04/06/2017, 23:49

Bình luận về chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Có một thời hai chữ lãng mạn thường gợi cho ta về một cái gì có hại, mang ý nghĩa tiêu cực, mềm yếu, không lành mạnh... Thực ra thì lãng mạn còn mang ý nghĩa tích cực. Lãng mạn như trong Tây Tiến của Quang Dũng là lãng mạn Cách mạng, lãng mạn anh hùng. Nó làm cho đất nước thêm tráng lệ, kì vĩ, con ...

Có một thời hai chữ lãng mạn thường gợi cho ta về một cái gì có hại, mang ý nghĩa tiêu cực, mềm yếu, không lành mạnh... Thực ra thì lãng mạn còn mang ý nghĩa tích cực. Lãng mạn như trong Tây Tiến của Quang Dũng là lãng mạn Cách mạng, lãng mạn anh hùng. Nó làm cho đất nước thêm tráng lệ, kì vĩ, con người thêm sang trọng, hào hoa.

Có thể nói cuộc sống tinh thần của mỗi người hay cả cộng đồng dân tộc sẽ nghèo nàn, cằn cỗi và nhàm chán biết bao nếu thiếu đi những ước mơ bay bỗng, thiếu đi trí tưởng tượng phong phú, diệu kì... Lãng mạn hiểu theo nghĩa đúng đắn, chắp cánh cho những ước mơ, thúc giục con người hướng tới cái đẹp, cái cao cả và sự hoàn thiện mà hiện thực cuộc sống còn chưa đạt tới. Chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến chính là cảm hứng bay bổng của nhà thơ hướng tới vẻ đẹp hào hùng và hài hòa của thiên nhiên và con người Tây Bắc, vẻ đẹp ấy được cảm nhận từ một hiện thực gian khổ và đầy khốc liệt, khó khăn. Chính vì thế, chất lãng mạn của bài thơ càng đáng trân trọng, nâng niu. Nói đúng hơn, chính nhờ chất lãng mạn ấy mà người lính Tây Tiến có thể vượt qua được mọi vất vả gian lao, mọi khó khăn thử thách. Chất lãng mạn trong Tây Tiến xuất hiện dường như để lấy lại “thăng bằng" cho cảnh vật và tâm hồn của con người. Vì thế, bên cạnh một thiên nhiên hiểm trở, dữ dằn, những núi đá cheo leo, những cánh rừng thiêng nước độc..,, ta lại thấy một thiên nhiên thơ mộng đến say người, một Tây Bắc đẹp như tranh thủy mặc. Nỗi nhớ Tây Tiến trong lòng nhà thơ cứ chơi vơi giữa hai gam màu ấy. Còn gì dữ dội và hiểm trở hơn những cảnh:
 
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
 
Còn gì hoang dại và âm u, rùng rợn hơn tiếng thác gào và tiếng cọp gầm:
 
Chiều chiều oai linh thác gầm thét.
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi.
 
Nhưng liền đó lại là những cảnh rất đổi nên họa, nên thơ. Đó là chiều sương Mộc Châu, là “hồn lau" thấp thoáng “nẻo bến bờ", là dáng người mảnh mai, mềm mại trên chiếc thuyền độc mộc:
 
