Tư tưởng Pháp gia
Tư tưởng Pháp gia Cuối thời Chiến Quốc là giai đoạn hình thành quan hệ sản xuất phong kiến. Giai cấp địa chủ đã giành được vai trò chủ đạo ở cơ sở hạ tầng của xã hội, nhiệm vụ còn lại của họ là lật đổ kiến trúc thượng tầng, hoàn thành quá trình phong kiến hóa. ...
Tư tưởng Pháp gia
Cuối thời Chiến Quốc là giai đoạn hình thành quan hệ sản xuất phong kiến. Giai cấp địa chủ đã giành được vai trò chủ đạo ở cơ sở hạ tầng của xã hội, nhiệm vụ còn lại của họ là lật đổ kiến trúc thượng tầng, hoàn thành quá trình phong kiến hóa.
Cuối thời Chiến Quốc là giai đoạn hình thành quan hệ sản xuất phong kiến. Giai cấp địa chủ đã giành được vai trò chủ đạo ở cơ sở hạ tầng của xã hội, nhiệm vụ còn lại của họ là lật đổ kiến trúc thượng tầng, hoàn thành quá trình phong kiến hóa. Giai cấp địa chủ muôn dùng bạo lực nhanh chóng kết thúc cục diện phân tán, các chư hầu thôn tính lẫn nhau để thống nhất đất nước, quyền lực tập trung về một mối, trật tự phải được sắp xếp lại, sức lao động cần phải được bảo vệ... Tư tưởng của phái Pháp gia là phản ánh tư tưởng, ý chí của giai cấp địa chủ vào cuối thời Chiến Quốc. Hàn Phi là đại biểu tiêu biểu cho phái này.
Hàn Phi (khoảng 280 - 233 Tr. CN). Xuất thân trong một gia đình khá giả ở nước Hàn, cùng vởi Lý Tư theo học Tuân Huống. Ông là người có tư tưởng duy vật tiêu biểu của thời Xuân Thu - Chiến Quốc.
Học thuyết của Hàn Phi chủ yếu bàn về vấn đề chính trị - xã hội mà ít bàn đến những vấn đề thuộc về bản thể. Tuy nhiên qua các thiên "Giải Lão", "Dụ Lão" (tức là giải thích tư tưởng của Lão Tử trong sách "Lão Tử"), ta cũng phần nào biết được tư tưởng triết học của ông. Hàn Phi đã kế thừa và phát triển những yếu tố có tính chất duy vật về tự nhiên của Lão Tử và Tuân Tử, ông giải thích tính khách quan, quy luật về sự phát sinh, phát triển của vạn vật, phủ nhận Hữu thần luận. Ông cho rằng, "Đạo" là quy luật phổ biến của giới tự nhiên về sự hình thành của giới tự nhiên, nó tồn tại vĩnh hằng không thay đổi, là cái siêu tự nhiên, là cái “Một” thần bí khó hiểu; "Đức" là cái công của "Đạo”, là cái "bản thân mình hiểu được"; sở dĩ "hiểu được" vì "Đức là "cái lý sâu sắc phổ biến"; cái lý sâu sắc phổ biến tức là cái Một ("Đạo") đã phân chia, sự vật đã có hình dáng cụ thể và biến hóa bất thường. Ông nói: "Hễ vật có hình thì dễ phân chia. Tại sao nói như vậy ? có hình thì có dài ngắn, có dài ngắn thì có lớn nhỏ, có lớn nhỏ thì có tròn vuông, có tròn vuông thì có cứng mềm, nặng nhẹ, trắng đen gọi là Lý, Lý đã định mà vật dễ chia". Theo ông là phải nắm lấy cái "lý" của vạn vật luôn biến hóa bất thường (tức quy luật khách quan) để hành động cho phù hợp. Ông nói: Tiết chế là một cái thuật, xuất phát từ "Đạo" mà phục tùng "Lý". Hàn Phi khẳng định rằng cái "Lý" của vạn vật là có thể nhận thức được, nhưng cũng như Lão Tử, ông không đi sâu và triển khai tiếp nhận thức như thế nào, mà ông xuất phát từ cơ sở nhận thức đó chuyển sang những vấn đề về chính trị xã hội.
Về tư tưởng chính trị: Cũng như Chư Tử lúc bấy giờ, Hàn Phi phê phán gay gắt hiện thực, nhưng có điều khác là ông đã nhìn nhận hiện thực đúng hơn và đề ra biện pháp khắc phục duy vật hơn.
