25/05/2018, 09:53

5 Đề nghị về các giải pháp giáo dục đại học

Kính thưa Đ/c Thủ tướng, Chủ tịch hội đồng Quốc gia GD Kính thưa các anh chị và các bạn đồng nghiệp Các vấn đề về GD nêu lên trong Đề cương quá rộng và phức tạp, rất khó phát biểu một cách toàn diện, nhất là khi chưa có tương đối đầy đủ ...

  • Kính thưa Đ/c Thủ tướng, Chủ tịch hội đồng Quốc gia GD
  • Kính thưa các anh chị và các bạn đồng nghiệp

Các vấn đề về GD nêu lên trong Đề cương quá rộng và phức tạp, rất khó phát biểu một cách toàn diện, nhất là khi chưa có tương đối đầy đủ thông tin cũng như các kết quả nghiên cứu về chính sách công GD. Và thời gian lại có hạn. Vì vậy, xin phép được:

  1. Chỉ nêu lên một số vấn đề về GDĐH (đặc biệt là những vấn đề còn có một số ý kiến khác và còn ít được nêu ra).
  2. Chủ yếu là đề xuất các giải pháp cần thực hiện
  3. Các giải pháp đề xuất này chỉ mới ở mức “nhận dạng” qua một số phân tích, cần có những nghiên cứu tiếp để kiểm định và lựa chọn.

Đề nghị 1 . Tăng quy mô GDĐH khoảng 10% / năm và mở rộng nhanh quy mô loại hình GDĐH 2 năm dạng Cao đẳng cộng đồng và “dạy nghề” (i)

Để chuyển nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, con đường tất yếu là phải có tỷ lệ sinh viên (SV) trong thanh niên ở độ tuổi tối thiểu là 15%. Nhiều nước đang phát triển trong vùng đã vượt qua con số này từ nhiều năm trước (Hiện nay ở Singapore, Thái Lan, Philipines, Malaysia và Indonesia là từ 21-39%). Ở các nước này, khi tỷ lệ SV trong độ tuổi còn thấp (dưới 10%), để thực hiện công nghiệp hóa, họ cũng đã có tốc độ tăng SV trung bình hàng năm rất cao: Thời kỳ 1970-1980 là 20% ở Hàn Quốc và Malaysia, thời kỳ 1980-1990 là 14,8% ở Hàn Quốc, 13,3% ở Malaysia và 12,4% ở Singapore. Hàn Quốc đã tăng rất nhanh tỷ lệ SV trong độ tuổi từ 15% năm 1980 lên đến 78% năm 2002. Ở Trung Quốc, nhiều năm qua đã có tốc độ tăng SV đến trên 30%/ năm. Sau nhiều thập niên tăng nhanh quy mô, các nước này vừa qua mới đặt trọng tâm vào việc củng cố chất lượng.

Ở nước ta, tỷ lệ SV trong độ tuổi hiện nay còn dưới 10%, mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong 17 năm qua là khoảng 13%, nhưng mấy năm gần đây với nhận thức “mở rộng quy mô trên cơ sở đảm bảo chất lượng” nên đã giữ mức tăng trưởng chỉ trên dưới 6%. Nhưng chất lượng thường chỉ là “vấn đề thỏa thuận giữa các bên có liên quan”.

Nếu giữ tốc độ này thì đến năm 2010, tỷ lệ SV trong độ tuổi vẫn còn dưới 13%, dưới mức đề ra của NQ TW2 là 15%. Vì vậy, trước khi có “Đề án đổi mới GDĐH” với những con số xác đáng hơn, đề nghị mức tăng SV hàng năm là khoảng 10-12% cho những năm đến. Nếu chọn mức tăng 10% hàng năm thì đến năm 2010 sẽ có tỷ lệ SV trong độ tuổi khoảng trên 15% một ít. Tuy nhiên, do cơ cấu bất hợp lý hiện nay là chỉ có khoảng trên 20% là SV cao đẳng mà chủ yếu lại là sư phạm, nên đề nghị để có mức tăng chung là 10%/ năm từ nay đến 2010, mức tăng cho SV ĐH 4 năm trở lên vẫn giữ là 6% năm nhưng mức tăng cho SV ĐH 2-3 năm (gọi chung GDĐH là GD sau trung học phổ thông như ở nhiều nước) là 22%/ năm. Khi đó, đến năm 2010, tỷ lệ SV ĐH 2-3 năm trong tổng số SV sẽ chiếm khoảng 40%. Đây là một cơ cấu hợp lý hơn.

