Truyện cười: Vợ tôi học lái xe
Vợ tôi thi đỗ và chuẩn bị được cấp bằng lái ô tô, dù là sau tới 5 lần thi lại lý thuyết và 8 lần thi lại thực hành, thì với tôi, đó vẫn là cái tin sốc nhất trong năm. Sốc đến nỗi dù ngày mai, báo chí có đưa tin là danh ca Chế Linh chuẩn bị phát hành album nhạc thiếu nhi mang tên “Mười năm ...
Vợ tôi thi đỗ và chuẩn bị được cấp bằng lái ô tô, dù là sau tới 5 lần thi lại lý thuyết và 8 lần thi lại thực hành, thì với tôi, đó vẫn là cái tin sốc nhất trong năm. Sốc đến nỗi dù ngày mai, báo chí có đưa tin là danh ca Chế Linh chuẩn bị phát hành album nhạc thiếu nhi mang tên “Mười năm tình cũ”, hay các tiến sĩ sử học có đưa ra kết luận rằng trùm giang hồ Năm Cam và nhà văn Nam Cao là hai chị em khác cha khác mẹ, thì tôi cũng vẫn thấy những cái tin ấy quá tầm thường và dửng dưng, mặc kệ…
Tôi không rõ ông nào đã bất cẩn mà cấp bằng cho vợ tôi, nhưng tôi nghĩ là ông ấy nợ những người tham gia giao thông đường bộ (và thậm chí là đường thủy) – ở những khu vực mà vợ tôi sắp lái xe qua – một lời xin lỗi, bởi ông ta đã vô tình làm tăng mức độ rủi ro mà những người tham gia giao thông đó có khả năng sẽ gặp phải khi chẳng may đi cùng đường với vợ tôi.
Vừa lấy bằng về xong, vợ dí ngay cái bằng vào mặt tôi, rồi ngửa tay ra, yêu cầu tôi giao chìa khóa xe để vợ tự lái về quê thăm mẹ. Tôi run run móc chìa khóa trao cho vợ mà thấy lòng ngập tràn một nỗi lo sợ xen lẫn đau đớn, xót xa vô cùng khó tả – rất giống với tâm trạng hôm làm lễ cưới ở nhà thờ, lúc cha đạo yêu cầu tôi trao nhẫn cho vợ và tuyên bố rằng từ nay con sẽ phải sống suốt đời cùng người phụ nữ này dù có phải trải qua bao khổ nhục, đắng cay.
Nhìn con xe mình hết mực nâng niu và ra sức gìn giữ bấy lâu đang bị vợ bạo hành mà tim tôi đau như bị hoạn. Chiếc xe hệt như con ngựa trung thành, không ưa chủ mới, nó bất mãn, gầm rú, rung lên bần bật rồi mãi mới chịu loằng ngoằng lao đi…
Vừa đi được một lát, đã thấy vợ gọi điện về: “Anh ơi! Nếu cái thằng xe đằng trước nó nhấp nháy đèn bên trái, tức là nó sắp rẽ trái, và mình phải tránh về bên phải đúng không anh?”. “Ừ! Đúng rồi”. Ít phút sau, vợ lại gọi: “Anh ơi! Nếu cái thằng xe đằng trước nó nhấp nháy đèn bên phải, tức là nó sắp rẽ phải, và mình phải tránh về bên trái đúng không anh?”. “Ừ! Đúng rồi”. Và chửa kịp đặt máy xuống, đã lại thấy vợ gọi: “Anh ơi, cái thằng xe đằng trước, nó vừa nhấp nháy đèn bên trái, vừa nhấp nháy đèn bên phải tức là sao anh?”. “À, là nó báo nó sẽ đi thẳng đó em!”. “Vậy ạ! Thế mà em cứ suy nghĩ mãi, chả biết nó rẽ bên nào để tránh”. “Rồi em làm thế nào?”. “Dạ! Vì không biết tránh bên nào nên em tông thẳng vào đít nó rồi”.
