08/02/2018, 00:06

Văn biểu cảm về sự vật, con người – Bóng dừa

Văn biểu cảm về sự vật, con người – Bóng dừa Hướng dẫn Đi trong cái nắng chang chang và bức bối giữa những dãy nhà bê tông, thấy thèm làm sao bóng dừa rợp mát ở quê nhà cùng những món ăn thời thơ ấu. Cái nắng chang chang những ngày tháng tư khiến bóng mát toen hoẻn ở cây dừa ...

Văn biểu cảm về sự vật, con người – Bóng dừa

Hướng dẫn

Đi trong cái nắng chang chang và bức bối giữa những dãy nhà bê tông, thấy thèm làm sao bóng dừa rợp mát ở quê nhà cùng những món ăn thời thơ ấu.

Cái nắng chang chang những ngày tháng tư khiến bóng mát toen hoẻn ở cây dừa cảnh nơi góc một ngã tư cũng trở thành quý giá. Tôi lại nhớ đến những hàng dừa rợp bóng ở quê nhà. Ngay cả những ngày nắng như trút thế này, khu vườn nhà tôi vẫn mát rượi, chỉ nghe xào xạc tiếng lá cọ vào nhau qua những cơn gió thoảng.

Tuổi thơ tôi là những ngày chơi nhà chòi, chơi đồ hàng dưới bóng râm của vườn dừa, hay ôm trái dừa điếc làm phao nhảy xuống ao bên nhà tập bơi. Đó còn là những ngày quẩn quanh bên bà, chờ bà vắt nước cốt dừa rồi xin xác dừa trộn màu đem bán. Gấp giấy báo thành một cái thúng vuông xinh xinh bằng bàn tay, rồi mỗi thúng là một màu dừa, bày ra trước hè. Lũ con nít chúng tôi, đứa nào nhà chẳng có dừa, nhưng vẫn bày ra mua bán với nhau. Hàng nào pha màu đẹp thì sẽ đắt khách. Tiền để trao đồi là những cọng dây thun. Chỉ thế thôi mà thành một cái chợ nhộn nhịp, nhất là vào những ngày hè.

Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng phí phạm thế, vì cơm dừa nạo rang cho se se thơm thơm là món ăn vặt dễ ghiền. Còn bữa nào đổ bánh xèo thì nhất thiết phải cho vào ít cơm dừa nạo, bánh xèo lúc đó mới thật béo. Nếu dừa rang phải chọn dừa hơi cứng mình, thì dừa đỗ bánh xèo lại phải là thứ cơm dừa vừa, dày hơn cháo một chút đủ để dẻo và thơm, đủ để người ăn phải luyến lưu món bánh xèo đặc trưng của miền Tây.

Cái kiểu ăn của người miền Tây là vậy, món ăn phải có vị béo của dừa mới thấy ngon. Như món tép rang dừa. Chẳng hiểu sao má tôi vẫn gọi đó là tép rang, mặc dù lớn rồi tôi thấy gọi là rim mới đúng nghĩa, nhưng cũng đã quen với cách gọi của má tôi mất rồi. Hôm nào má tôi làm món này thì mấy anh em tôi cứ ghẹo nhau bụng lòi mặt trăng, tức là ăn no quá đến nỗi tưởng như bụng nứt ra thành hình trâng khuyết, như trái bong bóng lúc bơm căng quá độ.

Cái món này phải chọn tép vừa thôi, to quá không thấm, nhỏ quá ăn vào thấy vỏ không. Con tép ướp xong đem đảo trong nồi cho sắt lại rồi trút nước cốt dừa vào rim nhỏ lửa. Nhìn đĩa tép rang bóng lên cái màu đỏ cam hòa cùng nước cốt dừa, khó ai cầm lòng cho đặng, cắn một miếng, nghe cái vị của nước cốt dừa thấm vào từng sớ thịt tôm, vừa thơm vừa béo.

Còn món thịt kho hột vịt thì không thể thiếu nước dừa tươi nguyên chất. Chẳng cần phải ngày tư ngày tết, bữa nào làm dưa chua là má tôi lại kho nồi thịt. Kho mà để đó, chưa ăn, hôm sau mới kho lại lần nữa. Lúc này, nước dừa mới thực sự thấm, miếng thịt cho vào miệng cứ tan ra, ăn kèm dưa chua vừa ngấu thì ngon không lời nào tả nổi.

Gặp hôm cha tôi đi đặt trúm thì nhà lại có món lươn um nước cốt dừa. Tôi thường có nhiệm vụ đi bứt lá nhàu và nhổ vài cây sả ở hàng rào trước cửa để má tôi làm món này. Phải lót sả ở dưới, lươn ở giữa và lá nhàu bên trên. Cho nước dão dừa vào nấu đến khi sắc lại mới thêm nước cốt dừa, um đến khi lươn thấm. Món này được xem là một đặc sản quê tôi mà từ hồi lên Sài Gòn đến giờ tôi chưa từng được thưởng thức lại.

Một món mà đến giờ Sài Gòn đã xem là đặc sản, đó là cổ hủ dừa. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu ăn cổ hủ dừa, đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con đuông dừa trắng nõn mập ú nơi ngọn dừa ngã ngang. Lần đó, lũ chúng tôi được chén một bữa đuông dừa nướng thỏa thuê. Từng chú đuông bị kẹp trong thanh tre chẻ đôi, đem nướng và xoay tròn trên lửa than cho đến khi vàng giòn. Chẳng cần bất cứ một thứ nước chấm nào, tự con đuông đã đủ ngon và béo, ăn một lần là thấm thìa. Người ta nói vì đuông ăn cổ hủ dừa, thứ rau củ ngon vào bậc nhất nên mới có vị tuyệt vời như vậy. Nên dù hiếm người dám ăn vì hình dáng dễ sợ của nó, đuông vẫn là món đặc sản đắt tiền. May thay tôi không phải là người yếu bóng vía nên đã thưởng thức được món ăn dành cho vua chúa này.

Lại nói đến cồ hủ dừa. Dù ở xứ dừa nhưng ngày ấy quê tôi cũng ít ăn cồ hủ, vì không nỡ chặt hạ một cây dừa nào. Nhưng những dịp hiếm hoi có dừa hư gốc hay ngã ngọn, chúng tôi lại được thưởng thức món ăn này. Một cái cổ hủ dừa ngày ấy phải chia cho mấy nhà dùng chung.

Cổ hủ làm món gì cũng ngon cũng ngọt. Đơn giản nhất là cắt miếng vuông to, hầm với sườn hay giò heo, món măng hầm cứ gọi là thua xa tít. xắt sợi rồi xào cũng tuyệt, nhưng tuyệt nhất vẫn là đổ với bánh xèo, thay cho giá. Từng xỏ bột cứ vơi vèo vèo. Người này đổ mệt thay người khác vào, đổ cho cả xóm cùng ăn. Miếng bánh xèo còn nóng, rìa bánh giòn tan, thêm cổ hủ dừa giòn sừn sựt, đậu xanh béo bùi và con tôm đất ngọt vị ngọt sông tất cả dễ làm người đi xa rồi phải quay quắt trong miền nhớ.

Ước gì có chút bóng dừa trong cái nắng chang chang và không khí bức bối của những dãy nhà cao tầng này!

0