31/03/2021, 15:32

Bài văn nghị luận về sự khen và chê số 6 - 8 Bài văn nghị luận về sự khen và chê (lớp 9) hay nhất

Tuân Tử xưa có dạy: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải thì là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta”. Bàn luận về lời dạy này thì xưa nay cũng nhiều người làm (lên Google tìm phát ra ngay) nhưng áp dụng ...

Tuân Tử xưa có dạy: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải thì là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta”. Bàn luận về lời dạy này thì xưa nay cũng nhiều người làm (lên Google tìm phát ra ngay) nhưng áp dụng nó trong thực tế cuộc sống mà cụ thể hơn là ứng xử trong cộng đồng mạng là cả một vấn đề mà không phải ai cũng để ý.


Đại đa số người tham gia trên các mạng cộng đồng ảo đều đang thuộc lứa tuổi trẻ – những người đang khao khát được thể hiện bản thân và trải nghiệm, học hỏi những điều hay trong cuộc sống, có lẽ chính những đặc tính đó xúc tác cho sự phát triển của những cộng đồng ảo, nhưng mặt trái của nó cũng gây nên những điều phiền phức.


“Khôn đâu đến trẻ”, chính vì chưa khôn nên chúng ta mới cần phải học hỏi nhiều, và cũng bởi vì chưa khôn, nên đôi khi chúng ta cũng chưa đủ bản lĩnh và bình tĩnh để xem xét thấu đáo vấn đề. Vì tự ái cá nhân, vì hiếu thắng mà trên các diễn đàn đôi lúc có những cuộc tranh luận dài vô thiên lủng, với đủ loại ngôn từ, lý luận. Cãi lý không được thì xoay sang cãi chầy cãi cối, rồi điên quá thì lăng mạ, xúc vào chỗ phạm của nhau. Biết làm sao được, ta đâu đã già đời và uyên thâm như Nguyễn Trãi để mà: “Lành dữ âu chi thế nghị khen” cho được. Máu nóng nổi lên là chiến thôi nhất là khi bao tâm huyết bỏ ra lại nhận được những câu chê bai vô trách nhiệm.


Khi nói về đặc điểm người Việt nhà mình, cụ Trần Trọng Kim viết: “…hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt và hay bài bác, chế nhạo…”. Mình là dân Việt xịn, nên ngẫm cũng đúng. Rồi theo dõi cách ứng xử của mọi người trong trang GS Xoay cũng dễ nhận ra những comment mang nội dung chế nhạo và bài bác người khác chiếm số lượng không nhỏ. Vậy tại sao chúng ta thích chê nhau vậy?


Quay lại lời dạy của Tuân Tử ở đầu bài đề cập, trong số các hành động như “chê”, “khen” và “vuốt ve, nịnh bợ” thì té ra có mỗi hành động “chê” là đem lại cho người ta “cơ hội” được làm thầy người khác. Càng chê những cái tưởng như hoàn hảo thì càng giỏi, càng chê những người giỏi thì càng siêu. (Chuyện, làm thầy thằng giỏi chả siêu hơn làm thầy thằng dại còn gì). Thế nên ở nước ta, hoạt động “phê bình” diễn ra khá sôi động. Có nhiều giáo sư, nhà văn, nhạc sỹ… cả đời chả có một công trình nào tự tay xây dựng, sáng tác… chỉ nhăm nhăm đợi các công trình và tác phẩm của các đồng nghiệp khác ra đời là nhảy vào bới lỗi ra mà chê để được làm thầy người ta, để đứng trên công lao của người khác mà làm công trình, làm tác phẩm cho mình.


Cái cảm giác làm thầy hấp dẫn đến mức số lượng các nhà phê bình không ngừng tăng lên, có khi còn đông hơn cả số công trình được làm ra, nên chuyện vài ba nhà phê bình cùng nhảy vào xâu xé một công trình mới cũng là chuyện thường, (giang hồ gọi là “chém tơi tả”). Thế nhưng nên nhớ, anh chỉ được làm THẦY người ta khi anh CHÊ ĐÚNG mà thôi. Vậy thế nào là CHÊ ĐÚNG???


Hồi bé, mình có thói quen hay quan sát xung quanh, thấy cái gì chưa đúng “chuẩn” của mình là mình buông lời chê ngay. Chẳng biết đúng sai, nhưng mẹ chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Trước khi con chê ai, hãy đưa tay sờ lên gáy của mình trước”. Mình chẳng hiểu lắm ý mẹ nhắc nhở gì nhưng vẫn nghe lời. Vẫn chê đều, còn giải thích với mẹ là con sờ tay lên gáy mình rồi mới chê. Rất đúng quy trình. Thế rồi được mẹ giải thích cho mới hiểu, đại khái là nên xem lại mình trước khi buông lời chê bai ai đó. Lần sau, mình cũng xem lại mình ghê lắm, nhưng vẫn thấy mình ngon, nên vẫn chê người khác đều. Mình nghĩ chê ai đó thật là dễ, thật là sướng và thật là oai nữa.


