04/06/2017, 23:49

Giải thích và chứng minh rằng thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị.

Trong dòng thơ trữ tình chính trị chiếm ưu thế trong lịch sử văn học Việt Nam nửa thế kỉ qua. Tố Hữu là lá cờ đầu. Đối với ông, thơ chính trị là thơ trăm phần trăm như các thơ khác” (Sóng Hồng), vì ở ông, chính trị trở thành nguồn cảm hứng thẩm mĩ thật sự”. Cho nên ta có thể khẳng định rằng "thơ ...

Trong dòng thơ trữ tình chính trị chiếm ưu thế trong lịch sử văn học Việt Nam nửa thế kỉ qua. Tố Hữu là lá cờ đầu. Đối với ông, thơ chính trị là thơ trăm phần trăm như các thơ khác” (Sóng Hồng), vì ở ông, chính trị trở thành nguồn cảm hứng thẩm mĩ thật sự”.

Cho nên ta có thể khẳng định rằng "thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị” với một số lí giải, chứng minh qua thơ ca của ông, từ mục đích sáng tác, nhân vật trong thơ, tình cảm chính trị đến nghệ thuật thơ Tố Hữu.
 
Mục đích sáng tác của Tố Hữu là phục vụ sự nghiệp cách mạng trong từng giai đoạn, thể hiện qua các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa... Ở Tố Hữu, chính trị là một nguồn thơ vì đó là lẽ sống, niềm tin và ước mơ của nhà thơ. Con người trong thơ Tố Hữu luôn luôn được nhìn ở những quan hệ chính trị. Đôi khi ông nói đến đời tư, đời thường, chẳng qua cũng chỉ là để tô đậm phẩm chất chính trị của nhân vật mà thôi:
 
Mà nói vậy: “Trái tim anh đó,
Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ:
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều,
Phần cho thơ, và phần để em yêu...”
 
Ở Từ ấy, khi bắt đầu giác ngộ lí tưởng cách mạng, mặt trời chân lí chói qua tim, nhà thơ ngợi ca lí tưởng, kêu gọi quần chúng bị áp bức hãy lên đường đấu tranh:
 
Quyết chiến đấu! Nào ta liên hiệp lại,
Hỡi tù nhân khốn nạn của bần cùng!
Ngày mai đây, tất cả sẽ là chung,
Tất cả sẽ là vui và ánh sáng!
(Liên hiệp lại)
 
Tập thơ Việt Bắc ra đời trong kháng chiến chống Pháp, với một số bài thơ mang tính sử thi, là tiếng ca hùng tráng về cuộc sống kháng chiến, con người kháng chiến hào hùng:
 
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
 
Sau Việt Bắc, tập thơ Gió lộng là niềm vui dạt dào phơi phới của nhân dân miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội:
 
Yêu biết mấy, những dòng sông bát ngát
Giữa đôi bờ dào dạt lúa ngô non.
Yêu biết mấy, những con đường ca hát
Qua công trường mới dựng mái nhà son!
(Mùa thu mới)
 
Hai tập thơ Ra trận, Máu và hoa ra đời trong cao trào cả nước chống Mĩ, là tiếng hát của cả một dân tộc cùng ra trận, đậm nét sử thi:
 
Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng dậy, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu!
(Bài ca mùa xuân 1961)
 
Với cảm hứng lãng mạn, nhân vật trong tập thơ đầu tay Từ ấy là những hình ảnh một thanh niên yêu đời, say mê lí tưởng cách mạng:
 
Sống đã vì cách mạng, anh em ta,
Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hi vọng.
(Trăng trối)
 
Đến Việt Bắc, nhân vật trung tâm của thơ Tố Hữu là người chiến sĩ, là quần chúng cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Đó là hình ảnh anh bộ đội lên Tây Bắc:
 
Rất đẹp hình ảnh lúc nắng chiều,
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo,
Núi không đè nổi vai vươn tới,
Lá ngụy trang reo với gió đèo...
(Lên Tây Bắc)
 
Hình ảnh của tuổi thơ anh hùng qua nhân vật Lượm trong công tác giao liên:
 
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn ”
Sợ chi hiểm nghèo?
 
Hình ảnh người phụ nữ Bắc Giang con bế con bồng, mặt bà bủ Phú Thọ nằm ổ chuối khô, một bà mẹ Việt Bắc Con mế có ba, trai hay gái một, một bà bầm mưa phùn ướt áo tứ thân... Tất cả đều thể hiện tình cảm, tinh thần của người phụ nữ Việt Nam: tình cảm yêu nước gắn bó với cách mạng, tinh thần chịu đựng hi sinh một cách thầm lặng để chồng con ra trận đánh đuổi giặc thù.
 
