31/03/2021, 15:32

Bài văn nghị luận về sự khen và chê số 5 - 8 Bài văn nghị luận về sự khen và chê (lớp 9) hay nhất

Con người ta thật kì lạ! Dường như ai cũng mong muốn mình được nhận những lời khen từ người khác, bất chấp họ biết chúng phản ánh không đúng sự thật, và chỉ là một lời “nịnh hót” không hơn. Đồng thời, họ hiếm khi muốn tiếp nhận những lời chê trách góp ý, dù cho chúng thực sự hữu ích ...

Con người ta thật kì lạ! Dường như ai cũng mong muốn mình được nhận những lời khen từ người khác, bất chấp họ biết chúng phản ánh không đúng sự thật, và chỉ là một lời “nịnh hót” không hơn. Đồng thời, họ hiếm khi muốn tiếp nhận những lời chê trách góp ý, dù cho chúng thực sự hữu ích với bản thân họ, hay chỉ do sự ghen ghét, đố kỵ mang lại mà thôi.


Thế nên bạn thử nghĩ xem có phải lúc nào lời khen cũng đúng, hay lời chê lúc nào cũng khó được chấp nhận? Ở quan niệm trên của Tuân Tử, ông đã đề cập đến vấn đề khen chê ở đời. Dưới một con mắt nhìn xa trông rộng của một triết gia nổi tiếng Trung Quốc, ta như nhận thấy được mọi khía cạnh, tức là cả mặt tích cực lẫn mặt trái của sự khen chê. Vậy khen là gì? Chê là như thế nào?


Theo suy nghĩ của tôi, khen là những lời nói thể hiện sự đồng tình hay khâm phục tính đúng đắn của một người đối với ý kiến hay hành động của người khác. Cũng tương tự như vậy, chê là một sự bày tỏ thái độ không đồng tình hay trách cứ của người này đối với quan điểm hay việc làm của người khác. “Người chê ta mà chê phải là thầy ta”, “thầy” ở đây ta có thể hiểu là người giáo dục một cách đúng đắn cho người khác về kiến thức và các quy tắc chuẩn mực đạo đức cần có của một con người. Người thầy là nhân tố không thể thiếu đối với sự tồn tại của xã hội loài người vì họ là những người có trình độ học vấn và có đầy đủ nhân cách, khiến họ luôn được mọi người kính nể và quý trọng.


“Bạn” trong “Người khen ta mà khen phải là bạn ta” mang nghĩa thuần tuý là những người có mối quan hệ bằng hữu với nhau, luôn giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau những hiểu biết, kinh nghiệm trong cuộc sống. Vậy “kẻ thù” là ai? “Kẻ thù” chỉ những người luôn đối đầu với người khác, làm cản trở sự phát triển toàn diện của người ấy. Thông thường kẻ thù chỉ mang lại những điều tồi tệ cho mỗi cá nhân nên không ai mong muốn mình có nhiều kẻ thù, dù đôi lúc điều đó là không thể tránh khỏi. Việc đưa ra sự khen chê gắn liền với ba đối tượng ấy của Tuân Tử cho thấy ông đang muốn chuyển tải quan niệm của mình về sự khen chê ở đời và khẳng định những ai xứng đáng là thầy, là bạn mình và những ai là kẻ thù mà mình phải tránh.


Ông cho thấy hai phạm trù “sự khen chê” và “thầy, bạn, kẻ thù” có mối quan hệ mật thiết với nhau trong đời sống con người, thông qua quan niệm khá toàn diện và khôn ngoan này. Tôi chưa từng thấy bất kì ai khi đề cập đến sự khen chê lại mở rộng ra “khen phải” và “chê phải” như Tuân Tử. Quan điểm của ông thể hiện suy nghĩ thật mới mẻ và đậm chất hiện thực. “Chê phải” là gì? Có thể đó là sự phê bình khái quát, trung thực một cách đúng lúc, đúng chỗ. “Người chê ta mà chê phải là thầy ta” vì người “chê phải” là người nhận thấy cái sai, cái dở của ta.


Để nhận thấy những điều ấy phải là người có kiến thức và hiểu biết sâu rộng hơn bản thân ta rất nhiều. Họ cũng không ngại ngần góp ý để giúp cho ta hoàn thiện chính mình hơn, chứng tỏ họ xứng đáng là người thầy của ta, bởi chỉ có người thầy mới có thể làm được điều như thế. Người giúp ta tiến bộ, ắt hẳn là thầy của ta rồi! “Khen phải” có thể hiểu là khen đúng đối tượng, đúng lúc, đúng chỗ và đó là một lời khen thuần túy không mang mục đích vụ lợi. Lời khen đúng đắn sẽ có những tác động tích cực đến người được khen, cho họ thấy được ý nghĩa của những thành quả mà họ đạt được và khích lệ họ cố gắng hơn nữa.


