Văn mẫu lớp 7: Cảm nhận mới về bài "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan
Văn mẫu lớp 7: Cảm nhận mới về bài "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan Cảm nhận về bài "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan Cảm nhận mới về bài "Thăng Long thành hoài ...
Văn mẫu lớp 7: Cảm nhận mới về bài "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan
Cảm nhận mới về bài "Thăng Long thành hoài cổ"
Văn mẫu lớp 7: Cảm nhận mới về bài "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh tham khảo để hiểu rõ về đoạn trường của tác giả trước cảnh hoang tàn của cố đô đất Bắc để chuẩn bị tốt cho bài giảng của học kì mới sắp tới đây của mình.
Cảm nhận mới về bài "Thăng Long thành hoài cổ"
Thăng Long thành hoài cổ
Bà Huyện Thanh Quan
Tạo hoá gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Trong những cuộc săn tìm những bài thơ hay, có giá trị cao về nghệ thuật và nội dung của văn học trung đại Việt Nam, chắc chắn ta không thể quên những bài thơ nôm nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan. Trong đó có bài “Thăng Long thành hoài cổ”.
Cát bụi thời gian đã cuốn trôi và xóa nhòa mất không ít những tài năng, những thành quả tốt đẹp của con người. Song, cũng rất may mắn khi chúng ta còn lưu giữ được 6 bài thơ nôm đặc sắc của Bà Huyện Thanh Quan, một bậc hiền tài mà tiếng thơm còn lưu danh muôn thuở. Đọc chùm thơ nôm của Bà, nhất là bài “Thăng Long thành hoài cổ”, ta càng hiểu thêm phần nào về tâm hồn, tài năng văn chương uyên bác của bà cũng như tình cảnh đất nước lúc bấy giờ. Bà là một hình ảnh đẹp, một niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam thế kỉ XVIII.
Đất nước ngập chìm trong đau thương, ngang trái. Ngai vàng không còn có mặt trời chân lý mà chỉ có những kẻ ngang tàng đầy quyền uy ngự trị. Sự đổi thay đó đã đem đến cho nhà thơ những tiếng thơ đau lòng, bi thương, tiếc nuối thời vàng son đã đi vào dĩ vãng. Tâm trạng ấy, nỗi lòng ấy không chỉ có trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” mà rất rõ ràng trong bài “Thăng Long thành hoài cổ”.
Từ hai câu mở đầu, tác giả đã nêu lên một vấn đề quan trọng của thế thời:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Không một dấu chấm hỏi, không một dấu chấm than mà câu thơ nghe như lời trách móc ai oán. Tác giả trách Tạo hóa, cỗ máy vạn năng của vũ trụ sao cứ sinh sự ra cho người trần thế những nỗi khổ đau. Trời đất đã sinh ra con người, cho họ được sống, lẽ nào lại cứ khiến xui ra những cuộc tranh giành đẫm máu. Phải chăng đời chỉ là những sân khấu mà tạo hóa đã dàn dựng nên những vở kịch để thưởng thức nó rồi lại xóa nhòa đi tất cả.
Đời người, xã hội như một cõi sắc sắc không không, có đấy rồi lại mất đấy. Hình ảnh sống động, đẹp đẽ của hôm nào đã không còn nữa. Cái hôm nay đã trở thành cái của ngày mai, ngỡ tưởng như giấc chiêm bao. Cái trôi qua nhiều khi lại là cái ta yêu, ta quý nhất nên không khỏi chạnh lòng tiếc nuối. Là một bậc trung quân ái quốc, nặng lòng với nhà Lê theo lý tưởng phong kiến, Bà Huyện Thanh Quan không thể dễ dàng đón nhận triều đại mới với những chính sách tàn bạo của triều Nguyễn. Tấm lòng bà luôn hướng tới thời vợ chồng bà làm quan cho nhà Lê và coi đó là thời vàng son của mình. Bởi vậy, tâm sự hoài cổ kín đáo, u hoài chính là đặc điểm nổi bật trong chùm thơ đường luật nổi tiếng của bà. Đặc biệt, Bà Huyện Thanh Quan còn là người luôn trân trọng, gìn giữ những gì là tốt đẹp của lịch sử dân tộc. Những tinh hoa, truyền thống, cốt cách đẹp đẽ của dân tộc đã trở thành thiêng liêng, bất khả xâm phạm với người quân tử. Ai đã dẫm đạp lên những thành tựu ấy, dẫm đạp lên sự thiêng liêng ấy cũng là dẫm đạp lên cõi lòng thi sĩ. Đâu phải “tạo hóa” mà chính là do con người gây ra. Mượn trách Tạo hóa, thi sĩ ngầm ý lên án mạnh mẽ hành động phi lý của triều Nguyễn đã hủy hoại bao công trình kiến trúc, di tích văn hóa của kinh thành Thăng Long, biến Thăng Long thành mảnh đất hoang tàn, trở về vùng thôn quê để thực hiện cuộc dời đô về Huế, xây dựng một cõi quyền uy, ăn chơi bậc nhất thế gian, làm cho dân tình khánh kiệt. Thành cổ Thăng Long, kinh đô đông vui và đẹp như truyền thuyết bị phá bỏ. Đó là nỗi đau đớn không chỉ của thi sĩ mà của toàn thể người dân Thăng Long, người dân miền Bắc bấy giờ.