Về mặt chất lượng, cần có quan niệm đa dạng hơn đối với nền GDĐH cho số đông

Người ta ước đoán, ở Mỹ có đến 8.000 loại văn bằng khác nhau (!)
và cần theo hướng tổ chức nền GDĐH theo kiểu “phân tầng”, mỗi loại trường ĐH có sứ mệnh và mục tiêu khác nhau. Về mặt tài chính, cần lưu ý là: Trong GDĐH truyền thống, chi phí đào tạo thêm 1 SV (chi phí bổ sung – MC: Marginal Cost) xấp xỉ chi phí trung bình (AC-Average Cost), nhưng khi đi đào tạo “đại trà”, chi phí MC nhỏ hơn nhiều chi phí AC. Ngoài ra, khi tăng số SV ở các trường ĐH, chúng ta còn có thể dễ dàng khai thác lợi thế của “Quy mô kinh tế” (Economies of scale). Về mặt phân bố trên lãnh thổ, để đảm bảo công bằng xã hội trong GDĐH cao hơn, tăng khả năng tiếp cận GDĐH cho thanh niên ở các vùng kinh tế kém phát triển, cần lập các trường ĐH 2 năm mới ở các trung tâm của liên tỉnh. Hiện nay (1999) số người có trình độ ĐH tính trên 10 vạn dân của đồng bằng sông Hồng gấp trên 5 lần của đồng bằng sông Cửu Long, của Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Thái Nguyên gấp 5,0 - 5,5 lần của Trà Vinh; có tỉnh chưa có đến 10 SV trên 1 vạn dân trong khi con số bình quân của cả nước là 120

Đề nghị 2 . Phát triển chủ yếu các trường ĐH tư thục không vì mục đích cực đại lợi nhuận hoặc “có mức lợi nhuận thích hợp”, quy mô khoảng 5.000 - 6.000 SV / trường.

Hiện nay cả nước có 23 trường ĐH và Cao đẳng ngoài công lập (gọi chung là tư thục) với khoảng 120.000 SV, chiếm 11.7% tổng số SV. Theo kế hoạch, đến năm 2010 sẽ có khoảng 40% là SV trường ĐH tư thục, nếu chấp nhận đề nghị nói trên (tăng 6% cho ĐH 4 năm với mức tăng chung là 10%) thì đến năm 2010 sẽ có khoảng 750.000 SV ĐH tư thục, trong đó ĐH tư thục 4 năm sẽ có khoảng 150.000 (từ trên 100.000 SV hiện nay) còn khoảng 600.000 sẽ là SV ĐH tư thục 2-3 năm (từ khoảng 19.000 SV hiện nay). Nếu xét về quy mô kinh tế cũng như khả năng quản lý nên giữ quy mô các ĐH 2-3 năm khoảng 5.000-6.000 SV/ trường. Sáu trường cao đẳng hiện nay có quy mô khoảng trên 3.000 SV/ trường, đến khi đó chỉ dung nạp tối đa khoảng 50.000 SV. Do vậy cần lập mới khoảng 100 trường ĐH tư thục 2-3 năm (Thiết nghĩ không nên “tư thục hóa” các trường cao đẳng công lập hiện nay).

