06/02/2018, 00:32

Viết bài làm văn số 3 (bài làm ở nhà)

Hướng dẫn Đề: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay. MỘT SỐ BÀI THAM KHẢO: CON SẺ Tôi đi săn về và đi dọc lối vào vườn. Con chó chạy trước tôi. Chợt nó dừng chân và bắt đầu bò, như tưởng ...

Hướng dẫn

Đề: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) cótác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay.

MỘT SỐ BÀI THAM KHẢO:

CON SẺ

Tôi đi săn về và đi dọc lối vào vườn. Con chó chạy trước tôi. Chợt nó dừng chân và bắt đầu bò, như tưởng đánh hơi được vật gì. Tôi nhìn dọc lối đi và thấy một con sẻ non mép vàng óng, trên đầu có một nhúm lông tơ. Nó rơi từ trên tổ xuống.

Con chó săn lại gần, chậm rãi. Bỗng một con sẻ già có bộ ức đen nhánh, từ một cái cây gần đó, lao xuống như một hòn đá ngay trước mõm nó. Lông dựng ngược, thét lên một tiếng tuyệt vọng và thảm thiết, con sẻ nhảy hai, ba bước về phía cái mõm há rộng đầy răng.

Con sẻ già lao đến cứu con, lấy thân mình phủ kín sẻ con, nhưng cả người nó run lên vì khiếp sợ. Cái giọng nhỏ bé của nó nghe hung dữ và khản đặc; nó tê dại đi vì hãi hùng. Nó sẽ hi sinh, trước mắt nó là con chó như một con quỷ khổng lồ. Dẫu sao thì sẻ già vẫn có thể náu kín trên cành cây cao và chắc chắn kia. Song một sức mạnh lớn hơn ý muốn của nó đã cuốn nó xuống đất.

Con chó của tôi dừng lại và lùi… Phải hiểu cho nó, nó cũng biết là đằng trước nó có một sức mạnh. Tôi vội lên tiếng gọi con chó đang bối rối ấy và tôi lánh xa, lòng đầy thán phục.

Vâng, lòng tôi đầy thán phục, xin bạn đừng cười. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước con sẻ bé bỏng, dũng cảm kia, trước tình yêu của nó.

(I.Tuôcghênhep)

CHIẾC ÁO CŨ

Thoắt cái, những ngày tết đã qua rồi, nhanh thật! Ăn sáng xong, tôi định cắp sách đến trường thì có tiếng mẹ gọi giật lại:

– Hoa! Vào thay quần áo, nhanh! Sao con cứ mặc chiếc áo đó hoài vậy!

Tôi vẫn cắm cúi bước đi, làm bộ như không nghe thấy gì. Hồi lâu mới quay lại hỏi:

– Ứ ừ… Con không ra mặc cái áo ấy! Con thích cái này cơ!

Chả là đúng dịp tết, mẹ may cho tôi cái áo mới. Nhưng tôi đâu có thích. Tôi chỉ thích mặc tấm áo ngắn cũn cỡn này thôi. Tấm áo này đã cùng tôi che nắng, che mưa, nó cùng tôi đi học gần hai năm nay. Nó tuy cũ kĩ. Đúng! Nó đã cũ thật rồi. Nhưng sao tôi lại yêu thích nó đến như vậy. Tôi thường tự hỏi: “Vì sao mình lại thích nó nhỉ? Nó có gì đâu, chỉ là một mảnh vải thôi”. Mẹ tôi bực mình:

– Hoa! Con không nghe lời mẹ phải không? Vào nhà ngay!

Thấy điệu bộ giận dữ của mẹ, tôi đành nuốt nước mắt vâng theo. Vì tôi lại còn là một đội viên thiếụ niên tiền phong cơ mà. Tôi vứt cặp xuống giường và thay quần áo. Tôi vừa mặc chiếc áo mới vào người thì thấy nước da lạnh ngắt. Mặc chiếc áo này sao lại thấy rét thế nhỉ? Tôi tự hòi, lòng không khỏi ngạc nhiên. Tấm áo bà cho sao lại ấm hơn chiếc áo này thế không biết?

Ồ, tôi nhớ ra rồi, một điều thật đơn giản mà tôi không nghĩ ra. Đó là vì trong tấm áo đó có hơi ấm của bà. Nó lan truyền khắp cơ thể, tiếp cho tôi một sức mạnh nào đó khiến tôi có thế đương đầu với gió rét. Chao! Tấm áo bà cho mới thiêng liêng làm sao! Cháu sẽ giữ nó mãi mãi.

