28/02/2018, 15:55

Vì sao các chiến cơ thường bay đôi?

Trong quá trình huấn luyện, chiến đấu và làm nhiệm vụ trên không, các chiến cơ thường di chuyển theo đội hình, rất chặt chẽ và chính xác trong đó thường thấy là đội hình gồm 2 máy bay. Bay đội hình là hình thức di chuyển theo vị trí định sẵn, giữ khoảng cách nghiêm ngặt và hoạt động theo yêu ...

Trong quá trình huấn luyện, chiến đấu và làm nhiệm vụ trên không, các chiến cơ thường di chuyển theo đội hình, rất chặt chẽ và chính xác trong đó thường thấy là đội hình gồm 2 máy bay.

Bay đội hình là hình thức di chuyển theo vị trí định sẵn, giữ khoảng cách nghiêm ngặt và hoạt động theo yêu cầu của chỉ huy. Trong quân sự, các phi công lái máy bay chiến đấu sử dụng các đội hình riêng để bảo vệ lẫn nhau và tăng cường hỏa lực khi tấn công mục tiêu.

Trong dân sự, các máy bay sử dụng đội hình khi tham gia triển lãm hoặc lễ kỷ niệm. Ngoài ra, việc di chuyển theo đội hình còn giúp các máy bay tối ưu động lực học, giảm lực cản của không khí, tiết kiệm nhiên liệu.

Các chiến cơ ghép đôi trên bầu trời.
Các chiến cơ ghép đôi trên bầu trời.

Bay đôi

Chiến thuật bay đội hình ra đời từ Thế chiến I, khi đó các chiến cơ có nhiệm vụ hộ tống các máy bay do thám khi hoạt động trong không phận đối phương. Sau đó, các đội hình toàn chiến cơ nhanh chóng xuất hiện vì điều này giúp họ tăng cường khả năng phòng thủ cũng như tấn công.

Vào năm 1918, đội hình bay nhỏ nhất bắt đầu hình thành với 2 máy bay chiến đấu. Các phi công Đức khi đó là Oswald Boelcke, Max Immelmann và Manfred von Richthofen là những người thực hiện đầu tiên và đưa ra những quy định nghiêm ngặt khi bay theo đội hình.

2 chiến cơ yểm trợ máy bay ném bom.
2 chiến cơ yểm trợ máy bay ném bom.

Theo nhiều trang mạng hàng không, khi di chuyển với đội hình 2 máy bay, các chiến cơ được chia thành chỉ huy và hỗ trợ. Khi đó, máy bay hỗ trợ có nhiệm vụ che chắn các góc dễ bị tấn công cho máy bay chỉ huy, giúp máy bay chỉ duy tập trung vào tấn công mục tiêu mà không bị đánh úp.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, các đội hình chiến đấu thường nhiều hơn 2 chiến cơ. Nhiệm vụ chủ yếu của các cặp chiến cơ bây giờ là áp tải các máy bay lạ ra khỏi không phận quốc gia hoặc bay bảo vệ các mục tiêu đặc biệt.

Điều này nhằm đảm bảo các mục tiêu được áp tải hoặc bảo vệ không thể thoát khỏi tầm kiểm soát của các chiến cơ.

Biến thể

Xuất phát từ bay cặp, trong thời gian giữa Thế chiến I và Thế chiến II, các phi công bắt đầu sáng tạo thêm các đội hình bay mới với sự tham gia của nhiều hơn 2 chiến cơ. Từ đây, họ đưa ra những hình dáng, vị trí và khoảng cách khác nhau cho từng nhiệm vụ.

Trong điều kiện thời tiết xấu, hoạt động gần sân bay hoặc đơn giản là bay trình diễn, họ sẽ bay ở cự ly gần. Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ trong không phận đối phương hoặc những nhiệm vụ có khả năng phải bẻ lái, đổi hướng đột ngột, tăng nguy cơ va chạm, các chiến cơ sẽ điều giãn đội hình.

Đội hình bay 3 chiến cơ.
Đội hình bay 3 chiến cơ.

Trong khi bay cự ly gần, các chiến cơ có thể chỉ cách nhau vài mét thì ở đội hình chiến đấu, khoảng cách này có khi lên đến hàng trăm mét.

Khi bay ở các đội hình chiến đấu, quá trình điều hướng, liên lạc và quyết định chiến thuật được đưa ra bởi phi công chỉ huy, thường là người có kinh nghiệm nhất của phi đội. Các phi công hỗ trợ có nhiệm vụ nghe theo sự chỉ đạo của chỉ huy và duy trì một khoảng cách nhất định với máy bay dẫn đầu.

Vì bay cạnh các máy bay ở cự ly gần rất nguy hiểm nên trong cả quân sự và dân sự, kỷ luật, kinh nghiệm, khả năng dự đoán và những quy tắc luôn được duy trì. Các thông báo được đưa ra ngắn gọn để phi công có thể nghe, phân tích và phối hợp nhịp nhàng. Do đó, không ai ngoài chỉ huy được phép đưa ra khẩu lệnh qua radio.

0