Vì sao người mộng du có thể tránh đâm đầu vào tường?
Nếu vẫn băn khoăn tại sao những người mộng du (người bị mắc bệnh vừa ngủ vừa đi - PV) lại có khả năng di chuyển đây đó mà không đâm vào các chướng ngại vật, kể cả những bức tường hoặc rào chắn, bạn có thể tìm thấy câu trả lời trong một nghiên cứu mới. >> Giải mã hiện tượng mộng du ...
Nếu vẫn băn khoăn tại sao những người mộng du (người bị mắc bệnh vừa ngủ vừa đi - PV) lại có khả năng di chuyển đây đó mà không đâm vào các chướng ngại vật, kể cả những bức tường hoặc rào chắn, bạn có thể tìm thấy câu trả lời trong một nghiên cứu mới.
>>
Giải mã hiện tượng mộng du
Các tế bào thuộc hệ thống định hướng trong bộ não khi chúng ta ngủ vẫn tích cực hoạt động như khi chúng ta thức .... (Ảnh: Corbis)
Các nhà khoa học Mỹ khám phá ra rằng, những tế bào định hướng trong bộ não khi chúng ta ngủ vẫn tích cực hoạt động như khi chúng ta thức. Phát hiện này dựa vào một khám phá hồi năm ngoái rằng, "hệ thống định vị" của bộ não, bao gồm các cụm tế bào nằm rải rác, đã mang lại cho chúng ta cảm nhận về phương hướng.
Nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York (Mỹ) đã tập trung tìm hiểu về "hệ thống định hướng đầu", vốn đóng vai trò như la bàn, ở chuột. Các tế bào não trong hệ thống này hoạt bát hơn bất cứ khi nào đầu của sinh vật chỉ về một hướng nhất định.
Các chuyên gia đã nghiên cứu sóng não ở chuột trong lúc ngủ, kể cả giai đoạn động mắt nhanh (REM), khi hoạt động mơ của con người diễn ra tích cực nhất và hoạt động điện não gần như không khác biệt với khi thức. Họ nhận thấy, trong khi ngủ sâu, "kim" của la bàn não ở chuột dịch chuyển cùng tốc độ với khi chúng thức.
... và đó là lí do giúp người mắc bệnh mộng du có thể di chuyển đây đó trong khi ngủ mà không va chạm với chướng ngại vật, chẳng hạn như các bức tường. (Ảnh: Corbis)
Tuy nhiên, trong giai đoạn sóng chậm của giấc ngủ, khi hoạt động não giảm đáng kể, "kim" của la bàn não tăng tốc gấp 10 lần, chứng tỏ các con chuột "nhìn ngó xung quanh" thậm chí còn nhiều hơn khi chúng thức.
Nhà nghiên cứu Gyorgy Buzsaki nhấn mạnh: "Chúng ta từ lâu đã biết rằng, bộ não vẫn làm việc trong khi chủ nhân ngủ. Tuy nhiên, chúng ta hiện khám phá ra cách nó đang hoạt động để thực hiện một trong các cảm nhận dường như tương đối đơn giản - định hướng đầu - hay cảm nhận về nơi cần quan sát ở bất kỳ không gian nào. Cảm nhận phương hướng là một phần thiết yếu của hệ thống dẫn đường của chúng ta, do nó có thể điều chỉnh la bàn và các bản đồ bên trong của chúng ta ngay lập tức, chẳng hạn như khi chúng ta ra khỏi ga tàu điện ngầm và cố gắng định hướng bản thân".
Khám phá trên có thể dẫn tới sự ra đời của các phương pháp chữa trị mới đối với những vấn đề về định hướng - một trong các triệu chứng quan trọng đầu tiên của bệnh Alzheimer và các rối loạn thần kinh khác.
Các nhà nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch thử nghiệm xem liệu việc định hướng đầu và tìm đường có thể được điều khiển bằng điện tử và dự đoán trước hay không.