Về mặt loại hình tư thục, nên phát triển chủ yếu là loại trường không vì mục đích cực đại lợi nhuận (LN). Xin lưu ý, ở Mỹ ĐH tư thục rất nổi tiếng và phát triển nhưng tính theo thu nhập của các trường ĐH thì ĐH tư thục không vì mục đích lợi nhuận cũng chiếm đến trên 95%, ĐH tư thục vì lợi nhuận chỉ chiếm dưới 5% trong số các ĐH tư thục. Quốc hội Mỹ gần đây (2004) cũng đã nhắc lại: “Trường ĐH không phải là nơi để kinh doanh”. Và về trung bình, học phí trung bình ở ĐH tư thục Mỹ vẫn thấp hơn nhiều chi phí đào tạo. Tất nhiên, nhiều trường ĐH tư thục ở Mỹ có vốn loại “Endowment” lớn (dạng “tài sản chung không chia”) nên chúng ta không bắt chước họ được. Nhưng điều cần lưu ý là, mặc dù vẫn xem dịch vụ GDĐH là một loại hàng hóa, là xuất cảng GDĐH, là hướng đến thị trường) v.v…, về cơ bản họ vẫn không xem trường ĐH là nơi để kinh doanh. Không vì mục đích cực đại LN ở đây không có nghĩa là không có LN, người đầu tư bỏ vốn ra thì chẳng những phải “bảo toàn” được vốn mà còn phải có một mức lãi nào đó để trả cho “chi phí sử dụng vốn” và “bù đắp rủi ro” (Risk premium). Nhưng cần có khống chế trên mức LN, (Ví dụ: tối đa không vượt quá 150% mức lãi suất của ngân hàng Nhà nước . Phần dôi ra và những hỗ trợ đất đai, cơ sở vật chất của Nhà nước sẽ trở thành “tài sản chung không chia” của nhà trường (chính phủ Singapore đã bỏ nhiều trăm triệu Đôla Singapore vào 2 trường ĐH NUS và NUT ở dạng Endowment). Về tài chính của loại ĐH này, tôi đã có một ví dụ tính toán bằng số (Bài 25) và cũng đã thăm dò một số nhà đầu tư có mong muốn đóng góp cho sự nghiệp GDĐH, họ nói rằng họ sẵng sàng đầu tư theo phương án đó.

Chắc rằng, sẽ có một số nhà GD rất băn khoăn về việc tăng nhanh quy mô cũng như chất lượng đào tạo của loại hình ĐH này. Nhưng thiết nghĩ: (1) Để đảm bảo chất lượng cần có những tiêu chí rõ ràng về việc lập mới trường; (2) Trong GDĐH đại trà cần chấp nhận loại trường ĐH (hoặc ít ra là loại thầy cô giáo) chỉ dạy thôi (Teaching only) như ở nhiều nước; (3) GDĐH nước ta “cung” còn nhỏ hơn 25% của “cầu”, do đó thiếu cạnh tranh và không quan tâm mấy đến chất lượng. Khi “cung” tăng lên, cùng với “chính sách học phí không giống nhau”, các trường sẽ chăm lo chất lượng hơn; (4) Dân ta rất ham học và người có “một chữ” có việc tốt hơn người có “nửa chữ”, người có “nửa chữ” có việc tốt hơn người “không có chữ nào”, GDĐH ngày nay không còn là “độc quyền của giới thượng lưu” và (5) Đặc biệt là, GDĐH còn có mục đích tự thân, là thoả mãn nhu cầu học tập chính đáng và là quyền được học hành của người dân, không nhất thiết để đi làm. Và nếu “tôi” học không có mục đích chủ yếu là để đi làm thì “Tại sao lại phán xử chất lượng của tôi theo khả năng kiếm được việc làm”?

Đề nghị 3 . Tăng nguồn lực và hiệu quả về tài chính cho GDĐH song song với hệ thống “trách nhiệm xã hội”.

Hiện nay chưa thấy có con số thống kê chính thức về chi phí đơn vị cho 1 SV trong 1 năm. Tuy nhiên có thể ước tính chi phí đơn vị trung bình đang ở mức trên 400 Đô la Mỹ/ năm chút ít, nghĩa là còn dưới mức 100% GDP trên đầu người. Trong khi đó, theo WB, con số đó ở Trung Quốc khoảng 200% GDP, ở các nước Châu Á tương đối phát triển khác khoảng 150% GDP. Và nhìn chung GDP/ đầu người càng cao thì tỷ lệ trên càng thấp. Ơ các nước đã phát triển là khoảng 50% GDP/ đầu người. Ở Việt Nam, GDP/ đầu người còn thấp hơn của Trung Quốc. Vì vậy có thể nói đầu tư của xã hội cho GDĐH ở Việt Nam còn thấp, cần tăng thêm nguồn lực cho GDĐH.

