14/01/2018, 23:29

Tuyển tập 101 đề đọc hiểu có đáp án

Tuyển tập 101 đề đọc hiểu có đáp án Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn Ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn: 101 đề đọc hiểu có đáp án Để đạt được điểm tối đa cho phần đọc hiểu các bạn học sinh ...

Tuyển tập 101 đề đọc hiểu có đáp án

Ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn: 101 đề đọc hiểu có đáp án

Để đạt được điểm tối đa cho phần đọc hiểu các bạn học sinh đang ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn hãy nhanh tay tải ngay tài liệu: . Tài liệu giúp các bạn học sinh chuẩn bị tốt cả về mặt kiến thức và kỹ năng cho kì thi THPT Quốc gia. 

Tuyển tập 20 đề thi đọc hiểu luyện thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Một số đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi THPT Quốc gia năm 2017

TUYỂN TẬP 101 ĐỀ ĐỌC HIỂU CÓ ĐÁP ÁN

Đề 1: Đề minh họa kì thi THPT QG năm 2015-2016 của Bộ GD

Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4: ...

(1) Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian. Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Kể làmsao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng sách vở?

(2) Ta cũng được tự do, muốn đi đâu thì đi, ngừng đâu thì ngừng. Bạn thích cái xã hội ở thời Đường bên Trung Quốc thì đã có những thi nhân đại tài tả viên "Dạ minh châu" của Đường Minh Hoàng, khúc "Nghê thường vũ y" của Dương Quý Phi cho bạn biết. Tôi thích nghiên cứu đời con kiến, con sâu – mỗi vật là cả một thế giới huyền bí đấy, bạn ạ – thì đã có J.H.Pha-brow và hàng chục nhà sinh vật học khác sẵn sàng kể chuyện cho tôi nghe một cách hóm hỉnh hoặc thi vị.

(3) Đương học về kinh tế, thấy chán những con số ư? Thì ta bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai. Hoặc không muốn học nữa thì ta gấp sách lại, chẳng ai ngăn cản ta cả."

(Trích Tự học – một nhu cầu thời đại – Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2003)

Câu 1. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Trong đoạn (1), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,25 điểm)

Câu 3. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng khi "thấy chán những con số" thì "bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai"? (0,5 điểm)

Câu 4. Anh/chị hãy nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng của mình. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,25 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8: ...

Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng

(Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Theo Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội nhà văn, 2010)

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên. (0,25 điểm)

Câu 6. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng đầu của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 7. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 8. Anh/chị hãy nhận xét quan niệm của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: Mẹ ru cái lẽ ở đời – sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,25 điểm)

Và dưới đây là đáp án của Bộ GD&ĐT:

Câu 1. Câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản: Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy.

Câu 2. Thao tác lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ lập luận so sánh/ so sánh. HS Trả lời đúng theo một trong các cách trên

Câu 3. Tác giả cho rằng khi"thấy chán những con số" thì "bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai", bởi vì "coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai" sẽ giúp ta thư giãn đầu óc, tâm hồn cởi mở, phóng khoáng hơn, làm cho đời sống đỡ nhàm chán, trở nên thú vị hơn. Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4. Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,25: Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo hướng trên
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Nêu 02 tác dụng của việc tự học nhưng không phải là quan điểm riêng của bản thân mà nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho;
    • Nêu 02 tác dụng của việc tự học nhưng không hợp lí;
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý, không có sức thuyết phục;
    • Không có câu trả lời.

Câu 5. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm/biểu cảm.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo 1 trong 2 cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 6. Hai biện pháp tu từ: lặp cấu trúc (ở hai dòng thơ bao giờ cho tới...), nhân hóa (trong câu trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm).

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng 2 biện pháp tu từ theo cách trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 biện pháp tu từ theo cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 7. Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ thể hiện hồi tưởng của tác giả về thời ấu thơ bên mẹ với những náo nức, khát khao và niềm vui bé nhỏ, giản dị; đồng thời, cho thấy công lao của mẹ, ý nghĩa lời ru của mẹ và nhắn nhủ thế hệ sau phải ghi nhớ công lao ấy.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ 2 ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
  • Điểm 0,25: Trả lời được 1 trong 2 ý trên; trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
  • Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời

Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về

0