Nhân vật trong Gió lộng là những con người tập làm chủ, tập làm người xây dựng, đoàn kết, cần kiệm xây dựng đất nước:
 
Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá,
Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô
Ta nâng niu, gom góp dựng cơ đồ.
(Bài ca mùa xuân 1961)
 
Hướng về miền Nam còn chìm trong máu lửa, hình ảnh nhân vật xuất hiện trong những trang thơ Tố Hữu mang vẻ đẹp hào hùng, rực rỡ: Anh Trỗi, chị Lí. Chị Lí dù bị tra tấn dã man:
 
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
 
nhưng quân thù vẫn:
 
Không giết được em, người con gái anh hùng
 
Tác giả tin tưởng rằng Người con gái Việt Nam đó sẽ trở về quê hương ngay trong ngày miền Nam giải phóng:
 
Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ,
Đôi gót đỏ sẽ trở về quê mẹ.
Em sẽ đi trên đường ấy thênh thang,
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!
 
Đến Ra trận, Máu và hoa, hình ảnh nhân dân cả hai miền Nam, Bắc vẫn giữ nét đẹp hào hùng so với hình ảnh nhân dân ta trong kháng chiến chống Pháp, nhưng có khác, đó là độ lớn của những con người ngày càng lớn mạnh hơn:
 
Anh đi xuôi ngược tung hoành,
Bước dài như gió lay thành chuyển non.
(Tiếng hát sang xuân)
 
Là những con người luôn đi đầu trong mọi trận tuyến:
 
Nếu được làm hạt giống để mùa sau,
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa,
Vui gì hơn làm người lính đi đầu,
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!
(Chào xuân 1967)
 
Đặc biệt, tình cảm trong thơ Tố Hữu là tình cảm thiên về chính trị. Đó là tình yêu Đảng với tấm lòng sắt son:
 
Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng,
Tấm lòng son chói sáng nghìn thu,
Mặt trời có lúc mây mù,
Trái tim kia vẫn đỏ bầu máu tươi.
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
 
Đó là tình yêu Bác:
 
Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta,
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa,
Chỉ biết quên mình cho hết thảy,
Như dòng sông chảy nặng phù sa.
(Theo chân Bác)
 
Ngoài ra, còn là tình yêu đất nước, quê hương:
 
Ôi Huế ngàn năm, Huế của ta
Đường vào sẽ nối lại đường ra
Như con của mẹ về quê mẹ
Huế lại về vui giữa Cộng hòa.
(Quê mẹ)
 
Tình đồng bào, đồng chí:
 
Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng,
Chết còn trao súng đạn quên đau,
Chết còn trút áo cho nhau,
Bát cơm dành để người sau ấm lòng.
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
 
Về mặt nghệ thuật, thơ Tố Hữu vừa thể hiện nội dung chính trị, vừa tác động vào tình cảm người đọc bằng những hình ảnh gợi cảm, nhạc điệu réo rắt, giọng điệu tâm tình:
 
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
(Việt Bắc)
 
Tố Hữu cũng sử dụng rộng rãi bút pháp tượng trưng để thể hiện lí tưởng và những ước mơ:
 
Vì sao ngày một thanh tân?
Vì sao người lại mến thân hơn nhiều?
Vì sao cuộc sống ta yêu,
Mỗi giây mỗi phút, sớm chiều thiết tha?
Vì sao mỗi hạt mưa sa,
Mỗi tia nắng rọi cũng là tình chung?
Xuân vui ca hát mọi vùng,
Bắc Nam đâu cũng anh hùng, vì sao?
(Tiếng hát sang xuân)
 
Nhất là hình ảnh tuy đơn sơ nhưng vô cùng gợi cảm, thể hiện linh hồn của đất nước quê hương:
 
Khi con tu hú gọi bầy,
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần.
Vườn râm dậy tiếng ve ngân,
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào.
Trời xanh càng rộng càng cao,
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...
(Khi con tu hú)
 
Có thể mượn lời Chế Lan Viên để lí giải thêm: “Tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, là để nói cho được cái lí tưởng cộng sản ấy thôi”. Đó là lí tưởng chính trị. Nhưng trong thơ Tố Hữu, lí tưởng đã trở thành niềm say mê riêng và thơ chính trị của Tố Hữu mang đậm nét trữ tình. Tóm lại, thơ Tố Hữu là sự kết hợp giữa chính trị và nghệ thuật, là sức cổ vũ mạnh mẽ đối với cách mạng Việt Nam và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ.

0