Vua Lê Trang Tông
Lê Trang Tông (chữ Hán: 黎莊宗,ở ngôi: 1533-1548) là vua nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Lê Duy Ninh (黎維寧). Ông còn được dân gian ưu ái cho mỹ danh nghèo nàn Chúa Chổm. Đầu thế kỷ 16, nhà Hậu ...

Lê Trang Tông (chữ Hán: 黎莊宗,ở ngôi: 1533-1548) là vua nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Lê Duy Ninh (黎維寧). Ông còn được dân gian ưu ái cho mỹ danh nghèo nàn Chúa Chổm.
Đầu thế kỷ 16, nhà Hậu Lê suy yếu. Sau khi các cuộc khởi nghĩa Trần Tuân, cha con Trần Cảo bị dẹp, quyền hành lọt vào tay các tướng lĩnh. Các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau. Cuối cùng, Mạc Đăng Dung thu được thắng lợi, giết hai anh em vua Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc (1527).
Năm 1533, cựu thần nhà Hậu Lê là Nguyễn Kim không phục nhà Mạc, chạy vào Thanh Hoá lập lực lượng riêng rồi đón lập Lê Duy Ninh tại Ai Lao, tức là Lê Trang Tông, tái lập nhà Hậu Lê.
Sử sách ghi Trang Tông là con của Lê Chiêu Tông, sinh năm 1514. Điều đó khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ vì khoảng cách giữa vua cha Chiêu Tông và vua con Trang Tông quá ngắn, chỉ có 8 năm. Nhà Mạc, trong biểu tâu nhà Minh, phân trần về việc cướp ngôi nhà Lê nói rằng: Nguyễn Kim dựng con mình lên ngôi, nói dối là con của vua Chiêu Tông.
Mặc dù vậy, Trang Tông vẫn là chỗ dựa cho lực lượng chống Mạc với danh nghĩa khôi phục nhà Lê. Mọi công việc chinh chiến chống nhà Mạc đều do Nguyễn Kim và con rể là Trịnh Kiểm đảm nhiệm.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị một viên hàng tướng nhà Mạc giết chết bằng thuốc độc, binh quyền từ Nguyễn Kim được chuyển qua tay Trịnh Kiểm.
Ngày 29 tháng giêng năm 1548 Trang Tông qua đời, hưởng thọ 34 tuổi. Trịnh Kiểm lập con ông là thái tử Huyên lên nối ngôi, tức là Lê Trung Tông.
Nguyên Hòa: 1533-1548
Giai thoại dân gian kể rằng Lê Duy Ninh ngày bé tên là Chổm, mẹ ông từng tình cờ được gặp vua Lê Chiêu Tông một lần khi vua đang bị Mạc Đăng Dung giam lỏng ở phường Đông Hà; sau đó có mang và sinh ra Chổm.
Chổm lớn lên nhà nghèo, phải đi vay mọi người để sống qua ngày và hứa sẽ trả đủ nợ. Bỗng gặp lúc Nguyễn Kim khởi binh chống nhà Mạc, tìm được Chổm là dòng dõi nhà Lê nên lập làm vua.
Công cuộc diệt Mạc thắng lợi, vua Chổm trở lại kinh thành Thăng Long. Khi đi qua làng cũ chỗ mẹ con Duy Ninh lánh nạn, một số người bán chịu cho Ninh ngày xưa đổ lại đòi tiền. Họ không biết Duy Ninh làm chức gì nhưng thấy được đi xe giá, quân lính hộ vệ thì chắc là Ninh đã thành đạt, nên họ nhắc lại lời hứa của Ninh. Có nhiều người không phải là chủ nợ nhưng cũng đổ xô lại yêu cầu, đòi hỏi. Người người tấp nập đầy đường, chỉ vào vua mà đòi nợ.
Nhà vua không biết ai và cũng không biết làm sao mà trả cho hết nên truyền miễn thuế một năm cho dân cả làng để trừ. Mặt khác, triều đình ra lệnh cấm những người đòi nợ được chỉ tay xúc phạm vua. Do đó con đường nhỏ có tên là Cấm Chỉ - ngõ có tên tồn tại đến ngày nay ở Hà Nội.
"Nợ như chúa Chổm" trở thành một thành ngữ chỉ những người thiếu nợ quá nhiều. Người đời có câu ca dao:
Vua Ngô ba mươi sáu tán vàng Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì Chúa Chổm mắc nợ tì tì Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô Giai thoại này không có thật. Trên thực tế Lê Duy Ninh tới hết đời vẫn chưa khôi phục được kinh thành Thăng Long.