24/02/2018, 19:51

Cảm nhận về bài thơ Thương vợ

Đề bài: Bài làm – Trần Tế Xương là một trong những nhà thơ trào phúng nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam. Thơ ông có sự hòa quyện độc đáo giữa bút pháp trào phúng với trữ tình. Và Thương vợ là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện rõ nét ...

Đề bài:

Bài làm

– Trần Tế Xương là một trong những nhà thơ trào phúng nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam. Thơ ông có sự hòa quyện độc đáo giữa bút pháp trào phúng với trữ tình. Và Thương vợ là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện rõ nét tinh thần ấy

Thương vợ viết về bà Tú với hình tượng bà Tú được thể hiện một cách nổi bật trực tiếp và hình tượng ông Tú được khắc hoạ một cách gián tiếp nấp sau người vợ nhưng vẫn khá rõ nét. Cách Tú Xương viết về vợ mình rất gần gũi, hóm hỉnh nhưng ẩn chứa trong đó bao tình cảm và nỗi niềm dằn vặt, xót xa:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông”

Câu thơ ngắn gọn đã phản ánh một cách cụ thể, chi tiết không gian, địa điểm và công việc làm ăn của bà Tú. Hai từ “quanh năm” nói lên được nỗi vất vả, tần tảo của bà Tú triền miên hết ngày này đến ngày khác, tháng này đến tháng khác, năm này đến năm khác… Mom sông là một nơi chênh vênh, ba bề là nước, nó gợi lên sự nguy hiểm, bất trắc, vốn không phải là nơi dành để buôn bán bình thường. Bởi vậy hơn ai hết, Tú Xương hiểu rõ mục đích của nỗi vất vả đó nơi người vợ:

"Nuôi đủ năm con với một chồng"

Một mình bà Tú phải nuôi đến sáu miệng ăn, đó là chưa kể đến chính bản thân mình. Đây là cách tính công, đề cao công lao của vợ một cách chi li, rất mực ân tình của Tú Xương. Mẹ làm lụng vất vả để nuôi con cái thì không nói làm gì. Điều lạ là cả đến ông Tú bà cũng phải nuôi. Quả thực đây là một sự vô lý, bất công khi gánh nặng gia đình dồn hết lên vai người vợ. Tú Xương đã tách ra làm hai cái gánh nặng ấy: năm con với một chồng, để thấy rõ cái công ơn của bà với gia đình và với riêng ông.

Vẻ đẹp của người vợ càng được biểu hiện một cách cụ thể qua những chật vật, bon chen trong cảnh làm ăn vất vả, tội nghiệp hàng ngày:

"Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông".

Tú Xương đã mượn hình ảnh con cò trong ca dao xưa để nói về nỗi vất vả đơn chiếc và sự chịu thương, chịu khó, hi sinh thầm lặng của bà Tú. Ta như thấy đằng sau mỗi câu chữ là ánh mắt lo âu đầy ăn năn tự vấn của người chồng đang dõi theo bóng dáng lẻ loi, lam lũ của người vợ trên con đường gập gềnh sương gió, giữa thời buổi của sự bon chen và tình đời bạc bẽo:

"Eo sèo mặt nước buổi đò đông"

Hai câu thơ cũng dựng lại không khí và khung cảnh buôn bán của thành Nam một thời. Thơ thất ngôn bát cú có kết cấu chặt chẽ nhưng nghệ thuật bình đối và việc chọn lọc từ ngữ tinh giản đã giúp cho những hình ảnh được xây dựng từ đây có sức gợi tả nổi bật. Tài năng của Tú Xương là ở chỗ đã đưa được vào trong thể thơ gò bó này rất nhiều chi tiết chân thực và sinh động từ cuộc sống một cách rất tự nhiên. Nếu ở hai câu đề và hai câu thực, nhà thơ còn đứng ngoài để miêu tả, thì đến hai câu luận Tú Xương đã nhập thân vào nhân vật để diễn tả một cách chân tình nỗi niềm sâu kín của bà Tú. Người chồng đầy tình nghĩa này đã phân thân ở nhiều điểm nhìn khác nhau để nhìn cho thấu, cho hết công lao thầm lặng của người vợ:

"Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công"

Ông bà lấy nhau đã có tới năm mặt con kể ra cũng là một mối lương duyên “trời” ban. Niềm cay cú của ông đối với việc thi cử và kéo theo đó là cái nghèo đeo đuổi đã khiến bà phải lăn lộn kiếm sống. Ông Tú tự nhận mình là cái “nợ” của đời bà Tú, ông thương cảm cho bà và tự dằn vặt mình. “Âu” là cam, “đành” cũng là cam, hai lần cam chịu. “Âu đành phận” giống như một cái gật đầu nhẫn nhục chịu đựng, cái nợ đời như một sự tất yếu không thể không chấp nhận. Điều kỳ diệu là người mẹ, người vợ đó không hề ý thức rằng đó là sự hy sinh. Như bao người phụ nữ Việt Nam khác, bà làm mọi việc một cách tự nhiên, nhi nhiên, âm thầm, không hề đòi hỏi, oán trách. Dám quản công vừa là thái độ không hề ngần ngại, lại vừa chứa đựng cả cái ý khiêm nhường, không muốn nhắc đến sự khó nhọc của mình. Cách nói cam chịu số phận là cách ông Tú cảm thương thay cho vợ chứ bà đâu có tính đếm công lao của mình. Hình tượng bà Tú như càng trở nên vị tha, nhân hậu hơn qua mỗi dòng thơ. Tú Xương cũng rất có tài dùng số từ để làm tăng giá trị của hình ảnh, câu chữ. Ngôn ngữ lời nói, thành ngữ dân gian được vận dụng linh hoạt, tự nhiên khiến cho những tính toán đó không hề gây ấn tượng là những con số thuần túy.

Ở sáu câu thơ đầu, Tú Xương đã khắc họa hình ảnh người vợ trong vất vả gian lao vẫn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp và đức hy sinh, nhẫn nại thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam. Và thấp thoáng đằng sau đó là hình ảnh của người chồng với sự cảm thông và trân trọng ân tình của vợ. Nhưng phải đến hai câu thơ cuối, hình ảnh người chồng mới thực sự hiện ra và vẫn là để nói hộ vợ mình. Nhà thơ đã tự trách mình, tự dằn vặt mình đến nghiệt ngã:

"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không"

Câu thơ buột ra tự nhiên như một tiếng chửi nhưng lại ngậm ngùi như một lời than, vẫn có sắc thái vui đùa chứa đựng ý tình sâu sắc, cảm động. Tú Xương mượn lời vợ tự trách mình và qua đó một lần nữa bộc lộ sự cảm thông với hoàn cảnh của bà. Đằng sau tiếng chửi ấy là bi kịch của một con người chất chứa bao phẫn uất, đau xót và tê tái, là nỗi hổ thẹn và tình thương yêu vô bờ… Ông tự chửi thói sĩ diện kiểu thầy đồ nghèo ăn bám vợ của mình, thói gia trưởng chỉ biết ngồi than vãn sự đời, phó mặc tất cả cho người phụ nữ, thực chất trở thành gánh nặng cho vợ cho con. Rõ ràng ở đây đã thể hiện sự thức nhận của một con người biết vượt lên khỏi cái hạn chế của tầng lớp và thời đại mình để cảm thông với những kiếp người quanh mình. Người chồng ấy tuy ăn bám vợ con nhưng thực chất không hề “ăn ở bạc”, không hề “hờ hững”, mà ngược lại dù bất lực trước hoàn cảnh nhưng vẫn luôn dõi theo, cảm thông, sẻ chia, biết ơn. Thương vợ mà cũng chính là thương hại cho chính bản thân mình.

Không nhà văn nhà thơ nào lại có nhiều bài thơ về vợ, người đàn bà của đời mình như Tú Xương. Tú Xương nhắc đến vợ, viết về vợ bằng những tình cảm chân thành, cảm động lòng người nhất. Ông thương cho thân phận của vợ mình khi lấy phải người chồng vô dụng ăn bám, nhưng thực chất có mấy ai hiểu và thông cảm, yêu thương vợ được như ông Tú.

Nỗi lòng thương vợ của Tú Xương được thể hiện thành công qua bài thơ. Tựa đề Thương vợ chưa thể hiện được đầy đủ tình thương của nhà thơ đối với vợ cũng như chưa toát lên được nhân cách của nhà thơ. Tú Xương không chỉ thương vợ mà còn biết ơn vợ, không chỉ lên án thói đời mà còn tự trách mình. Điều đó chứng tỏ tấm lòng của nhà thơ đối với bà Tú.

Minh

0