Bước chân đi trên thành cổ xưa mà lòng thi sĩ quặn đau khôn xiết:
Lối xưa ngựa cũ hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Hai câu thơ được phác họa bằng những hình ảnh đối xứng, vẽ nên bức tranh hoang tàn, sầu thảm của thành cổ Thăng Long thời đó. Những cảnh hoa lệ, phồn thịnh của phố xá với những con đường tấp nập ngựa xe, những cậu Hoàng cô Chiêu, những ông to bà lớn xen lẫn với những sĩ tử, thị dân thanh lịch không còn nữa. Lối cũ đưa tác giả trở về hoài niệm. Con đường thì vẫn còn đây mà cảnh xưa chỉ còn là ảo ảnh. Không có con đường mà đến cả những lâu đài nguy nga, tráng lệ cũng bị phá hủy điêu tàn. Chỉ còn “lối xưa - nền cũ”, vết tích của thời thịnh vượng. Là người sống trong thời kì đó, được tận mắt chứng kiến sự đổi thay đó nên tác giả càng xót xa, đau đớn. Một nồi buồn, nỗi đau đớn lớn lao hòa cảm với mọi người, hòa cảm với cả những linh hồn đã khuất của đất Thăng Long. Nhìn cảnh hiện tại chạnh lòng nghĩ tới chuyện xưa, bà không sao chịu nổi:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nếu như hai câu trên là bức tranh tả thực rõ đến từng đường nét thì hai câu luận bộc lộ thái độ rất mãnh liệt. Tác giả đã chọn hai đối tượng là “đá - nước” để gửi gắm lòng mình, thổi linh hồn vào đó bằng những cụm từ miêu tả nội tâm đặc sắc “trơ gan - cau mặt”. Hàm ý của hai câu luận rất sâu và rộng. Những tảng đá, mặt nước, trời đất như vẫn còn kia...tất cả được cảm nhận như những nhân chứng quan trọng nhất của lịch sử. sự phối hợp chặt chẽ, logic của phần thực và luận trở nên rất hoàn chỉnh. Thi sĩ không chỉ là viết thơ mà như đang làm việc của một luật sư, một thẩm phán tối cao tập hợp đầy đủ vật chứng, nhân chứng để kết tội, lên án tội ác tàn phá thành cổ Thăng Long của triều Nguyễn. Lịch sử sẽ mãi mãi còn nhắc đến, vạch tội, lên án hành động tội ác ấy, không bao giờ dung tha.
Sự đổi thay u uất của thành cổ là sự thật đã trở thành đề tài lớn để tác giả hướng tới một chủ đề tư tưởng:
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Ta lại bắt gặp một câu thơ tuyệt bút mà ít thi sĩ có được “Ngàn năm gương cũ soi kim cổ”. Một câu thơ có bút pháp cổ điển rất cao. Tác giả dùng ẩn dụ, so sánh “gương cũ” và nhân hóa ở từ “soi” nhằm xoáy sâu vào chuyện nhà Nguyễn tàn phá Thăng Long là chuyện mà thời gian không thể xóa nhòa. Các từ đồng nghĩa chỉ thời gian vừa là từ thuần Việt, vừa là từ Hán Việt được xếp sắp chặt chẽ ở vị trí đầu và cuối câu theo tình ý nghệ thuật hoàn hảo, sâu sắc như một lời tuyên án.
Những câu thơ tuyệt bút đó thường chỉ có ở người có tài năng sáng tác điêu luyện, có độ dài của sự hiểu biết và sự từng trải. Một nhà phê bình văn học Trung Quốc đã nhận xét rằng:
“Những câu thơ có sức sống nhất là những câu thơ diễn tả được chiều dài của lịch sử. Những câu thơ đó chỉ có được ở các bậc thiên tài”.
Ở Trung Quốc, ta đã bắt gặp câu thơ tuyệt vời như vậy:
Nghìn năm tuyết núi song in sắc
(Tuyệt cú)
Ở Việt Nam, Cụ Nguyễn Khuyến cũng từng có câu như vậy:
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
(Thu vịnh)
Câu thơ này của Bà huyện Thanh Quan lại là lời lên án, kết tội hùng hồn, đanh thép. Lấy lịch sử và thời gian làm lý lẽ luận tội, lên án thì quả là không có từ ngữ nào sắc sảo hơn thế. Hậu thế sẽ còn mãi mãi nhắc đến tình cảnh đất nước thời đó cùng nỗi đau tan nát lòng của bà “cảnh đấy người đây luống đoạn trường”. Câu cuối là câu thơ miêu tả tâm trạng đặc sắc, hiện lên chân dung tâm hồn, tính cách của tác giả đang đứng trước sự thật, đang đối diện với sự thật đau lòng này, đang đứng trước nỗi đau lớn lao này. Cùng với từ Hán Việt “đoạn trường” súc tích, có giá trị biểu cảm cao, tác giả đã bộc lộ sâu sắc cảm nhận của mình như đang phải trải qua những ngày tháng đau thương nhất của cuộc đời và của cùng dân tộc. Đó cũng là những từ ngữ đã tạo nên âm điệu buồn bã như tiếng kêu xé lòng trước tiếc nuối, đau thương.
“Thăng Long thành hoài cổ” là một bài thơ hay, có giá trị cao cả về nghệ thuật và nội dung, tư tưởng. Bài thơ mang đậm phong cách cổ điển, chính xác đến từng câu chữ, từng phép đối, thanh điệu theo thi pháp thơ Đường. Với nghệ thuật ẩn dụ, từ ngữ biểu cảm, tác giả đã tạo nên nhiều ngầm ý nghệ thuật và tạo nên nhiều cảm xúc sâu sắc cho người đọc. Qua bài thơ, ta không chỉ ngưỡng mộ tài năng thi ca uyên bác mà càng ngưỡng mộ hơn vẻ đẹp phong cách, tâm hồn, trí tuệ của nữ sĩ.