06/02/2018, 11:00

MS184 – Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao

Đề bài: Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Bài làm Làn gió nhẹ của chiều hoàng hôn như xua tan đi mọi căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày dài. Rút tai nghe và bật một bản nhạc không lời, tâm hồn tôi thấy bình yên lạ! Từng nốt trầm bổng, du dương ...

Đề bài: Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Bài làm

Làn gió nhẹ của chiều hoàng hôn như xua tan đi mọi căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày dài. Rút tai nghe và bật một bản nhạc không lời, tâm hồn tôi thấy bình yên lạ! Từng nốt trầm bổng, du dương hòa quyện vào giai điệu man mác buồn của bài ca làm tôi chợt nhớ tới hình ảnh của một nhân vật mà ngay từ khi vừa ngật ngưỡng bước ra đã làm cho những con chữ trong tác phẩm dường như phải lung lay, xô đẩy. Nó tác động mạnh mẽ đến tâm hồn, trái tim độc giả để rồi lôi cuốn ánh mắt ta cứ mãi dõi theo không muốn rời. Nhân vật ấy chính là Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Cùng khám phá "gã mất trí nhưng có đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại" này, chúng ta sẽ hiểu vì sao nhân vật ấy lại ấn tượng và để lại trong ta nhiều cung bậc cảm xúc đến thế.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng nói: "Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người mở đường đến với xứ sở của cái đẹp". Thật vậy, nhà văn chân chính Nam Cao đã đưa ta lách sâu vào tâm hồn Chí Phèo để khám phá và cảm nhận về con người khá đặc biệt này. Dù bề ngoài Nam Cao có vẻ lạnh lùng, vụng về, ít nói nhưng đời sống nội tâm thì rất phong phú, ông có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương. Bởi vậy, "Nam Cao luôn tắm mình giữa cuộc đời của nhân dân cùng khổ". Ông đã thấu hiểu và xây dựng thành công nhân vật điển hình Chí Phèo, khắc họa rõ nét trong tâm tưởng người lĩnh hội. Với giọng văn sắc lạnh cùng ngòi bút hiện thực lạnh lùng, bóc trần xã hội một cách mạnh bạo, người con của quê hương Hà Nam đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ hủy diệt nhân cách con người. Đề tài người nông dân lúc này có thể coi là mảnh đất màu mỡ mà các nhà văn hiện thực 1930-1945 đã gieo hạt nghệ thuật và gặt hái được những mùa bội thu. Nam Cao là người đến sau, khi mà mảnh đất ấy đã được khai vỡ, nhưng bằng tất cả tâm huyết, tình cảm của mình đối với những mảnh đời nghèo khổ, những kẻ dưới đáy xã hội, Nam Cao đã tìm được chỗ đứng riêng. Và "đứa con tinh thần" giúp Nam Cao bấy giờ là kiệt tác Chí Phèo, sáng tác năm 1941.

Ngay từ khi Chí ngật ngưỡng bước ra, ta đã cảm thấy nhói lòng trước hoàn cảnh xuất thân đầy oái oăm, bất hạnh. Ngay từ khi mới sinh ra, Chí đã bị bỏ rơi bên chiếc lò gạch cũ, sau đó được một người nhặt về nuôi rồi đem cho, đem bán nên Chí trở thành một kẻ bơ vơ, không cha không mẹ. Cho tới lúc trưởng thành, Chí vẫn là một anh canh điền khỏe mạnh, lương thiện và giàu tự trọng. Nhưng Nam Cao đã để nhân vật của mình xuất hiện một cách ấn tượng bằng lời chửi trong men rượu nồng nàn. Ta cứ ngỡ đây là lời chửi vu vơ của một thằng say, nhưng ngẫm ra thì lại thấy lớp lang, bởi đối tượng chửi được thu hẹp dần, từ cái chung chung, trừu tượng đến cụ thể. Thực chất, Chí Phèo đang tìm cách giao lưu với cộng đồng xã hội nhưng không một ai đáp lại. Phải chăng, sự xuất thân nghèo túng của anh đã khiến mọi người xa lánh và gạt bỏ ra khỏi cộng đồng? Trớ trêu thay cho thân phận của Chí! Cuộc đời anh đang là dấu nặng trăn trở, nhức nhối trên từng câu văn của Nam Cao.