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
 
Rõ ràng thiên nhiên Tây Bắc được cảm nhân với một vẻ độc đáo: vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa tươi tắn, thơ mộng. Mà không chỉ tả thiên nhiên, chất lãng mạn bay bổng còn thể hiện rõ khi tác giả khắc họa chân dung người lính Tây Tiến hiện lên trên cái nền hùng vĩ mà mĩ lệ ấy của núi rừng Tây Bắc. Vẫn là sự đối chọi để “cân bằng" giữa một bên là hiện thực khắc nghiệt, là cuộc sống đầy gian nan và lắm hi sinh mất mát, với một bèn là cuộc sống tươi đẹp và đầy chất thơ. Này đây là những vất vả, gian lao của cuộc đời người lính Tây Tiến; "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi", “Anh bạn dãi dầu không bước nữa - Gục lên súng mũ bỏ quên đời!". Hình ảnh đoàn quân "không mọc tóc" với nước da "xanh màu lá" là kết quả của những trận sốt rét triền miên. Những nấm mồ nằm "rải rác" khắp "biên cương" và cảnh người lính ngã xuống không manh chiếu liệm.., đủ nói lên tất cả gian khổ cũng cực của cuộc chiến đấu mà người lính phải gánh chịu. Nhưng nếu chỉ có thế, sức mạnh của hiện thực sẽ đè nát ý chí và tâm hồn người chiến sĩ. Chính cảm hứng lãng mạn đã truyền niềm tin đến những người lính Tây Tiến, khiến các anh sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Trong cái gian khổ khắc nghiệt trên, bỗng thoảng hương nếp xôi của những cô gái Châu Mai. Ta nao nao, say người trong đêm lửa trại giữa "hội đuốc hoa", khi bắt gặp trong mơ hình ảnh "nàng e ấp" trong xiêm áo lộng lẫy và tiếng khèn man điệu hoang dại của núi rừng, Nhiều khi sự cân bằng, đối chọi giữa hai sắc màu - hiện thực và lãng mạn – thể hiện ngay trong từng câu thơ, từng đoạn thơ. Vừa thấy rợn người, trên độ cao ngàn thước chênh vênh bên bờ vực thẳm “'ngàn thước xuống" lại thấy lòng thanh thản ngắm nhìn qua cơn mưa thanh bình nhà ai đó thấp thoáng ở lưng núi Pha Luông. Vừa thấy hiện lên trước mắt hình ảnh: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi” rất hiện thực, đã lại chuyển sang hình ảnh đầy chất thơ "Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Câu thơ lung linh huyền ảo với hàng loạt thanh bằng đã ảo hóa hiện thực. Người đọc chỉ cảm nhận được có một cái gì đó nhẹ nhàng, bâng khuâng, chơi vơi như nỗi nhớ, bảng lãng như sương chiều, xua tan đi cái mệt mỏi của đoàn quân. Cũng như thế, ở câu trên ta vừa thấy sự uất hận của người lính Tây Tiến gửi vào hai chữ "mắt trừng" thì ngay sau đó lại “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (một câu thơ cũng phần lớn dùng thanh bằng). Tính chất lãng mạn của bài thơ còn thể hiện ở một phương diện khác. Đó lã chất bi tráng. Dường như vẫn là một cặp đối chọi nhau. Bi mà không luỵ, buồn đau mà hùng tráng, mất mát hy sinh mà vẫn lạc quan. Không bi sao được trước những gian nan đến ghê người, những cơn sốt rét, nước da xanh màu lá và tóc rụng không mọc lại được, không bi sao được trước những mất mát hi sinh: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ". Tuy nhiên bi mà không lụy, bi mà hùng tráng, mạnh mẽ “Quân xanh màu lá’ mà vẫn "dữ oai hùm". Ngay trong một dòng thư, ta đã thấy rõ tính chất này: “Áo bào thay chiếu anh về đất". Những gian khổ, thiếu thốn đến thế là cùng: chết không có chiếu để chôn. Nhưng người lính cho dù là cái chết thê thảm nhất cũng không thể cướp đi được vẻ đẹp hào hùng oai phong và sang trọng trong tâm tưởng họ, nghĩ mình là những tráng sĩ thời xưa ngã xuống chiến trường trong áo bào đỏ thắm. Một câu thơ lãng mạn hóa cái chết. Một sự ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, ung dung. Giọng thơ muốn hạ xuống cung bậc thấp nhất, phù hợp với nỗi tiếc thương. Nhưng hạ thấp đó mà cuối cùng vút lên bản nhạc dữ dội và hùng tráng: "Sông mã gầm lên khúc độc hành". Những nét mất mát đau thương của con người như dồn nén, tích tụ trong tiếng gầm vang rung chuyển của núi rừng của dòng sông Mã. Ai bảo lãng mạn như thế là tiêu cực, là yếu mềm? Thực chất, chính chất lãng mạn của bài thơ đã nâng được người đọc lên, vực dậy những người lính mệt mỏi đang "dãi dầu không bước nữa” xoá tan đi bao nhọc nhằn đau khổ, lãng quên đi bao nỗi niềm nguy và lấy lại cân bằng trong tâm hồn người lính, giúp họ vững bước đi lên... Chất lãng mạn ấy là sức mạnh và vẻ đẹp của người lính Tây Tiến.
 
Chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến nói riêng và ở Quang Dũng nói chung thực ra cũng là chất người, là cá tính của nhà thơ - một thanh niên trí thức rất mực hào hoa và lãng mạn. Đã đành đó còn là một chuyện của cái tài nữa, phải tài lắm mới có được những câu thơ như thế. Nhưng đúng như một nhà phê bình đã nói: “Xét đến cùng cũng chỉ có lòng chân thật tuyệt đối với cảnh, chân thật với người và nhất là với chính lòng mình mới có thể tạo ra được những câu thơ vừa giản dị, mộc mạc, vừa táo bạo, mới lạ như thế". Có lẽ cái gốc lớn nhất của tài năng Quang Dũng là ở chỗ đó chăng?

0