24/06/2018, 16:56

Câu hỏi ôn tập bài 28: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam ( 1954-1965) (Phần 3) – Lịch sử 9

CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 3 Câu hỏi 17: Mục tiêu của kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961-1965) là gì? Trả lời câu hỏi: Mục tiêu của của kế hoạch 5 năm: – Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp. – Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và tăng cường thành phần kinh tế quốc doanh. – Cải ...

CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 3

Câu hỏi 17: Mục tiêu của kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961-1965) là gì?

Trả lời câu hỏi:

Mục tiêu của của kế hoạch 5 năm:

– Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp.

– Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và tăng cường thành phần kinh tế quốc doanh.

– Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động.

– Củng cố quốc phòng, tăng cường trật tự và an ninh xã hội.

– Tiếp tục đưa miền Bắc tiến nhanh, đẩy mạnh lên CNXH.

Câu hỏi 18: Hãy nêu những thành tựu của miền Bắc trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961- 1965) ?

Trả lời câu hỏi:

– Về công nghiệp, được nhà nước ưu tiên đầu tư vốn để phát triển. Trong công nghiệp nặng, có khu gang thép Thái Nguyên, các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, thủy điện Thác Bà, phân đạm Bắc Giang, supe Phốt phát Lâm Thao…. Trong công nghiệp nhẹ, có các khu công nghiệp Việt Trì, nhà máy đường Vạn Điểm, sứ Hải Dương, pin Văn Điển, dệt 8/3. Công nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Ở địa phương, có hàng trăm xí nghiệp công nghiệp được xây dựng.

– Về nông nghiệp, các nông trường, lâm trường quốc doanh, trại thí nghiệm cây trồng và vật nuôi được xây dựng và phát triển. Tỉ lệ sử dụng cơ khí trong nông nghiệp tăng lên. Nhiều hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn thóc trên 1 héc ta. Trên 90% hộ nông dân vào hợp tác xã, trong đó 50% hộ vào hợp tác xã bậc cao.

– Thương nghiệp quốc doanh đã chiếm lĩnh được thị trường, góp phần vào phát triển kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất, ổn định đời hóa nhân dân.

– Trong giao thông vận tải, các mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển được xây dựng, củng cố, hoàn thiện đã phục vụ đắc lực cho yêu cầu giao lưu kinh tế và củng cố quốc phòng.

– Các ngành văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển và tiến bộ đáng kể. Vấn đề văn hóa – tư tưởng, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa được đặc biệt coi trọng. Số học sinh phổ thông, sinh viên đại học tăng. Ngành y tế mở rộng mạng lưới đến tận huyện, xã.

Câu hỏi 19: Việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961-1965) có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời câu hỏi:

Những thành tựu đạt được trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm đã làm thay đổi bộ mặt xã hội miền Bắc. Miền Bắc được củng cố và lớn mạnh, có khả năng tự bảo vệ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hậu phương vững chắc đối với miền Nam.

Câu hỏi 20: Mĩ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam trong hoàn cảnh nào?

Trả lời câu hỏi:

– Sau thắng lợi của phong trào “Đồng khởi”, nhân dân miền Nam tiếp tục nổi dậy, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn.

– Phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới dâng lên mạnh mẽ, trực tiếp đe dọa hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Để đối phó lại, Tổng thông Ken-nơ-đi đã đề ra chiến lược toàn cầu “Phản ứng linh hoạt”. Chiến lược này được Mĩ thực hiện thí điểm ở miền Nam, dưới hình thức chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”

Câu hỏi 21: “Chiến tranh đặc biệt” là loại hình chiến tranh như thế nào?

Trả lời câu hỏi:

Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là một loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mĩ được tiến hành bằng quân đội tay sai, do “cố vấn” Mĩ chỉ huy dựa vào vũ khí, trang bị kĩ thuật, phương tiện chiến tranh của Mĩ.

Câu hỏi 22: Âm mưu thâm độc của Mĩ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt là gì?

Trả lời câu hỏi:

Âm mưu cơ bản của Mĩ trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là “dùng người Việt đánh người Việt”.

Câu hỏi 23: Trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (1961-1965,) Mĩ đã thực hiện những thủ đoạn gì?

Trả lời câu hỏi:

– Tăng nhanh lực lượng quân đội Sài Gòn với trang bị hiện đại, sử dụng phổ biến chiến thuật mới như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”.