Đứng trước thực tại ấy, mấy ai mà không thấy nản lòng, mất niềm tin, ý chí? Có lẽ, Chí cũng vậy, không còn hi vọng vào cuộc sống nữa. Chẳng biết vì hiểu nhầm hay vì Chí trộm cắp nhiều tiền, nhiều thóc mà bị đẩy vào con đường tù tội. Với bút pháp mờ hóa độc đáo này, Nam Cao đã phản ánh một sự thật tàn nhẫn và nghiệt ngã ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng, bọn cường hào, ác bá có thể đẩy bất cứ người nông dân lương thiện nào vào ngục tù tăm tối không vì bất cứ tội tình gì. Từ khi đi tù đến trước khi gặp Thị Nở có lẽ là lúc hình ảnh Chí hiện lên khó gần và khó gây thiện cảm với người đọc nhất. Sau khi đi tù về, Chí thay đổi cả về diện mạo lẫn hành động, "cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!". Với diện mạo này trong tâm trí ta chợt suy ngẫm, liệu Chí có còn là một con người chất phác như tuổi 20 nữa hay đã bị môi trường lao tù thay đổi về tất cả? Không chỉ về bề ngoài, những hành động của Chí cũng hết sức ngang tàng, hắn "uống rượu rồi xách dao đến nhà Bá Kiến ăn vạ và Chí đã được thỏa nguyện", khi "uống được ba hôm, đến hôm thứ tư hết tiền, hắn dọa châm diêm đánh xòe mái nhà của người bán rượu" rồi lại ngông cuồng đi đến "nhà Bá Kiến xin đi tù". Cũng đúng, bởi bây giờ hành động, tính cách của hắn là một kẻ côn đồ, đối diện với hắn là một con số không, hắn không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích, để rồi hắn buộc phải bán linh hồn cho quỷ dữ. Từ khi trở thành tay chân của Bá Kiến, Chí trượt dài trên con đường tha hóa. Ngày càng thay đổi cả về nhân hình lẫn nhân tính, hắn trở thành "một người không tuổi", "mặt của một con vật lạ- vằn dọc, vằn ngang không biết bao nhiêu là thứ tự, vàng vàng xạm màu tro", đã thế lại là một kẻ hung hãn, sẵn sàng làm tất cả những gì người ta thuê, kể cả đâm thuê, chém mướn, phá phách, ức hiếp, mưu hại. Hắn đã đập nát biết bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ biết bao nhiêu là hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người dân lương thiện. Lúc nào hắn cũng triền miên trong những cơn say, "ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy hãy còn say, đập đầu rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say để rồi say nữa, say vô tận". Quả thật, như V.Huy- gô đã nói: " Khi chưa vào tù anh là một cành cây tươi, khi ra tù anh là một cây củi khô ". Giờ đây, " cành củi khô " ấy bị xô đẩy, quằn quại trên ranh giới mong manh giữa cái thiện và cái ác. Những lúc như thế, "ngòi bút của Nam Cao phải xử lý bao tình thế cheo leo nơi ranh giới giữa con người và thú vật". Họa chăng, nếu không có sự nhào nặn, dồn ép của xã hội thì Chí Phèo đâu có trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại và rơi vào vực thẳm tuyệt vọng? Thông qua bi kịch bị tha hóa, Nam Cao muốn lên tiếng tố cáo tội ác của xã hội thực dân nửa phong kiến đã xô đẩy những người nông dân lương thiện đến bước đường cùng, buộc phải trở thành những kẻ lưu manh hóa.

Nhưng cuộc đời Chí đâu chỉ dừng lại ở đó, nhà văn đã đẩy nhân vật của mình vào "tình thế oái oăm hơn" và để cho mạch truyện "trôi" một cách tự nhiên ngoài dự tính của người đọc. Ta hy vọng, bước đường cùng mà Chí bị dồn tới chỉ là tha hóa và đợi chờ một thứ ánh sáng, một bàn tay nào đó kéo Chí đứng lên từ hố bùn sâu tội lỗi ấy, nhưng hi vọng trong tuyệt vọng, Chí còn bị cự tuyệt quyền làm người. Điều đó được khắc hoạ rõ nét qua đoạn khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời Chí. Tôi cứ ngỡ khi bắt gặp nhân vật chị Dậu, anh Pha, "khi "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố và "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan ra đời thì thân phận của người nông dân dưới ách đế quốc phong kiến lại có thể có nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của hai nhân vật này". Nhưng không, "từ khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng đây mới chính là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa. Bị giày đạp, bị cào xé, bị hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình". Mỗi lần chiêm nghiệm văn của Nam Cao là thấy hay nhưng nếu hỏi vì sao thì thật không dễ trả lời. Trong ta có chút gì đó vui mừng khi nhận thấy Chí đã tỉnh rượu và tỉnh ngộ, biết lắng nghe những âm thanh đời thường của cuộc sống, biết cảm nhận "tiếng chim hót", "tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá", "tiếng của những người đi chợ bán vải",… Dường như, lúc này Chí đã có khả năng nhận thức về ngoại giới. Tất cả khung cảnh bình dị mà tươi đẹp này đã tác động, đánh thức quá khứ êm đẹp về ước mơ bình dị thời trai trẻ là "có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải". Đồng thời, Chí cũng nhận thức thực tại, Chí thấy bản thân đã già rồi mà vẫn còn cô độc, cái cảm giác ấy buồn bã và đáng sợ biết nhường nào! Vì thế, có thể tương lai Chí sẽ phải đối mặt với tất cả những điều này. Cứ bâng quơ, suy nghĩ vẩn vơ mà đến khóc được mất, đôi mắt đỏ hoe, rưng rưng dòng lệ đã nói lên hết suy nghĩ bây giờ của Chí. Kèm theo những suy nghĩ là những cảm xúc trỗi dậy rất con người. Chí Phèo muốn khóc- đây là dấu hiệu cho thấy lương tri đã thức tỉnh.

Khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc, tự nguyện đem cháo hành của Thị đến cho hắn, hắn đã vô cùng ngạc nhiên, dường như đôi mắt hắn ươn ướt như xúc động. Thị Nở lúc này đã "khơi hòn than đỏ vùi trong lớp tro tàn đang âm ỉ, nó đưa Chí qua một cuộc lột xác để trở về với sự lương thiện". Chí biết khát khao về một mái ấm gia đình và niềm hi vọng Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối giúp Chí trở lại cuộc sống, hòa nhập vào cộng đồng xã hội tươi đẹp phía trước. Bát cháo hành đang tỏa hương ngào ngạt đã thể hiện sự chăm sóc ân cần của Thị Nở dành cho Chí Phèo khi đau ốm, trơ trọi. Người "phụ nữ ma chê quỷ hờn" ấy lại là người có tấm lòng yêu thương mộc mạc, chân thành, vụng về mà với Chí chỉ vậy thôi cũng là quá đủ. Có lẽ, đây là tình người hiếm hoi mà Chí Phèo được nhận, là hương vị tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng. Bát cháo hành nồng nàn hương vị còn là liều thuốc giải cảm, đồng thời có ý nghĩa đánh thức lương tri bấy lâu bị vùi lấp của Chí Phèo, làm bừng lên khát khao hoàn lương trong con người Chí. Hình ảnh này là một chi tiết nghệ thuật quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sắc nét tính cách tâm lý và bi kịch của nhân vật.

Bên cạnh đó, cũng thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, thấm đẫm trong từng câu văn của Nam Cao- đó là niềm tin tưởng mãnh liệt vào khả năng cảm hóa của tình người. Tin tưởng vào sức sống bất diệt của thiên lương ngay cả khi con người bị chà đạp, bị tha hóa. Từng câu, từng chữ như lay thức hồn ta, "có đôi lúc độc giả còn có cảm giác như là đứa trẻ trong rạp xiếc lo lắng nhìn bước chân người tài tử diễn trò leo dây giữa khoảng không. Nam Cao không làm xiếc ngôn từ, không làm trò kĩ thuật, anh tự thử thách mình về tư tưởng bằng cách buộc mình đi lại một cách mạo hiểm bên bờ vực thẳm. Trên này là chủ nghĩa hiện thực, dưới kia là thái độ nhục mạ con người, trên này là chủ nghĩa hiện thực, dưới kia là chủ nghĩa tự nhiên".

Quả thật, nhà văn Nam Cao quá tài năng và yêu thương con người, ông luôn tìm tòi, khám phá, sáng tạo, lách sâu vào từng vi mạch của nhân vật để thả cho cảm xúc yêu thương đong đầy trong từng trang truyện. Với ông, "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có". Vì lẽ đó mà nhà văn đã dồn tình thế truyện vào một "nguồn chưa ai khơi", đã để cả nhân vật trung tâm và bao trái tim độc giả rơi vào trạng thái thất vọng, đau đớn. Tình yêu của Chí mới chớm nở thì đã bị từ chối do có bàn tay bà cô- hiện thân cho xã hội không công nhận Chí là một con người. Bà đã nỡ lòng giật lấy đóa hoa tình yêu nở muộn ấy rồi vò nát tan tành, dù cho Chí có đau đớn, tủi hờn đến đâu đi nữa. Chí cố tình níu kéo như muốn níu giữ một chỗ dựa tinh thần, một niềm hi vọng cuối cùng về con đường hoàn lương của cuộc đời hắn. Sự tuyệt vọng đã dẫn hắn tìm đến với rượu, nhưng hình như càng uống hắn càng tỉnh. Cháo hành và men rượu đã làm cho tâm trí hắn diễn ra một cuộc giằng xé quyết liệt, một cuộc va đập mạnh mẽ. Hắn đau đớn rồi khóc- những giọt nước mắt của con người thấm thía bi kịch sinh ra là người mà không có quyền được làm người.

