02/06/2018, 07:03

Các chiến lược nâng cao kỹ năng viết tiếng Anh cho sinh viên không chuyên

(ĐHVH HN) - Trong dạy và học ngoại ngữ, viết là một trong bốn kỹ năng quan trọng mà người học cần phải nắm vững. Kỹ năng viết là một phần quan trọng trong giao tiếp và là phương tiện để thể hiện bản thân. Kỹ năng viết tốt giúp con người có thể truyền đạt thông điệp của mình một cách rõ ràng ...



(ĐHVH HN) - Trong dạy và học ngoại ngữ, viết là một trong bốn kỹ năng quan trọng mà người học cần phải nắm vững. Kỹ năng viết là một phần quan trọng trong giao tiếp và là phương tiện để thể hiện bản thân. Kỹ năng viết tốt giúp con người có thể truyền đạt thông điệp của mình một cách rõ ràng và dễ dàng hơn đến nhiều người cùng một lúc so với các cuộc trò chuyện trực tiếp hoặc qua điện thoại. Tuy nhiên, đây cũng là kỹ năng khó đối với sinh viên. Vì thế, giáo viên luôn chú trọng đến phát triển kỹ năng viết cho sinh viên để nâng cao trình độ cho họ. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu các chiến lược giúp nâng cao khả năng viết cho sinh viên.
  1. Định nghĩa về kỹ năng viết
Theo Hamp và Heasly (2006), trong bốn kỹ năng quan trọng của quá trình học ngôn ngữ, khả năng viết thành thạo là kỹ năng cuối cùng cả người bản ngữ và người học ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ cần phải đạt được.
Viết là hành động viết các chữ cái và các ký tự trên các chất liệu khác nhau như giấy, gỗ với mục đích để lưu lại những suy nghĩ và ý tưởng của con người (William, 1989).
Byrne (1988) cho rằng viết là sự mã hóa thông tin mà con người có thể diễn tả  những suy nghĩ của họ dưới dạng ngôn ngữ viết.
Kỹ năng viết được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông và đại học công lập nhằm phát triển cá nhân người học giúp họ có vị trí trong xã hội và để nâng cao các kỹ năng phục vụ cho công việc sau này của họ. Ngoài ra, viết là kỹ năng tri nhận được sử dụng làm công cụ để đánh giá trí nhớ, ngôn ngữ và khả năng tư duy của con người.
  1. Các phương pháp giảng dạy kỹ năng viết
Việc phát triển nhiều phương pháp giảng dạy kỹ năng viết là một khía cạnh quan trọng của lý thuyết học ngôn ngữ. Phương pháp trực tiếp và phương pháp nghe-nói là hai phương pháp coi viết là phương tiện để củng cố những gì đã học ở giai đoạn học nói. Ngoài ra, các hoạt động nghe-nói chú trọng đến tính chính xác tuyệt đối của ngôn ngữ hơn là khả năng giao tiếp. Brookes và Grundy (1998) gọi loại  hoạt động này là hoạt động ghi chép được sử dụng để hỗ trợ cho việc học ngôn ngữ và nó khác với hoạt động sáng tác.
Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng rộng rãi phương pháp giảng dạy ngôn ngữ theo đường hướng giao tiếp thì viết trở thành kỹ năng quan trọng được chú trọng trong giảng dạy. Theo Mauk và Metz phương pháp này chủ yếu áp dụng các chiến lược sau đây trong giảng dạy kỹ năng viết:
  1. Lập dàn ý
Trước khi bắt đầu viết, sinh viên nên lập mục đích của bài viết  và bài viết này là viết cho ai vì khi lập dàn ý trước khiến cho sinh viên viết dễ dàng hơn. Giáo viên nên hướng dẫn sinh viên cách lập dàn ý như thế nào và viết những gì trong dàn ý.
Brainstorming là một trong nhiều cách giúp người học có thể lập dàn ý hiệu quả cho một bài viết hoàn chỉnh. Người học có thể làm việc theo cặp hoặc theo nhóm bởi vì phương pháp này giúp họ có thể thu thập được nhiều ý tưởng khác nhau thông qua việc thảo luận. 
  1. Viết nháp và chỉnh sửa
Ở bước này, viết thân bài trước sẽ tốt hơn đối với người học. Người học nên phát triển các ý chính mà họ thu thập được bằng cách từ mỗi ý chính sẽ viết  thành một đoạn văn. Mỗi đoạn văn sẽ bắt đầu bằng một câu chủ đề. Cách này giúp người đọc có thể hiểu được nội dung chính của đoạn văn.
Giáo viên nên giải thích cho sinh viên khi viết nháp thì đừng bận tâm đến cách hành văn hay các lỗi chính tả mà chỉ quan tâm đến việc viết ra các ý tưởng của mình.
Sinh viên cũng cần phải viết cả phần kết luận. Ở phần này người học sẽ tóm tắt lại nội dung của thân bài. Cuối cùng là viết phần mở bài giới thiệu chung về chủ đề của bài viết.
Khi người học hoàn thành bản viết nháp, giáo viên nên giải thích cho họ bước tiếp theo họ cần phải làm đó là xem lại bản nháp, trau chuốt lại các câu văn cho dễ hiểu và có thể cân nhắc một số  thay đổi trong bài để bài viết tốt hơn.
  1. Phản hồi bài viết của sinh viên
Người dạy có thể hỗ trợ học sinh của mình bằng cách đọc bản viết nháp của học sinh và viết vào bản nháp những góp ý về cách thức bố trí lại các ý tưởng trong bài sao cho hợp lý hơn. Giáo viên cũng có thể giúp sinh viên viết lại một đoạn trong bài theo cách tốt hơn. Tuy nhiên, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên đọc bài của bạn trong lớp và viết nhận xét về bài của bạn theo quan điểm của họ.
 
         3. Các dạng văn viết và mục đích viết
 
Việc trao đổi thông tin với người khác hướng đến  nhiều mục đích khác nhau. Con người trao đổi vì  muốn thể hiện tình cảm và cảm xúc của mình hoặc đơn giản muốn tìm hiểu suy nghĩ của người khác. Những người khác trao đổi vì  muốn thông báo hay giải thích điều gì đó. Đó là lý do tại sao hình thành nhiều mục đích viết khác nhau với nhiều thể thức viết khác nhau. Việc hiểu rõ đặc điểm mỗi loại văn bản giúp người học lựa chọn cách viết phù hợp ở từng tình huống cụ thể.
  1. 1. Văn tường thuật
Thông thường để kể về diễn biến của một câu chuyện, cách viết tường thuật được xem là dễ nhất vì tường thuật có thể truyền đạt một cách chính xác những việc xảy ra trong truyện. Cách viết này kể về tình huống có thật trong cuộc sống và nó phải có bố cục, nhân vật, cốt truyện và quan điểm rõ ràng, cụ thể. Bài viết tường thuật gồm có phần mở đầu, phần cao trào và kết luận. Mục đích của loại văn bản này là để truyền thông điệp đến cho người đọc hoặc bài học quan trọng mà người viết muốn người đọc đúc kết ra từ văn bản.
  1. 2. Văn miêu tả
Viết miêu tả được sử dụng để miêu tả hay tạo ra một hình ảnh sinh động về một người, về một địa điểm hay một sự vật nào đó trong tâm trí của người đọc để khiến họ phải vận dụng các giác quan như xúc giác, thị giác, thính giác, khứu giác hay vị giác để cảm nhận được những gì tác giả đã trải nghiệm. 
Có một vài biện pháp được áp dụng để viết văn miêu tả như sau:
  1. Chọn chủ đề
Khi sinh viên bắt đầu viết, việc họ quyết định sẽ miêu tả cái gì và miêu tả ra sao là rất quan trọng. Và mấu chốt cho vấn đề này đó là người học phải quan sát. Chẳng hạn, người học muốn mô tả về một địa điểm mà mình quen thuộc, thì họ nên đến tận nơi và ghi chép sơ bộ lại để có cái nhìn cụ thể về nơi này.
  1. Sử dụng các từ miêu tả
Trong khi viết, người học nên dùng nhiều tính từ miêu tả và tính từ chỉ cảm xúc thì sẽ khiến cho bài viết của mình hay hơn, sinh động hơn bài viết chỉ sử dụng một vài tính từ đơn giản hay không có tính từ.
Ví dụ: Cách miêu tả sử dụng các tính từ như : “The big brown dog sniffed around the red rose bushes in the front yard.” (Con chó to màu nâu ngửi xung quanh bụi cây hoa hồng đỏ ở sân đằng trước.) hay hơn và sinh động hơn cách viết đơn giản: “The dog sniffs around.” (Con chó ngửi xung quanh.)
  1. Sắp xếp các chi tiết một cách hợp lí
Các đoạn văn trong bài miêu tả có thể được sắp xếp về mặt không gian( từ trên xuống dưới hay từ gần tới xa),  theo trật tự về thời gian hay từ tổng quát đến cụ thể. Ngoài ra, bài viết miêu tả có thể sử dụng các cách trình bày khác như tường thuật hoặc minh họa.
  1. Đúc rút kết luận mang tính lô-gic
Khi viết kết luận, người học cũng có thể sử dụng các từ miêu tả. Tuy nhiên, người học phải đảm bảo kết luận mang tính lô gic và có liên quan đến phần ở trên.
  1. 3. Văn bình luận
Văn bình luận thường sử dụng để cung cấp thông tin, giải thích cũng như làm rõ ý tưởng và suy nghĩ của bản thân. Văn bình luận thường không chỉ dừng lại ở việc mô tả sự vật, hiện tượng hay con người mà đi sâu vào phân tích ý tưởng và suy nghĩ riêng của người viết để giúp người đọc có cái nhìn thấu đáo và sâu sắc hơn. Các bài viết thuộc loại này thường rất phổ biến trong các bài báo, bài viết trên tạp chí, các đoạn phân tích trong các cuốn sách.
  1. 4.Văn chứng minh
Văn chứng minh cố gắng thuyết phục người đọc bằng những lời lẽ quan điểm của người viết giống trong các văn bản văn học hay các quảng cáo. Cách viết này những chứng cứ mang tính thuyết phục cao về những điều mà người viết nghĩ và tin tưởng. Tác giả nên có kiến thức sâu rộng về chủ đề mà mình viết và sử dụng các phương pháp khác nhau mang tính thuyết phục như các quan điểm mạnh mẽ, thông tin chính xác và chuyên môn để giúp người đọc đưa ra quyết định và thu hút sự chú ý của họ.
  1. Các chiến lược nâng cao kỹ năng viết cho sinh viên
Theo Hedge (2005), viết thành công không chỉ đơn giản là viết ra những câu chính xác và dễ hiểu vì người học phải được hỗ trợ để viết và thể hiện các ý tưởng theo cách phù hợp và sáng tạo nhất. Sau đây là một số các chiến lược giúp phát triển kỹ năng viết cho sinh viên:
  1. Lựa chọn hình thức viết và chủ đề phù hợp
Giáo viên nên giúp sinh viên lựa chọn cách viết và chủ đề viết mà có thể gây hứng thú cho họ, giúp họ lựa chọn từ vựng và cụm từ sao cho phù hợp với bài viết. Giáo viên cung cấp một danh sách ngắn các chủ đề để sinh viên lựa chọn hoặc cho phép họ tự nghĩ ra chủ đề để viết. Đây được xem là cách giảng dạy hiệu quả vì có thể khuyến khích sinh viên viết về bất cứ điều gì họ muốn và thoải mái đưa ra các ý tưởng và suy nghĩ của mình.
  1. Xây dựng ý tưởng
Khi sinh viên lựa chọn chủ đề và lập dàn ý thì giáo viên nên giải thích cho họ hiểu việc thu thập ý tưởng và ghi lại những gì họ biết về chủ đề mà không quan tâm đến sự lặp lại, lỗi chính tả hay ngữ pháp sẽ giúp ích nhiều cho họ ở giai đoạn bắt đầu viết, khiến họ viết được nhiều ý tưởng hơn. Ngoài ra, giáo viên cũng nên khích lệ cách điễn đạt ý sao cho trôi chảy và gợi ý cho sinh viên sử dụng sơ đồ tư duy như mindmap để xây dựng và phát triển ý tưởng. Đây là cách rất hiệu quả giúp họ tìm ra mối liên quan thú vị giữa các chủ đề mà trước đó họ chưa nghĩ tới.
  1. Viết từ hai bản nháp trở lên
Giáo viên nên giải thích rõ cho sinh viên rằng bản nháp là bản viết sơ bộ của bài viết hoàn chỉnh. Việc chỉnh sửa và viết bản nháp lần hai và ba sẽ giúp cho bài viết của sinh viên ngày càng hoàn chỉnh hơn. Sau mỗi lần chỉnh sửa và viết lại, sinh viên sẽ nảy thêm những ý tưởng mới mà họ chưa nghĩ ra ở  lần viết nháp đầu tiên. Và như vậy, mỗi lần viết lại, bản viết sau sẽ hoàn thiện hơn và hay hơn bản nháp trước. Điều này sẽ giúp người học có được một bài viết hoàn thiện nhất cả về nội dung lẫn ý tưởng.
  1. Ghi chép vắn tắt
Giáo viên nên thông báo cho sinh viên rằng bất cứ điều gì họ ghi chép được ở bài học hôm nay có thể sẽ xuất hiện trong bài thi vào ngày mai (Cohen et al, 2013) bởi vì những tài liệu trình bày trên lớp thường chứa đựng những khái niệm quan trọng chắc chắn sẽ được nhắc đến trong các bài thi. Vì vậy, trong lúc giảng bài, giáo viên nên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của note-taking, rồi sau đó đưa ra một số câu hỏi để đảm bảo tất cả các sinh viên đều tham gia bài học, chẳng hạn: “What did you already know about …? (Các em biết gì về...?); What did and did not you understand?” (Các em hiểu được những gì rồi và điều gì các em không hiểu?). Chiến lược này sẽ giúp ích nhiều cho người học trong việc rèn kỹ năng viết tốc ký.
  1. Khích lệ, động viên những sinh viên còn rụt rè
Những người nhút nhát, không tự tin là những người có nhận thức hay tư tưởng tiêu cực về bản thân (Zimbardo,1997). Vì thế, giáo viên nên là người đầu tiên giúp đỡ họ vượt qua được tâm lý lo sợ và trở nên tự tin bằng cách luôn động viên họ viết ra những điều họ nghĩ. Giáo viên cũng có thể yêu cầu họ tham gia vào hoạt động của các nhóm để được nghe những ý tưởng của nhiều bạn khác. Cách học hợp tác này sẽ dạy cho sinh viên cách suy nghĩ thật sâu sắc để đưa ra các ý tưởng vì giáo viên không cung cấp câu trả lời cho họ mà tự họ phải tìm ra câu trả lời.

Kết luận

Viết là một công cụ tốt để giao tiếp hiệu quả. Kỹ năng viết tốt khiến người học có cơ hội để thành công trong học tập. Hầu hết các bài thi ở trường căn cứ vào năng lực viết của sinh viên để đánh giá trình độ của họ. Thành thạo kỹ năng viết giúp cho sinh viên có thể viết dễ dàng các bài nghiên cứu khoa học hay bài báo cáo. Nếu khả năng viết kém sẽ dẫn đến việc người đọc hiểu lầm hoặc hiểu sai ý của người viết. Ngoài ra, kỹ năng viết tốt còn mở ra nhiều cơ hội cho người học trong công việc và thăng tiến sau này. Vì vậy, dạy kỹ năng viết và làm thế nào để nâng cao kỹ năng viết cho sinh viên luôn là nhiệm vụ quan trọng của giáo viên trong suốt quá trình giảng dạy. Tác giả hy vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với giáo viên trong việc nâng cao kỹ năng viết cho sinh viên.
--

Tác giả: Th.S Mai Lan Anh (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế)
--

0