Những kỉ niệm năm xưa lại hiện về trong tâm trí tôi rõ mồn một.

Hồi đó tôi mới học lớp ba, ngây thơ và dại dột lắm. Năm ấy làng tôi bị mất mùa. Lúa ngô được hạt nào thì nộp sản lượng sạch sành sanh. Dạo đó lại đúng vào dịp tết. Nhà tôi đã túng lại càng túng hơn. Mẹ tôi không may sắm cho ai cả, phải mặc đồ cũ. Bỗng một niềm vui sướng đến với tôi: mẹ nhận được bức thư của bà ngoại gửi ra kèm theo tấm áo mà bà đã dành dụm tiền để mua cho tôi. Tôi vui mừng khôn xiết. Ngày nào cũng tung tăng chạy đi khoe với họ hàng. Thật thà mà nói là không đứa nào có chiếc áo đẹp như tôi. Đứa nào sang lắm là được một bộ đồ vải đen. Bọn trẻ trong xóm nhìn tôi với vẻ thèm thuồng. Đùng cái, một tin dữ lại đến với tôi: bà ngoại mất. Mỗi khi nhớ đến bà, tôi lại đem áo ra mặc, coi đó là một kỉ vật thiêng liêng nhất của bà để lại. Giờ mẹ tôi không cho mặc thì tôi giận lắm. Tôi vừa đi vừa gọi thầm trong hai dòng nước mắt đầm đìa:

– Bà ơ…i…!

Nhưng bà tôi không còn nữa. Bà đã vĩnh viễn không gặp lại tôi. Nhớ hôm nào đi học về gặp trời mưa to, quần áo ướt sạch, về nhà tôi chỉ thay quần, còn áo tôi cởi ra hong lửa cho khô. Mẹ tôi mắng yêu:

– Chao! Cái con bé này trung thành với bà ngoại dữ hè! Tấm áo ướt mà nó chẳng chịu thay.

Rồi mẹ nhìn tôi, mỉm cười âu yếm. Một buổi chiều nọ, tôi đi lao động, bị gai tre đâm vào làm tấm áo rách toạc một lỗ to tướng, về nhà thấy thế mẹ bảo tôi cất đi, nhưng tôi cương quyết vá lại cho bằng được. Không phải mẹ tôi khinh bạc tấm áo ấy đâu nhé! Mẹ chỉ sợ bà con hàng xóm cười cho là mẹ không mua được tấm áo mới cho tôi mặc. Giờ thì tấm áo ấy đã có hai miếng vá rồi đấy. Nhưng tôi vẫn yêu thích nó lạ lùng. Tôi bồi hồi nhắc đến bà: Bà ơi! Cháu sẽ không bao giờ quên bà đâu!

Tôi tự hứa với mình là sẽ mãi mãi giữ chiếc áo đó, sẽ cố gắng học giỏi để dưới suối vàng bà sẽ vui lòng. Tiếng ồn ào ở sân trường đã cắt đứt dòng suy tư của tôi. Tôi đã đến trường lúc nào mà chẳng hay. Tôi bước vào cổng trường trong tiếng chào đón ríu rít của các bạn.

(Lê Thị Thùy Nhung)

CHÚ BÉ VÀ CON CHIM NON

Phố phường đã rực đỏ hoa phượng, ve kêu râm ran suốt ngày. Hè đã đến rồi đấy! Kết thúc năm học tốt đẹp, cu Dũng được bố mẹ đưa về quê chơi. Thích quá! Thích thật!

Quê Dũng ở vùng đồi chè, rừng cọ. Về đây mới được vài hôm mà Dũng đã quen với tất cả. Ngôi nhà Dũng đến ở dưới chân núi, đối diện với đồi chè. Dũng thường theo chú và anh vào rừng hoặc lên núi kiếm củi. Vốn yêu thiên nhiên, Dũng cứ say mê ngắm rừng cọ lá xanh mướt, lóng lánh ánh mặt trời. Một điều làm Dũng thú vị nhất là chim. Chim ở đây không phải là một bầy, một loài mà là cả rừng vô số chim đủ loài, nhiều không đếm được. Loài chim nào cũng đẹp, hót cũng hay. Dũng rất muốn có một chú chim non. về nhà, Dũng lúi húi đan lồng. Chú Quang rất hiểu Dũng, chú kiếm bằng được cho Dũng một chú chim non. Dũng vui quá, cảm ơn chú rối rít rồi thận trọng ấp chú chim nhỏ vào ngực mình, từ từ đi về nhà.

