31/03/2021, 15:27

Bài tham khảo số 6 - 6 Bài văn Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo trong tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao)

Nguyễn Minh Châu đã có nhận xét về Nam Cao: “Cả đời cầm bút của Nam Cao ông chỉ đau đáu nhìn vào nhân cách của con người”. Điều này thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm của Nam Cao. “Chí Phèo” là một ví dụ điển hình. Qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Chí Phèo ...

Nguyễn Minh Châu đã có nhận xét về Nam Cao: “Cả đời cầm bút của Nam Cao ông chỉ đau đáu nhìn vào nhân cách của con người”. Điều này thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm của Nam Cao. “Chí Phèo” là một ví dụ điển hình. Qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Chí Phèo từ lúc gặp Thị Nở đến khi kết liễu cuộc đời trong truyện ngắn cùng tên, tác giả đã thể hiện tài năng, bản lĩnh nghệ thuật của mình, đồng thời cũng bộc lộ rõ tấm lòng nhân đạo sâu sắc của ông.


Trước khi gặp Thị Nở, cuộc đời Chí Phèo đã trải qua hai chặng đường: làm thuê cuốc mướn và ở tù rồi ra tù. Hắn vác cái mặt “cơng cơng, cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn” về làng, cam lòng làm tay sai cho kẻ thù – Bá Kiến đã gieo rắc tai họa kinh hoàng cho dân làng Vũ Đại. Và rồi vào đêm trăng định mệnh của số phận, hắn đã gặp Thị Nở, mở đầu cho một giai đoạn mới trong cuộc đời Chí. Sau cái đêm ấy thì Chí ngã bệnh. Hắn chưa bệnh bao giờ. Thế mà giờ đây lại yếu đến thế. Buổi sớm mai thức dậy, tâm trạng của Chí được miêu tả thật tài tình qua ngòi bút của Nam Cao. Mở đầu là “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá” và rồi “tiếng của anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”, rồi những người đàn bà đi chợ Nam Định.

- Vải hôm nay bán mấy?

- Kém ba xu dì ạ.

Tất cả những cái đó đột nhiên vang vang trong lòng Chí. Tất cả rất quen mà với hắn, chợt trở nên mới, nên lạ. Vì hôm qua, hôm kia, cả bao hôm trước nữa. Chí có nghe những tiếng ấy bao giờ đâu khi đang chìm trong những cơn say bất tận của cuộc đời. Giờ đây, tỉnh lại, tiếng cuộc đời, tiếng con người đang lăn náo nức, cứ dội vang mãi trong lòng Chí. Phải rồi! Tiếng của cuộc đời lương thiện đang vang lên trong anh. Con quỷ dữ sau cơn ốm bệnh dường như đã lấy lại được một phần con người, một phần hiền lành lương thiện của anh Chí hôm nào. Chí lắng nghe tất cả, thế rồi bỗng thấy “lòng bâng khuâng mơ hồ buồn”, lát nữa lại buồn: “Buồn thay cho đời”. Một cảm giác lạ đang len lỏi trong lòng Chí Phèo. Tiếp sau nỗi buồn là nỗi lo sợ, sợ đói, rét, cô độc, “Cô độc ư?” Cái này còn đáng sợ hơn cái đói và cái rét. Chí đã dần nhận ra thảm cảnh của đời mình: bơ vơ, lạc lõng không ai thân thích, không ai nương tựa. Trong nỗi sợ ấy, Chí cũng đang hình dung lại hình như ngày xưa hắn cũng có một ước mơ: “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, lại có một con lợn làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng”. Một ước mơ nhỏ nhoi thôi tầm thường lắm nhưng rất con người. Trước đây thì còn là một anh Chí “hiền như cục đất”, biết “nhục chớ yêu thương gì” khi bị bà Ba bắt lên bóp chân, ước mơ ấy hiện hữu trong anh. Trải qua những tháng ngày tăm tối, u mê, ước mơ đã tắt lịm hẳn, nhường chỗ cho cái ác, cái thú tính lên cao. Giờ đây, sau cơn say khi một phần “người” đã trỗi dậy, ước mơ ấy đã lại trỗi dậy theo, tha thiết, cồn cào. Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo được Nam Cao khắc họa thật đậm nét. Buồn, lo sợ, ước mơ. Đó là những nét tính cách rất người, đặc biệt là ước mơ rất đời thường ấy. Trong lúc Chí Phèo đang ngổn ngang trong bao tâm sự, nỗi niềm thì chất xúc tác đưa hắn trở lại làm người xuất hiện. Đó là Thị Nở. Thị đến mang cho hắn bát cháo hành giải cảm. Và chính liều thuốc giải độc này góp phần thức tỉnh con người bấy lâu bị chìm lấp trong Chí Phèo.