Vậy tăng thêm chủ yếu bằng nguồn nào? Ở đây cần có nghiên cứu kỹ hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh tỷ lệ cơ cấu thu nhập của các trường ĐH ở Trung Quốc, Ấn Độ, Anh v.v… và Việt Nam hiện nay (năm 2000), có thể cho rằng, tỷ lệ giữa nguồn thu từ NSNN và học phí là vừa phải, nhưng phần nguồn thu từ “Hợp đồng và dịch vụ” của chính các trường ĐH còn quá thấp, dưới 1%, trong khi con số này ở Trung Quốc là 17%, chiếm khoảng gần 90% số học phí thu được. Sở dĩ Trung Quốc làm được như vậy là nhờ việc lập công ty ơ các trường ĐH. 50 viện ĐH ở Thượng Hải đã có 700 công ty và tổng thu nhập năm 1992 là 1 tỷ nhân dân tệ. Từ đó đề nghị: (1) Cố gắng giữ nguyên tỷ lệ đầu tư từ NSNN trên đầu SV như hiện nay, (2) Tăng học phí ở các trường ĐH lên khoảng 15-20% mỗi năm, (bên cạnh chính sách học bổng); (3) Nghiên cứu để có mức cấp kinh phí và học phí khác nhau cho từng loại trường ĐH công lập và từng nhóm lĩnh vực đào tạo; (4) Cho phép lập các “công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên” (theo Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2000) để hoạt động dịch vụ tư vấn, đào tạo ngắn hạn theo hợp đồng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và (5) Nghiên cứu để có chính sách bỏ vốn “Endowment” vào các trường ĐH, kể cả ĐH tư thục, như ở Singapore và cho phép các trường ĐH huy động vốn.

Mặt khác, cần có nghiên cứu để xem xét hiệu quả tài chính của nền GDĐH và trước hết là nâng cao tính chuyên nghiệp trongquản lý tài chính ở trường ĐH. Gần như toàn bộ các trường ĐH trên thế giới ngày nay đều lúng túng trước 2 từ là “chất lượng và tài chính”. Vì vậy, về mặt tài chính, người ta quản lý như ở một công ty và luôn có 3 mảng: (1) Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí; (2) Hệ thống tạo thêm nguồn lực tài chính và (3) Hệ thống kích thích, khen thưởng về mặt tài chính. Bên cạnh đó, song song với việc giao thêm quyền tự chủ cho các trường ĐH, cần xây dựng hệ thống Trách nhiệm xã hội (Accountability) cho các trường ĐH. Trước mắt, về mặt này cần có các việc sau: (1) Tổ chức kiểm toán ở các trường ĐH; (2) Công bố công khai cho công chúng bản cân đối tài chính (Balance sheet) của các trường ĐH; (3) Lập Hội đồng trường ở các trường ĐH. Tất nhiên để có thể làm việc này cần phải có lộ trình khoảng 3 năm.

