Vén màn "đội đặc nhiệm" săn lùng đĩa bay của nước Pháp
Mỗi năm thế giới đều có hàng ngàn báo cáo phát hiện vật thể bay không xác định (UFO, gọi nôm na là đĩa bay), nhưng không nhiều quốc gia sẵn lòng tiêu tiền điều tra các thông tin kiểu này như nước Pháp. Bạn không cần tới một chiếc máy thời gian khi viếng ...
Mỗi năm thế giới đều có hàng ngàn báo cáo phát hiện vật thể bay không xác định (UFO, gọi nôm na là đĩa bay), nhưng không nhiều quốc gia sẵn lòng tiêu tiền điều tra các thông tin kiểu này như nước Pháp.
Bạn không cần tới một chiếc máy thời gian khi viếng thăm trụ sở Trung tâm không gian Pháp ở Toulouse, bởi nơi đây khiến người ta có cảm giác như họ đang ở trong thời kì những năm 1970. Các tòa nhà ở đây mang phong cách giống thời Liên Xô cũ, để lộ ra ít dấu hiệu của sự sống, dù rằng bên trong nó vẫn có tới 1.500 người làm việc.
Làm sáng tỏ hết mức có thể về đĩa bay
Pháp hiện có cơ quan hàng không, không gian lớn nhất châu Âu. Đây là kết quả từ cuộc chạy đua lên không gian trong những năm 1960 và từ tham vọng lớn của Tổng thống Charles de Gaulle, trong việc giúp Pháp trở nên độc lập với Mỹ về nghiên cứu không gian khi tự chế vệ tinh, hệ thống phóng tên lửa riêng...
Một hệ quả từ tất cả những điều trên là Pháp hiện cũng là quốc gia duy nhất tại châu Âu còn duy trì một cơ quan nghiên cứu đĩa bay, hoạt động toàn thời gian. Anh và Đan Mạch cũng từng có các cơ quan tương tự, nhưng chúng đã bị đóng cửa cách đây mấy năm do cắt giảm ngân sách.
Đĩa bay xuất hiện trên bầu trời Marseille thực tế chỉ là hình ảnh phản chiếu của một bóng đèn trong xe hơi
Đơn vị nghiên cứu đĩa bay của Pháp có 4 nhân viên và khoảng 10 tình nguyện viên, được trả tiền để tới thực địa kiểm tra các báo cáo về việc nhìn thấy đĩa bay trên trời. Đội săn lùng dấu vết đĩa bay này được gọi là Geipan, từ viết tắt của Nghiên cứu nhóm và thông tin về các hiện tượng hàng không không gian chưa xác định.
Sếp của nhóm là Xavier Passot. Ông cho biết nhiệm vụ của mình và cộng sự là phải minh bạch hết mức có thể khi điều tra và giải thích về các vụ phát hiện đĩa bay được báo với đội.
Đội Geipan xuất bản kết quả điều tra trên trang web của họ, thu hút khoảng 30.000 lượt người đọc mỗi tháng. Nhóm nhận được trung bình 2 báo cáo về đĩa bay mỗi ngày. Các báo cáo chỉ được chấp nhận nếu người ta lập một hồ sơ chi tiết dày 11 trang theo mẫu có sẵn.
Việc này không chỉ nhằm đảm bảo những người tiến hành báo cáo cung cấp đủ thông tin chi tiết, gồm cả ảnh chụp về đĩa bay, mà còn hạn chế đáng kể những kẻ thích trêu ghẹo và làm lãng phí thời gian của đội.
Vẫn có hàng trăm vụ không thể giải thích nổi
Một khi hồ sơ được chấp nhận, hoạt động điều tra sẽ được tiến hành. Nếu có ai đó tuyên bố đã nhìn thấy ánh sáng lạ trên trời, đội Geipan sẽ lên mạng để xem địa điểm quan sát thấy hiện tượng lạ có nằm trên một tuyến đường bay nào hay không.
Hình vẽ minh họa về một vụ đĩa bay đổ bộ vào năm 1979
Đội có thể lần theo dấu vết hoạt động giao thông trên không, trong vòng 1 tuần trước thời điểm đó. Đội còn được tiếp cận với lộ trình bay của máy bay quân sự, bên cạnh việc có thể liên lạc thường xuyên với không quân Pháp và các cơ quan kiểm soát không lưu.
Đôi khi nếu nhân viên trong đội cảm thấy những bức ảnh được gửi tới giống như thuộc về một âm mưu phá quấy, hoặc vài nhân chứng báo cáo về một hiện tượng quá giống nhau, họ sẽ mời cảnh sát vào cuộc. Cảnh sát sẽ có nhiệm vụ làm rõ xem các nhân chứng có đáng tin hay không. Họ thậm chí còn có thể hỏi hàng xóm của nhân chứng xem đêm nhìn thấy đĩa bay, họ có ra ngoài uống rượu hay dùng ma túy không.
BBC cho biết các bức ảnh, bằng chứng được gửi tới đội Geipan cho thấy nhiều khung cảnh rất ấn tượng. Một bức, do một người đi xe hơi chụp được, cho thấy một vòng tròn sáng lóa đang lơ lửng phía trên bầu trời Marseille. Nhưng nhóm Geipan đã xác định được rằng vòng tròn này thực ra chỉ là hình ảnh của một bóng đèn nhỏ trong xe, phản chiếu lên kính xe. Người chụp đã ngồi trong xe, ghi hình Marseille từ phía sau tấm kính và vô tình thu được cảnh đĩa bay ấn tượng kể trên.
Thực sự thì đội Geipan có thể giải thích cho gần như mọi hiện tượng nhìn thấy đĩa bay. Bạn có thể sẽ bất ngờ nếu biết đèn trời được thả lên trong các bữa tiệc tổ chức thâu đêm là "thủ phạm" khiến nhiều người tưởng đĩa bay ghé thăm Trái đất. Bóng bay và các con diều bay lững lờ trên trời cũng thường bị nhầm lẫn với tàu vũ trụ tới từ hành tinh khác. Cuối cùng phải kể tới các mảnh thiên thạch bốc cháy và phát ánh sáng lạ khi đi vào bầu khí quyển Trái đất.
Tuy nhiên vẫn có khoảng 400 trường hợp phát hiện đĩa bay, bắt nguồn từ những năm 1970, mà đội Geipan không thể giải thích nổi. Vụ bí ẩn nhất liên quan tới một chiếc đĩa bay đã hạ cánh gần vùng Aix-en-Provence vào năm 1981. Đội Geipan đã xem xét vụ này rất nghiêm túc vì đĩa bay còn để lại dấu vết hạ cánh và sự việc được nhiều người chứng kiến. Tuy nhiên sau thời gian điều tra kéo dài, họ vẫn không thể giải thích được rằng điều gì đã gây ra hiện tượng dị thường đó.