Vai trò của yếu tố thần kì trong “Tấm Cám”
Vai trò của yếu tố thần kì trong “Tấm Cám” Hướng dẫn Lên con thuyền thời gian trở về với những thiên truyện kể xa xưa, những trang cổ tích đã làm say đắm lòng ta từ thời thơ trẻ. Hẳn thời thơ bé ấy có lúc ta tự hỏi tại sao cô Tấm lại có thể bước ra từ quả thị? Bao ...
Vai trò của yếu tố thần kì trong “Tấm Cám”
Hướng dẫn
Lên con thuyền thời gian trở về với những thiên truyện kể xa xưa, những trang cổ tích đã làm say đắm lòng ta từ thời thơ trẻ. Hẳn thời thơ bé ấy có lúc ta tự hỏi tại sao cô Tấm lại có thể bước ra từ quả thị? Bao yếu tố tình tiết li kì ấy như một phép nhiệm màu thôi miên tâm hồn thơ bé còn nhiều ngây ngô của ta. Như mọi truyện cổ tích khác Tấm Cám cũng được dựng lên từ nhiều yếu tố li kì. Hãy đi sâu vào khám phá thế giới thần kì của thiên truyện để thấy hết ý nghĩa giá trị to lớn của nó và cũng để giải mã cho sự nghi hoặc đã được đặt ra từ thời thơ bé của ta.
Cổ tích là một loại truyện kể dân gian, là sản phẩm được hun đúc, kết tinh từ trí tưởng tượng của nhân dân. Khi con người bế tắc trước hiện thực cuộc sống thì tìm đến khát vọng ước mơ làm lối giải thoát và từ đó cổ tích đã ra đời. Được ra đời trong khi xã hội đã xuất hiện giai cấp nên cổ tích chủ yếu phản ánh sự đấu tranh xã hội, phản ánh mâu thuẫn giai cấp mà chủ yếu là mâu thuẫn giữa kẻ áp bức và người bị áp bức. Như một yếu tố không thể thiếu của truyện cổ tích yếu tố thần kì góp phần vào việc giải quyết mâu thuẫn ấy.
Quay trở lại với câu truyện Tấm Cám ta thấy yếu tố thần kì đã xuất hiện như một sự tất nhiên không thể thiếu. Đọc cổ tích ta thấy không vắng bóng được hình ảnh của ông bụt, bà tiên đó là lực lượng thần thánh, siêu nhiên mang lại sự huyền bí, lạ kỳ và thúc đẩy tình tiết truyện phát triển, ông Bụt, bà tiên thường hiền từ độ lượng, như người cha, người mẹ, chỉ có điều là họ có khả năng vô tận, có thể đem đến mọi điều may mắn mà người cha, người mẹ bình thường không phải bao giờ cũng đem đến cho con cái được. Và ông bụt trong Tấm Cám đã xuất hiện giữa cuộc đời khổ cực, bị mẹ ghẻ đầy đoạ của cô Tấm cho cô quần áo đẹp đi dự hội, cho cô được lấy hoàng tử để không phải sống cuộc sống khổ cực nữa. Những phép màu mà ông bụt ban cho Tấm trong truyện chúng ta cần chú ý đến đôi giày thần kì. Đôi giày nhỏ nhắn, xinh xắn kì diệu ấy đã trở thành vật giao duyên bởi nhờ nó mà cô thiếu nữa xinh đẹp kia mới biết và lấy được vua. Đôi giày đã là cái mối hôn nhân. Cái duyên của đôi lứa, đã mang lại hạnh phúc và giải thoát cho cuộc đời khổ cực của Tấm. Nếu không có đôi giày mang phép màu thần kì của ông bụt chắc Tấm sẽ mãi mãi là cô gái chỉ biết quẩn quanh làm công cụ lao động cho mụ dì ghẻ độc ác kia. Sự xuất hiện của yếu tố thần kì này góp phần thể hiện ước mơ khát vọng của nhân dân ta. Đó là khát vọng được thoát khỏi cuộc sống khổ cực, bị áp bức bóc lột, mơ ước có được cuộc sống hạnh phúc no ấm và bình đẳng. Như vậy, yếu tố thần kì này có vai trò nói lên khát vọng của con người trước hiện thực bế tắc không lối thoát. Trước hiện thực ấy không biết làm gì chỉ còn biết gửi gắm những nỗi niềm vào ước mơ, khát vọng.
Chưa dừng lại ở đó câu chuyện còn được tiếp tục phát triển bằng các yếu tố tình tiết kì lạ nữa. Cô Tấm khi bị Cám hãm hại chết đi, nhưng kì lạ thay đã biến thành chú chim vàng anh xinh đẹp, rồi cây xoan đào, khung cửi dệt vải và cuối cùng là quả thị. Bốn lần hoá thân này, tác giả dân gian không đơn thuần nói lên sự luân hồi của con người, của cuộc đời như thuyết duy tân của tôn giáo. Mà điều quan trọng ở đây tác giả dân gian muốn nói lên đó là sự phản kháng vươn lên quyết liệt của Tấm. Không chịu khuất phục trước cái ác, cái xấu, cái bất công, Tấm đã vươn lên bằng mọi giá và cuối cùng đã chiến thắng, mặc dù sự chiến thắng này có được là nhờ sự trợ giúp của các yếu tố thần kì. Sự phản kháng này của Tâm chính là cuộc đấu tranh giai cấp giữa người bị áp bức và kẻ áp bức. Vậy một lần nữa yếu tố thần kì lại góp phần thể hiện khát vọng ước mơ chiến thắng cái ác, cái xấu, áp bức bất công của nhân dân lao động. Nhờ vậy mà đưa đến kết thúc có hậu cho truyện, điều này phù hợp với tâm lí truyền thống nhân đạo xưa nay của dân tộc ta.
Như vậy yếu tố kì diệu siêu nhiên chính là thư pháp nghệ thuật gắn với nội dung lãng mạn của truyện. Tác giả dân gian cũng như thính giả dân gian để cho trí tưởng tượng bay bổng theo những sự kiện kì diệu trong truyện không phải vì thực tâm tin – ít ra thì cũng không hoàn toàn tin – rằng những sự kiện đó là có thực nhưng chủ yếu là vì những sự kiện đó cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề mà thực tế cuộc sống trong xã hội cũ chưa cho phép giải quyết hoàn toàn như ý muốn như ước vọng của nhân dân. Yếu tố thần kì trong cổ tích xét cho kĩ không phải chủ yếu là sản phẩm của đầu óc mê tín mà là phương diện cần thiết cho tác giả dân gian có thể đưa sự phát triển tình tiết theo ý muốn của mình. Nhờ vậy mà Tấm Cám đã thể hiện được tất cả những gì mà tác giả dân gian gửi gắm. Đó là khát vọng ước mơ, là quan niệm triết lí về cuộc sống, cuộc đời với quy luật nhân quả từ nghìn đời nay của cha ông.
Tôi thiết nghĩ nếu thiếu đi những yếu tố thần kì thì những câu chuyện cổ tích sẽ ra sao? Có lẽ nó sẽ trở thành một mảnh đất khô cằn mà cây đời không thể bám rễ vào hút những dòng tươi mát như bây giờ. Và khi nghe truyện cổ tích mà không tin theo, rung cảm theo những sự việc kì diệu, không để cho trí tưởng tượng và tình cảm của mình bay bổng theo sự việc, nhất là sự việc hoang đường ở trong truyện thì không thưởng thức hết được ý nghĩa của truyện.
Thu Trang