Càng lớn khôn, càng đi nhiều, gặp nhiều. Được khen, bị chê nhiều, không ít lần cũng vướng vào thị phi, mình mới càng thấy chê ai đó điều gì thật khó. Có lẽ bởi càng biết nhiều thì mình càng hiểu là mình kém cỏi, nên khi xem lại mình, mình thấy chẳng đủ trình làm thầy ai để mà buông lời chê đúng. Thế nên có một thời kỳ, mình sống bình thản, hài hòa, tròn trịa như một viên bi mài nhẵn. Ban đầu cứ nghĩ chắc mình đã nắm chắc thuật “Đắc nhân tâm”, nhưng về sau thấy cuộc sống như vậy thật nhạt nhẽo. Càng thấm hơn câu nói: “Kẻ được lòng tất cả mọi người thường là kẻ chẳng được việc gì”. Tại vì một đám đông, một cộng đồng, một xã hội luôn có người này người nọ, người tốt kẻ xấu. Giờ mà đi làm hài lòng tất cả thì rồi rốt cuộc cũng chẳng làm nên cái gì, có khi còn mất luôn cả người tốt, kẻ xấu xung quanh đó.


Té ra lúc này mới biết là mỗi người trước tiên cần có chính kiến của mình, còn việc chính kiến đó biến thành khen hay chê, khen chê đó là sai hay đúng thì hậu xét. Có chính kiến làm mỗi chúng ta có thêm nhiều góc cạnh, tuy không tròn đẹp như viên bi mài nhẵn, nhưng được cái hay là chẳng lăn mãi vào hư vô như bi mà sẽ đứng lại ở vị trí nào đó. Tiếp theo là trách nhiệm với chính kiến của mình, tức là anh khen, hay chê ai đó, anh phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình bằng cách phải cân nhắc khi khen chê người khác.


Cộng đồng ảo cho ta đến với nhau nhanh hơn, nhưng chính tính ảo của các mối quan hệ mà vai trò của chính kiến và trách nhiệm trong khen chê dường như cũng giảm đi nhiều. Đơn giản do ta có tâm lý: “Chúng nó đâu biết mình là ai mà chửi lại”. Trước một ý kiến, một bài viết, chúng ta thoải mái comment, thông thường là chọn cách chê, chê càng bạo mồm, càng mới mẻ, độc đáo càng chứng tỏ là mình “trình cao” và là người có chính kiến. Thế nên nhiều bạn cũng lạm dụng cái việc chê bai này để xây dựng chính kiến, thấy chỗ nào cũng chê, việc gì cũng chê, như thể là mình khắt khe khó tính lắm. Thậm chí có bạn kiệm lời, vào phán mỗi chữ “Nhạt” rồi bỏ đó cắp đít đi. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa ra vẻ là người sâu sắc, biết cách ăn nói nửa chừng cho thiên hạ tha hồ mà do tâm đoán ý. Nhưng thực ra đó là những cách chê vô trách nhiệm nhất. Vô trách nhiệm với người làm ra sản phẩm đó, và vô trách nhiệm với chính cái chính kiến của mình.


Cuộc sống luôn có 2 mặt tốt và xấu. Để vươn lên Chân – Thiện – Mỹ, đương nhiên chúng ta phải có những lời CHÊ, để giảm đi những cái xấu và thêm nhiều hơn nữa những cái tốt. Một lời CHÊ ĐÚNG còn quý giá hơn cả những lời khen, do đó mỗi người vẫn phải biết CHÊ khi thấy những điều không ổn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chính kiến và trách nhiệm của những lời CHÊ đó. Hãy CHÊ khi mình đã cân nhắc, và đã CHÊ thì cho đến nơi đến chốn, để người làm sai nhận thức đầy đủ mà có cơ hội sửa sai


Chúng ta sống giữa một cuộc sống vây quanh bởi khen chê. Nếu có ai khen, đừng vội mừng, nếu có ai chê, đừng vội buồn bởi đơn giản chẳng ai hoàn hảo. Thậm chí có ai đó khen sai hay chê sai đi chăng nữa thì lại càng không đáng để mà buồn hay vui. Tóm lại, dù là bạn bè trong một thế giới ảo, nhưng hãy luôn cố gắng dành cho nhau những gì mình cho là tốt đẹp nhất, trách nhiệm nhất. Bất kể đó là một lời khen hay một lời chê.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

0