Chú chim này có lẽ mới được vài ba tuần. Bộ lông của chim mịn như tơ. Lông trên cổ màu xanh biếc điểm những đường viền vàng tươi, cái mỏ nhỏ xíu đo đỏ, hồng hồng; hai cánh yếu ớt màu tím sẫm, lóng lánh vài nhánh hồng hoặc đỏ. Nó đang nằm gọn trong tay Dũng, mắt lim dim, ngực phập phồng sợ hãi.

Dũng đưa chim vào lồng và treo ở cây bưởi trước nhà. Chiếc lồng thật đẹp. Những nan tre ngà được Dũng chau chuốt tỉ mỉ bóng và sáng. Cửa lồng to, có hai râu tôm nhỏ làm đẹp. Trong lồng, ngoài hai chén nhỏ đựng thức ăn và nước còn có những cành cây bắc ngang thành bậc cho chim đậu.

Từ hôm có chim, cu Dũng quên tất cả để chăm sóc chim. Dũng xin bà những hạt đỗ xanh đem ngâm nước tróc vỏ cho chim ăn. Cu cậu còn bắt cào cào, châu châu, bọ ngựa hoặc đi kiếm quả ổi, chuối chín để tẩm bổ cho chim. Được như vậy chim còn sướng hơn ở rừng. Vậy mà chim vẫn buồn. Đến những con châu chấu béo mẫm được vặt càng, chim cũng chẳng buồn ngó tới. Nó nằm ủ rũ trong lồng nhìn ra khoảng không trong xanh quen thuộc. Nó nhớ rừng, nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè. Những khi nghe tiếng chim hót vang lên như gợi nhớ rừng, chim lại bật dậy nhảy khắp lồng, mong

tìm được một kẽ trống để thoát ra ngoài. Nhưng những thanh tre độc ác đã ngăn chim đến với tự do.

Rồi một hôm, có đôi chim từ đâu bay tới kéo theo một đàn chim cùng lứa với chú chim trong lồng. Đôi chim sà xuống cành bưởi thấp nhất vừa kêu vừa đập cánh dữ dội. Chú chim trong lồng vùng dậy, bất lực đập cánh một cách yếu ớt. Dũng bất chợt gặp cảnh ấy và em hiểu rằng: Đôi chim ấy là bố mẹ của chú chim trong lồng. Nhìn đàn chim đang ríu rít tập bay chuyền, Dũng đã khóc và suy nghĩ mãi. Thấy thế, mẹ bảo Dũng: "Thôi! Thả nó ra con ạ!”.

Hôm sau, đôi chim ấy lại đến. Nó can đảm đến gần Dũng kêu lên những tiếng như van lơn. Thế là Dũng quyết định. Em đến gần lồng chim, kiễng chân mở cửa lồng, đem chú chim đặt lên lòng bàn tay. Đôi chim bố mẹ chao liệng trên đầu Dũng, sung sướng gọi. Chú chim non bỡ ngỡ đứng dậy bằng đôi chân bé xíu… và bỗng nhiên bay vọt lên cao. Chim bố, chim mẹ cùng đàn con đậu trên cành bưởi quay về phía Dũng cúi đầu như cảm ơn rồi theo nhau bay vào rừng.

Hôm sau và nhiều hôm sau nữa, đàn chim ấy kéo đến cây bưởi nhà Dũng ngày càng đông. Con chim non ấy đậu lên vai Dũng, mổ mổ vào cánh tay như muôn rủ Dũng theo. Đàn chim đang tập bay chuyền. Chúng nó đùa chuyền từ cành này sang cành khác, hót líu lo. Dũng đi theo bầy chim vào rừng lúc nào không biết.

Trời! Một rừng chim hiện ra trước mắt. Dũng đang đứng giữa màu sắc kì lạ của chim và tiếng hót mê li của chúng. Dũng say mê ngắm nhìn. Thế giới lộng lẫy của các loài chim làm Dũng vừa ngạc nhiên vừa sung sướng. Chúng đang hót như chào mừng cậu bé. Dũng nghĩ: “Đây là món quà chú chim nhỏ ấy đã tặng ta”.