Đề nghị 4 . Đổi mới và đa dạng hơn chương trình đào tạo GDĐH

chương trình đào tạo (CTĐT) hiện nay nhìn chung còn có những hạn chế sau đây

  1. Chỉ có hai loại CTĐT khung cho tất cả các trường ĐH, cần phải đa dạng hoá nhiều hơn và cần nhiều CTĐT khung hơn, tương ứng với sứ mệnh/ mục tiêu khác nhau của các loại trường ĐH theo cơ chế “phân tầng”.
  2. Tính “hàn lâm” quá nặng, có lẽ chỉ thích hợp với loại ĐH hướng về nghiên cứu, thích hợp với khoảng 10%-15% số SV. Ít chú trọng nội dung “giải quyết vấn đề” (Problem solving)
  3. Chủ yếu là nội dung “kỹ năng chuyên môn” (Professional skills) mà thiếu “kỹ năng nhận thức” (Cognitive skills) và “kỹ năng xã hội”. Vì vậy học nặng mà làm việc chưa tốt.
  4. Khối lượng tương đối lớn, về số giờ lên lớp có lẽ khoảng 30% nhiều hơn số giờ lên lớp của SV của nhiều nước khác. Với khối lượng như vậy khó có thể dạy (một tỷ lệ nào đó) theo kiểu “học theo vấn đề” (Problem-based learning) để phát triển tư duy được vì kiểu này tốn số giờ nhiều hơn 2-3 lần so với kiểu “giảng giải minh họa” hiện nay, nếu cùng một khối lượng nội dung.
  5. Chưa được module hóa, thiếu môn tổng hợp dạng “Sequence” (gồm 3-4 môn có liên quan) cho các CTĐT liên ngành và cũng là loại môn học cho SV ngoài ngành (nhiều trường ĐH bắt buộc SV phải học một số môn ngoài ngành). Mối liên hệ giữa chương trình ĐH và chương trình cao học cũng còn chưa rõ
    Bằng thạc sĩ chủ yếu là loại “huấn luyện nghề nghiệp” chứ không phải “khoa học”. Ở Mỹ hàng năm có trên 1,1 triệu bằng cử nhân thì có đến trên 400.000 bằng thạc sĩ, nhưng chỉ có 18.000 bằng tiến sĩ.
  6. Thiếu phần “GD tổng quát”
    Có khác với phần “GD đại cương” thường gọi.
    , nghĩa là phần “học để sống với nhau và để làm người” (2 trong 4 cột trụ GD, theo UNESCO)hoặc “để có khả năng và khuynh hướng cố gắng đạt được sự thỏa thuận với người khác…” (Theo Chusky). Thiếu những chương trình cử nhân có tính chất là cử nhân về “GD tổng quát”, tuy chỉ mới được trang bị về “những kiến thức chung và kiến thức cơ bản xem như là cơ sở ban đầu để làm việc và học hành một cách chủ động” (Định nghĩa về văn bằng ĐH theo Đạo luật về GD năm 1989 của New Zealand), không chuyên môn hóa quá sớm, nhưng lại có thể tham gia vào một thị trường lao động hết sức đa dạng mà nhiều khi không có một tên gọi ngành nghề rõ ràng và cũng cần phải sẵn sàng đổi nghề.

Từ những phân tích trên, đề nghị sớm đa dạng và đổi mới CTĐT ĐH. Việc nâng cao năng lực đội ngũ thầy cô giáo hết sức quan trọng, nhưng việc này có lẽ phải cần đến hàng chục năm. Trong khi đó, việc đổi mới và đa dạng CTĐT có thể tập trung làm trong 2-3 năm và về mặt hiệu quả, tin rằng rất nhanh chóng có tác dụng. Hiện nay SV của chúng ta thi tuyển rất khó, bình quân 1 chọi 5, có nghĩa phần lớn là SV giỏi và học cũng quá nặng, quá khó nhưng làm việc chưa tốt, năng lực về GD tổng quát cũng yếu kém, thiếu khả năng thích nghi.

Đề nghị 5 . Củng cố việc thiết kế chính sách công GDĐH và xây dựng chiến lược hội nhập toàn cầu hóa

Chính sách công về GDĐH là một vấn đề hết sức phức tạp phải được nghiên cứu, thiết kế hết sức thận trọng. Và đặc biệt, các chính sách này luôn gắn với vấn đề tài chính. Ở Nhật, từ giữa những năm 90, một số chính sách công về GDĐH cũng đã được thiết kế bởi các nhà kinh tế học và cộng đồng kinh doanh. Ở Việt Nam như còn chưa chú ý đúng mức việc này. Vì vậy, đề nghị trước mắt cần nghiên cứu, thiết kế tập trung vào một số vấn đề sau đây:

  • Phân bổ NSNN cho GDĐH (đã có dự án GDĐH)
  • Chính sách phân chia chi phí (Cost sharing), học phí và học bổng.
  • Chính sách và quy trình quản lý tài chính ở các trường ĐH công lập cũng như ở các trường ĐH tư thục và ngoài công lập
  • Phân bổ kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học
  • Đầu tư có hiệu quả công nghệ truyền thông thông tin (ITC) trong GDĐH
  • Hiệu quả và chính sách du học, kể cả chương trình du học từ NSNN, và hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa (TCH)
  • Công bằng xã hội trong GDĐH (1) Quan hệ giữa chất lượng – hiệu quả – công bằng; (2) Các chỉ số về CBXH; (3) Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận GDĐH
  • Thiết lập bộ phận “quan hệ công chúng” (Public Relation) ở bộ GDĐT và cách tổ chức lấy ý kiến công chúng về GDĐH
  • Cơ cấu hợp lý của hệ thống: Quy mô, trình độ, ngành nghề, vùng miền, quy mô kinh tế của các loại trường ĐH v.v…

Để thực hiện công việc này một cách chuyên nghiệp, cần bổ sung chức năng cho viện nghiên cứu chiến lược và chương trình GD, tăng thêm cán bộ về kinh tế - tài chính GD cho viện và xây dựng những nhóm nghiên cứu có bao gồm cả một số cán bộ được đào tạo về quản lý GD gần đây.

