31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn" số 2 - 10 Bài văn phân tích đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn" của Nguyễn Đình Chiểu hay nhất

Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” là đoạn trích kể về cảnh ngộ éo le, đau khổ và khó khăn nhất của Lục Vân Tiên. Mẹ mất, thi cử dở dang, đôi mắt bị mù nhưng những đau khổ vẫn bủa vây khi bị chính những người bạn vì ghen ghét, đố kị hãm hại. Và nếu không nhờ đến sự giúp đỡ của Ngư ông ...

Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” là đoạn trích kể về cảnh ngộ éo le, đau khổ và khó khăn nhất của Lục Vân Tiên. Mẹ mất, thi cử dở dang, đôi mắt bị mù nhưng những đau khổ vẫn bủa vây khi bị chính những người bạn vì ghen ghét, đố kị hãm hại. Và nếu không nhờ đến sự giúp đỡ của Ngư ông thì có lẽ Lục Vân Tiên đã bỏ mạng nơi dòng sông rộng lớn, thăm thẳm ấy.


Đoạn trích này vừa thể hiện được những thủ đoạn ti tiện, tàn nhẫn của những kẻ tiểu nhân, vừa làm người đọc ấm lòng vì lòng tốt của những người ngư dân, họ tuy nghèo nhưng có tấm lòng yêu thương, sống tình nghĩa, hết lòng cưu mang, cứu giúp Lục Vân Tiên.


Trong đoạn trích này, nhà văn Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa rõ nét tính cách ti tiện, tiểu nhân khi hãm hại Lục Vân Tiên. Ngay từ đầu tác phẩm, nhà văn cũng đã từng miêu tả hai nhân vật Kiệm, Hâm bằng vài nét song độc giả cũng đã phần nào hình dung được tính cách của hai nhân vật này:


“Kiệm, Hâm là đứa so đo

Thấy Tiên dường ấy âu lo trong lòng

Khoa này Tiên ắt đầu công”


Chỉ bằng đôi ba câu thơ nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã hé lộ cho người đọc thấy bản chất ghen ghét, đố kị của Kiệm, Hâm đối với tài năng của Lục Vân Tiên. Chính vì sự nông cạn trong hiểu biết, bất tài lại vốn có bản chất đố kị nên dù Vân Tiên đã bị mù đôi mắt, cũng không thể tham gia thi cử song hai tên Kiệm, Hâm vẫn đành tâm hãm hại đến cùng:


“Đêm khuya lặng lẽ như tờ

Nghênh ngang sao mọc mịt mờ sương bay”


“Đêm khuya” là thời điểm thích hợp để cho Trịnh Hâm thực hiện kế hoạch hãm hại đê hèn của mình. Không gian vắng lặng “lặng lẽ như tờ”, lại “mịt mờ sương bay”. Có thể nói cả thời gian và không gian đều thích hợp để cho Trịnh Hâm ra tay, bởi thời điểm đêm khuya là thời gian mà mọi người đã chìm sâu trong giấc ngủ, không gian lại mịt mù nên dù có hãm hại người thì “thần không biết, quỷ chẳng hay”. Quả là một kế hoạch tuyệt vời:


“Trịnh Hâm khi ấy ra tay

Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời”


Quả như dự đoán, Trịnh Hâm đã lợi dụng thời gian đêm khuya, lại biết Vân Tiên đã không thể nhìn thấy nên đã ra tay rất nhanh gọn, dứt khoát “xô ngay xuống vời”. Sau khi lừa Vân Tiên là tiểu đồng bị bắt cóc ( thực chất là bị Trịnh Hâm lừa trói vào rừng), lợi dụng tình thế đơn độc, lại không thể nhìn rõ để ra tay, ta có thể thấy hắn là một kẻ vô cùng mưu mô, xảo quyệt. Nhưng không, hắn không dừng lại ở đó, sau khi rat ay hãm hại Vân Tiên, Trịnh Hâm còn dở trò “Mèo khóc chuột”, lớn tiếng la làng:


“Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời

Cho người thức dậy, lấy lời phôi pha”


