31/03/2021, 15:34

1 - 10 Bài văn nghị luận về ý nghĩa bài ca dao "Công cha như núi Thái Sơn..." (lớp 7) hay nhất

Đối với mỗi con người, cha mẹ chính là những người thân yêu nhất. Bởi vậy mà ca dao xưa từng có câu: “Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” Bài ca dao sử dụng những hình ảnh so sánh ...

Đối với mỗi con người, cha mẹ chính là những người thân yêu nhất. Bởi vậy mà ca dao xưa từng có câu:


“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”


Bài ca dao sử dụng những hình ảnh so sánh để nói đến công lao của cha mẹ. “Công cha” được so sánh với “núi Thái Sơn” - một ngọn núi có thật ở Trung Quốc. Đây là ngọn núi cao, có địa hình hiểm trở và từng trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn nhà thơ. Khi so sánh công ơn dưỡng dục của người cha với núi Thái Sơn, ta mới hiểu hết được sự lớn lao của cha. Tục ngữ có câu: “Con có cha như nhà có nóc”. Trên hành trình của sự trưởng thành, cha chính là người dạy dỗ con những điều hay lẽ phải, hướng con trở thành một người có đạo đức.


Tiếp đến là “nghĩa mẹ” được so sánh với hình ảnh “nước trong nguồn chảy ra” - dòng nước mát mẻ và tinh khiết. Hình ảnh so sánh gợi nhắc về những hy sinh của mẹ. Người mẹ mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày, sinh con ra và chăm sóc con từng miếng ăn giấc ngủ. Con lớn lên nhờ dòng sữa trong trẻo và ngọt ngào của mẹ. Ngay cả khi trưởng thành, dù có bất cứ khó khăn gì, đứa con vẫn đều tìm về bên mẹ để được vỗ về, yêu thương. Qua đây, mỗi người đã thấu hiểu được công cha, nghĩa mẹ.


Bất kỳ một người cha, người mẹ nào cũng đều yêu thương, lo lắng cho con cái của mình. Họ luôn mong muốn con có một cuộc sống hạnh phúc và bình an. Mỗi người hãy ý thức được điều đó để rồi biết đền đáp lại công ơn ấy. Con cần phải có tấm lòng yêu thương, kính trọng cha mẹ. Điều đó đôi khi xuất phát từ những lời nói, hành động vô cùng nhỏ bé. Đôi khi chỉ là một lời chào mỗi khi đi học hay khi về nhà. Hoặc ý thức giúp đỡ cha mẹ những công việc nhỏ trong nhà: nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Hay tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng học tập chăm chỉ, rèn luyện đạo đức. Đó là “đạo hiếu” mà mỗi người cần phải ghi nhớ và thực hiện.


Chỉ khi con người biết hiếu thảo với cha mẹ - những người có công ơn sinh thành dưỡng dục, thì mới biết trân trọng những người xung quanh. Một người con hiếu thảo trong gia đình cũng sẽ ý thức trở thành một trò giỏi trong nhà trường, một công dân tốt biết làm tròn nghĩa vụ và giúp ích cho đất nước ngày càng phát triển. Hiếu thảo cũng là một trong những truyền thống quan trọng của dân tộc Việt Nam.


Như vậy, bài ca dao đã để lại ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho con người. Với việc sử dụng nghệ thuật so sánh, cùng cách nói ngắn gọn giúp cho mỗi người cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc.

1

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0