09/05/2018, 15:34

Đề kiểm tra 1 tiết Sinh 12 Học kì 2 (Trắc nghiệm - Tự luận 2)

Đề kiểm tra Học kì 2 - Năm học .... Môn Sinh học 12 Thời gian: 45 phút A. Phần trắc nghiệm (4 điểm) Câu 1: Tuổi quần thể là: A. tuổi thọ trung bình của cá thể. B. tuổi bình quân của các cá thể trong quần thể. C. thời gian sống thực tế của cá thể. D. thời ...

Đề kiểm tra Học kì 2 - Năm học ....

Môn Sinh học 12

Thời gian: 45 phút

A. Phần trắc nghiệm (4 điểm)

Câu 1: Tuổi quần thể là:

A. tuổi thọ trung bình của cá thể.

B. tuổi bình quân của các cá thể trong quần thể.

C. thời gian sống thực tế của cá thể.

D. thời gian quần thể tồn tại ở sinh cảnh.

Câu 2: Ý nghĩa sinh thái của kiểu phân bố đồng đều của các cá thể trong quần thể là:

A. làm giảm mức độ cạnh tranh giữa các cá thể.

B. làm tăng khả năng chống chịu của các cá thể trước các điều kiện bất lợi của môi trường.

C. duy trì mật độ hợp lí của quần thể.

D. tạo sự cân bằng về tỉ lệ sinh sản và tỉ lệ tử vong của quần thể.

Câu 3: Kiểu phân bố ngẫu nhiên có ý nghĩa sinh thái là:

A. tận dụng nguồn sống thuận lợi.

B. phát huy hiệu quả hỗ trợ cùng loài.

C. giảm cạnh tranh cùng loài.

D. hỗ trợ cùng loài và giảm cạnh tranh cùng loài.

Câu 4: Một quần thể như thế nào là quần thể không sinh trưởng nhanh?

A. Trong quần thể có nhiều cá thể ở tuổi trước sinh sản hơn cá thể sinh sản.

B. Trong quần thể có kiểu phân bố tập trung.

C. Quần thể gần đạt sức chứa tối đa.

D. Quần thể có nhiều cá thể ở tuổi sau sinh sản hơn cá thể sinh sản.

Câu 5: Quần thể dễ có khả năng suy vong khi kích thước của nó đạt

A. dưới mức tối thiểu.

B. mức tối đa.

C. mức tối thiểu.

D. mức cân bằng

Câu 6: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, cần tập trung vào các biện pháp nào sau đây?

(1) Xây dựng các nhà máy xử lý và tái chế rác thải.

(2) Quản lí chặt chẽ các chất gây ô nhiễm môi trường.

(3) Tăng cường khai thác rừng đầu nguồn và rừng nguyên sinh.

(4) Giáo dục để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người.

(5) Tăng cường khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản.

A. (1), (3), (5).

B. (2), (3), (5).

C. (3), (4), (5).

D. (1), (2), (4).

Câu 7: Lưới thức ăn của một quần xã sinh vật trên cạn được mô tả như sau: Các loài cây là thức ăn của sâu đục thân, sâu hại quả, chim ăn hạt, côn trùng cánh cứng ăn vỏ cây và một số loài động vật ăn rễ cây. Chim sâu ăn côn trùng cánh cứng, sâu đục thân và sâu hại quả. Chim sâu và chim ăn hạt đều là thức ăn của chim ăn thịt cỡ lớn. Động vật ăn rễ cây là thức ăn của rắn, thú ăn thịt và chim ăn thịt cỡ lớn. Phân tích lưới thức ăn trên cho thấy:

A. Chim ăn thịt cỡ lớn có thể là bậc dinh dưỡng cấp 2, cũng có thể là bậc dinh dưỡng cấp 3.

B. Chuỗi thức ăn dài nhất trong lưới thức ăn này có tối đa 4 mắt xích.

C. Nếu số lượng động vật ăn rễ cây bị giảm mạnh thì sự cạnh tranh giữa chim ăn thịt cỡ lớn và rắn gay gắt hơn so với sự cạnh tranh giữa rắn và thú ăn thịt.

D. Các loài sâu đục thân, sâu hại quả, động vật ăn rễ cây và côn trùng cánh cứng có ổ sinh thái trùng nhau hoàn toàn.

Câu 8: Một quần xã có các sinh vật sau:

(1) Tảo lục đơn bào.

(2) Cá rô.

(3) Bèo hoa dâu.

(4) Tôm.

(5) Bèo Nhật Bản.

(6) Cá mè trắng.

(7) Rau muống.

(8) Cá trắm cỏ.

Trong các sinh vật trên, những sinh vật thuộc bậc dinh dưỡng cấp 1 là:

A. (3), (4), (7), (8).

B. (1), (2), (6), (8).

C. (2), (4), (5), (6).

D. (1), (3), (5), (7).

B. Phần tự luận (6 điểm)

Câu 1: (4 điểm): Trình bày đặc điểm và vai trò của các mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể.

Câu 2: (2 điểm): Nhân tố sinh thái là gì? Phân loại các nhân tố sinh thái.

Đáp án và thang điểm

A. Phần trắc nghiệm (4 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng 0.5 điểm

1 2 3 4 5 6 7 8
B A A A A D B D

B. Phần tự luận (6 điểm)

Câu 1

* Mối quan hệ hỗ trợ: (2 điểm)

- Là mối quan hệ giữa các cá thể cùng loài hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động sống như lấy thức ăn, chống lại kẻ thù, sinh sản, …

- Vai trò:

   + Đảm bảo cho quần thể tồn tại một cách ổn định và khai thác tối ưu nguồn sống của môi trường.

   + Làm tăng khả năng sống sót và sinh sản của các cá thể trong quần thể.

* Mối quan hệ cạnh tranh: (2 điểm)

- Cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể xuất hiện khi mật độ cá thể của quần thể tăng lên quá cao, nguồn sống của môi trường không đủ cung cấp cho mọi cá thể trong quần thể.

- Các cá thể cạnh tranh về nơi ở, thức ăn, ánh sáng; các con đực tranh giành con cái.

- Cạnh tranh là đặc điểm thích nghi của quần thể. Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố của các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của quần thể.

Câu 2

- Khái niệm: Nhân tố sinh thái là tất cả những nhân tố môi trường có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống của sinh vật. Tất cả các nhân tố sinh thái gắn bó chặt chẽ với nhau thành tổ hợp sinh thái tác động lên sinh vật.

- Các nhóm nhân tố sinh thái:

   + Nhóm nhân tố vô sinh: là các nhân tố vật lí và hóa học của môi trường xung quanh sinh vật

   + Nhóm nhân tố hữu sinh: là thế giới hữu cơ của môi trường, là những mối quan hệ giữa sinh vật này và sinh vật khác sống xung quanh.

Tham khảo các Đề kiểm tra Sinh học lớp 12 có đáp án và thang điểm

0