“Giả tiếng kêu trời” bộc lộ sự giả tạo đến đáng khinh của Trịnh Hâm. Có lẽ, sự tình buổi đêm hôm nay là sự chuẩn bị rất chu toàn của hắn, bởi hắn không chỉ ra tay rất nhanh gọn mà còn chuẩn bị cả một bản kịch sau đó. Hắn tỏ ra mình là một kẻ vô tình phát hiện ra sự việc, và còn có lòng tốt kêu lên để mọi người biết “cho người thức dậy lấy lời phôi pha”.Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của hắn là đưa mình thoát ra khỏi danh sách bị tình nghi, tức là hắn đã tạo ra bằng chứng ngoại phạm cho mình. Nghe tiếng kêu của Trịnh Hâm, người trong thuyền xôn xao, hoảng hốt:


“Trong thuyền ai nấy kêu la

Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng”


Lục Vân Tiên vốn là một người hiền lành, tốt bụng, điều này cũng rất được lòng những người xung quanh nên khi biết Vân Tiên gặp nạn thì ai cũng “xót xa tấm lòng”, vô cùng thương tiếc cho chàng. Tuy nhiên,Trịnh Hâm được khắc họa với tính cách tiểu nhân, lươn lẹo, cả sự độc ác, vô lương tâm thì cũng ở trong đoạn trích này, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã xây dựng được những tấm lòng vị tha, nhân hậu của những con người rất đỗi bình thường song lại vô cùng trọng tình nghĩa. Mà cụ thể ở đây là gia đình của Ngư ông:


“Hối con vầy lửa một giờ

Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”


Nếu Trịnh Hâm lên cả một kế hoạch dài, diễn cả một vở kịch để hại người thì gia đình Ngư ông thấy người bị nạn, không hề suy tính, so đo mà dốc hết sức cứu người xa lạ. Các từ như “hối con”, “ông hơ bụng dạ”, “mụ hơ mặt mày” thể hiện được sự gấp gáp, khẩn trương của hành động cứu người. Dù không hề biết Vân Tiên là ai, nhưng gia đình ông lão vẫn tận lòng cứu giúp bằng cả tấm lòng. Nếu ở trên ta thấy ghê sợ với hành động nhẫn tâm của Hâm thì đến đoạn thơ này ta lại cảm động, thấy ấm lòng vì tấm lòng thương người của gia đình ông lão.


Khi được gia đình Ngư ông cứu giúp, Vân Tiên đã rất cảm động trước những tấm lòng đẹp đó và trăn trở không biết lấy gì ra mà báo đáp thì câu nói của ngư ông càng làm cho vẻ đẹp phẩm chất của ông đáng được trân trọng:


“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ

Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”


Đến đây, ta cũng có thể thấy được sự tương đồng trong quan điểm sống của Ngư ông và Lục Vân Tiên. Vân Tiên cũng quan niệm “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Có lẽ, vì tấm lòng nhân đức, giúp người một cách vô tư mà Vân Tiên cũng được báo đáp, đúng như câu nói “Ở hiền gặp lành”. Ở lại với gia đình Ngư ông, Lục Vân Tiên đã cảm nhận được cái bình yên, tìm kiếm được ý nghĩa của cuộc sống, cũng suy nghĩ thông suốt được nhiều việc:


“Nước trong rửa ruột sạch trơn

Một câu danh lợi cho sờn lòng đây

Rày doi mai vịnh vui vầy

Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng”


Đoạn thơ thể hiện được sự thanh thản, vô tư khi sống cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, những khúc mắc, những điều trăn trở, u uất trong lòng cũng được Vân Tiên gỡ bỏ “rửa ruột sạch trơn”. Và với Vân Tiên, danh lợi bây giờ cũng chỉ là thứ phù hoa, không thể “sờn lòng đây”. Cuộc sống ẩn dật, vui sống với cuộc sống lao động bình thường, nhịp sống của cuộc sống ẩn dật tự do tự tại mới thực sự là ý nghĩa.


Như vậy, đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” là một đoạn trích khá hay trong tác phẩm. Ở đây, nhà văn Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng được bức tranh đối lập về hai kiểu người, hai loại nhân cách. Một bên là Trịnh Hâm xấu xa, vô tình, sẵn sàng hãm hại người vì đố kị, ganh ghét. Một bên lại là những con người lao động vô cùng bình thường, không màng danh lợi, chức tước, sống giản dị nhưng lại vô cùng tình nghĩa, đạo đức.


Qua đoạn trích ta cũng thấy được sự tinh tế của nhà văn khi đi xây dựng nhân vật, tình huống, cốt truyện của Nguyễn Đình Chiểu.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0