Phải nói rằng Nam Cao đã rất dụng công khi miêu tả hành động Chí ăn cháo. Đầu tiên là hắn “ngạc nhiên” vì trước đây hắn chỉ toàn cướp “chứ có xin của ai hay ai cho bao giờ” lần này thì lại được “một người đàn bà cho ngạc nhiên”, rồi cảm động, “hắn thấy mắt mình như ươn ướt”. Và rồi Chí đã đón nhận bát cháo từ tay Thị Nở như một báu vật. Hắn chưa vội vã ăn mà ngửi đã, sau đó mới “húp một húp” – cách thức hành động này của Chí Phèo đâu còn là ăn nữa mà là thưởng thức và tận hưởng, thưởng thức và tận hưởng hương vị của cuộc đời và của tình người. Sau đó, lần đầu tiên ta thấy Chí Phèo triết lí: “Những con người chưa bao giờ ăn cháo hành không biết cháo rất ngon”. Ngon cũng là phải vì Chí có được ăn bao giờ đâu “mà có ai nấu cháo Chí ăn”. Chính vì thế, Chí Phèo đã rất trân trọng vật báu này. Bát cháo hành nồng đượm hương vị tình đời, tình người xuất hiện giữa mênh mông bao nhiêu là rượu trong cuộc đời Chí Phèo. Cũng như Thị Nở vậy, tình yêu giữa Thị xuất hiện như ánh chớp lóe lên giữa cuộc đời dầy đặc những số không to tướng của Chí Phèo; không cha mẹ, không gia đình, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai. Nếu như đêm trăng ấy như một ý kiến đã nhận xét, Thị chỉ khơi dậy bản năng sinh vật trong con người Chí thì hôm nay, với bát cháo hành, Thị đã cứu rỗi tâm hồn Chí bằng tình yêu của mình. Ăn xong cháo, Chí thấy “thèm làm hòa với mọi người biết bao”, “thèm làm người lương thiện” biết bao, và Chí nhận ra rằng Thị chính là cái cầu nối nối hắn, giúp hắn quay trở lại với xã hội bằng phẳng của những con người lương thiện. Thị Nở vừa là người tình, lại vừa như người mẹ soi đường cho hắn, vì thế hắn đã muôn “làm nũng với Thị như mẹ” đấy thôi. Và thế là hai con người khốn khổ khốn nạn đã kết hợp lại với nhau trong cái khát vọng hạnh phúc, và muốn làm người lương thiện, bình thường.


Khác với Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân, khi có được hạnh phúc, Tràng cảm thấy “nên người” hơn, còn Chí, người ta đã tước đoạt ngay hạnh phúc của anh. Sau những ngày yêu thương hạnh phúc. Nghe lời bà cô. Thị Nở đã bỏ rơi Chí không thương tiếc. Cái ao ước được “yêu khi tỉnh” sau những tháng ngày “ăn trong khi say, ngủ trong khi say” của Chí đã bị định kiến xã hội ngăn cản. Đau đớn thay Chí Phèo, và anh lại tìm về với rượu. Thế nhưng “hơi rượu không sặc sụa mà thoang thoảng thấy hơi cháo hành” anh càng uống lại “càng tỉnh ra”, “tỉnh ra! Chao ôi, buồn” Chí đã nhận ra cái bi kịch cự tuyệt quyền sống quyền làm người của mình. Thế là anh vác dao đến nhà “con đĩ Nở, giết hết nó và cả con khọm già nhà nó” Thế nhưng, lí trí lại dẫn anh sang nhà Bá Kiến. Những câu đối đáp của anh và Bá Kiến xốn xang lòng ta đến lạ: “Tao không có đến đây để xin năm hào. Tao muốn làm người lương thiện!” “Ai cho tao lương thiện”, “tao không làm người lương thiện nữa được rồi!”. Và Chí đã đâm Bá Kiến rồi tự tử. Bá Kiến chết vì đã đoán lầm Chí Phèo, đó không là một tên say nữa mà đó là một con người khát khao quyền sống, khao khát lương thiện. Ai bảo Chí Phèo say khi đến nhà Bá Kiến? Say ấy chỉ say phần “con” để tỉnh thức phần “người”, mà chiến đấu với chính mình giành lương thiện. Chí Phèo gục ngã trước ngưỡng cửa cuộc đời nhưng khát khao sống ấy còn cháy mãi.