Tuy chúng chỉ có tác động về mặt tinh thần nhưng luôn tạo được sức mạnh lớn lao, thúc đẩy và cổ vũ sự tiến bộ của cả nhân loại. Hơn hết, những kẻ thù mới chính là điều đáng sợ mà không ai muốn có. Chính vì họ luôn chỉ mang đến cho ta những điều không hay, nên “Những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy” là vì thế. Những lời vuốt ve, xu nịnh thường là của những kẻ xấu, muốn lợi dụng “miệng lưỡi” của mình để làm lu mờ đầu óc người khác, khiến người đó chìm trong ảo mộng của sự dối trá mà quên mất lí trí tỉnh táo, để rồi hành động sai trái và không chịu phấn đấu tiến bộ hơn. Điều đó chỉ mang lại lợi ích cho những kẻ nịnh bợ kia và khiến con người ta ỷ lại, sống thiếu trách nhiệm với chính bản thân họ và cả mọi người. Nhưng qua đó, ta càng hiểu hơn về giá trị của lời khen chê và luôn phải tự đặt ra nguyên tắc cho mình cũng như cho người khác: Khen chê là phải luôn đúng mực! Đừng khen quá vì như thế sẽ phản tác dụng, khiến lời khen trở thành sự nịnh bợ và người được khen cảm thấy tự mãn, tự đắc để rồi sống trong ảo tưởng và thui chột dần lý trí tỉnh táo vốn có.


Cũng đừng chê quá vì như thế sẽ thành sự nhục mạ người khác, khiến họ cảm thấy sốc và tự ti, mặc cảm với chính bản thân mình. Hậu quả là họ sẽ không tư duy tích cực và không muốn cố gắng nữa vì họ nghĩ những nỗ lực của mình chẳng đem lại kết quả tốt đẹp gì. Nếu bản thân bạn phải lắng nghe những lời chê trách thì hãy khoan vội thất vọng, buồn phiền mà hãy bình tĩnh, cân nhắc xem lời chê có thực sự chính xác với những gì mà bản thân đã suy nghĩ và hành động hay không! “Nếu ai nói xấu bạn mà nói đúng thì hãy sửa mình đi. Nếu họ nói bậy thì bạn hãy cười thôi” (Epictete)


Quan trọng nhất là qua mỗi lần được khen hoặc chê, bạn phải điều chỉnh được thái độ, hành vi của mình theo hướng tích cực. Từ đó, bạn sẽ nhận ra được những bài học quý báu và cảm ơn người đã đem lại chúng cho bạn, đồng thời phê phán hoặc góp ý những người chỉ luôn mang đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực cho người khác bằng những lời nịnh nọt hay vô tình khen một cách thái quá. Có thể sau đó, họ sẽ nhận ra được khiếm khuyết mà mình mắc phải và biết đâu họ sẽ sửa chữa được, đồng thời trở thành những người bạn tốt chứ không phải là kẻ thù của bạn nữa thì sao!


Bạn có biết Bác Hồ của chúng ta đã từng phê bình văn học kháng chiến rằng: “Chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít” và “Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc” không? Đó là một lời “chê phải”, ảnh hưởng tích cực đến quan niệm sáng tác của các thế hệ nhà văn nhà thơ sau này, thôi thúc họ phải đổi mới cho phù hợp với bối cảnh đất nước và sự phát triển của văn học thời bấy giờ. Hẳn bạn đã nhận ra lợi ích của lời “chê phải” rồi chứ? Qua đây, mỗi người có thể rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân để khen chê người khác một cách chính xác vì mục đích động viên hoặc giúp họ tiến bộ. Đồng thời, ai cũng có thể tự tìm thấy những người thầy, người bạn thực sự thông qua cách họ góp ý cho mỗi suy nghĩ, hành động của mình.


Hãy tỉnh táo để quyết định những điều đúng đắn nhất mà lý trí mách bảo. Và đừng quên lắng nghe một cách có chọn lọc những lời nhận xét thẳng thắn mà người khác dành cho mình, vì chỉ khi họ yêu quý và tin tưởng mình, họ mới có thể làm điều đó. Để khen chê người khác mà không phải hổ thẹn với bản thân mình, bạn cần đến lòng dũng cảm. Dũng cảm nói đúng sự thật, dù cho nó có khiến người khác mất lòng hay không.


Để lắng nghe lời khen chê của ai đó dành cho mình, bạn cũng phải cần đến lòng dũng cảm. Dũng cảm để không ngại ngùng khi được người khác khen về những thành quả của chính bản thân mình. Dũng cảm để chấp nhận sự thật mà người khác nhìn nhận về bạn, mà thường thì chúng thật đáng quý. Dũng cảm để phản bác lại khi có người xu nịnh mình, bởi những điều họ nói chỉ khiến bản thân mình không thể tiến bộ hơn mà thôi! Vậy, bạn sẽ dũng cảm để đối mặt với sự khen chê chứ?

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

0