hay sóng thần thường xuyên hơn dữ dội hơn bao giờ hết, nó cuốn trôi cả con người và mọi thứ trên đường đi của mình. Nhiều người vẫn không thể quên được lời nói xúc động của cô bé 6 tuổi trước khi buông tay mẹ và bị cơn bão haiyan cuốn đi: “Mẹ, mẹ hãy buông con ra. Mẹ hãy tự cứu lấy mình.” Phải chăng đã đến lúc con người phải tự cứu lấy chính mình trước khi quá muộn.

Vì lợi nhuận kinh tế con người sắn sàng hủy hoại môi trường biển. Có người vì lợi nhuận nhỏ bán hàng ngay tại bãi biển các khu du lịch tiếp tay cho du khách xả rác vô điều kiện. Có người vì lợi nhuận lớn hơn thảm sát cá bằng các phương tiện hủy diệt. Có người vì lợi nhuận lớn hơn nữa thì sẵn sàng xả thải trực tiếp các chất hóa học độc hại xuống biển. Thực chất chúng ta đang vay nặng lãi để thế hệ con cháu phải gánh chịu món nợ của cha ông. Bạn thu được 1 đồng từ việc xâm hại biển bạn phải mất hàng ngàn lần như thế để cải thiện lại môi trường. Bộ phim Mỹ nhân ngư lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích nhưng lại đem đến một thông điệp rất đời: “Khi thế giới này chẳng còn đến một giọt nước sạch, một luồng không khí trong lành thì tiền còn nghĩa lý gì?”.

Tôi có một niềm tin sâu sắc về hiệu ứng cánh bướm, rằng “Một con bướm có thể vỗ cánh trên một bông hoa Trung Quốc và gây ra một cơn bão ở biển Caribbean.” Một hành động dù nhỏ cũng có thể tạo nên sức lan tỏa rộng lớn như những cơn bão. Thay vì kêu cứu, bức xúc hộ biển xanh, biển tự biết cách bức xúc theo cách của mình. Hãy bắt tay ngay vào hành động. Một cây xanh bạn trồng ở đất liền cũng có thể khiến đại dương xa xôi bình yên hơn. Từ chối sử dụng túi nilon khi mua hàng cũng có thể khiến thế giới thoát khỏi thảm cảnh là một biển rác. Hay tiết kiệm một giọt nước ngọt cũng là cách để biển không phải rơi nước mắt, biển quá mặn rồi. Bạn đừng xả rác, lãng phí năng lượng, chặt phá cây xanh rồi sau đó tự hào vì đã gửi vài trăm ngàn đồng hỗ trợ nạn nhân bão lụt. Các công ty đừng xả thải trực tiếp ra môi trường rồi sau đó dành tiền hỗ trợ những nông dân là nạn nhân do hành động của chính họ gây ra. Biển sẽ mãi bao bọc chở che con người khi con người biết lỗi và sẵn sàng sửa lỗi. Sau ồn ào biển nhất định dịu êm. Văng vẳng đâu đây một viễn cảnh tươi sáng hơn trong giai điệu bài hát biển hát chiều nay:

Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng
Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương.
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương.

Vũ Hường tổng hợp

0