Về chính sách du học và chiến lược hội nhập TCH, hiện nay đã có trên 30.000 SV Việt Nam đang du học ở nước ngoài (chưa có con số chính thức, có người ước tính đến 40.000). Về mặt hiệu quả, có thể có 2 vấn đề. Thứ nhất là một tỷ lệ không nhỏ đang “du” là chính chứ không phải “học “ là chính hoặc đang học ở các trường có đầu vào chỉ cần bằng tốt nghiệp phổ thông trong nước. Thứ 2 là việc mất chất xám (Malaysia cho là như vậy, gần ½ triệu SV nước ngoài học ở Mỹ chỉ có khoảng 1/3 trở về nước, 0,1% dân Ấn Độ ở Mỹ đã tạo ra 10% GDP của Ấn Độ…)

Vậy phải chăng, chiến lược hội nhập thích hợp là: (1) Chỉ du học theo những CTĐT có chất lượng rất cao (làn sóng 1); (2) Mở rộng CTĐT dạng Twinning / Joint programs (làn sóng 2) với các đối tác trung bình để có chi phí rẻ, tiết kiệm ngoại tệ, giảm thiểu việc mất chất xám (Malaysia đã có 39.000 SV nước ngoài đến từ 134 quốc gia) và (3) Bước đầu lập những Branch Campuses (làn sóng 3) với các đối tác có uy tín cao và được ưu tiên của Nhà nước để phục vụ cho những mục tiêu dài hạn hơn (Ở Singapore các Branch campuses này nằm ở đỉnh trong cơ cấu phân tầng, hai ĐH NUS và NUT nằm ở lớp giữa). Cũng cần lưu ý là: theo “Hiệp định thương mại Việt – Mỹ”, Việt Nam đã cam kết mở cửa cho Hoa Kỳ tham gia từng bước vào kinh doanh 53 ngành dịch vụ trong số 155 ngành dịch vụ theo phân loại của WTO, trong đó có dịch vụ GDĐH. Và theo lộ trình từ 10/12/2004 Hoa Kỳ có thể mở liên doanh về GDĐH và từ 10/12/2008 có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn của Hoa Kỳ để cung cấp dịch vụ GDĐH (Theo phương thức 2 “Hiện diện thương mại” và phương thức 4 “Hiện diện thể nhân”). Khi Việt Nam vào WTO, nhiều nước khác cũng sẽ được hưởng các quyền lợi đó.

GDĐH Việt Nam trong 18 năm qua đã phải đồng thời (1) Từng bước chuyển từ nền GDĐH truyền thống, có tính chất “tinh hoa” sang nền GDĐH cho số đông có tính chất “đại trà” (mass) với những triết lý GDĐH hoàn toàn khác và (2) Chuyển từ nền GDĐH được hoàn toàn bao cấp từ phía Nhà nước sang chế độ chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người học, cùng với sự chuyển đổi về cơ chế của nền kinh tế. Những chuyển đổi này là hết sức khó khăn và do vậy cũng là những thành tựu hết sức lớn lao.

Tuy nhiên do chưa có được sự chuẩn bị đúng mức cả về quan niệm cũng như các điều kiện đảm bảo cho đổi mới nên rất nhiều vấn đề gay cấn mới đã nảy sinh. Vì vậy, để tiếp tục đổi mới, rất cần một chương trình cải cách GDĐH cơ bản và toàn diệncó tính chất là mộthành động của toàn dân. Cải cách GDĐH không phải là đối phó với khủng hoảng và có thể gây ra những xáo trộn xã hội. Trong nhiều thập niên qua, làn sóng cải cách GDĐH nói riêng và cải cách GD nói chung đã xảy ra rất phổ biến trên thế giới. Thêm nữa, đây cũng là cơ hội để công chúng nhận biết và tham gia vào quá trình ra quyết định về GD. Từ đó cũng sẽ tạo được niềm tin đối với GDĐH, mà “niềm tin có vai trò căn bản trong phát triển cá nhân và xã hội” (UNESCO, 1996)

0