Được một lúc nữa, vợ lại gọi: “Anh ơi! Công an cầm gậy bằng tay phải và chỉ về hướng bên phải tức là xe mình được phép đi về bên phải đúng không anh?”. “Còn tùy xem là ở ngã ba hay ngã tư, có đèn tín hiệu hay là vòng xuyến hay không nữa em ạ!”. “Không, không phải ngã ba ngã tư, mà đang đường thẳng tắp, tự nhiên có anh công an lao ra, cầm gậy bằng tay phải và chỉ về bên phải cơ mà!”. “Trời ạ! Vậy là em đi quá tốc độ, hoặc đè vạch, sai làn, nên công an mới lao ra dừng xe em lại để xử phạt đó”. “Vậy à! Thế mà em cứ tưởng anh ấy ra hiệu cho em đi về bên phải, nên em cũng lượn sang bên phải rồi phóng qua”. “Rồi sao nữa?”. “Dạ! Em thấy anh công an lao theo, bám vào gương, rồi trườn lên nắp capo của xe”. “Rồi sao nữa?”. “Em tưởng anh ấy muốn xin đi nhờ xe nên em phanh gấp lại”. “Rồi sao nữa?”. “Phanh gấp lại xong thì em lại không thấy anh ấy đâu, em nghĩ anh ấy không muốn đi nhờ xe nữa, nên em phóng đi luôn!”…
Ơn trời, cuối cùng tôi cũng có thể thở phào khi nghe vợ báo tin là đã về đến quê an toàn. Tuy vậy, giọng vợ có vẻ buồn buồn: “Xe mình bị chập rồi anh ơi: em gạt cái que để bật xi-nhan thì cái thanh gạt mưa nó lại hoạt động, còn em gạt cái que để bật thanh gạt mưa thì cái đèn xi-nhan nó lại hoạt động”. Tôi cố ghìm giọng, bảo: “Ai chập thì không rõ, nhưng chắc chắn xe nhà mình không chập: cái que mà em nghĩ là để bật xi-nhan ấy chính là cái que để bật thanh gạt mưa. Còn cái que mà em nghĩ là để bật thanh gạt mưa thì nó lại là cái que để bật xi-nhan, hiểu chưa?”.
Tưởng yên rồi thì đến chiều, lại nghe giọng vợ qua điện thoại thất thanh: “Anh ơi! Xe mình bị trộm vặt mất vô lăng rồi! Em không thấy cái vô lăng đâu cả”. Tôi hơi ngạc nhiên, vì trộm vặt gương, vặt logo, vặt đèn, hay thậm chí vặt bánh xe thì tôi đã nghe, chứ vặt vô lăng thì tôi chưa thấy bao giờ. Tôi bảo vợ bình tĩnh, kiểm tra kỹ lại coi. Vợ xem xét một hồi thì gọi lại, cười: “À! Thấy rồi anh ơi! Vô lăng vẫn còn ở ghế trước, em vội quá ngồi nhầm vào ghế sau nên nhìn mãi không thấy đâu, tưởng mất!”.
Gần tối, vợ mới lái xe từ quê lên đến nơi. Tôi định ra chợ mua đồ ăn thì vợ bảo không cần vì có đồ ăn rồi. Xong vợ mở cốp, lôi ra hai con chó, ba con gà và bốn năm con vịt: tất cả chúng đều đã qua đời, mồm há ra, mắt trợn ngược – chứng tỏ chúng đã phải chịu một cái chết đầy oan ức và tức tưởi. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì vợ đã giải thích ngay: “Là tại chúng nó sang đường không quan sát nên lao vào xe em đấy!”. À! Hóa ra, đây là những nạn nhân – à nhầm, không phải nạn nhân, mà là “nạn súc vật” – đã thiệt mạng dưới vô lăng của vợ tôi trên quãng đường hơn 10 ki-lô-mét từ quê lên đây. Tất nhiên, nhà tôi không thể xơi hết số tử thi ấy, đành gọi mấy ông bợm nhậu trong khu đến khuân bớt đi giúp cho.
Từ đó, mỗi lần nghe tin vợ tôi đang lái xe ở quê lên là mấy bợm nhậu đã đợi sẵn trước cửa nhà tôi để chực xin gà, xin chó – ông nào cũng một vẻ sốt ruột ra ra vào vào, mong như mong mẹ về chợ. Rồi khi vợ tôi về tới, cốp xe mở ra, là mấy ông bợm nhậu ấy lao đến, nhao nhao: Tao lấy con chó vàng… Con gà chọi là của tao… Tao nhận con vịt kia rồi đấy… khiến cho bầu không khí rất náo nhiệt, rộn ràng, ngập tràn tiếng tranh giành, chửi bới, hệt như mấy anh xe ôm ngoài bến xe mỗi lần có xe khách tuyến tỉnh cập bến…
Nhưng cũng chỉ được một vài tuần đầu, bởi càng về sau, lượng chó gà càng ít đi, thậm chí cái lần gần đây nhất, vợ tôi ở quê lên, mở cốp xe ra, chỉ có mỗi con vịt nằm còng queo! Mấy ông bợm nhậu bảo chắc do tay lái của vợ tôi đã điêu luyện hơn, nên tránh được gà, được chó. Còn tôi thì lại nghĩ khác: giống như tôm cá ở biển khơi, nhiều thì nhiều, nhưng nếu khai thác bừa bãi thì cũng tới ngày cạn kiệt; chó với gà ở đường cũng thế, lắm thì lắm, nhưng nếu đâm mãi, thì cũng sẽ đến ngày vắng bóng…
Tôi chợt nhớ tới cái khẩu hiệu vẫn được in trên mấy tấm biển lớn treo bên đường, rằng “An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người”. Quả đúng vậy! Là trách nhiệm của mọi người, chứ không phải trách nhiệm của vợ tôi, nên vợ tôi thích đi thế nào là quyền của cô ấy!
Tác giả: VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO