31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích nhân vật Tnú trong truyện "Rừng xà nu" số 1 - 10 Bài văn phân tích nhân vật Tnú trong truyện "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành

Nhà văn Nguyễn Trung Thành như một người con của mảnh đất Tây Nguyên với những cánh rừng đại ngàn. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất phải kể đến là truyện ngắn “Rùng xà nu”, tác phẩm là câu chuyện về dân làng Xô Man trong kháng chiến chống Mĩ. Nhân vật Tnú hiện lên, đại diện cho ...

Nhà văn Nguyễn Trung Thành như một người con của mảnh đất Tây Nguyên với những cánh rừng đại ngàn. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất phải kể đến là truyện ngắn “Rùng xà nu”, tác phẩm là câu chuyện về dân làng Xô Man trong kháng chiến chống Mĩ. Nhân vật Tnú hiện lên, đại diện cho lớp người Xô Man kiên cường, bất khuất trước chiến tranh xâm lược.


Tnú từ nhỏ đã mồ côi, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Nhưng bù lại, Tnú được dân làng bao bọc, chăm sóc. Bởi vậy mà Tnú sớm có lòng yêu thương nhân dân, làng xóm: “có cái bụng thương núi, thương nước”. Từ khi còn là một cậu bé, Tnú được cụ Mết truyền dạy: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn nước non này còn”. Bởi thế, cậu bé con ngày nào luôn ý thức được lí tưởng sống của buôn làng, luôn tin tưởng đi theo con đường Cách mạng.


Vì vậy dù còn nhỏ, Tnú đã sớm tỏ ra là một người chiến sĩ nhí gan góc táo bạo, đầy quả cảm. Bất chấp sự vây lùng khủng bố dã man của kẻ thù,, Tnú đã cùng với Mai xung phong vào rừng bảo vệ anh Quyết – một cán bộ trung kiên của Đảng. Tnú có cái đầu sáng lạ lùng trong việc tìm đường rừng để đưa thư cho anh Quyết. Có lần vượt qua thác, chuẩn bị lên bờ thì họng súng đen ngòm đã chĩa vào gáy lạnh ngắt.


Tnú kịp nuốt lá thư của anh Quyết vào bụng bảo đảm bí mật. Tnú bị giặc giam cầm ở ngục tù với biết bao đòn roi, thương tích. Địch tra tấn hỏi “Cộng sản ở đâu?” Tnú đã không ngần ngại đặt tay lên bụng và nói: “Cộng Sản ở đây này!”. Và lưng Tnú lại hằn lên những vết dao chém ngang dọc của kẻ thù. Công việc khó khăn và đầy nguy hiểm là vậy nhưng Tnú đã làm rất tốt để dân làng Xô man mãi tự hào ”Năm năm chưa hề có cán bộ bị giặc bắt hoặc bị giết ở trong rừng”.


Trong việc học, Tnú còn là một người nghiêm khắc với bản thân, có ý chí, nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ. Khi học chữ thua Mai, Tnú đã tự trừng phạt cái tội hay quên của mình: “cầm hòn đá tự đập vào đầu mình máu chảy ròng ròng”. Tnú thực sự đã mang trong mình những tố chất cần có để mai này trở thành một người chiến sĩ Cộng Sản trung kiên, anh dũng.

Ba năm sau, Tnú vượt ngục trở về trực tiếp lãnh đạo dân làng Xô man đánh giặc. Mai – người bạn từ thuở thiếu thời – nay đã là vợ của Tnú và đứa con là kết quả của mối tình đẹp ấy. Song kẻ thù tàn bạo đã dập tan mái ấm bé nhỏ của Tnú.


Chúng đã giết vợ con Tnú. Tnú trước cái chết của vợ con hoàn toàn trở nên bất lực: “Anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy… bụng anh có lửa đốt. Chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Căm thù, Tnú nhảy vào giữa đám lính, hai cánh tay như cánh gỗ lim của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai.


Nhưng không còn kịp nữa! Tnú bị bắt. Trước cái chết cận kề, Tnú không hề run sợ mà anh cảm thấy mình thật bình thản vì giờ gia đình anh đã không còn. Duy còn một điều làm Tnú day dứt và băn khoăn nhất chính là làng Xô man của mình. Ai sẽ cùng dân làng đánh đuổi quân giặc? Ai sẽ cùng dân làng đi theo lí tưởng của cụ Hồ? Tnú hoàn toàn không nghĩ đến mình nữa. Giặc dùng giẻ tẩm nhựa xà nu để đốt mười đầu ngón tay của Tnú.


Đó là bàn tay của trung thực, tình nghĩa, từng cầm phấn viết chữ anh Quyết dạy cho; từng đặt lên bụng mình mà nói: Cộng sản ở đây này”. Bàn tay ấy cũng đã từng được Mai nắm chặt mà khóc bằng những giọt nước mắt nóng bỏng yêu thương đồng cảm, lúc Tnú vượt ngục trở về… Giặc đã đốt mười đầu ngón tay Tnú để thiêu rụi ý chí đấu tranh của dân làng Xô man. Nhưng ngọn lửa đấu tranh của dân làng Xô man lại bùng cháy.


Tnú không kêu van khi bị lửa thiêu ngón tay, mà Tnú đã thét lên một tiếng “Giết”. Người Xô Man nhất nhất đồng loạt vùng dậy giết giặc. Đó là sự nổi dậy đồng khởi làm rung chuyển núi rừng, bàn tay trở thành chứng tích của tội ác và lòng hận thù mà Tnú mang theo suốt cả cuộc đời. Lòng hận thù ấy đã biến bàn tay Tnú thành ngọn đuốc châm bùng lên ngọc lửa nổi dậy của dân làng Xôman.


Bàn tay chỉ còn hai đốt mỗi ngón vẫn cầm giáo, cầm súng để Tnú lên đường rửa hận. Và cuối cùng với chính bàn tay ấy, Tnú đã xiết vào cổ họng tất cả những thằng Dục tàn ác hơn cả dã thú. Từ đây, Tnú đã vượt qua mọi đau thương và bi kịch cá nhân, tham gia lực lượng giải phóng quân để quét sạch tất cả những thằng Dục, kẻ thù không đội trời chung với vợ con anh – còn tồn tại trên mảnh đất quê hương. Khi đã trở thành chiến sĩ giải phóng quân, Tnú là một cán bộ có tinh thần kỷ luật cao: tuy nhớ quê hương gia đình, nhưng phải cấp trên cho phép mới về đúng một đêm như quy định trong giấy phép.


Nhân vật Tnú tiêu biểu của người anh hùng đại diện cho số phận và con đường đi của các dân tộc Tây Nguyên trong thời đại đấu tranh giải phóng. Xây dựng nhân vật Tnú cho thấy được nét tài hoa của nhà văn Nguyễn Trung Thành khi viết về con người Tây Nguyên.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Cùng chủ đề
0