Tuyển sinh ĐH 2017: Sẽ "mở" đầu vào
Trao đổi tại hội thảo quốc tế Việt Nam học sáng nay, 15/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, "điểm trũng" nhất của giáo dục Việt Nam chính là chất lượng giáo dục đại học. Số sinh viên trên số dân của Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng 250 sinh viên/1 vạn dân, trong khi bình quân là 450. Số ...
Trao đổi tại hội thảo quốc tế Việt Nam học sáng nay, 15/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, "điểm trũng" nhất của giáo dục Việt Nam chính là chất lượng giáo dục đại học.
Số sinh viên trên số dân của Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng 250 sinh viên/1 vạn dân, trong khi bình quân là 450. Số lượng các trường ĐH của Việt Nam vào khoảng 261 trường, cũng không phải nhiều. Tuy nhiên, yếu tố đảm bảo chất lượng đại học của Việt Nam thì chưa tốt.
"Yếu tố đảm bảo chất lượng đại học của chúng ta đúng là không "ra hồn" đại học như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói" - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Trong khi đó, sau một thời gian tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng chưa bền vững, nhiều doanh nghiệp đã "chết lâm sàng" dẫn đến thị trường lao động không mở, cung nhiều nhưng nhu cầu lao động ít, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao.
Theo Bộ trưởng Nhạ, một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam chính là tự chủ đại học. Tuy nhiên, để thực hiện điều này không đơn giản mà là một quá trình đầy khó khăn.
Nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình khi thực hiện tự chủ đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017, Bộ xác định tăng cường quyền tự chủ của các trường, đồng thời tăng cường "hàng rào kỹ thuật" để các trường ĐH phải có trách nhiệm.
Cụ thể, khi các công bố đề án tuyển sinh thì phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng.
Ông Nhạ cho biết, trước đây có yêu cầu công khai nhưng rất "mù mờ", thậm chí có hiện tượng số lượng giảng viên báo cáo thì nhiều nhưng tham gia giảng dạy thì rất ít.
Bộ GD-ĐT sẽ không giới hạn đầu vào tuyển sinh, nhưng các trường phải công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng để xã hội biết và giám sát.
"Năm nay, Bộ sẽ hỗ trợ các trường bằng một cổng thông tin cung cấp tất cả dữ liệu về điểm, nguyện vọng và các trường tự vào chọn. Trường nào làm tốt, chất lượng thì sinh viên sẽ vào học nhiều. Ngược lại, trường nào không có học sinh thì tự phải đóng cửa".
"Lúc đó trường nào thực hiện sai thì Bộ sẽ phạt. Chúng ta tăng cường hậu kiểm chứ không kiểm soát bằng chỉ tiêu".
Bộ trưởng Nhạ cũng nhấn mạnh tới vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các trường ĐH mà cụ thể là hiệu trưởng và các chủ tịch hội đồng trường.
Theo ông Nhạ, hiện nay, hội đồng trường vẫn chưa có thực quyền nhưng tới đây, khi thực hiện tự chủ thì phải tìm ra mô hình để các hội đồng trường có thực quyền, quyết định những vấn đề quan trọng nhất của trường.
Theo Lê Văn - theo Vietnamnet