Vì sao chim thường hay đâm vào máy bay?
Đã từ khá lâu bí ẩn về việc tại sao các loài chim có đủ độ nhanh nhẹn để tránh né mọi thứ lại bị đâm vào những chiếc máy bay hay xe tải không còn được nhắc đến do chưa có lời giải. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất từ phía các nhà khoa học đã phần nào giải thích được về hiện tượng này. Theo ...
Đã từ khá lâu bí ẩn về việc tại sao các loài chim có đủ độ nhanh nhẹn để tránh né mọi thứ lại bị đâm vào những chiếc máy bay hay xe tải không còn được nhắc đến do chưa có lời giải. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất từ phía các nhà khoa học đã phần nào giải thích được về hiện tượng này.
Theo các nhà khoa học Mỹ, họ đã tìm được nguyên nhân khiến nhiều loài chim thường hay đâm hoặc bị đâm vào máy bay, xe tải. Lý do chính được đưa ra đó chính là do loài chim không tính đến tốc độ của chướng ngại vật để tránh mà chỉ quan tâm tới khoảng cách giữa chúng và chướng ngại vật tại một thời điểm nhất định.
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều loài chim đâm hoặc bị đâm do máy bay hoặc xe tải bởi những phương tiện này thường có vận tốc khá nhanh, thường trên 120km/h. Hiện trạng này đã và đang gây nên cái chết cho hàng ngàn loài chim mỗi năm cùng với đó là tạo nên những thảm họa hàng không tiềm tàng. Theo Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA), có khoảng 9.000 con chim bị máy bay đâm trúng tại Mỹ mỗi năm và con số này chắc chắn không phải là tất cả vì còn khá nhiều những vụ chim tự đâm vào máy bay không được báo cáo khác.
Những vụ đâm vào chim thường không chỉ giết chết những con vật vô tội mà nó còn có thể làm bị thương các phi công nếu như chúng lao thẳng vào buồng lái. Ngoài ra, như đã nói nó cũng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của một chuyến bay bởi nhiều lúc chúng còn có thể gây hư hỏng động cơ của máy bay và dẫn tới nhiều sự cố nghiêm trọng khác.
Hậu quả của một vụ va chạm giữa máy bay và một con chim khi máy bay đang hạ cánh
Để tiến hành tìm hiểu rõ nguyên nhân về hiện tượng này của loài chim, một nhóm các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu thiên nhiên hoang dã thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Ohio, kết hợp cùng hai trường ĐH khác là Indiana và Purdue đã sử dụng công nghệ thực tế ảo để nghiên cứu chi tiết hơn về hiện tượng này.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng, những con chim mà họ nghiên cứu thường không thể tránh được những phương tiện giao thông có tốc độ di chuyển nhanh hơn 120km/h. Về cơ bản, chúng vẫn có thể tránh được cái chết không may này bằng cách chọn đúng thời điểm được cảnh báo và chuyển hướng bay khác như trong sơ đồ đã được các nhà khoa học tính toán dưới đây.
Trong một thí nghiệm đi sâu hơn, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên một con chim chìa vôi trong căn phòng tối. Bằng cách sử dụng công nghệ thực tế ảo, họ đã thử nghiệm con chim bị xe tải đâm nhiều lần với tốc độ từ 60 - 360km/h (tốc độ bay thường thấy của một số máy bay nhỏ và tốc độ cất cánh của một số máy bay thương mại).
Sau đó khi tiến hành đo phản ứng của con chim, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nó dường như phản ứng dựa trên khoảng cách chúng cảm nhận được với xe tải và thay vào đó thì bỏ qua tốc độ "khủng khiếp" mà chiếc xe tải đang lao tới.
Các nghiên cứu cũng thấy rằng, các loài chim thường có xu hướng bắt đầu bay khi đối tượng chỉ còn cách khoảng 30 mét. Đồng thời, do khoảng cách bắt đầu cất cánh và cảnh giác của loài chim có sự tương đồng với tốc độ của các phương tiện giao thông, nên chúng thường gặp nguy hiểm đúng vào những thời điểm mà tốc độ của các phương tiện cao hơn cả.
Trong khi hầu hết các loài chim đều có thể xử lý dễ dàng các tình huống với các đối tượng di chuyển chậm thì có vẻ như chúng lại gặp khó khăn trong việc tìm cách bay thoát được những đối tượng có tốc độ nhanh từ mức 120km/h trở lên, giống như xe tải và máy bay.
Hiện nay một số sân bay dùng chó để xua đuổi chim, tránh các tai nạn đáng tiếc lúc cất cánh và hạ cánh.
Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này sẽ cần phải được tiến hành thêm trong thời gian tới để kiểm tra xem kỹ thuật tránh né của các loài chim khác có tương đồng như vậy hay không. Thêm vào đó, các nhà khoa học cũng đã gợi ý một giải pháp về việc lắp đặt các đèn chiếu sáng đặc biệt trên máy bay giúp làm tín hiệu cảnh báo cho các loài chim từ xa. Hy vọng rằng, các nghiên cứu trên sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới và sớm được áp dụng vào thực tiễn để giải quyết vấn đề nhức nhối này của ngành hàng không.