31/03/2021, 14:52

Bài soạn "Người lái đò sông Đà" số 2 - 6 Bài soạn "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân lớp 12 hay nhất

I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân - Nguyễn Tuân sinh năm 1910, mất năm 1987 trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã suy tàn - Quê thuộc làng Mộc, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà nội - Sau khi học hết bậc thành chung, ông viết văn và làm báo - Cách mạng tháng Tám ...

I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân
- Nguyễn Tuân sinh năm 1910, mất năm 1987 trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã suy tàn
- Quê thuộc làng Mộc, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà nội
- Sau khi học hết bậc thành chung, ông viết văn và làm báo
- Cách mạng tháng Tám thành công, ông đến với cách mạng, tự nguyện dùng ngòi bút của mình để phục vụ cuộc kháng chiến
- Từ năm 1948 đến năm 1968, ông là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam
- Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có vị trí to lớn và vai trò không nhỏ đối với nền văn học Việt Nam
- Năm 1996, ông được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật
- Các tác phẩm chính: Vang bóng một thời, Một chuyến đi, Thiều quê hương, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi…
- Phong cách nghệ thuật: phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân có sự thay đổi trong những sáng tác ở thời kì trước và sau cách mạng tháng Tám song có thể thấy những điểm nhất quán sau:
+ Phong cách của Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”, trong mỗi trang viết của mình, Nguyễn Tuân luôn muốn thể hiện sự tài hoa, uyên bác của bản thân. Chất tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân được thể hiện:
•• Khám phá, phát hiện sự vật ở phương diện thẩm mĩ
•• Nhìn con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ
•• Vận dụng tri thức, vốn hiểu biết trên nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo dựng hình tượng
+ Ông là nhà văn của những tính cách độc đáo, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cách tuyệt mĩ,…
+ Kho từ vựng phong phú, tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, có phối âm, phối thanh linh hoạt, tài ba…

II. Đôi nét về tác phẩm Người lái đò sông Đà
1. Hoàn cảnh ra đời
- Tác phẩm là kết quả của chuyến đi miền Bắc vừa thỏa mãn thú phiêu lãng vừa để tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên và chất vàng mười đã qua thử lửa trong tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên miền sông núi hùng vĩ và thơ mộng đó
- Người lái đò sông Đà là bài tùy bút được in trong tập Sông Đà (1960)

2. Bố cục (3 phần)
- Phần 1 (từ đầu đến “cái gậy đánh phèn”): Vẻ hung dữ của con sông Đà
- Phần 2 (tiếp đó đến “dòng nước sông Đà”): Cuộc sống của con người trên sông Đà và hình ảnh người lái đò sông Đà
- Phần 3 (còn lại): vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà

3. Giá trị nội dung
- Người lái đò sông Đà là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiêt tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng vừa trữ tình thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc
- Tác phẩm còn cho thấy công phu lao động nghệ thuật khó nhọc cùng sự tài hoa, uyên bác của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những kì công của tạo hóa và những kì tích lao động của con người.

4. Giá trị nghệ thuật
- Tùy bút pha bút kí, kết cấu linh hoạt, vận dụng được nhiều tri thức văn hóa và nghệ thuật vào trong tác phẩm
- Nhân vật mang phong thái đời thường, giản dị
- Bút pháp: kết hợp hài hào giữa hiện thực và lãng mạn
- Ngôn ngữ hiện đại kết hợp với ngôn ngữ cổ xưa


Trả lời câu 1 trang 192 SGK Ngữ văn 12, tập 1

- Nắm chắc thủy trình và các đặc điểm cụ thể của sông Đà (vách đá, ghềnh Hát Lóong, hút nước, thác đá, màu nước, vẻ đẹp đôi bờ…); Miêu tả tỉ mỉ, sinh động ba vòng thạch trận của sông Đà; Hiểu rõ sự nguy hiểm và vẻ đẹp, tính cách của con Sông độc đáo này.

- Nắm chắc vẻ đẹp phẩm chất và tài nghệ chèo đò vượt thác của ông đò: miêu tả tỉ mỉ, ngoạn mục tài hoa của ông đò khi vượt qua ba trùng vây thạch trận của sông Đà; thấy được vẻ đẹp bình dị của ông đò sau khi vượt thác.


Trả lời câu 2 trang 192 SGK Ngữ văn 12, tập 1

- Vận dụng cách nhìn, cách tiếp cận và tri thức của nhiều lĩnh vực để miêu tả sự hùng vĩ, hung bạo của sông Đà như điện ảnh, quân sự, địa lí,…

- Ngòi bút miêu tả tỉ mỉ cùng thủ pháp nhân hóa được khai thác hiệu quả triệt để khi miêu tả sự hung bạo của sông Đà.