– Mở những cuộc hành quân càn quét, tiêu diệt lực lượng cách mạng.

– Tiến hành gom dân, lập “ấp chiến lược”, đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi các ấp, tách dân khỏi cách mạng, tiến tới nắm dân, “bình định” miền Nam.

– Tiến hành các hoạt động phá hoại miền Bắc, phong tỏa biên giới, vùng biển nhằm ngăn chặn sự thâm nhập từ ngoài vào miền Nam.

Câu hỏi 24: Nêu những thắng lợi của quân dân ta ở miền Nam trong chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ (1961 -1965)?

Trả lời câu hỏi:

– Quân và dân miền Nam đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn bằng kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nổi dậy với tiến công trên cả ba vùng chiến lược, bằng cả ba mũi chính trị, quân sự và binh vận.

– Năm 1962, quân giải phóng cùng với nhân dân đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của quân đội Sài Gòn đánh vào chiến khu D, căn cứ U Minh, Tây Ninh.

– Trên mặt trận chống phá “bình định”, ta và địch đấu tranh giằng co giữa lập và phá “ấp chiến lược”. Đến giữa năm 1963, địch chỉ lập được non nửa số ấp dự kiến (khoảng 7.500 ấp). Số ấp lập được đó bị ta phá đi, phá lại nhiều lần, hoặc bị ta biến thành làng chiến đấu; đến cuối năm
1964 – đầu năm 1965, chỉ còn lại 1/3.

– Trên mặt trận quân sự, quân dân ta ở miền Nam giành thắng lợi vang dội trong trận Ấp Bắc (Mĩ Tho) ngày 2/1/1963. Sau trận Ấp Bắc, trên khắp miền Nam dấy lên phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”.

– Phong trào đấu tranh chính trị nổ ra mạnh mẽ ở các đô thị.

Ngày 8/5/1963, hai vạn tăng ni, phật tử Huế biểu tình phản đối việc chính quyền Sài Gòn cấm treo cờ Phật. Ngô Đình Diệm ra lệnh đàn áp. Một làn sóng ủng hộ phong trào phật tử Huế lan nhanh ra cả nước, mạnh nhất ở Sài Gòn. Ngày 11/6/1963, ngay trên đường phố Sài Gòn, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Diệm.

– Phối hợp với đấu tranh chính trị của quần chúng, lực lượng quân giải phóng liên tiếp mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn, tiêu biểu là chiến dịch Đông – Xuân 1964 – 1965 trên các chiến trường miền Nam và miền Trung.

Với những chiến thắng dồn dập, quân dân ta ở miền Nam đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ.

Câu hỏi 25: Sau khi thực hiện các kế hoạch 1954 – 1957 và 1958 – 1960, miền Bắc đã có những thay đổi gì?

Trả lời câu hỏi:

– Sau cải cách ruộng đất, bộ mặt nông thôn miền Bắc thay đổi hẳn, giai cấp địa.chủ phong kiến không còn, giai cấp nông dân được giải phóng, trở thành người chủ về kinh tế, chính trị ở nông thôn, khối công nông liên minh được củng cố,

– Nền kinh tế miền Bắc bị chiến tranh tàn phá nặng nề được phục hồi, đã khắc phục được những vấn đề xã hội như giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống của nhân dân.

– Sau cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế văn hóa, giai cấp công nhân được giải phóng, trở thành người chủ về kinh tế, chính trị ở nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, tư sản trở thành người lao động, giai cấp bóc lột không còn, sản xuất phát triển đời sống nhân dân được nâng lên.

Câu hỏi 26: Hậu phương miền Bắc đã chi viện như thế nào cho tiền tuyến miền Nam từ năm 1961 đến năm 1965?

Trả lời câu hỏi:

Từ năm 1961 đến năm 1965, hậu phương miền Bắc đã chi viện cho tiền tuyến miền Nam với khối lượng vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men, quân trang, quân dụng. Ngày càng có nhiều đơn vị vũ trang, nhiều cán bộ quân sự, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế được huấn luyện đưa vào chiến trường tham gia chiến đấu, phục Vụ chiến đấu xây dựng vùng giải phóng.

Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Xem thêm : Câu hỏi ôn tập bài 28: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam ( 1954-1965) (Phần 2) – Lịch sử 9

0