Ông đưa ra lý luận "Chứng nghiệm ", phê phán kịch liệt quan niệm Tiên vương có tính chất tôn giáo (mà thực chất là phản ánh chế độ quan hệ xã hội dựa trên huyết thống) của Chư Tử: "Nay muốn xét cái đạo của Nghiêu, Thuấn thuộc ba nghìn năm về trước, thì ý nghĩa không thể chắc đúng được ! Không tham khảo chứng nghiệm mà cứ chắc đúng là ngu, không thể chắc đúng mà cứ theo, là bịa đặt giả dối. Cho nên kẻ dựa hẳn vào Tiên vương, tin chắc ở Nghiêu. Thuấn không phải ngu thì là bịa đặt giả dối", ông cho rằng hiện tượng "nhà nho mặc áo đeo gươm thì nhiều mà những người cày ruộng đánh giặc thì ít; những lời bàn thuyết đạo lý suông thì được đề cao mà pháp lệnh thì bỏ" hoặc “thiên hạ đều lấy cái đạo hiếu đễ, trung thuận cho là phải, mà không biết xét cái đạo ấy cho rõ rằng thực tế mà theo" là cái gốc của sự suy yếu của nước, là cái gốc của "loạn". Do vậy ông chủ trương: phải dẹp bỏ cái học "không đàm khoát luận" vô ích mà phải chú trọng đến thực tế; phải chú ý đến "những người cày ruộng đánh giặc"; cần phải theo phép Hậu vương, tức là đạo của vua Nghiêu, Thuấn không có gì chứng thực là có và đúng, do vậy không thể lấy làm chuẩn mực cho nền chính trị bây giờ. Và ông kết luận có tính lý luận là: "Đời khác thì việc khác, việc khác thì pháp độ phải khác", ông kiên trì, kiên quyết đổi mới chế độ chính trị theo con đường pháp trị. Ông cho rằng: "Nước của kẻ minh chủ thì lệnh là lời nói rất quí, phép là việc làm rất phải. Lời nói không có hai cái quí, phép không có hai cái phải. Cho nên lời nói và việc làm không theo phép lệnh là cấm“. Ông cũng nêu rõ, cái thiết yếu của pháp luật là ở chỗ phải trình bày rõ ràng, trình bày công khai ra chỗ trăm họ; "Ai giữ pháp luật cẩn thận thì thưởng, ai trái pháp lệnh thì phạt" công minh... vế lý luận pháp luật, Hàn Phi cũng nêu ra hai tư tưởng đáng chú ý: Thứ nhất, ông cho rằng cũng như cái “lý" của mọi sự vật là luôn luôn biến đổi, bất thường, cho nên "không có thứ pháp luật nào luôn luôn đúng", do vậy phải "chứng nghiệm" mà thường xuyên thay đổi cho phù hợp; Thứ hai, xuất phát từ thuyết "tính ác" của Tuân Tử, ông cho bản chất con người là tự tư tự lợi, do vậy phải nắm lấy tâm lý "tránh hại hám lợi" của con người mà định ra pháp luật, huống thường phạt để duy trì trật tự xã hội.
Về luân lý đạo đức: Hàn Phi cho rằng, mọi thứ luân lý đạo đức trong quan hệ giữa người với người như Trung, Tín, Hiếu, Nhân... đều được xây dựng trên cơ sở tính toán lợi hại cá nhân. Chẳng hạn, ông cho rằng người cố nông cày cấy thật tốt ruộng đất của chủ, chủ đối đãi tốt, trả tiền công hậu, không phải họ xuất phát từ lòng thương yêu lẫn nhau, mà thực chất hai bên đều có tính toán, quan tâm đến quyền của mình. Ông cũng cho rằng có người giàu, người nghèo là do có người chịu lao động và khéo tiết kiệm, có người lười biếng và xa xỉ, do vậy hiện tượng người bóc lột ngưòi là hiện tượng bình thường trong xã hội.
Tư tưởng chính trị, đạo đức của Hàn Phi về cơ bản là tư tưởng tiến bộ so với yêu cầu của lịch sử lúc bấy giờ. Sau khi ông chết, học thuyết chính trị của Hàn Phi được nhà Tần hết sức đề cao, trở thành thứ vũ khí lý luận quan trọng đưa nhà Tần đến thành công trong việc kết thúc cục diện phân tán, thống nhất đất nước.
soanbailop6.com