Có nhiều ý kiến nhận xét cách viết của Nam Cao là sắc, lạnh, tỉnh táo và đóng cũi tình cảm. Thế nhưng ta thấy ngòi bút của ông tràn đầy tính nhân đạo, không nhân đạo sao nhà văn lại thấy được những mơ ước, khao khát rất đời thường, lại đắm sâu trong tâm hồn của những con người đã bị tha hóa, biến dạng về cả nhân tính lẫn nhân hình. Những trang văn Nam Cao viết mô tả lúc Chí Phèo vừa tỉnh dậy mới thấm đẫm tấm lòng thương người của ông biết bao! Và cả bát cháo hành mà Nam Cao đã dụng công miêu tả nữa. Nó xuất hiện bất chợt giữa cuộc đời Chí Phèo, mang lại cho anh chút hương vị của lòng người để lắng lại trong anh cái phần “con” độc ác, xấu xa, đồng thời thổi bùng lên ngọn lửa khát khao lương thiện làm người. Trong những con người bị tha hóa đến cùng cực như Chí Phèo. Nam Cao vẫn thấy ở đó một khát khao mãnh liệt. Chính vì vậy ông đã để cho nhân vật của mình “vác dao đi đòi lương thiện”.


Còn một nét nhân đạo nữa đó là Nam Cao đã để cho nhân vật của mình được chết. Ông biết Chí Phèo sống không thể trở thành anh bộ đội cụ Hồ tự cứu lấy đời mình, cũng không để anh sống tù tội để rồi nhà tù thực dân phong kiến gắn thêm cho anh cặp sừng, cái đuôi, để anh thành con quỷ ác hơn, dữ hơn cái anh đã từng làm ở làng cũ Vũ Đại. Cuộc hôn phôi giữa “con quỷ dữ của làng Vũ Đại – Chí Phèo và một con vật gì rất tởm” – Thị Nở cũng là một cách nhìn hết sức nhân đạo của Nam Cao. Nhân đạo ở chỗ ông đã thấy cái mơ ước, khát khao được hạnh phúc của những con người cùng khổ.

Chí Phèo sống khổ mà chết vật vã cũng khổ. Qua bi kịch đó nhà văn tố cáo một xã hội đã đày đọa, tha hóa, bần cùng hóa con người, đẩy họ vào chỗ biến dạng cả nhân tình lẫn nhân hình. Nam Cao viết nhiều đến cái “đói” nhưng riết nóng nhất trong văn của ông là cái “đói người” trong sự giành giật của phần “con” và ông lớn tiếng đòi quyền sống cho phần “người” ấy.


Đọc xong truyện mà câu hỏi “Ai cho tao lương thiện” của Chí Phèo ám ảnh ta mãi. Quả thật với tấm lòng nhân đạo sâu sắc và tài năng của mình. Nam Cao miêu tả những vết thương trong nhân cách con người. Nhưng ông xoáy sâu mà tìm cách chạy chữa cho nó. Với những trang văn và những bi kịch điển hình như Chí Phèo, Nam Cao đã lớn tiếng đòi tự do, hạnh phúc cho con người, cũng như lời gọi: Hãy cứu lấy, bảo vệ cho nhân cách con người! Với đề tài đã khai thác tối đa như đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao với lưỡi xẻng ngôn từ và tài năng của mình, vẫn có thể “tìm tòi”, “khơi được những nguồn chưa ai khơi”, lật lên nhiều mảng khổ đau và mảng đẹp mới, trong tính cách, trong bản chất của người nông dân Việt Nam ở thời điểm đêm trước của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại.

Hình minh họa
Hình minh họa

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

0