31/03/2021, 15:27

Bài tham khảo số 4 - 5 Bài văn Phân tích giá trị hiện thực của tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao) hay nhất

Là nhà văn trung thành với chủ nghĩa hiện thực, cũng như các cây bút tả chân đương thời, Nam Cao quan tâm trước hết tới việc đi sâu thể hiện tình cảnh khốn khổ của người nghèo bị áp bức, trong đó có Chí Phèo. Tác phẩm gây ấn tượng đậm nét về bức tranh đời sống xã hội nông thôn. Đó là ...

Là nhà văn trung thành với chủ nghĩa hiện thực, cũng như các cây bút tả chân đương thời, Nam Cao quan tâm trước hết tới việc đi sâu thể hiện tình cảnh khốn khổ của người nghèo bị áp bức, trong đó có Chí Phèo. Tác phẩm gây ấn tượng đậm nét về bức tranh đời sống xã hội nông thôn. Đó là hệ thống tôn ti trật tự của làng Vũ Đại; là ấn tượng về tình trạng khép kín của làng xã phong kiến. Đặc biệt nó đã phơi bày các mối quan hệ xã hội phức tạp của hiện thực, đã miêu tả trung thực những quan hệ thực (Ăng-ghen). Đồng thời là tình thương đối với những con người bị xã hội đẩy vào con đường tha hóa, bị hắt hủi. Đó chính là giá trị hiện thực và nhân đạo của Chí Phèo.


Nam Cao được coi là nhà văn của nông dân trước hết vì ông có Chí Phèo. Chí Phèo có phạm vi hiện thực phản ánh trải ra cả bề rộng không gian và bề dài thời gian. Làng Vũ Đại trong tác phẩm chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội nông dân Việt Nam đương thời.


Ngòi bút Nam Cao tỏ ra sắc sảo khi vạch ra mối quan hệ thực trạng nội bộ bọn cường hào. Chẳng phải vì đất làng Vũ Đại có cái thế quần ngư tranh thực như lời ông thầy địa lí nói nên bọn cường hào chia năm bè bảy cánh đối nghịch nhau, mà do chúng là một đàn cá tranh mồi, mồi thì ngon đấy, nhưng năm bè bảy mối. Ngoài mặt tử tế với nhau nhưng trong bụng muốn cho nhau lụi bại. Đây là hiện tượng có tính quy luật ở nông thôn, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội - ruồi muỗi phải chết oan uổng khi trâu bò húc nhau.


Dựng nên bức tranh xã hội ở nông thôn, trước hết Nam Cao tập trung làm nổi bật xung đột giai cấp giữa địa chủ cường hào với người nông dân bị áp bức - phản ánh hiện thực nông thôn trên bình diện mâu thuẫn giai cấp. Nó làm nên giá trị nhận thức và sức mạnh phê phán to lớn.


Nam Cao đã xây dựng hình tượng điển hình về giai cấp thống trị ở nông thôn: Bá Kiến - lão cường hào cáo già với giọng quái rất sang, cái cười Tào Tháo cho thấy bản chất gian hùng, khôn róc đời. Và tư cách nhem nhuốc của cụ tiên chỉ: thói ghen tuông, Bá Kiến nghiền ngẫm về nghề thống trị, rút ra phương châm: mềm nắn, rắn buông, bám thằng có tóc, ai bám thằng trọc đầu, thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân... Với chính sách: lấy thằng đầu bò trị thằng đầu bò, thu dụng những thằng bạt mạng, không sợ chết, không sợ đi tù.


Nam Cao không đi vào nạn sưu thuế, tô tức, tham nhũng mà ở Chí Phèo Nam Cao đi vào phương diện: người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt về nhân tính, bị phủ nhận tư cách làm người. Nỗi thống khổ của Chí Phèo không phải ở chỗ cuộc đời Chí Phèo chỉ là số không: không nhà cửa, không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không tấc đất cắm dùi... mà chính là ở chỗ Chí Phèo bị xã hội rạch nát bộ mặt, cướp đi linh hồn, bị loại khỏi xã hội loài người, sống kiếp quỷ dữ.

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh Chí Phèo ngật ngưỡng vừa đi vừa chửi. Nhưng đằng sau chân dung gã say rượu có cái gì như là sự vật vã của một linh hồn đau đớn, tuyệt vọng. Tiếng chửi của Chí Phèo không hẳn là bâng quơ. Tuy say, nhưng vẫn mơ hồ thấm thía nỗi khổ của thân phận. Chí Phèo là điển hình cho một bộ phận cố nông bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Chí Phèo trước hết là hiện tượng có tính quy luật của tình trạng áp bức bóc lột tàn bạo ở nông thôn Việt Nam. Lúc bây giờ. Đó là hiện tượng những người nông dân bị đè nén thái quá đã chống trả lại để tồn tại bằng con đường lưu manh. Nam Cao khốn khổ giành lấy sự tồn tại bằng việc bán cả nhân phẩm đã trở thành lực lượng mù quáng dễ dàng bị bọn thống trị lợi dụng. Vì thế, Chí Phèo từ chỗ liều chết với bố con lão, chỉ cần lời nói và mấy hào chỉ trở thành tay sai mới của lão. Sức mạnh tố cáo to lớn của hình tượng Chí Phèo trước hết đã làm nổi bật hiện tượng có quy luật diễn ra ở nông thôn - hiện tượng lưu manh hóa. Song ý nghĩa khái quát của hình tượng Chí Phèo còn ở cấp độ cao hơn: sự hủy diệt, nhân tính trong xã hội độc ác, không cho con người được làm người.


Chí Phèo của Nam Cao được đánh giá cao chính ở giá trị tố cáo. Thông qua số phận Chí Phèo, Nam Cao phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội Việt Nam lúc bấy giờ và thực trạng người nông dân bị đày đọa, đè nén và âm thầm chịu đựng rồi tuyệt vọng, liều lĩnh phản ứng cực đoan. Nam Cao cũng bày tỏ niềm cảm thông, tình thương yêu đối với người nông dân bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, phát hiện bản chất tốt đẹp vốn có của họ. Song cũng như các nhà văn hiện thực cùng thời, chưa tìm được cho nhân vật của mình lối thoát. Sau này, bằng con đường cách mạng, Tô Hoài, Kim Lân đã tìm cho nhân vật mình một hướng đi riêng.

Hình minh họa
Hình minh họa

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

0