31/03/2021, 15:34

Bài văn phân tích đoạn kịch "Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" số 6 - 10 Bài văn phân tích đoạn kịch "Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" của Mô-li-e hay nhất

Ở nước Pháp, ngày nay, người dân vẫn truyền nhau câu chuyện về một nhà văn vĩ đại : “Đức Chúa Trời muốn cho loài người được thưởng thức thú vui và khoái cảm của hài kịch, Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra Mô-li-e ; và từ trên cao vời vợi, Chúa thả ông xuống, để ông muốn rơi vào nước nào ...

Ở nước Pháp, ngày nay, người dân vẫn truyền nhau câu chuyện về một nhà văn vĩ đại : “Đức Chúa Trời muốn cho loài người được thưởng thức thú vui và khoái cảm của hài kịch, Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra Mô-li-e ; và từ trên cao vời vợi, Chúa thả ông xuống, để ông muốn rơi vào nước nào thì tuỳ, Mô-li-e đã rơi xuống nước Pháp, tạo ra tiếng cười đặc trưng kiểu Pháp”. Mô-li-e không chỉ là nhà hài kịch vĩ đại của riêng nước Pháp mà của cả thế giới.


Tiếng cười châm biếm đả kích, trong hài kịch của ông đã có sức chiến đấu mạnh mẽ. Cả cuộc đời vinh quang, tủi nhục nhưng bất tử, Mô-li-e đã để lại cho đời nhiều kiệt tác bất hủ : Lão hà tiện, Người bệnh tưởng,., trong đó không thể không nhắc đến vở hài kịch Trưởng giả học làm sang. Thông qua đoạn trích Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục người đọc phần nào thấy được tài năng của nhà hài kịch, thấy được sức mạnh của tiếng cười châm biếm, đả kích.Màn kịch gồm hai phần: Phần thứ nhất, ông Giuốc-đanh và bác phó may ; phần thứ hai, ông Giuốc-đanh và đám thợ phụ. Mô-li-e qua hình tượng Giuốc-đanh muốn đả kích, phê phán thói học đòi làm sang.


Tiếng cười chế giễu, hả hê liên tiếp được vang lên. Giuốc-đanh là một tư sản đang cố tìm cách để trở thành quý tộc. ở các màn kịch trước, Giuốc-đanh đã học múa, học nhảy, học hát, học kiếm. Giờ đây, để bổ sung vào “bộ sưu tập quý tộc”, lão học thêm cách ăn diện sao cho giống quý tộc. Mô-li-e đã khai thác triệt để sự tương phản đến lố bịch giữa một bên là ước muốn có những bộ đồ quý tộc kiêu hãnh và một bên là cái đầu rỗng tuếch, chỉ ưa nịnh nọt của lão tư sản Giuốc-đanh. Điểm thêm vào đó là sự “lõi gạo”, khôn ranh của tên phó may càng làm bộc lộ sự đua đòi đến lố bịch, kệch cỡm của tên trưởng giả học làm sang.Màn kịch mở đầu, Giuốc-đanh xuất hiện với nỗi bực tức “sắp phát khùng” vì đôi bít tất lụa phó may làm cho lão quá chật: “tôi khổ sở vô cùng mới xỏ chân vào được và đã đứt mất hai mắt rồi”.


Nhưng khi tên phó may lí luận : “Rồi nó dãn ra thì lại rộng quá ấy chứ” thì Giuốc-đanh hưởng ứng ngay: “Phải, nếu tôi cứ.làm đứt mãi các mắt thì sẽ rộng thật”. Người đọc mỉm cười bởi lẽ nếu các mắt cứ đứt ra thì đôi tất sẽ chẳng còn là đôi tất nữa. Gã Giuốc-đanh không chỉ kêu than về đôi tất chật mà còn vì “đôi giày bác bảo đóng cho tôi làm tôi đau chân ghê gớm”. Trước lời than thở, tên phó may đã rất thông minh chuyển ngay sang chuyện khác : “Thưa, đây là bộ lễ phục đẹp nhất triều đình và may vừa mắt nhất. Sáng chế ra được một bộ lễ phục trang nghiêm mà không phải màu đen thật là tuyệt tác. Tôi thách các thợ giỏi nhất mà làm nổi đấy”.


Với tên phó may thì đây là lời quảng cáo, lấy lòng tuyệt vời ; với Giuốc-đanh đây thực sự là những lời ca ngợi có cánh vì lão được sở hữu bộ lễ phục “đẹp nhất triều đình và may vừa mắt nhất”, nhưng với người đọc thì đây là lời nịnh hót đến nực cười. Những mâu thuẫn nối tiếp nhau : một bộ lễ phục trang nghiêm mà không phải màu đen, và lời thách đố của tên phó may cũng vậy : “Tôi thách các thợ giỏi nhất mà làm nổi đấy” điều này đồng nghĩa với việc trang phục không phải sản phẩm tuyệt tác của người thợ giỏi nhất mà có lẽ là của những kẻ tồi tệ nhất. Tiếng cười được vang lên khoái chí và mức độ của nó càng được nâng cấp khi Giuốc-đanh và tên phó may tranh luận với nhau về việc may hoa. Ông tư sản học đòi bất ngờ phát hiện ra chi tiết may hoa ngược “Thế này là thế nào? Bác may hoa ngược mất rồi!”. Tên phó may rất láu cá, trả lời “Nào ngài có bảo là ngài muốn may xuôi hoa đâu!” và vì nắm được ước muốn trở thành quý tộc của Giuốc-đanh, tên thợ may lí luận tiếp luôn : “Vì những người quý phái đều mặc như thế này cả”.


