Yêu cầu của việc duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
Muốn duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải thực hiện tốt các yêu cầu sau: Đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm yêu cầu này xuất phát từ mối quan hệ qua lại giữa tốc độ tiêu thụ ...
Muốn duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải thực hiện tốt các yêu cầu sau:
Đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm
yêu cầu này xuất phát từ mối quan hệ qua lại giữa tốc độ tiêu thụ sản phẩm với việc duy trì và mở rộng thị trường của doanh nghiệp. Đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm có nghĩa là tăng số lượng sản phẩm tiêu thụ, rút ngắn thời gian luân chuyển một đời sản phẩm - cũng có nghĩa là thị trường của doanh nghiệp được mở rộng.
Đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm tức là rút ngắn thời gian thực hiện giá trị của sản phẩm trên thị trường để bắt đầu chu kì mới của sản phẩm, rút ngắn thời gian hoà vốn. Do đó doanh nghiệp cần phải coi trọng công tác tiếp cận thị trường, lập phần giao dịch và tuyên truyền quảng cáo.
Mở rộng mặt hàng.
Muốn duy trì và mở rộng thị trường các doanh nghiệp luôn phải mở rộng mặt hàng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tức là cần phải đa dạng hoá sản phẩm, mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng bao gói sản phẩm đáp ứng ngày càng nhiều hơn những yêu cầu đa dạng của thị trường. Trên cơ sở đó việc mở rộng thị trường sẽ đựoc thuận lợi hơn.
Có chính sách giá hợp lý.
Trong nhiều trường hợp cần phải đảm bảo thị trường đó có một giá bán có thể chấp nhận được để có hiệu quả. Duy trì thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện có của doanh nghiệp đã là điều khó nhưng mở rộng thị trường lại càng khó hơn. Nguyên nhân cuả tình trạng này là do bức rào cản khá mạnh của các đối thủ cạnh tranh, thói quen tiêu dùng sản phẩm của người tiêu dùng. Lợi nhuận đem lại từ chính sách giá bán phải lớn hơn hoặc cùng lắm là bằng lãi suất nếu sử dụng vốn đó để gửi vào ngân hàng. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là đó là một nguyên tắc bất di bất dịch mà trong nhiều trường hợp tuỳ thuộc sản phẩm đang ở giai đoạn nào của chu kì sống mà người kinh doanh có thể bán với mức lợi nhuận thấp hơn lãi suất ngân hàng. Nhìn chung trong quá trình cạnh tranh, các doanh nghiệp đều phải chấp nhận những thua thiệt trong những thời điểm nhất định nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra vị thế trên thị trường và chiếm lĩnh thị trường.
Tạo dựng và giữ gìn chữ tín của doanh nghiệp.
Trong thực tế, khi sản phẩm đã có tín nhiệm thì chỉ nghe đến nhãn hiệu của nó người tiêu dùng đã yên tâm, tin tưởng bỏ tiền ra mua, cho nên tín nhiệm của sản phẩm trên thị trường chính là hiệu quả kinh tế của sản xuất kinh doanh và xét cho cùng đó chính là tiền.
Song việc tạo dựng uy tín của sản phẩm, của doanh nghiệp đối với khách hàng là một quá trình lớn. Muốn có, ngay từ sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường phải tạo được tiếng vang làm sao cho sản phẩm phải có những nét khác biệt, ưu việt hơn so với sản phẩm đang lưu hành trên thị trường, có thể không phải là tất cả thì ít ra cũng hơn các sản phẩm khác hoặc về chất lượng, hoặc về hình thức, mẫu mã hay tính năng.
Trong quá trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình công nghệ, kiên quyết không đưa sản phẩm không đạt chất lượng ra thị trường, phải liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng và hình thức sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm phải kèm theo tín nhiệm, đồng thời coi trọng ý kiến khách hàng, đặc biệt là những ý kiến phê bình về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong kinh doanh, tín nhiệm về sản phẩm mới chỉ là một mătj của vấn đề. Để đứng vững trong cạnh tranh, doanh nghiệp còn phải tạo dựng tín nhiệm về tác phong trong kinh doanh. Điều đó có nghĩa là trong kinh doanh phải chân thành, trung thực và cầu thị, phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong quan hệ với bạn hàng cũng như người tiêu dùng.