- Nghệ thuật sử dụng ngôn từ đạt đến độ tài hoa, nhiều câu văn dài nhưng giàu nhạc điệu, giàu chất tạo hình, sức biểu cảm và biểu đạt cao.


Trả lời câu 3 trang 192 SGK Ngữ văn 12, tập 1

- Khi viết về dòng sông hung bạo, Nguyễn Tuân sử dụng lối hành văn mạnh mẽ, mãnh liệt với những câu văn dài, phức tạp, hùng tráng tương xứng với sự kì vĩ của dòng sông; Quan sát, miêu tả dòng sông ở khoảng cách gần, cụ thể, tỉ mỉ.

- Khi viết về dòng sông trữ tình, tác giả sử dụng cách viết co duỗi nhịp nhàng, âm điệu uyển chuyển, hình ảnh thơ mộng, liên tưởng độc đáo phóng khoáng. Nhà văn quan sát và miêu tả con sông trữ tình từ nhiều góc độ, khi thì ngắm dòng sông từ tầm cao khi bay tạt ngang qua sông Đà khi thì ngắm dòng sông khi ở gần như quan sát màu nước, cảnh đôi bờ.


Trả lời câu 4 trang 192 SGK Ngữ văn 12, tập 1

- Cuộc sống hàng ngày của ông đều là cuộc chiến với thiên nhiên.

- Nhiều năm gắn bó với việc chèo thuyền, ngoại hình của ông mang đặc trưng nghề nghiệp (tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh…trong sương mù).

- Ông đò rất am hiểu dòng sông: nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá; thuộc quy luật phục kích…hiểm trở này.

- Ông đò chinh phục sông Đà hung bạo thể hiện qua việc vượt ba trùng vây thạch trận:

+ Thủy quái sông Đà: có diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số 1, nguy hiểm và hung bạo, đầy cạm bẫy với những ghềnh, thác, hút nước, sóng nước, với thạch trận trùng điệp đầy luồng chết chầu chực nuốt chửng, đập tan con thuyền.

+ Ông đò vượt trùng vây thứ nhất: Đá thác hiếu chiến (bệ vệ oai phong, hất hàm), nước thác làm thanh viện ùa vào đòi bẻ cán chèo, đội thuyền, túm lấy thắt lưng, bóp chặt hạ bộ ông đò => ông cố nén vết thương, kẹp chặt cuống lái, tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn tỉnh táo.

+ Ông đò vượt trùng vây thứ hai: trùng vây thứ 2 tăng thêm cửa tử để đánh lừa con thuyền, cửa sinh bị bố trí lệch đi => ông đò thay đổi chiến thuật, cưỡi lên thác sông Đà…lái miết một đường chéo…rảo bơi chèo lên…sấn lên chặt đôi ra để mở đường vào cửa sinh.

+ Ông đò vượt qua trùng vây thứ ba: vòng 3 bên phải bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở giữa bọn đá hậu vệ => ông đò phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa..lượn được.

=> Ông đò là người anh hùng, người nghệ sĩ trong công việc chèo đò vượt thác. Ông đại diện cho con người Tây Bắc và là chất vàng mười của đất nước ta.


Trả lời câu 5 trang 193 SGK Ngữ văn 12, tập 1

- Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.

=> Câu văn giàu hình ảnh với lối so sánh độc đáo và khả năng gợi hình, gợi cảm mềm mại, hấp dẫn => đặc tả vẻ đẹp trữ tình, mềm mại, duyên dáng, tràn đầy sức sống của dáng vẻ sông Đà giữa mùa xuân.

- Lại như quãng mặt ghềnh Hát Lóong, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió ghùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy.

=> Câu văn dài, tách thành nhiều vế cùng lối điệp liên hoàn và nghệ thuật so sánh, nhân hóa tài tình làm diện mạo hung bạo, hiếu chiến của sông Đà hiện lên thật rõ nét.


Luyện tập

Câu 2 (trang 193 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

Gợi ý:

Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân...Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra mà đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.

- Nội dung

+ Đoạn văn tập trung miêu tả vẻ đẹp đầy chất tạo hình của sông Đà với hình dáng thơ mộng, đường nét mềm mại, ẩn hiện; màu sắc dòng nước biến đổi tương phản theo mùa, gây ấn tượng mạnh.

+ Hiện diện một cái tôi Nguyễn Tuân đắm say, nồng nhiệt với cảnh sắc thiên nhiên, tinh tế và độc đáo trong cảm nhận cái đẹp.

- Nghệ thuật

+ Hình ảnh, ngôn từ mới lạ; câu văn căng tràn, trùng điệp mà vẫn nhịp nhàng về âm thanh và nhịp điệu.

+ Cách so sánh, nhân hoá táo bạo mà kì thú; lối tạo hình giàu tính mĩ thuật, phối hợp nhiều góc nhìn theo kiểu điện ảnh.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

0