Trượt dài trên con đường phẫn uất, tuyệt vọng, Chí quyết định tìm đến nhà Thị Nở để giết hết tất cả những ai đã đoạt quyền làm người của hắn, nhưng lương tâm hắn lại hiện hữu rất rõ kẻ thù của cuộc đời- kẻ đã biến mình từ một người nông dân lương thiện thành một con quỷ dữ, không ai khác ngoài Bá Kiến. Có lẽ, "những thằng điên và những thằng say không bao giờ làm cái mà lúc ra đi hắn định làm", và sự nhận thức về tình cảnh hiện tại của bản thân, khi lương tri đã thức tỉnh không cho phép Chí hành động như một con quỷ dữ nhưng con đường hoàn lương phía trước đã bị cả xã hội chặn đứng. Nên đôi chân hắn đã đưa hắn đến nha Bá Kiến, giết Bá Kiến và tự tay kết liễu luôn cuộc đời mình. Có bao tiếng ngỡ ngàng, đau xót dấy lên từ trái tim người lĩnh hội. Một hành động đầy bất ngờ nhưng hợp lôgic, đúng với quy luật phát triển của tâm lý nhân vật. Đó không phải là hành động mù quáng của kẻ say mà là kết quả của sự nhận thức khi lương tri đã thức tỉnh. Câu nói cuối cùng "Tao muốn làm người lương thiện" vừa đanh thép, vừa chất chứa phẫn nộ, vừa mang âm hưởng bi thiết khiến cho người đọc sững sờ, day dứt. Chí chết đi nhưng vẫn mãi sống trong tâm trí người đọc. Chí chết cho chân lí mọc lên- đó cũng chính là giá trị mà tác phẩm muốn gửi gắm đến chúng ta.

Thiên truyện ngắn " Chí Phèo " được dệt nên từ sự thăng hoa của cảm xúc và khúc xạ qua lăng kính chủ quan của Nam Cao nên nó mang màu sắc nhân đạo cao cả. Cái chết của Chí Phèo là lời tố cáo đanh thép đối với xã hội thực dân nửa phong kiến, không chỉ dồn ép, xô đẩy khiến cho con người bị tha hóa mà tàn bạo hơn là vùi dập, chà đạp khát vọng hoàn lương của con người. Đồng thời, còn phát hiện và khẳng định sức sống bất diệt của thiên lương. Bên cạnh nội dung sâu sắc, độc đáo ấy là sự mới mẻ trong cách sử dụng nghệ thuật. Nam Cao đã thành công với biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật Chí Phèo- nhân vật mà ông đã "quăng lên, đánh bài ngửa cái thằng tôi nhàu nát một cách không khoan nhượng, không né tránh vào con chữ, viết hết, viết cạn kiệt. Viết xong lại đọc, nghiền ngẫm, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng, rồi lại tẩy xóa, thêm bớt,… Cứ như thế, các trang văn quằn quại ra đời. Có tiếng nấc, tiếng khóc, tiếng vặn mình, tiếng chửi thầm thiên hạ và chửi cả chính mình. Tất cả thảy cứ ngổn ngang, bời bời trên trang viết. Anh viết như một sự hành xác, như cứu rỗi, như xua đuổi tà ma trong chính tâm hồn mình. Viết đến nghẹt thở " (Văn Giá). Chính sự tận tụy, công tâm cùng ngòi bút sắc bén và cách khám phá, cảm nhận tinh tế mà Nam Cao đã xây dựng hình tượng nhân vật sống mãi trong tâm trí ta. Để rồi khi gấp trang sách lại, người lĩnh hội như bước ra một thế giới khác mà trong lòng vẫn lưu luyến, vẫn muốn khám phá cái anh Chí Phèo say men rượu của làng Vũ Đại ấy. Và chợt có giọt nước mắt nào nhỏ xuống trang giấy trong xót thương, ngậm ngùi- những giọt lệ như sự ngưỡng mộ tài năng Nam Cao và đồng cảm với thân phận của bao người nông dân trước cách mạng.

Thiên truyện ngắn "Chí Phèo" đã khép lại nhưng hình ảnh của Chí vẫn ở đó- vẫn đậm nét như ta vừa nhìn thấy ngày hôm qua ở một "xã hội chó đểu" (Vũ Trọng Phụng). Chút dư vị nghẹn ngào cùng bao dư ba, xúc cảm vẫn còn mãi trong ta không bao giờ ngớt mỗi khi nghe ai đó nhắc tới câu cầu cứu "Tao muốn làm người lương thiện!"…

Mai Thị Thu

Lớp 12B6 – Trường THPT Tĩnh Gia II, Thanh Hóa


Từ khóa tìm kiếm:

  • phân tích tác phẩn chí phèo (trong tác phân cùng tên của nam cao) tuwf khi ghặp thị nở đếnkhi kết thúc cuộc đời sự thay đổi của chó phèo cho thấy điều gì tuwf sước mạch của tình người
0