Dũng ngước nhìn lên, đàn chim xanh đang bay về phía trước. Một cái cổ xanh biếc quay lại phía Dũng. Bất chợt, Dũng giơ tay vẫy vẫy. Em nhìn theo đến khi đàn chim chỉ còn là cái chấm nhỏ.

(Trương Huyền Chi)

MỘT HÀNH VI HÀO HIỆP

[….] Khi tôi vào lớp [,..J thì thầy Péc-bô-ni vẫn chưa đến; vài ba hay bốn đứa đang hành hạ cậu Crốt-xi đáng thương, cái cậu tóc hoe, cánh tay bị liệt, có bà mẹ bán rau quả ấy. Chúng lấy thước đánh cậu; ném vỏ hạt dẻ vào đầu cậu; gọi cậu là con quỷ què và nhại cái tay của cậu. Một mình ở đầu ghế ngồi, Crốt-xi sợ hãi, nghe và nhìn khi đứa này khi đứa kia với đôi mắt van lơn, cầu chúng để cho yên thân. Nhưng bọn chúng mỗi lúc một làm già, đến nỗi cậu bắt đầu run lên và mặt đỏ bừng vì tức giận. Bỗng Phran-ti, cái thằng có bộ mặt tàn nhẫn ấy, đứng lên một cái ghế, làm bộ như ôm mỗi tay một cái sọt, nó nhại mẹ Crốt-xi khi bà đên đón con ở cổng trường. Mấy hôm nay, không thấy bà ta đến, vì đang ốm. Thấy diễn màn kịch câm ấy, học trò cười ầm lên. Crốt-xi liền mất bình tĩnh, chộp lấy lọ mực trước mặt và dùng hết sức ném vào Phran-ti. Nhưng Phran-ti tránh được và lọ mực trúng ngay vào giữa ngực thầy Péc-bô-ni vừa bước vào.

Tất cả học trò khiếp sợ, chạy về chỗ, và im thin thít như vừa có một phép lạ.

Thầy giáo tái mặt, bước lên bục và hỏi, giọng lạc hẳn đi: “Ai ném lọ mực?”.

Không một tiếng trả lời.

“Ai?” – thầy Péc-bô-ni nhắc lại giọng to hơn. Ga-rô-nê động lòng thương xót Crốt-xi, liền đứng dậy và nói quả quyết: “Thưa thầy, con ạ!”.

Thầy giáo nhìn Ga-rô-nê, rồi nhìn đám học sinh đang sửng sốt, và nói giọng bình tĩnh: “Không phải con”.

Sau một phút thầy lại nói: “Người có lỗi sẽ không bị phạt, cứ đứng dậy”.

Crốt-xi đứng dậy, vừa nói vừa khóc:

Thưa thầy, các bạn trêu con, chửi con, con mất bình tĩnh… con đã ném…

Con ngồi xuông, – thầy giáo bảo – và những ai đã khiêu khích bạn, thì đứng lên!

Bốn trong những đứa đã gây sự đứng dậy, đầu cúi gằm. Thầy Péc-bô-ni nói:

“Các cậu đã lăng mạ một người bạn không hề gây sự với mình, các cậu đã nhạo báng một người tàn tật, các cậu đã tấn công một em bé yếu đuối không có sức chống cự. Các cậu đã làm một việc hèn hạ nhất và nhục nhã nhất, có thể bôi nhọ lương tâm con người: các cậu là những kẻ hèn nhát!”. Nói xong, thầy bước xuống giữa chúng tôi, đi về phía Ga-rô-nê, thầy đến gần, cậu cúi đầu xuống. Thầy đưa tay xuống dưói cằm Ga-rô-nê, nâng đầu cậu ta lên nhìn thẳng vào mặt và nói: “Con quả có một tâm lòng cao quý!”.

Nhân lúc ấy, Ga-rô-nê ghé vào tai thầy, nói nhỏ mấy tiếng. Tức thì thầy quay lại bốn tên thủ phạm và bỗng nhiên bảo họ: “Thôi, thầy tha lỗi cho các con!”.

(Ét-môn-đô dơ A-mi-xi, Những tấm lòng cao cả, Hoàng Thiếu Sơn dịch, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2002)

Mai Thu

0