Lão trưởng giả bị “đánh trúng tim đen”, bộc lộ sự không hiểu biết của mình : “0 ! Thế thì bộ áo này may được đấy”. Từ chê chuyển sang khen ngợi nhanh chóng chỉ vì muốn bắt chước quý tộc. Màn kịch càng trở nên hấp dẫn, vui nhộn khi phó may “doạ” Giuốc-đanh : “Nếu ngài muốn thì tôi sẽ xin may hoa xuôi lại thôi mà”. Ngay lập tức trưởng giả giãy nảy “Không, không”. Người đọc cười ngả nghiêng khi hình dung ra dáng vẻ hoảng hốt của Giuốc-đanh, lão lo mình sẽ không có cơ hội trở thành quý tộc nếu không mặc áo hoa ngược. Hết lần này đến lần khác, Giuốc-đanh chẳng khác nào con rối bị tên phó may giật dây, cho , dù ngay khi biết rằng tên phó may đã ăn bớt vải của mình để may áo, lão cũng chỉ chẹp miệng mà rằng: “Đành là đẹp, nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi mới phải”, bởi lẽ tên phó may đã khoa trương ca ngợi lão lên tận mây xanh.Nhà hài kịch Mô-li-e đã xây dựng những đối thoại đầy hấp dẫn với một giọng điệu lạnh lùng mà chế giễu bỡn cợt. Nhà văn đã khai thác triệt để những tương phản đối lập trong những cái tưởng chừng bình thường nhất. Cái cười được bật ra rất tự nhiên.


Trong phần một, người đọc đã thấy được sự lố bịch, nực cười trong cách làm sang của Giuốc-đanh. Đến phần hai, sự lố bịch càng trở nên kệch cỡm hơn qua cách xưng tụng. Do nắm được ý muốn trở thành quý tộc của Giuốc-đanh, lão thợ phu láu cá đã thay đổi cách xưng hô để Giuốc-đanh thấy mình như đã trở thành quý tộc thực sự. Từ “ngài” tên thợ phụ chuyển sang cách gọi cung kính hơn “Bẩm ông lớn”, ngay lập tức tiếng gọi đó phát huy tác dụng. Lão trưởng giả bất ngờ, ngạc nhiên “Anh gọi ta là gì ?” và rồi sung sướng nhận ra rằng ““ăn mặc theo lối quý phái thì thế đấy! Còn cứ bo bo giữ kiểu áo quần trưởng giả thì đời nào được gọi là “ông lớn””. Tiếng cười cho sự rỗng tuếch, học đòi lại được vang lên sảng khoái.


Đối với Giuốc-đanh, bộ lễ phục lố lãng đó giờ đây trở thành “bảo bối” đưa lão lên địa vị cao sang. Không bỏ qua cơ hội kiếm tiền hiếm có, tên thợ phụ tiếp tục nâng cấp: “Bẩm cụ lớn” thế là lão trưởng giả đắc chí cười lớn “ồ ồ, cụ lớn !… cái tiếng cụ lớn đáng thưởng lắm. ““Cụ lớn” không phải là một tiếng tầm thường đâu nhé””. Tiền trong túi Giuốc-đanh lại được phân phát trong sự hả hê. Cấp độ xưng tụng cao nhất khiến Giuốc-đanh thấy mình trở thành “quý tộc thực sự” là khi thợ phụ gọi lão là “bẩm đức ông”, tiếng cười trở nên giòn giã, khoái chí hơn: “Hà hà ! Hà hà”. Dẫu biết bọn thợ phụ làm như thế là để kiếm tiền của mình nhưng lão vẫn sung sướng ““thưởng cho chú về tiếng “đức ông” đấy nhé Thói học đòi thô thiển đến kệch cỡm khiến người đọc không khỏi bật cười. Sự chế giễu mỉa mai càng thêm sâu sắc.


Chỉ với một màn kịch ngắn, bằng tài năng vĩ đại của mình, nhà hài kịch Mô-li-e đã đem lại những tiếng cười chế giễu, phê phán sâu sắc đầy giá trị nhân văn. Ông đã khắc hoạ rõ nét chân dung một loại người đáng lên án trong xã hội Pháp, thế kỉ XVII : Trưởng giả học đòi làm sang. Nhưng ý nghĩa phê phán đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị với những ai chỉ biết học đòi phù phiếm xa hoạ. Đó là những tiếng cười có sức sống trường tồn vượt lên trên sự băng hoại của thời gian, sống mãi trong lòng các thế hệ bạn đọc.


Tôi hiểu rằng, vì sao nhà phê bình văn học Sainte-Beuve, thế kỉ XIX, khẳng định rằng: “Nếu tổ chức một đại hội các nhà văn lớn từ cổ, chí kim trên toàn thế giới thì người đại diện duy nhất cho văn đàn Pháp phải là Mô-li-e chứ không phải một ai khác”, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho nghệ thuật, nhà hài kịch Mô-li-e xứng đáng có được vị trí cao quý đó.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0